Bài giảng của Linh Mục Giuse Ngô Sĩ Đình OP, trong Thánh Lễ Hồng Ân Tiên Khấn FMI, ngày 2.8.2016

Kính thưa cộng đoàn! Nếu được phép hỏi các chị tuyên khấn hôm nay về lý do đi tu thì có lẽ sẽ nhận được các câu trả lời rất khác...


Kính thưa cộng đoàn!

Nếu được phép hỏi các chị tuyên khấn hôm nay về lý do đi tu thì có lẽ sẽ nhận được các câu trả lời rất khác nhau, thậm chí 20 lý do khác nhau. Có thể là do bộ áo dòng dễ thương, dáng các nữ tu thanh thoát thánh thiện, có thể là muốn cầu nguyện cho gia đình (thưa quí ông bà cố lý do này không ít đâu, tôi xin bảo đảm với ông bà Cố là con gái của ông bà Cố cũng muốn đi tu để cầu nguyện cho gia đình đó ạ), cũng có những lý tưởng cao hơn, chẳng hạn mơ ước đi truyền giáo ở các vùng xa xôi, chia sẻ cảnh nghèo với người dân quê… lý do nào cũng chính đáng và tốt đẹp, ít là lúc đầu.

Nhưng dần dần những lý do đó cần được thanh tẩy để trở về với một lời mời gọi căn bản hơn như đức Kitô đã nhắn nhủ người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay: từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Đó là ý nghĩa nền tảng nhất của ơn gọi tu sĩ. Theo Chúa Kitô để sống như Ngài, nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Người thanh niên hỏi ý kiến Đức Kitô làm thế nào để được sống đời đời. Đó cũng là điều mà tất cả chúng ta đã thỉnh nguyện vào ngày lãnh bí tích rửa tội. Thừa tác viên thay mặt Hội Thánh hỏi thụ nhân xin gì cùng Hội Thánh Chúa? - Thưa con xin Ðức Tin. - Ðức Tin sinh ơn ích gì cho  con? - Thưa Ðức Tin đem lại cho con sự sống đời đời.

Xin sự sống đời đời, nhưng cuối cùng lại được mời gọi đi theo Chúa. Bài Tin Mừng kể lại Đức Kitô nhắc người thanh niên phải giữ các điều răn. Nhưng sau đó Ngài lại mời gọi anh nếu muốn nên hoàn thiện, hãy về bán hết sản nghiệp rồi đi theo ngài. Thiết tưởng không có cấp độ giữa điều anh xin lúc đầu là sự sống đời đời, với điều đức Kitô đòi hỏi anh nếu anh muốn nên hoàn thiện. Cũng không nên dựa vào đoạn Tin Mừng này để nói rằng ơn gọi tu sĩ hoàn thiện hơn ơn gọi giáo dân. Đức giáo hoàng Phanxicô trong bài nói chuyện với các tu sĩ tháng 11/2013 đã khẳng định “bước theo Đức Giêsu cách triệt để thì không phải chỉ dành riêng cho người tu sĩ, mọi người đều được mời gọi sống như thế. Nhưng người tu sĩ đi theo Chúa Kitô bằng một cách thức riêng biệt, cách thức ngôn sứ.” Ngài muốn nói rằng, người giáo dân sống Tin Mừng theo cách Nước Trời còn diễn tiến trên trần gian, còn người tu sĩ trong khi sống trên trần gian này còn được mời gọi làm ngôn sứ cho Vương quốc ngày cánh chung. Và ngài gọi đó là sứ vụ đánh thức thế giới.

Hãy về bán hết gia tài rồi theo tôi. Đó là một cuộc lên đường thực sự đi theo Đức Kitô, Đấng đến để tìm kiếm con người. Đi theo đức Kitô đòi hỏi phải từ bỏ sự an toàn để chấp nhận phiêu lưu với Ngài. Người tu sĩ được mời gọi lên đường, không phải chỉ từ giã gia đình bạn bè để lên đường vào nhà dòng, không phải chỉ lên đường thi hành sứ vụ của hội dòng, người tu sĩ còn được mời gọi lên đường để làm chứng cho giá trị Nước Trời sẽ đến. Lên đường là một kiểu nói rất hấp dẫn. Các nhà giáo dục dạy người trẻ lên đường. Các nhà cách mạng cũng hô hào lên đường (có khi xuống đường!). Giáo hội cũng mời gọi con cái mình lên đường, theo mẫu gương tổ phụ Abraham, của Môisen, của Đức Maria...

