Sự hiện hữu không tình cờ...

Sự hiện hữu không tình cờ... Tôi chào đời không do ngẫu nhiên, nhầm lẫn hay sự sống của tôi không phải là sự may rủi của thiên nhiên....


Sự hiện hữu không tình cờ...

Tôi chào đời không do ngẫu nhiên, nhầm lẫn hay sự sống của tôi không phải là sự may rủi của thiên nhiên. Thiên Chúa đã vạch vẽ từng chi tiết cho thân thể tôi. Ngài cân nhắc chọn lựa để tôi có mặt trên cuộc đời này. Ngài xác định những tài năng bẩm sinh và tính độc đáo nơi con người tôi. Chính trong kế hoạch đó tôi có mặt trong Hội Dòng. Có thể ba mẹ tôi không tiên liệu được việc tôi ra đời. Nhưng đối với Thiên Chúa, đó là ý định ngàn đời của Ngài. Ngài không bao giờ làm cái gì ngẫu hứng.

Ý định của Ngài làm cho tôi quá ngạc nhiên. Sống trong Hội Dòng, tôi đã lớn lên rất nhiều. Tôi có thời gian để đến với Chúa, tôi nhận được nhiều kiến thức về Chúa, Đức Mẹ, giáo lý...từ các chị. Tôi đã trưởng thành hơn về nhân bản. Qua Hội Dòng tôi thấy mình may mắn trong ý định của Ngài. Đi sâu vào cuộc sống, tôi có nhiều điều được biết và cảm nghiệm. Với tôi, tôi nghĩ rằng chỉ yêu mến Chúa thật nhiều, chu toàn đời sống thiêng liêng, yêu mến chị em, chu toàn bổn phận hàng ngày thôi là được, có khó khăn gì đâu. Thế mà mọi sự không như tôi nghĩ, không đơn giản chút nào. Có những lúc đến với Chúa một cách hạnh phúc vui vẻ, trò chuyện thân tình tha thiết, nũng nịu như đứa trẻ con. Nhưng lắm khi đến với Chúa với hai hàng nước mắt, những lời tâm sự than thở với Chúa. Ôi!...

Đời sống cộng đoàn, lại ôi...ôi! tôi thấy sao phức tạp thế. Đời sống cộng đoàn là gì nếu không phải là một đời sống khiêm nhường, bác ái, đón nhận và chịu đựng lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày, tin tưởng, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn, thử thách, chia ngọt, sẻ bùi cho nhau để vượt lên chính mình? Trong suy tư tôi đã đón nhận được ân huệ của Chúa chưa? Hay tất cả đang còn như một bức tường rào đầy chông gai mà tôi phải một mình đương đầu bước qua.

Bước vào đời sống chung, xét theo chiều kích thiêng liêng, không ai sống cho chính mình cũng như không ai chết cho chính mình (x. Rm 14,7-9). Tuy nhiên, con người vốn mang thân phận yếu đuối, chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn để chiến đấu với bản tính tự nhiên của mình, như tính cách và sở thích mỗi người khác nhau, không hợp nhau…

Trên bình diện tâm lý cộng đoàn, sau khi đã tìm hiểu, tôi xin chia sẻ đôi nét về các yếu tố tâm lý thúc đẩy việc nâng cao và phát huy đời sống. Có thể điều này như một lối mở giúp chúng ta phân định rõ hơn về ơn gọi và tương quan trong đời sống cộng đoàn.

  1. Tinh thần cầu nguyện

Sống tình huynh đệ bằng đời sống cầu nguyện là sống trọn vẹn tình con thảo với Thiên Chúa, như một người con hiếu thảo với cha mẹ, với lòng yêu mến, lòng biết ơn, và vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Đời sống cầu nguyện là nguồn mạch sống cho người tu sĩ, là sức mạnh đưa người tu sĩ hoàn thiện ơn gọi của mình mỗi ngày. Nhất là trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, thì việc cầu nguyện là chìa khóa để chúng ta mở ra cánh cửa giải thoát chính mình.

