"Bảo vệ môi trường" dưới cái nhìn của linh đạo Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

“Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã lãnh nhận trách nhiệm chinh phục trái đất cùng với tất cả nhưng gì chứa đựng...


“Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã lãnh nhận trách nhiệm chinh phục trái đất cùng với tất cả nhưng gì chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công bằng”[1]. Đối với tín hữu, thiên nhiên là lời của Thiên Chúa và hơi thở của Thần Khí chuyển vào vật chất và sự sống. Thế nhưng, ngày nay trái đất đang oằn mình gánh chịu biết bao hành động phá hoại của con người bởi cơ giới hóa, kỹ thuật và đầu óc duy vật đã nô lệ hóa thiên nhiên. Đức Gioan Phaolo II nói: cần một nền giáo dục về trách nhiệm sinh thái, điều này đòi hỏi một sự hoán cải chân thật trong cách suy nghĩ và hành động[2], đó là một sự hoán cải sâu xa để trở về thân thiện với Mẹ Đất mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người để con người “quản lý có trách nhiệm và khôn ngoan”[3]. Dưới cái nhìn của linh đạo Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (FMI), người nữ tu FMI phải làm gì để bảo vệ môi trường?

Lý thuyết Gaia của lovelock cho rằng Gaia là một hệ thống “self regulating” và “self sustaining”, một tạo dựng bền vững luôn điều chỉnh môi trường của nó để hỗ trợ sự sống[4]. Thomas Seiger Derr khẳng định “tính nội tại” của Thiên Chúa trong vũ trụ, và vì thế, con người phải có thái độ trân trọng đối với trái đất này vì nó thuộc về Thiên Chúa[5]. Theo ba nhà thần học Jurgen Moltmann, Douglas John Hall, Walter Brueggemann, là hình ảnh Thiên Chúa, con người sống và hành động theo nhân cách của con người quản lý khôn ngoan và trách nhiệm[6]. Ba nhà thần học John Carmody (1939-1996), Albert Fritsch và Thomas Berry nhấn mạnh đến thái độ khiêm tốn của con người trước thiên nhiên trong việc: bớt sử dụng công cụ máy móc, khoa học kỹ thuật và nhất là mô hình cơ học để tàn phá thiên nhiên[7]. Kid Pedler cho rằng: con người phải tự điều chỉnh mình để sống hòa điệu với Gaia. Ông khuyên rằng cần điều tiết cách sống trên trái đất để không làm cho trái đất tăng Entropy lên. Một cách cụ thể, để giảm Entropy, Pedler đề nghị điều tiết ngay vào cuộc sống con người trong vấn đề ăn uống và sử dụng năng lượng: ông chủ trương giảm bớt tiêu thụ thịt, bánh mì theo công nghệ, thực phẩm đóng hộp và bỏ máy điều hòa, và rất nhiều nhu cầu vô ích hằng ngày...[8]. Còn Anthony Weston: phải nhìn Gaia như một nhân vị, một con người, không chỉ là một danh xưng[9]. Như vậy, tiếng kêu của thiên nhiên và của con người, nhất là người nghèo, của người nữ đang chịu cảnh khốn khổ, cần được lắng nghe và đáp trả.