Cuộc lên đường nào cũng đòi hỏi người ta dám chấp nhận bấp bênh. Nhưng đó là sự liều lĩnh cần thiết để được sống. Trong bài nói chuyện với các giáo lý viên tại thính phòng Phaolô VI ngày 27/9/2013, đức giáo hoàng Phanxicô đã so sánh hai kiểu sống. Một là kiểu sống của những người dám mạo hiểm lên đường chấp nhận hiểm nguy, hai là kiểu của những người sợ hãi không dám lên đường, và do đó, sống trong sự khép kín. Một căn phòng kín, sẽ trở nên ẩm thấp, không khí sẽ bị ô nhiễm. Ngài nói: “Khi một Kitô hữu đóng kín trong nhóm của mình, trong giáo xứ của mình, trong phong trào của mình, người ấy bị đóng kín và ngã bệnh.” Còn chấp nhận lên đường, tuy cũng đặt người ta trước những hiểm nguy. “Nhưng - ngài tiếp - tôi ngàn lần thà có một Hội Thánh bị thương tích vì tai nạn hơn là một Hội Thánh khép kín nên bệnh hoạn !”

Một lát nữa đây, chúng ta sẽ được chứng kiến một nghi thức tuy đơn sơ nhưng thật ý nghĩa. Khởi đầu nghi thức tuyên khấn, chị em sẽ được mời gọi lên đường qua nghi thức xướng danh. Đây không phải chỉ là một nghi thức trình diện, điểm danh, nhưng đúng hơn là lời của Nhà dòng, và qua Nhà dòng, lời của Giáo hội, mời gọi từng chị em lên đường. Cảm ơn sự sẵn sàng của các chị đáp lại tiếng mời gọi lên đường.

Qua lời tuyên khấn, người tu sĩ sẵn sàng lên đường từ bỏ những thứ vốn đem lại cho con người một sự bảo vệ an ổn. Sự an toàn của ý riêng, Sự an toàn của tài sản riêng, Sự an toàn của tình cảm và của một gia đình riêng. Lời khấn đặt người tu sĩ trước sự bấp bênh của hành trình lên đường.

Nhìn rộng ra, không phải chỉ người tu sĩ mới được Tin Mừng mời gọi lên đường để được sống. Tất cả mọi kitô hữu cũng đã lên đường từ ngày lãnh bí tích rửa tội. Có thể nói mọi người Kitô hữu đều đã từng tuyên khấn. Lời khấn của người tu sĩ là một cách thức thực hiện cuộc lên đường của bí tích rửa tội. Do đó có người giải thích từ tu sĩ theo ngôn ngữ tây phương, religiosus gồm hai thành tố religare. Ligare là nối kết và Re là lặp lại. Người tu sĩ là người nối kết lại một lần nữa những gì họ đã “tuyên khấn” ngày lãnh bí tích rửa tội.

Lên đường là chấp nhận bấp bênh. Nhưng một bấp bênh khác cũng khiến người tu sĩ xao xuyến không ít, đó là bấp bênh trong việc người tu sĩ nhận ra tiếng gọi của Chúa. Điều đó khiến họ xao xuyến. Để trấn an cho các môn đệ được mời gọi bước theo Thầy trên con đường thập giá, trong bữa tiệc ly khi tâm hồn Thầy trò đều tràn ngập xao xuyến, đức Kitô đã khẳng định: Không phải anh em đã chọn thầy, nhưng chính thầy đã chọn anh em. Xác tín đó rất cần thiết cho cuộc đăng trình của người tu sĩ.

Tâm sự sau đây của một tập sinh có thể diễn tả tâm trạng chung của tu sĩ:“Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con. Ngài đã kéo con ra khỏi những gì là của con… vì tình yêu, con đã theo Ngài vào sa mạc, để cùng Ngài thố lộ tâm tình. Để cùng ngài san sẻ những buồn vui cuộc sống.” Nhiệt tình đến thế, xác tín đến thế, nhưng sau đó anh phải thú nhận: “Vậy mà Chúa ơi, Ngài ở đâu rồi ? Con đi tìm Ngài mà chẳng thấy ! con lắng tai nhưng chẳng nghe thấy tiếng Ngài ! Sao Ngài bỏ con giữa sa mạc cô liêu…” Ngài để họ đi giữa sa mạc cô liêu, vì đó là con đường tình yêu.