Cầu nguyện là phương thế sống trọn lành của các Thánh Nhân. Nhờ đời sống cầu nguyện kết hợp với Chúa mọi nơi mọi lúc, Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã vượt qua được nhiều lần bực tức khi chị em cố ý xử tệ với mình. Ví như khi giặt đồ, người chị em cố ý để cho bọt xà bông văng lên mặt Têrêxa, nhưng Têrêxa đã không ngần ngại đón nhận để dâng lên Chúa một hy sinh cầu nguyện cho các linh hồn. Khi chăm sóc các Soeur già yếu, khó tính, Têrêxa vui lòng đón nhận những lời chửi mẳng để cứu vớt các linh hồn. Têrêxa đã không chỉ sống với, sống cho Chúa, mà Chị Thánh còn là mẫu gương sống tình thương yêu, hiệp nhất trong cộng đoàn. Khi chúng ta khiêm tốn đón nhận trong hy sinh, không những chúng ta sẽ tránh được những xung khắc với nhau trong cộng đoàn, mà còn tạo được tình yêu thương hiệp nhất, đưa cộng đoàn thăng tiến trong ân sủng và tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Xung khắc trong cộng đoàn thì không tránh khỏi, tuy nhiên, chúng ta đón nhận với thái độ nào? tôi khóc, không phải với ai khác mà là với chính Chúa. Có lẽ khi đến với Chúa tôi cảm thấy được sự ủi an, nâng đỡ thực sự. Nhưng không vì thế mà tôi cho là đã đủ, trước mặt Chúa hay với chị em trong cộng đoàn tôi có được niềm vui thực sự chăng?

Quả thật, sống trong cộng đoàn là sống với, sống cho và cùng nhau sống. Vì thế, khi cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói: “xin cho mọi người nên một..., như chúng ta là một” (Ga 17,21-22). Qua tha nhân, ta gặp gỡ Chúa. Nếu ta đón nhận chị em với cái nhìn méo mó, xấu xa thì Thiên Chúa cũng bị méo mó và xấu xa như thế. Nhờ cộng đoàn mà bạn và tôi được san sẻ gánh nặng và được tôn trọng, như Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II đã nói tới trong sắc lệnh về việc canh tân và thích nghi đời sống dòng tu rằng: “Là chi thể Chúa Kitô, các tu sĩ hãy mang lấy gánh nặng của nhau và kính trọng lẫn nhau trong tình giao hảo huynh đệ” (số 15). Vậy chúng ta đến với Chúa, chúng ta cũng hãy thành tâm để Chúa tác động để hàn gắn rạn nứt với chị em trong cộng đoàn. Nhờ đó cộng đoàn sẽ tìm lại được niềm vui và hạnh phúc. Bởi lẽ khi cộng đoàn biết tôn trọng nhau là cộng đoàn kính trọng sự an bài của Thiên Chúa, tôn trọng sự thật Thiên Chúa đã thiết lập, điều cần thiết cho sự kiến tạo, bảo tồn và phát triển hòa bình trong cộng đoàn.

Tất cả những yếu tố trên đòi hỏi, mời gọi chúng ta một sự trưởng thành tâm linh cũng như  nhân bản trong đời tu.

  1. Cộng đoàn là “nơi thuộc về”

Tiếp đến, cộng đoàn là “nơi thuộc về”, là nơi người ta gặp đất sống và thể hiện căn tính của mình. Khi một người cảm nhận được mình không thuộc về ai hết, tâm tư người đó sẽ mang nặng một nỗi cô độc khủng khiếp, biểu thị bằng một mối lo âu, với một cảm thức giận dữ, có khi đưa đến sự hận thù. Đó là phản ứng phải trông chờ khi một con người không được ai lưu tâm đến hoặc bị xã hội khước từ.

