Lương tâm Kitô giáo

Công Đồng Vaticano II đã tuyên bố rất sâu sắc về lương tâm. Lương tâm chính là nơi bí mật nhất, là cung thánh của con người. Đây là nơi...


Công Đồng Vaticano II đã tuyên bố rất sâu sắc về lương tâm. Lương tâm chính là nơi bí mật nhất, là cung thánh của con người. Đây là nơi họ được ở một mình với Thiên Chúa, Đấng vẫn không ngừng lên tiếng trong lòng họ. Lương tâm mặc khải cách tuyệt vời một thứ lề luật chỉ có thể hoàn tất bằng lòng yêu Chúa và yêu người (Mt 22,37-40; Ga 5,14). Vậy để hiểu lương tâm là gì? Thế nào là lương tâm đặc trưng Kitô giáo? Phải huấn luyện lương tâm như thế nào? Hơn ai hết chúng ta phải hiểu và sống đúng căn tính lương tâm của mình.

Lương tâm, theo tiếng Latinh là cum (cùng nhau) và scientia scire (biết). Lương tâm là khả năng luân lý của con người, là cõi thẳm sâu và cung thánh của họ, trong cung thánh ấy con người biết được mình nhờ đối diện với Thiên Chúa và đồng loại. Lương tâm giúp ta biết cái gì tốt, cái gì xấu nhờ lời mời gọi của Ngôi Lời vang dội trong lòng ta, ta sống được là nhờ Ngài. Bên cạnh đó, lương tâm giúp ta ý thức rằng cái tôi đích thực của ta được gắn kết chặt chẽ với Đức Kitô và ta có thể tìm được tên gọi độc đáo của mình bằng cách lắng nghe và đáp lại Đấng đang gọi đích danh ta. Tự mình, lương tâm chỉ là chiếc đèn chưa được thắp sáng. Lương tâm đón nhận sự thật từ Đấng là sự thật và là sự sáng, nhờ Người lương tâm trở nên chói chang, ấm cúng.

Lương tâm và việc sống có lương tâm của một Kitô hữu đã được đánh dấu bằng việc gặp gỡ Đức Kitô, bằng niềm vui được là tạo thành mới trong Đức Kitô, bằng việc họ nhận biết Cha và anh chị em mình nhờ Đức Kitô và bằng việc trao hiến toàn thân cho Đức Kitô, Đấng vẫn đang lôi kéo ta về với Cha. Trong đó, nền tảng và sự vững chắc của lương tâm Kitô giáo nằm trong đức tin. Đức tin ở đây là những gì đem lại sự toàn diện cho lương tâm và sự vững chắc cho chọn lựa căn bản của Kitô hữu, sẽ khơi dậy trong ta một khát vọng sâu sắc muốn biết Đức Kitô, nghĩa là gắn bó với Ngài. Nhờ đó, ta yêu mến, khát khao Lời Chúa, tham dự và sống các bí tích, đời sống cầu nguyện của ta được lớn lên trong mối tình thâm sâu với Đức Giêsu. Đức tin ta được lớn lên đánh dấu bằng lòng biết ơn và niềm vui khiến đời ta có hướng đi và sức mạnh. Hơn nữa, lương tâm Kitô giáo còn được đánh dấu bằng lòng tin vào Chúa Thánh Thần và lòng biết ơn, bao giờ cũng giữ trong ta một mức độ của Thần Khí và giải thoát ta khỏi sự ích kỷ. Sống dưới chế độ ân sủng giúp người Kitô hữu tránh được thái độ vụ luật để dấn thân cho Chúa cách trọn vẹn hơn và qui hướng về anh chị em mình như chính Thiên Chúa qui hướng về ta. Đồng thời, ta khám phá ra rằng mọi sự ta là và mọi cái ta có đều là dấu chỉ của tình Chúa thương ta. Hơn nữa, sự khôn ngoan tỉnh thức làm cho lương tâm biết khéo léo, tế nhị trong mọi hoàn cảnh và trong những biến cố rắc rối khiến người ta phải bối rối nhất, vẫn đọc ra ý nghĩa của các thời cơ và nhu cầu bất kể những đen tối nảy sinh từ các tội lỗi của quá khứ và từ những cám dỗ của thế giới tội lỗi này.

