Giờ Tưởng Niệm Lễ Giỗ Đức Cha Chabanon tối 3.6.2015

Kính lạy Đức Cha kính yêu, kể từ ngày 24.4.1936, Cha rời Việt Nam về Pháp chữa bệnh, các chị tiền bối chúng con không còn gặp lại Cha...


IMG_2917

Kính lạy Đức Cha kính yêu, kể từ ngày 24.4.1936, Cha rời Việt Nam về Pháp chữa bệnh, các chị tiền bối chúng con không còn gặp lại Cha nữa. Phần mộ của Đức Cha cũng ở thật xa chúng con. Năm qua tháng lại, hình ảnh Đức Cha không xóa nhòa nhưng ngày càng rõ nét hơn trong đời sống của mỗi người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Đức Cha vẫn sống trong lòng thương mến của chúng con, vẫn hiện diện trong những thăng trầm của Hội Dòng, vẫn đồng hành khi từng chị từng em chúng con “thật sự ao ước sống trọn lành”, và “phấn đấu để trung thành với ý hướng và tinh thần” của Cha.

Chúng con nhớ về Cha khi lần giở lại từng trang Luật Tiên Khởi, qua những câu chuyện các chị kể, qua lòng biết ơn, niềm tự hào…

Một lần nữa chị em chúng con lật lại từng trang tiểu sử của Đức Cha để nhớ, nghĩ và cảm nghiệm về một tình yêu – tình yêu thôi thúc Cha đến mảnh đất kinh đô Huế này, cụ thể và sống động bằng trọn một đời hy sinh tận tụy đến quên mình.

Xin dâng lên Đức Cha tâm tình yêu mến của từng chị em chúng con đang từng bước nhỏ theo gương sống của Đức Cha.

Ngước trông Cha, tình con dâng vời vợi,

Ước cuộc đời con thấm nét Cha yêu,

Đặc sủng qua Cha, xin tràn đổ phong nhiêu,

Cho con cái sống trọn điều Cha ước. 

*Tiểu sử Đức Cha Chabanon

1.Thân thế và sự nghiệp

Đức Cha Alexandre Paul Marie Chabanon sinh ngày 7.7.1873, tại Antrennes, Địa phận Mende, Nước Pháp; là con thứ hai trong gia đình có ba chị em, em trai là Sư huynh Jean Baptiste thuộc Dòng Lasan, từng đến dạy ở trường Pellerin Huế và qua đời tại đó. Cậu bé Chabanon được thừa hưởng những đức tính tinh thần cao đẹp của mẹ. Cậu thông minh và có lòng đạo đức sâu sắc.

18 tuổi, được vào Đại chủng viện Mende và sau một thời gian, thầy Chabanon xin gia nhập Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris.

Hai tháng sau khi được thụ phong linh mục, ngày 26.8.1896 vị linh mục trẻ Chabanon cùng với 8 linh mục khác rời Paris sang Việt Nam, lúc 23 tuổi .

Đến Huế, Đức Cha Caspar đặt ngài làm cha phó Giáo xứ Cố Vưu. Ba năm sau, ngài là Giám đốc Đại chủng viện Phú Xuân trong 6 năm. Những năm tiếp theo, ngài làm cha xứ Tam Tòa, Di Loan, Cửa Tùng, Quảng Bình kiêm Hạt trưởng Đất Đỏ và Tổng Đại diện Giáo phận. Năm 1918, ngài làm Bề Trên Đại chủng viện và linh hướng cho Dòng Kín Carmel.

Năm 1920, được Đức Cha Allys giao nhiệm vụ đào tạo các nữ tu đầu tiên Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Từ tháng 6.1931, Đức Cha Allys từ chức, Đức Cha Chabanon thay thế cai quản Địa phận. Ngài là vị Giám mục thứ 6 của Giáo phận Huế kể từ ngày biệt lập năm 1850.

Kính lạy Đức Cha khả ái hôm nay chúng con hồi tưởng những bước chân âm thầm đầy  nhiệt huyết với ước mong được sống, chết cho công cuộc loan báo Tin Mừng mà Cha đã đi qua. Hòa với lửa yêu mến nhiệt thành đó chúng con xin dâng lên Cha tất cả mầm non ơn gọi của Hội Dòng, kính xin Cha chuyển cầu cùng Chúa để tình yêu Ngài thúc bách, đốt nóng lửa dấn thân, quảng đại sống đời dâng hiến trong tâm hồn các bạn trẻ, để các bạn thêm kiên vững, giàu nghị lực sống thánh ý Chúa ngày một hơn.