Khi đi dạy giáo lý tôi thấy có một em chuyên nghề quấy rối trong lớp. Em không ngồi yên được một lúc nào, cứ chọc phá hết bạn này bạn kia. Tôi đã nhắc nhở em hãy chăm chỉ học hành nhưng em vẫn không thay đổi. Có một ngày kia, em đã dùng cây gậy đánh bạn chảy máu, tôi đã chứng kiến sự hung hăng của em. Tôi đã dàn xếp sự việc ổn thỏa. Tôi đã tìm hiểu hơn về em thì được biết em không nhận được tình thương trong gia đình nên cách em hành động cũng phần nào cho thấy sự mất cân bằng trong con người em.

Trái lại, khi một người được yêu mến, được quí trọng, được lắng nghe, được cư xử trân trọng thì người ấy được an bình. Người ấy biết họ thuộc về một ai đó. Người ấy biết mình được nâng đỡ, được che chở, được chăm sóc; họ tự cởi mở mà không sợ gì, không sợ ai hết. Họ cảm thấy an toàn...

Tôi cảm nhận trong chính bản thân tôi. Khi tôi đột ngột nhận được tin mẹ tôi bị bệnh ung thư nặng, đã đi vào giai đoạn cuối. Tôi cảm thấy như trời đất quanh chân mình sụp đổ xuống. Gia đình tôi vốn rất nghèo, suốt một đời bao cực khổ gian nan, tôi đi tu trong hoàn cảnh ấy. Chính mẹ tôi, người đã dìu dắt, nâng đỡ, an ủi tôi từng bước đi theo Chúa và mẹ hạnh phúc vì tôi chăm học, lo sống xứng đáng trong ơn gọi. Mẹ mong một ngày nào thấy tôi được tuyên khấn trọn đời với Chúa, nào ngờ Chúa đến và gọi mẹ chuẩn bị cho giai đoạn mới của cuộc sống. Tôi rất đau khổ, trên cuộc đời này cái gì tôi cũng chịu được nhưng không có mẹ quả là một sự mất mát lớn lao. Trong khi tôi đau khổ và hoàn cảnh gia đình càng khó khăn hơn vì lo chạy chữa cho mẹ, tôi đã nhận được sự yêu thương, nâng đỡ của Hội Dòng. Hội Dòng đã nâng đỡ tôi bằng nhiều cách, tôi cảm nhận một cách sâu sắc những gì mà tôi được nhận lãnh từ Hội Dòng. Giờ đây, tôi đã mất mẹ mãi mãi, tôi vẫn buồn nhưng tôi tin tưởng ở Chúa và ở nơi Hội Dòng, tôi sẵn sàng cởi mở và dấn thân cho công cuộc của Hội Dòng. Tôi không còn e dè hay che đậy gì nơi con người của mình, tôi thấy an toàn...

Những cảm nghiệm của một con người “thuộc về” và sống trong một cộng đoàn tu sĩ. Ý thức “thuộc về” sẽ là điểm tựa cho người tu sĩ sống và sinh hoạt trong cộng đoàn. Mẹ Têrêxa đã từng nói: “Sự nghèo nàn và bất hạnh nhất của con người là sự cô đơn, không được ai chấp nhận và có cảm giác mình là người không được ai yêu thương hoặc không một ai cần đến.” Nhu cầu được thông hiệp với một người khác, hoặc với một nhóm là nhu cầu căn bản nhất của một con người bình thường sống trong xã hội. Một khi khát vọng này không được thỏa mãn, phản ứng sẽ khủng khiếp.

Sống trong xã hội, con người có thể được đón nhận hay bị khước từ. Chúng ta cần tìm ra những mối dây để nối kết các thành phần cộng đoàn lại với nhau như: tạo sự thoải mái trong nếp sống cộng đoàn, tạo sự tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng cá tính và nhịp sống của mỗi người...làm sao để mỗi thành phần của cộng đoàn cảm thấy cộng đoàn đang quan tâm đến mình, đang đồng hành với mình, và luôn sẵn sàng nâng đỡ bước tiến của mình.