Một điều nữa ta phải có thái độ phê phán dưới con mắt của Thiên Chúa, trong mọi sự chúng ta phải biết phê phán, góp ý để xây dựng cho phù hợp chứ không mỉa mai, châm chích. Sự phê phán của ta phải chi tiết rõ ràng và bao giờ cũng chỉ mong sự tốt đẹp. Còn lúc nào cũng sặc mùi căm ghét, thì phê bình sẽ là một tội. Đồng thời, ta biết chấp nhận sự phê bình của tha nhân và nhìn nhận những khuyết điểm và lầm lỗi của ta. Những điều này sẽ vô nghĩa nếu ta không thiết lập một nấc thang giá trị là chúng ta phải yêu mến Lời Chúa vì chính lời Ngài sẽ rộng đường cho ta biết phán đoán đúng sai, tốt xấu. Không có Lời Chúa ta sẽ như đêm đen không lối đường. Một lương tâm đặc trưng Kitô giáo biết cắm rễ thật sâu trong Đức Kitô, ý thức về sự hiện diện của Người và các ân sủng Người ban, sẵn sàng liên kết với Người trong tình yêu Người dành cho mọi người. Như là một sự đáp trả xứng hợp với tình yêu, ân sủng của Người và với nhu cầu của anh chị em mình.

Lương tâm được phú bẩm cho mỗi người như là hạt giống, là mầm được gieo để trở thành người thiện, người đạo đức. Vì lương tâm có thể sai lầm và có khi trở thành mù quáng, nên việc huấn luyện lương tâm là rất cần thiết và phải theo đuổi suốt đời: “Lương tâm phải được huấn luyện và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được huấn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn (GLCG số 1783-1784): Việc đầu tiên để huấn luyện lương tâm là lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Kinhvới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và sự hướng dẫn của Hội Thánh: Để lương tâm con người được trong sáng, không bất chính, không sai lầm, không phóng túng, không chật hẹp, không giả hình... đòi hỏi mỗi người biết đào luyện mình luôn mãi trong suốt cuộc đời bằng nhiều phương cách nhưng trên hết phải là Lời Chúa vì Lời Chúa là trường tồn, Lời Chúa là bất biến, là Chính Chúa nên phải dùng Lời Chúa đào luyện lương tâm nơi con người vì “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).

Việc thứ hai để huấn luyện lương tâm là cầu nguyện và sám hối: Cầu nguyện là giờ phút linh thiêng, cá nhân đi vào cuộc gặp gỡ thâm sâu với Đức Kitô. Vì thế, hằng ngày, khi cầu nguyện, ta hãy xin Chúa Thánh Thần tác động và “sửa lại mọi sự trong ngoài” thì lương tâm ta sẽ trở nên ngay chính. Chính Thánh Phaolô cũng đã xin mọi người cầu nguyện: “Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có lương tâm ngay lành, muốn ăn ở tốt trong mọi hoàn cảnh” (Dt 13,18). Đồng thời, việc sám hối mọi sai lầm, là điều kiện để nhận ơn tha thứ và làm cho lương tâm trở nên ngay chính: “Mỗi người phải quay về với nội tâm, để có thể nghe được và tuân theo tiếng lương tâm (T. Âu-tinh) (GLCG số 1779). “Khi xác định lỗi lầm đã phạm, lương tâm nhắc nhở ta phải cầu xin ơn tha thứ, thực hành điều thiện và luôn trau dồi nhân đức nhờ ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp : "Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, thì Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự" (1Ga 3,19-20 ) (GLCG số 1781)

Việc thứ ba để huấn luyện lương tâm là lãnh nhận các bí tích: “Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô” (1Pr 3,21). Thánh Phaolô cũng khẳng định Máu Chúa Kitô thanh tẩy lương tâm chúng ta: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14).

Tóm lại, mọi hữu thể con người có lương tâm và trách nhiệm đều cảm nhận từ nội tâm tiếng mời gọi làm điều tốt. Là thụ tạo, với tính ưu việt Thiên Chúa ban, con người có một ơn gọi cao quý là sống xứng phẩm giá của mình. Đó là ơn gọi nên thánh. Là tu sĩ, tôi được mời gọi để sống và cảm nghiệm sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc đời mình, một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, giàu ân sủng. Cách thức để con người đạt đến điều thiện là lương tâm ngay thẳng, đức tin và đức mến hướng con người đến đỉnh toàn thiện trong Đức Giêsu Kitô.

Nt. Maria Phương Uyên, FMI