IMG_2919

2.Bình diện Nhân bản: Trầm lặng quên mình

Khiêm nhường và giản dị, trầm lặng và quên mình, Đức Cha Chabanon sống âm thầm và làm việc không mỏi mệt. Phòng ở của Đức Cha đơn sơ, Cha ăn mặc đơn giản với chiếc áo choàng bạc màu, một đôi giày, một đôi tất mạng đi mạng lại nhiều lần. Chẳng bao giờ người ta nghe thấy ngài bất bình về vấn đề gì hay về ai. Ngài rất nghiêm khắc với chính bản thân. Cơn sốt rét cũng không làm cho Ngài thay đổi điều gì trong đời sống hằng ngày…

Trong vai trò bề trên của Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Cha như một người cha, người mẹ, dịu hiền và kiên nhẫn, đã là một an ủi lớn lao cho chị em thơ ngây trong bước đầu. Các chị ghi lại: “Hình ảnh hiền từ trầm lắng của Đức Cha in sâu trong tâm trí chị em”.

Cám ơn Đức Cha đã thật sự quên mình, quên những bệnh tật, những vất vả, những lo lắng riêng cho bản thân; quên khoảng cách giữa một con người Pháp văn minh với những con người An Nam ít học; quên khoảng cách của một cố Tây đa năng thông minh với một nhóm nữ tu bản xứ ngô nghê thuở đầu; quên những khác biệt về tuổi đời, về văn hóa, về nhận thức.

Kính lạy Đức Cha kính yêu, chị em chúng con, trong đời sống cộng đoàn, chúng con luôn mãi cần những sự quên mình như thế. Thật không dễ gì để quên mình và sống trầm lặng nếu chúng con không chịu để cho tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách. Nguyện xin Đức Cha cầu bầu để chúng con nghe được lời tình yêu trong lòng hầu dám dấn thân vì một tình yêu vị tha và quên mình.

3.Bình diện Tu đức: Đời sống nội tâm sâu xa

Là một con người đa năng, uyên thâm về học vấn, thế nhưng Cha đã sống một cuộc đời khiêm tốn và trầm lặng đến lạ thường. Đúng như câu châm ngôn Cha đã chọn từ khi còn là chủng sinh và đã trở thành quy luật sống trong suốt cuộc đời: “Yêu thích ẩn dật và kể mình bằng không”. Con người của Cha chiếu tỏa một đời sống nội tâm sâu xa, được thể hiện phần nào qua những điều Luật Tiên Khởi Cha để lại:

“Cho đặng giữ lời khấn tấn tới trong đàng nhân đức, cùng nên trọn lành cho xứng bậc mình, chị em phải năng tìm đến chính mạch mọi ơn, là siêng năng đọc kinh cầu nguyện. Cho nên trong các việc bổn phận chẳng có sự gì chị em phải lấy làm trọng và cần cho bằng các việc thờ phượng Đức Chúa Trời.”

Chúng con cám ơn Cha đã để lại cho chúng con tấm gương sáng ngời về đời sống nội tâm sâu xa trong bình diện tu đức, như một món quà tinh thần vô giá. Xin khắc ghi lời tâm huyết Đức Cha mong ước thiết tha cho từng chị em chúng con. Xin cho chúng con biết trân trọng đón nhận bằng cách nỗ lực sống kết hiệp mật thiết với Chúa ngày một hơn, để xứng đáng là những người con ngoan thảo của Cha.

IMG_2939

4.Bình diện Tông đồ: Hy sinh vì yêu mến

Đức Cha Chabanon là vị tông đồ nhiệt thành, nung nấu bởi tình yêu Chúa Ki-tô. Ngài xác tín việc tông đồ phải xuất phát từ một đời sống kết hiệp với Chúa, nên Ngài chăm lo thánh hóa bản thân các giáo dân và những người ngài có trách nhiệm giáo dục. Suốt đời ngài ngài ưu tư rất nhiều về vấn đề huấn luyện, hao mòn vì công việc tông đồ, không kể gì đến sức khỏe, chẳng nghĩ chi đến bệnh tật của mình.