Câu chuyện ơn gọi của cậu Samuel dường như cũng diễn tả tính bấp bênh của “sa mạc cô liêu đó”. Bề ngoài có vẻ như đây là một ơi gọi tỏ tường, một kinh nghiệm mà các tập sinh muốn có. Nhưng thiết tưởng ơn gọi của cậu cũng không rõ ràng lắm đâu. Có những điều khiến cậu phải hoang mang. Ba lần bảy lượt cậu mới nhận ra tiếng Chúa. Thực vậy, Sách Samuel kể cậu được trao cho một cụ già chăm sóc. Đáng thương hơn nữa, mắt cụ Hêli đã loà và không còn thấy được. Một người mắt loà không thấy được, lại được Chúa trao trách nhiệm hướng dẫn Samuel. Trong hoàn cảnh đó, ơn gọi của Samuel phải diễn ra trong sự phó thác và tin tưởng. May mà còn một chút ánh sáng. Sách Thánh kể đèn chầu trong đền thờ chưa tắt. Ai đã chăm sóc đèn, tô thêm dầu, khơi tim đèn để đèn chưa tắt, nếu không phải là Samuel.

Phải đến lần thứ ba, cụ già Hêli mới giúp cậu nhận ra được tiếng Chúa. Cũng phải cảm thông cho cụ. Tuổi già giấc ngủ như sương, mà “chú tiểu đồng” cứ quấy rầy mãi! Thế mà Hêli vẫn hết sức kiên nhẫn. Các chị khấn sinh hôm nay sẽ tiếp tục chương trình thụ huấn với những vị được nhà dòng uỷ thác. Nhưng cho dù nhà huấn luyện tài giỏi và kinh nghiệm đến đâu đi nữa, thì trước huyền nhiệm ơn gọi ai cũng cảm thấy mình mù loà như Hêli. Rất cần sự cộng tác của các người thụ huấn, ít là giữ gìn chút ánh sáng như cậu Samuel chăm sóc ngọn đèn dầu trong đền thờ.

Samuel nghe tiếng Chúa gọi giữa đêm khuya, đó cũng là thân phận của người tu sĩ đi theo tiếng Chúa. Thậm chí không có âm thanh để nghe, không có hình ảnh để nhìn, không có vật chất để đụng chạm. Các nhà tu đức hay ví cuộc gặp gỡ của người Kitô hữu và cách riêng người tu sĩ trước tiếng gọi của Chúa giống như hai người hôn nhau. Càng cúi xuống gần nhau để hôn, thì càng ít thấy được người mình hôn. Và khi cúi sát vào nhau thì hầu như không còn nhìn thấy gì nữa ! Trong đời sống siêu nhiên cũng vậy. Càng đi theo Chúa thì phải chấp nhận một tiếng gọi mờ nhạt thậm chí không còn nghe thấy gì nữa. Lúc đó Chúa đang ở sát chúng ta.

Huyền hoặc quá chăng. Thưa không. Cha Timothy Radcliffe so sánh tiếng gọi của Chúa không giống như khi chúng ta nghe điện thoại reo lên và chúng ta biết có người đang nối kết đường dây với chúng ta. Tuy vậy, nếu chúng ta không nghe được Chúa nói bằng âm thanh ngôn từ, thì chúng ta cũng có thể khám phá ra tiếng gọi của ngài khi đọc Sách Thánh. Khi đọc Sách Thánh, chúng ta nhận ra chính chúng ta đang được yêu thương và được mời gọi qua các nhân vật trong đó. Cũng có niềm vui, cũng có nỗi buồn, cũng có thành công, cũng có thất bại… cũng có người mù, cũng có người phong cùi bại liệt, cũng có phụ nữ Samari, cũng có Phêrô phản bội… nhìn vào ơn gọi của các vị chúng ta sẽ thấy rõ hơn ơn gọi của chúng ta.

Kính thưa cộng đoàn!

Tâm sự của người tập sinh mà tôi trích ở trên được tiếp nối bằng những lời van xin Thiên Chúa đừng bỏ rơi, và nài nỉ cầu xin Ngài trợ lực. Sau những năm dài tìm kiếm, thời gian thanh tuyển, tập viện, sứ vụ… tiếng nói của tình yêu vẫn còn là điều mà người khấn sinh phải tiếp tục lắng nghe trong từng biến cố cuộc đời mình. Đó cũng là điều mà cộng đoàn hôm nay hiệp ý với 20 người chị em sắp tuyên khấn đây để cầu xin Chúa giúp cho các chị xác tín hơn vào ơn gọi của mình, và cũng là lời cầu xin tha thiết cho mỗi người trong chúng ta can đảm dấn bước theo tiếng gọi của Ngài.

Linh Mục Giuse Ngô Sĩ Đình - OP