  1. Cộng đoàn là nơi gặp gỡ trong cởi mở

Một trong những đặc tính căn bản nữa của một cộng đoàn là “gặp gỡ trong cởi mở” để đón nhận sự khác biệt. Đừng sợ sự khác biệt, đừng ngại tính cách đa dạng. Vì sự khác biệt phong phú hóa cộng đoàn. Thiên Chúa tạo ra chúng ta khác biệt nhau không phải để chúng ta làm khổ nhau, nhưng là để bổ sung cho nhau, để nâng đỡ nhau, giúp nhau cùng đi lên. Vì vậy, sự chia sẻ trong cộng đoàn là nhu cầu của tập thể, nhưng cũng là một nhu cầu tâm lý của những thành phần, nhất là những thành phần trẻ đang đi tìm sự an toàn nơi tập thể của mình để được “phê chuẩn” bởi cộng đoàn.

Tuy nhiên, sự gặp gỡ trong cởi mở mà những thành viên cộng đoàn đi tìm không bao giờ cho phép họ làm tổn thương cộng đoàn mình. Trong đời sống cộng đoàn, có thể có những bất đồng ý kiến, ngay cả những đố kỵ, những thiếu khoan dung, những xung đột trầm trọng...Tất cả những điều này không có gì đáng ngạc nhiên đối với một tập thể loài người. Điều quan trọng là biết giải quyết một cách thanh thản, trong yêu thương và giới hạn trong nội bộ cộng đoàn. Lúc này là lúc mỗi thành phần phải ý thức trách nhiệm về lời nói của mình.

  1. Cộng đoàn là nơi “yêu thương nhau, hiệp thông với nhau”

Trong cộng đoàn, phải yêu thương chính con người đặc thù của họ, trong cách họ “lớn lên”, theo chương trình Thiên Chúa đã hoạch định riêng cho họ. Chỉ trở thành cộng đoàn thật sự khi người ta bắt đầu quan tâm đến việc phát triển từng cá nhân.

Sống trong cộng đoàn đã mười bảy năm, tôi nhận thấy được sự phát triển đặc thù của mọi người và của chính tôi. Tôi thấy không ai giống ai, người khác là khác tôi. Tôi là người miền trung có đặc trưng riêng người trung, chị em tôi có người miền nam, người miền bắc,... và mỗi người đều xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khác nhau. Từ đó hình thành nên tính cách, lối sống, giọng nói, suy nghĩ, hành động khác nhau. Tất cả tạo nên sự đa dạng trong Hội Dòng tôi, tôi học được nhiều điều qua việc sống chung.

Cứu cánh của cộng đoàn phải là con người, là tình yêu, là mối hiệp thông với Thiên Chúa, không phải là sự bảo tồn cơ cấu của cộng đoàn. Cộng đoàn phải là nơi thông hiệp, nơi người ta yêu thương nhau và “chấp nhận bị tổn thương” vì người khác. Điểm này cho thấy cộng đoàn là “chứng tích của Tình Thương” và chính điều này sẽ thu hút nhiều ơn gọi đến với cộng đoàn. Thiếu tình thương trong cộng đoàn là một phản chứng cho Tin Mừng của Tình Yêu.

Khi tôi mới vào dòng, tôi đi học phổ thông mỗi ngày, ngoài những giờ học bài riêng, tôi phụ với các chị để làm bếp và đặt bàn ăn cho cộng đoàn. Một hôm, tôi xuống bếp thấy ồn ào, to tiếng ở đó. Lúc đó, có cả những người giúp việc cho cộng đoàn chúng tôi. Tôi được biết chỉ một sai sót nhỏ trong vấn đề phân chia công việc mà đã dẫn đến cuộc to tiếng này. Một chút quyền lợi đã làm tổn thương đến lòng bác ái, tổn thương đến chứng tích của Tình Yêu người Kitô hữu...chúng ta thấy, không phải luôn luôn cộng đoàn khước từ con người, nhưng đôi khi chính bản thân con người tự tách rời khỏi nhóm, bằng những hành động, những xử sự khác hẳn sự suy nghĩ của nhóm.

