Niềm tin vào hiện hữu đời sau

Tháng 11 heo may lại về, phút giao mùa giữa thu sang đông sang mà tha thiết lòng người đến thế? Sắc trời ảm đạm với những cơn mưa dai dẳng...


Tháng 11 heo may lại về, phút giao mùa giữa thu sang đông sang mà tha thiết lòng người đến thế? Sắc trời ảm đạm với những cơn mưa dai dẳng càng làm tăng thêm nỗi u sầu của lòng người khi phải chứng kiến nhiều nỗi đau, mà điều khủng khiếp nhất là sự ra đi vĩnh viễn của người thân.

Tháng 11, Giáo Hội Công Giáo mở kho tàng ân phúc của Chúa tạo cơ hội để các tín hữu hướng lòng về người đã khuất. Đây cũng thường là thời gian làm sống lại trong ta bao kí ức về những người thân yêu đã lần lượt từ giã ra đi. Đứng trước quy luật nghiệt ngã của tang tóc đau thương, của ly biệt, của những giọt nước mắt trải dài cuộc sống là cái chết, con người dường như cảm thấy hụt hẫng và bất lực hoàn toàn. Nhiều câu hỏi “tại sao” vẫn luôn được đặt ra trước thái độ đón nhận cái chết của người Công Giáo. Vì niềm tin vào hiện hữu đời sau làm nên hy vọng đích thực cho những người tin vào Đức Kitô Phục Sinh.

  1. Niềm tin vào hiện hữu đời sau làm thỏa mãn khát vọng sống mãi của con người. Càng sống, ta càng chứng kiến thêm sự ra đi vĩnh viễn của những người thân. Cuộc đoàn tụ gia đình cứ ngày càng trống dần những cái ghế. Ta mơ sao một ngày đoàn tụ! Niềm tin vào hiện hữu đời sau cho ta niềm hy vọng tràn đầy vào một ngày đoàn tụ viên mãn. Chết không phải là ra đi vĩnh viễn, mà là một hành trình trở về quê hương đích thật và bước vào cuộc chiến thắng mới với Đức Kitô. Nơi đó sẽ lấp đầy khát vọng sống mãi trong ta, bởi “chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống…” (Ga 11,25). Ta vui mừng và hy vọng vì hứa hẹn một cuộc đoàn tụ tròn đầy trên quê trời như Đức Giêsu đã nói: “Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con…” (Ga 17,24).
  2. Niềm tin vào hiện hữu đời sau là nền tảng cho luân lý xã hội. Bất cứ một nền đạo đức luân lý đích thật nào cũng phải được đặt nền tảng trên ba điều cốt yếu: Niềm tin vào Thiên Chúa; niềm tin vào hiện hữu đời sau; và sự tự do đúng đắn. Khi con người cho rằng mình là trên hết và mọi sự sẽ hoàn toàn chấm dứt ngay sau cái chết, thì các giá trị đạo đức sẽ sụp đổ. Con người sẽ không trừ một thủ đoạn nào nhằm đạt được khát vọng bản năng của mình. Còn ai sợ gì đâu mà không tranh giành, bon chen, lấn lướt. Họ sẵn sàng chà đạp lên người khác, hủy hoại sự sống và chẳng biết đến tiếng lương tâm là gì. Tin vào hiện hữu đời sau và vào một Đấng làm chủ trên tất cả giúp con người điều chỉnh cuộc sống của mình, bởi mọi sự không hoàn toàn chấm hết ngay sau ngày hôm nay.
  3. Niềm tin vào hiện hữu đời sau nhân bản hóa các mối tương quan. Thật vậy, niềm tin đích thực vào hiện hữu đời sau là suối nguồn đem lại sự kính trọng và hòa hợp, khống chế bạo lực và các xung đột giữa con người trong xã hội, làm cho xã hội được tốt hơn, đẹp hơn. Hiện hữu đời sau làm thăng tiến các mối tương quan hiện tại, trong ý hướng tính tốt lành của nó. Bởi điều được xem là “không thể biết” của hiện tại sẽ bị bóc trần trong ngày ta diện đối diện với Đấng là Chân-Thiện-Mỹ, vì chẳng có gì là bí mật trước mặt Thiên Chúa. Tin vào hiện hữu đời sau giúp ta thanh luyện ý hướng của mình trong mọi việc, ngay cả những điều xem ra bình thường, nhưng được làm với một “trái tim phi thường”.

Tháng 11, hướng lòng về những người đã khuất, nhưng cũng là dịp giúp những người đang lữ hành trên trần thế nhìn lại cuộc sống của mình, để thấy rõ những giới hạn của phận người, của bản thân và tính bất định của sự sống. Con người ta thường mang trong mình một nghịch lý, khi sống thì hời hợt, đến khi cái chết cận kề lại xót xa nuối tiếc: “giá như được sống thêm một thời gian, chắc chắn mình sẽ nỗ lực gấp đôi, yêu thương gấp đôi, làm việc gấp đôi, phục vụ gấp đôi, cảm thông gấp đôi…” Tại sao ngay bây giờ, ta không dấn thân và sống thật trọn vẹn, để khi cái chết đến dù bất ngờ, ta bình an thưa lên: “Lạy Chúa, con đã làm xong rồi”. Vậy ngay từ bây giờ, ta phải làm gì để thể hiện điều mình muốn sống với Chúa sau khi chết?

Maria Đặng Thị Lĩnh-FMI

(Suy tư theo đề tài tĩnh tâm tháng 11- Kinh Viện FMI vùng Sài Gòn)