40 năm âm thầm truyền giáo trên đất Việt;

40 năm sống nghèo giữa những con người nghèo;

40 năm kết dệt một trái tim vàng:

một trái tim được thúc bách bởi tình yêu Chúa;

một trái tim tận tụy và kiên nhẫn với tha nhân;

một trái tim ẩn dật và kể bằng không nơi chính mình.

Kính lạy Đức Cha, tình yêu thật sự không kể đến những hy sinh, hy sinh đến quên mình, hy sinh đến chết như gương Thầy Chí Thánh. Khi nhìn ngắm hồn tông đồ nơi Đức Cha, chúng con cảm nghe một tình yêu, tình yêu ấy hôm nay cũng đang sống động trong tâm hồn chị em chúng con, ngang qua những thao thức trong sứ vụ tông đồ, những dấn thân đầy nhiệt huyết dễ nhận thấy bên ngoài, lẫn những bước vươn lên trong khiêm tốn và thầm lặng. Nguyện xin Đức Cha chúc lành và bầu cử cho mỗi người con cái, trong ưu tư đem Chúa đến cho tha nhân, dám sống vì tình yêu Đức Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại vì mỗi người.

5.Cuối đời

Đã nhiều tháng, người ta thấy sức khỏe Đức Cha xuống hẳn, chính Ngài cũng cảm thấy mình kiệt sức. Tháng 3.1936, sức khỏe Đức Cha chỉ còn đếm từng ngày nếu không chịu đi Pháp… Vâng lời để lên đường… Và đó cũng là lần cuối cùng Đức Cha ra đi không bao giờ trở lại…

Vị linh mục trẻ Chabanon đã âm thầm đặt chân đến vùng đất truyền giáo Huế, lúc mới 23 tuổi, những ước mong được sống và chết cho công cuộc loan báo Tin Mừng nơi đây. Tuy nhiên, Chúa quan phòng có một đường lối khác cho ngài. Căn bệnh hiểm nghèo bắt buộc ngài phải rời xa đoàn chiên ngài đã từng gắn bó suốt 40 năm để về lại Pháp điều trị.

Tại bệnh viện Saint Joseph, thành phố Marseille, nước Pháp, ngày 4.6.1936, vị Giám mục, nhà truyền giáo khiêm tốn đã ra đi về nhà Cha trong âm thầm, lặng lẽ như chính cuộc sống của ngài.

Mọi người thương mến và cảm phục về những đức độ cao đẹp của Đức Cha: giản dị, hiền hòa, điềm đạm, luôn kiên vững, giàu nghị lực, ân cần, kiên nhẫn và một năng lực bình lặng tuyệt vời. Đằng sau dáng vẻ tưởng chừng lạnh lùng, ẩn dấu bên trong một trái ấm áp tình cha, thấm đượm tình người.

Kính lạy Đức Cha kính yêu, giờ này chị em chúng con trầm lặng trước di ảnh Đức Cha, lòng không khỏi nghĩ đến tâm trạng của các chị tiền bối 79 năm về trước. Cách nhau chưa đầy 2 tháng, chị em chúng con tiễn biệt 2 Đấng Sáng Lập. Nỗi mất mát quá lớn lao…

95 năm qua, Hội Dòng đã thật sự đối diện với những niềm đau của chia ly, mất mát lẫn thất bại. Ngang qua những cụ thể bên ngoài ấy vẫn đọc thấy sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Dòng, là tình Trời và tình người: tình Chúa quan phòng, dẫn dắt trong đặc sủng; tình người đáp trả trong mến yêu, bằng tín trung, năng động và sáng tạo.

Trước tòa Chúa, nguyện xin Đức Cha cùng chúng con dâng lời tạ ơn về hành trình đã qua của Hội Dòng, xin chuyển cầu cho từng chị em chúng con hân hoan tiếp nối linh đạo và sứ mạng trong đặc sủng yêu thương.

Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu, khi xưa, tình yêu Chúa đã hằng thúc bách người cha kính yêu của chúng con, Đức Cha Alexandre Paul Marie Chabanon, Ngài đã sống trọn tình yêu ấy cho Giáo Hội, cho Giáo Phận Huế và đặc biệt cho Hội Dòng chúng con. Giờ đây, xin tình yêu Chúa cũng thúc bách chị em chúng con, thúc bách trong từng suy nghĩ, từng lời nói và hành động để chúng con can đảm sống thể hiện những nét đặc trưng của người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.

(Lớp Đại Tập 2015 )