Trong cộng đoàn, mọi người đều được mời hợp tác trong sinh hoạt tông đồ. Cộng đoàn nuôi dưỡng sự hợp tác khi cùng làm chung một việc: dạy học, giữ trẻ, giúp bệnh nhân...Nếu trong cùng một cộng đoàn, vì hoàn cảnh, có nhiều sinh hoạt tông đồ khác nhau, lúc bấy giờ, mỗi người cần ý thức rằng mình “do cộng đoàn sai đi” và làm công việc này “nhân danh” và “thay thế” cho cộng đoàn. “Cùng chung và liên kêt” lúc bấy giờ mới thật sự có ý nghĩa; không thể có “cùng chung và liên kết” khi mỗi cá nhân làm việc theo hứng, theo sở thích, theo cung cách của mình.

Trong cộng đoàn, tinh thần hợp tác phải bắt nguồn từ tinh thần hiệp thông. Chính vì yêu thương nhau và cảm thấy được mời gọi cùng sống chung với nhau, cùng tiến về cùng một mục đích mà người ta hợp tác với nhau. Hợp tác mà không hiệp thông sẽ nhanh chóng biến thành một nhà máy, một xưởng sản xuất. Bao lâu còn sống một mình, cho mình, thì bấy giờ không còn khả năng yêu thương. Và không có khả năng yêu thương thì còn gì đáng kể nữa!

Tôi ở trong một cộng đoàn với nhiều hình thức khác nhau. Có chị coi trường, giữ trẻ, chị nấu ăn, chị đi học Anh văn, chị đi học thần học. Chúng tôi mỗi người đều lo chu toàn việc bổn phận của mình nhưng thỉnh thoảng vẫn có những vấn đề xảy ra. Chị em chưa hợp tác với nhau cách nhịp nhàng vì còn nhìn người khác với sự so sánh hơn thua, chưa yêu thương nhau thật lòng. Chúng tôi đã ngồi lại với nhau và cùng phân tích để hiểu hơn từng bổn phận mà mỗi người đang lãnh nhận, từ đó chúng tôi hiểu nhau hơn và yêu thương hơn.

Sống cộng đoàn, đôi khi cần phải ra khỏi cái vỏ ốc của mình để đi đến với người khác. Điều nầy không phải dễ. Tôi có những thói quen của tôi, những quan niệm của tôi, những sở thích của tôi, những giờ giấc của tôi...” Biết bao nhiêu “cái tôi” ấy đang được tôi bảo vệ một cách kỹ càng, vì chúng nói lên những cái riêng tư, những cái mà người khác muốn bước vào phải được tôi đích thân đón tiếp họ. Vì vậy, phải ý thức rõ điều nầy: sống trong một cộng đoàn luôn có xung đột “nội tại”. Trong tâm hồn luôn có giao tranh giữa kiêu ngạo và khiêm nhường, ích kỷ và đại lượng, hận thù và yêu thương, tha thứ và không chịu tha thứ, thật thà và dối trá; cởi mở và đóng kín”. Tâm hồn chúng ta có thể đầy dẫy bóng tối, đầy yếu đuối, nhưng đó cũng là nơi Thiên Chúa ngự trị. Chúng ta phải để Thiên Chúa chiếm hữu nó, thanh tẩy và chiếu soi. Muốn được vậy, cần phải làm trống tâm hồn đi bằng khiêm nhường và phó thác, lúc bấy giờ Chúa mới bước vào được.

  1. Cộng đoàn là nơi thông cảm và tha thứ

Một trong những vai trò của đời sống cộng đoàn là giúp chúng ta đón nhận thực trạng chúng ta và thực trạng của người khác. Thông cảm, tha thứ là trọng tâm của đời sống cộng đoàn. Xét đoán, kết án kẻ khác là một loại tội thông thường của đời sống cộng đoàn. Đừng tìm kiếm cộng đoàn lý tưởng. Chỉ cần yêu mến những ai Thiên Chúa đặt bên cạnh mình hôm nay. Họ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa cho chúng ta. Chính với họ mà chúng ta cần phải xây dựng tình hiệp nhất và sống gắn bó với nhau. Chúng ta không chọn lựa để sống với người này người kia. Chính Thiên Chúa chọn cho chúng ta và gởi đến cho chúng ta. Chúng ta cần

