Tính năng động trong Giáo dục FMI

Theo Bách khoa toàn thư  Giáo dục: tiếng Anh: education với nghĩa chung là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, và thói quen của...


Theo Bách khoa toàn thư  Giáo dục: tiếng Anheducation với nghĩa chung là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, và thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học. Bất cứ trải nghiệm nào có ảnh hưởng đáng kể lên cách mà người ta suy nghĩ, cảm nhận, hay hành động đều có thể được xem là có tính giáo dục.

Theo ông John Dewey (1859 – 1952), nhà triết học, nhà tâm lý học và nhà cải cách giáo dục người Mỹ cho rằng, xã hội không chỉ tồn tại nhờ truyền dạy, nhưng còn tồn tại chính trong quá trình truyền dạy ấy. Như vậy, theo quan điểm của ông John Dewey, ông cũng đề cập đến việc truyền đạt, nhưng ông nói rõ hơn về mục tiêu cuối cùng của việc giáo dục, là dạy dỗ.

Như vậy, có thể kết luận rằng, “giáo dục” là sự hoàn thiện của mỗi cá nhân, đây cũng là mục tiêu sâu xa của giáo dục; người giáo dục, hay có thể gọi là thế hệ trước, có nghĩa vụ phải dẫn dắt, chỉ hướng, phải truyền tải lại cho thế hệ sau tất cả những gì có thể để làm cho thế hệ sau trở nên phát triển hơn, hoàn thiện hơn. Với ý nghĩa đó, giáo dục đã ra đời từ khi xã hội loài người mới hình thành, do nhu cầu của xã hội và trở thành một yếu tố cơ bản để làm phát triển loài người, phát triển xã hội. Giáo dục là một hoạt động có ý thức của con người nhằm vào mục đích phát triển con người và phát triển xã hội.

Trên đây là những khái niệm về giáo dục. Nó được diễn đạt rất hay, rất “thấu tình đạt lý”. Chúng ta cũng có thể đưa ra một khái niệm, nó cũng có thể hay, nhưng thành bại thế nào thì còn là cả một đoạn đường dài, hay cả chính đời người.

“Một chữ cũng là thầy”

Quan niệm xưa cũng như ngày nay, người ta tập trung vào người thầy. Đội ngũ giáo viên luôn giữ vai trò quan trọng trong ngành giáo dục. Trò có giỏi phần lớn là nhờ vào sự quan tâm, dạy dỗ của người thầy. Xã hội đề cao chữ thầy. Không chỉ có học sinh mà ngay cả bậc phụ huynh, họ sẵn sàng đưa đón ở một trường xa nhà, hay đầu tư một khoản lớn hơn để con mình có thể có mặt trong một trường danh tiếng.

Người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, với sứ mạng được nhận lãnh qua Hai Đấng Sáng Lập thì không thể làm mờ đi hai chữ Giáo dục “vẽ vời cho con trẻ biết đàng lên trời”. Chúa Giêsu đã mất bao nhiêu năm để “vẽ đường”? Ngài đã mất 33 năm, Ngài đã mất cả đời và phải đợi đến những nét vẽ cuối cùng chính bằng máu thịt Ngài. Ấy vậy mà thử hỏi còn biết bao người chưa nhận biết Ngài. Bài toán này Chúa dành cho chúng ta, những người được thừa hưởng hồng ân đức tin. Có lẽ Đức Cha Tổ Phụ đã nhận ra được sứ mạng của người môn đệ Chúa. Ngài đã thao thức và thực hiện. Còn bây giờ là đến lượt chúng ta.

Vậy, chúng ta nên bắt đầu từ đâu khi mà xã hội có hàng ngàn lý do biến động thế này, thế kia. Liệu rằng tôi có thể làm được gì? Tôi có gì? Kiến thức, hay năng lực tất cả đều cần thiết nhưng hơn hết phải kể đến phẩm chất của người giáo dục. Người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm làm sao có thể vẽ đường lên trời mà không có trong mình dòng máu của tình yêu? Tình yêu thương đưa giáo dục vào cuộc sống, thổi vào nó một sức sống, để nó được sống chứ không còn nằm trên sách vở. Người CĐMVN không cần phải chờ những giờ lên lớp giảng những bài thật dài, nhiều nội dung hấp dẫn mới gọi là người giáo dục. Mà ngay trong lúc này, đọc một cuốn sách, nói một lời từ tốn, nở một nụ cười, rất đơn giản, vậy là bạn đã cho tôi một bài học, đó chẳng phải là giáo dục sao?

Người làm giáo dục phức tạp song cũng đơn giản như chính cuộc sống. Họ không cần nói cho người khác là họ đang giáo dục, cũng không cần câu chữ văn hoa. Bởi họ chỉ cần sống đúng, sống đẹp. Và ai đó, trong thời khắc nào đó nhận ra họ là người giáo dục, thế là đủ rồi. Từ nhận thức đó người giáo dục sẽ thấm dần bài học trên. Như vậy, họ đã tác động đến người khác một ý thức sống hoàn thiện, góp phần vào mục tiêu sâu xa của ngành giáo dục. Giáo dục tuy khó mà cũng đơn giản.

Các Chị Hưu dưỡng, những con người dâng hiến, đang dần xóa mình đi theo năm tháng. Mắt không còn sáng, giọng không còn trong, bước đi không còn lanh lẹ. Các chị không lên lớp để thuyết giảng hùng hồn như các giáo viên chuyên nghiệp. Nhưng cao cả thay các chị lại có cả trăm bài học để chúng ta học tập. Đó là niềm tin sắt đá, sự chịu khó, lòng kiên nhẫn, đức khiêm nhường, vâng phục. Đó là sự lắng nghe, những câu nói đơn sơ mộc mạc như rút ruột từ những kinh nghiệm quý báu mà phải qua nhiều năm tháng của đời người mới có được. Như thế thì người giáo dục sẽ chẳng có ngày gọi là nghỉ hưu.

Mỗi người, dù là nhà giáo dục, dù là Con Đức Mẹ Vô Nhiễm thì cũng đã là những học trò của biết bao cuộc đời khác, ngay cả với thế hệ sau như câu nói bất hủ của một vĩ nhân “mỗi người đều có cái cho ta học hỏi”.

Là người giáo dục chúng ta bước ra mỗi ngày. Mỗi bước đi đều cho thấy sự đổi mới. Xã hội thay đổi, con người cũng thế. Giáo dục thời nay phải cho thấy những bước đi mới, nơi đó giá trị con người được đặt đúng mức. Nơi đó đảm bảo sự công bằng, văn minh và tình thương. Mớ kiến thức có thể chưa đủ với thời đại và con người hôm nay. Vì vậy, việc học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực là điều không thể thiếu. Người Con ĐMVN lại càng trưởng thành hơn khi đề cao ý thức tự đào luyện và mang trách nhiệm chính về việc huấn luyện đó (x.LS.109). Ý thức như vậy, công tác giáo dục của người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày càng được lưu tâm. Một khi nhiệt tâm, nhiệt thành, dùng hết khả năng sức lực cộng tác vào chương trình của Chúa Thánh Thần là chúng ta đã đang làm đúng vai trò của người Kitô hữu. Có làm gì, nói gì thì cũng không quên mục đích cuối cùng của người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm là vẽ đường lên trời cho con trẻ, trong đó lại có biết bao người lớn mà vẫn còn là “những đứa con” chờ được sinh ra trong Thánh Thần. 

Bút Chì Cùn

(Tập Sinh II)