Vậy người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm phải làm gì để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ Mẹ Đất trong đời sống thánh hiến của mình? Đời sống nội tâm của tôi phải luôn luôn phát triển, hoàn thiện vươn tới tầm vóc viên mãn của Đức Giêsu Kitô (x. Ep 4,13), tự điều chỉnh trong Ngài, trong Thánh Thần tình yêu. Quả vậy, hoán cải là một năng lực mời gọi con người đi sâu vào đời sống tâm linh, vào siêu việt. Hoán cải bằng cách sống triệt để ba lời khuyên phúc âm: khiết tịnh-nghèo khó-vâng phục. Với lời khấn khiết tịnh, Lonergan tuyên bố rằng “sự hoán cải của con người về yêu thương là một lời mời gọi một sự hiến dâng trọn vẹn của bãn ngã”[10]. Điều này thật phù hợp với linh đạo người nữ tu FMI: chúng ta trao phó cho Thiên Chúa chính con người chúng ta với tất cả những gì cốt yếu nhất làm nên một nhân vị, đó là nghị lực yêu thương (lời khấn khiết tịnh), nhu cầu chiếm hữu (lời khấn khó nghèo), sự tự do định đoạt đời mình (lời khấn vâng phục)”[11]. Tôi được mời gọi trao ban chính mình để yêu thương hết mọi người, mọi loài thụ tạo là vũ trụ vạn vật. Yêu thương như nó là, một tình yêu vô vị lợi như Đức Kitô yêu thương Hội thánh. Chiều kích sinh thái của lời khấn khiết tịnh cũng khẳng định: thân xác của con người như là một phần của thiên nhiên. Trong một thân xác, con người cảm nghiệm ảnh hưởng của tội lỗi như thiên nhiên bị ô nhiễm vậy[12]. Hơn nữa, khi tôi chết, tôi trở về với thiên nhiên, nên một với Mẹ Đất. Vì tôi được nuôi dưỡng và lớn lên trong thiên nhiên nên chỉ khi nào sống hài hòa với thiên nhiên, tôi mới là chính mình. Vì thế, tôi phải tìm cách bảo vệ cũng như chống khai thác thiên nhiên. Đối với lời khấn khó nghèo, hoán cải đòi hỏi người tu sĩ thay đổi con tim để hướng đến hành động xây dựng phù hợp với lý tưởng. Tôi cần phát triển sự hiểu biết về thực tại và khả năng của con người trong hoàn cảnh hiện sinh, nhìn rõ những động cơ thúc đẩy tôi hành động và đáp trả trước những đòi hỏi của các giá trị[13]. Người nữ tu FMI không tìm cách chiếm hữu hay sở hữu thiên nhiên nhưng hiệp thông, gắn bó với thiên nhiên vì toàn thể vũ trụ này sẽ được Đức Giêsu đem vào trong vinh quang của Cha, “ngự bên hữu Cha”, sau khi Ngài Phục Sinh. Sau cùng, với lời khấn vâng phục, như Lonergan đã tuyên bố: hoán cải là một sự đầu hàng bản thân hoàn toàn và vô điều kiện, một sự hiệp thông thân mật với Thiên Chúa Ba Ngôi[14]. Người nữ tu FMI luôn lắng nghe và thi hành ý Chúa qua việc phục vụ thiên nhiên, vũ trụ trong tinh thần của người nữ tỳ của Thiên Chúa theo gương Mẹ Maria Vô Nhiễm đã thưa tiếng Fiat – xin vâng với Ngài (x. Lc 1,38)

Tóm lại, như Gaia, người nữ tu FMI trong đời thánh hiến cũng có thể “tự điều chỉnh”, “tự bảo vệ” đời sống của mình khi biết “hoán cải” đời sống, thay đổi cái nhìn về môi trường bằng việc soi mình trong thánh ý Thiên Chúa, chân thành nhận ra thế giới này là một quà tặng yêu thương của Thiên Chúa là Cha; đồng thời biết luôn gắn bó với mọi tạo vật, tạo nên một mối dây hiệp thông trong vũ trụ; một sự hoán cải môi sinh đích thực còn giúp tôi biết phát triển những tài năng Chúa ban, cộng tác với Ngài để làm cho công trình sáng tạo ngày một phát triển, để tôi có thể hiến dâng chính mình làm “của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1), như một nghĩa cử tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa (x. số 220).

Nt. Maria Phương Uyên, FMI  

[1]Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 34

[2] Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Á Châu, số 13

[3] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Một Giáo Hội mang tính toàn cầu, Chia sẻ số 59, tháng 6/2010, tr.48

[4] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang,  Giáo trình Linh đạo huấn luyện, tr.272

[5] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Chia sẻ số 59, tháng 6/2010, tr.74

[6] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Giáo trình Linh đạo Huấn luyện, tr.259

[7] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang,  Chia sẻ số 59, tháng 6/2010, tr. 84

[8] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Giáo trình Linh đạo Huấn luyện, tr.277

[9] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Giáo trình Linh đạo Huấn luyện, tr.80

[10] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Phổ Thần Học, Bernard J.F.Lonergan, tr.351

[11] Luật sống Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, điều 50

[12] José Crisiorey Garcia Paredes, Đời tu-Các lời khuyên phúc âm, Đỗ Ngọc Bảo,OP chuyển ngữ, tr.202

[13] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Phổ Thần Học, Bernard J.F.Lonergan, tr.366

[14] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Phổ Thần Học, Bernard J.F.Lonergan, tr.368