Một chút mến thương cho đời thêm nồng ấm

Một chút nắng ấm cho tươi sáng mùa đông

Một chút mây hồng xua khung trời bão tố

Một chút sắc tố thêm sức khỏe tinh thần

Một chút cảm thông để thấy cần thông cảm

Một chút thất bại để thấy mình khờ dại

Một chút làm lại để biết điểm khởi đầu

Một chút chìm sâu trong cõi lặng tình Ngài (sưu tầm)

Cộng đoàn gồm những con người có những cái phong phú, nhưng cũng có những yếu đuối và nghèo nàn. Biết thông cảm chấp nhận và tha thứ, nâng đỡ nhau để cùng nhau xây dựng cộng đoàn, ở đó mỗi người cảm thấy được tự do thoải mái sống thực trạng của mình, và không ngần ngại nói lên điều mình suy nghĩ. Bao lâu trong cộng đoàn còn có số người sợ phát biểu, sợ bị xét đoán hoặc bị xem là ngốc nghếch, sợ bị loại bỏ, thì đó là dấu hiệu cộng đoàn chưa sống đúng vai trò của mình.

Cuối cùng, trong các cộng đoàn đều có một số người sống bên lề, nghĩa là những người không mấy thích nghi với cộng đoàn. Có lẽ họ thường đóng kín mình lại, hoặc bất mãn điều gì đó, hoặc chối từ đối thoại. Thường họ có cảm tưởng mình vô dụng, bị cộng đoàn “lãng quên”. Mặt khác, thiên nhiên đã không phú bẫm cho họ một tính khí dễ dàng trong việc giao tế hằng ngày, nhưng họ vẫn là con cái Thiên Chúa. Chúng ta phải học biết yêu mến và giúp đỡ họ, bằng cách kiên nhẫn lắng nghe những gì họ nói, để họ cảm thấy sự hỗ trợ thiêng liêng mà họ rất cần đến nơi cộng đoàn.

Tạm kết

Đời sống cộng đoàn được ví như bức tranh với những gam màu sáng, tối… Nhưng đã tạo nên một bức tranh sống động, hài hòa. Cộng đoàn chính là huyền nhiệm chung sống với nhau. Sự hiệp thông huynh đệ gắn liền con người chúng ta trong tình liên đới, chia sẻ và hòa điệu trong sự đào luyện bản thân để trở nên một. Chúng ta tin chắc mỗi một cộng đoàn đều có cùng một điểm tựa để có thể nâng bổng cộng đoàn “hữu hình” cũng như mỗi cá nhân đạt đến sự thánh thiện. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến cũng đã xác định điểm tựa ấy chính là Thánh Thể. Ngài mời gọi mỗi người hãy hiện diện tròn đầy bên Thánh Thể để được thu hút vào tình yêu duy nhất, thông hiệp và trao ban. Vì thế, việc đặt mình trước Thánh Thể trong sự cầu nguyện, chiêm ngắm sẽ giúp chúng ta tháo gỡ những khúc mắc trong các mối tương quan và gắn bó chúng ta nên một trong tình yêu.

Ước gì chúng ta thấy được sự vội vàng chóng qua của cuộc sống giữa một xã hội bon chen, ồn ào này, để biết dừng lại để cảm nhận sự yêu thương của con người. Và ước gì những rung cảm, cũng như những nhói đau của con tim làm cho chúng ta hiểu: sống trong đời sống cần có một tấm lòng và sống gần nhau thân mới thẳng.

Nt. Maria Phương Uyên, FMI  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. JEAN VANIER, Thăng tiến cộng đoàn, nhóm chuyển ngữ Đa minh Rosa Lima, 2004
  2. FRÈRE THÁI SƠN MINH, FSC, Giáo trình tâm lý cộng đoàn, 2010
  3. TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU, Một Tâm Hồn.
  4. CÁC TÀI LIỆU KHÁC.