Con người là bản ngã trước Thiên Chúa

‘Mọi hữu thể sống động là sự gặp gỡ’ (Buber).[1] Trong một cuộc sống mà sự hiện diện của Thiên Chúa luôn ngập đầy, con người luôn...


‘Mọi hữu thể sống động là sự gặp gỡ’ (Buber).[1] Trong một cuộc sống mà sự hiện diện của Thiên Chúa luôn ngập đầy, con người luôn được Thiên Chúa yêu thương và mặc cho con người một giá trị tuyệt hảo. Đó là khả năng của con người bước vào một mối tương quan đặc biệt với Thiên Chúa và với tha nhân. Điều đó đã được các nhà thần học Buber và Bonerfer diễn tả cách sâu sắc qua đời sống hiện sinh và mối tương quan I –Thou.

Khi nói đến mối tương quan giữa người với người và từ đó hướng đến Thiên Chúa, Rahner cho rằng con người là hiện trường xảy ra cuộc hội ngộ với Thiên Chúa. Đó là một motip quan trọng trong viễn tượng về thực tại con người, về tương quan Thiên Chúa – con người và kinh nghiệm của con người toàn diện, để qua đó mở rộng đến một mầu nhiệm nền tảng, mầu nhiệm Thiên Chúa.[2] Lonergan nhận định: Mọi lúc và mọi nơi đời sống con người luôn nhìn nhận và thực hiện một cuộc đối thoại có tính cứu độ đối với Thiên Chúa, mọi kinh nghiệm cụ thể của con người cũng đều có nghĩa là kinh nghiệm về chính mình và về Thiên Chúa.[3]

Với Kierkergaard, hic et nunc là con người hiện sinh hiện thực bản chất đích thực của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Con người có khả năng bước vào mối tương quan với Thiên Chúa, không chỉ trong giai đoạn hiếu mĩ, hiếu đức, mà quan trọng hơn là trong hành vi tin – hiếu tín của bản thân đối với Thiên Chúa. Đức tin ấy mạnh mẽ đến độ đặt mình cách thông suốt vào Đấng Toàn Năng, phó thác hoàn toàn trong bàn tay của Người. Khi đó, con người tìm thấy thực thể, bản ngã của chính mình trước mặt Người, trực diện với Người mà theo ông đó là một bước nhảy vọt, mạo hiểm, một sự dấn thân liên tục cho tương quan I - Thou với Đấng Vĩnh Cửu.[4]  Đó là một sự tự - hiện - thực cao nhất nhờ đi vào mối tương quan với Thiên Chúa như Đấng Thou tuyệt đối, để rồi chính mình phải trải qua một sự khắc khoải khôn nguôi, như August đã nói: "Tâm hồn con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa", đồng thời nhận ra mình là một hữu hạn bất toàn, cần phải hoán cải liên tục để được trưởng thành hơn trong mối tương quan.

Khác với Hegel trình bày bản ngã như một chuyển động biện chứng của tâm thức bằng tiến trình suy tư, Kierkergaard mô tả sự chuyển động của bản ngã từ một mức hiện sinh đến một mức độ khác của hành động, một sự dấn thân cá nhân.[5] Kierkergaard cho rằng cuộc sống con người là một tiến trình chưa chấm dứt mà cá nhân phải hoàn thành căn tính mình như một bản ngã qua chọn lựa tự do và ý thức trong cuộc sống. Mỗi chọn lựa tiếp tục là một bước nhảy xuất phát từ một nỗi đam mê của nội tâm, đưa lên đến đỉnh điểm của sự “Tin và Yêu Thương”, hiến dâng bản thân, nội tâm cho Thiên Chúa, sẵn sàng thực hiện hành vi tin vào Thiên Chúa vô điều kiện. Hiện sinh của một bản ngã con người không chỉ là hiện diện, mà còn là sống cuộc sống đầy nhiệt tình cách đam mê. Như Kierkergaard, Buber cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối tương quan với Thiên Chúa và con người, “Mỗi Thou đó là một ánh mắt xuyên qua cái Thou vĩnh cửu.” Hay “Những mối tương quan nối dài và hội tụ trong Thou vĩnh cửu”[6], ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa và dấn thân vào việc thánh hóa công việc thường ngày. Từ đó, Buber đã vươn đến mối tương quan giữa con người với nhau trong sự đối thoại, làm cho bản ngã giữa họ được hoàn thành hơn, trở nên sống một tình yêu đích thực.

Mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người ấy, Rahner coi con người như là “kẻ lắng nghe lời” Thiên Chúa–tự–thông–ban, trong khi Lonergan nhìn họ như là hai người đang lụy vì tình: một bản ngã (self) lắng nghe và gặp gỡ một bản ngã (self) khác trong sự tự hiến (self‐donation);[7] kẻ  được mời gọi đi vào hoán cải đến tình yêu, đem đến cho con người những kinh nghiệm về Thiên Chúa.  Kinh nghiệm ấy là một sự thay đổi chân trời, biến đổi, điều chỉnh lại tiến trình sống hoặc thống nhất cách đột ngột đời sống rời rạc của ta.[8] Sự Hoán Cải của con người về yêu thương ở bốn mức độ, đó là một lời mời gọi hiến dâng trọn vẹn của bản ngã trong cung cách hội nhập, dứt khoát từ đời sống tội lỗi đến sự tái sinh, dấn thân cho Thiên Chúa, và dẫn đến một cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, đầu hàng bản thân hoàn toàn và vô điều kiện. Đó cũng là một cảm nghiệm càng lúc càng tăng rằng ta được Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện, được yêu trước khi ta biết và yêu Ngài, được chọn và được gọi từ vĩnh cửu. Đối với Lonergan, con người là một bản ngã cũng chính là con người có sự tự‐hướng‐đến‐siêu‐việt. Nhờ bản ngã, con người hoàn tất căn tính trong sự tự‐hướng‐đến‐siêu‐việt. Quan trọng hơn, với ông, qua mối tương quan với Thiên Chúa, con người được định hướng về Đức Yêsu Kitô trong một tương quan đức tin được chất chứa đầy yêu thương và hy vọng.[9]

“Tin là nhìn nhận nơi sâu thẳm con người một điểm tiếp giáp, qua đó con người đụng chạm được với Đấng Vô Hình”,[10] là tìm được một Ai đó thật gần gũi, một Đấng đỡ nâng, tặng ban cho ta một tình yêu bất hoại, vượt trên mọi gặp gỡ bất cập trong kiếp nhân sinh, một tình yêu không những khao khát vĩnh cửu mà còn mang lại vĩnh cửu.[11] Bước vào tương quan với Thiên Chúa trong sự nhảy vọt của niềm tin, chính bản thân tôi khám phá ra một bầu trời kinh nghiệm riêng tư, độc đáo với Thiên Chúa. Người mời gọi tôi hiến dâng chính mình cho Ngài bằng một sự dấn thân đầy đam mê trong cuộc sống hiện sinh, không chỉ trong đời sống cầu nguyện, ý thức sống với Ngài trong thẳm sâu tâm hồn giữa cuộc sống đầy thách đố, nhưng còn là một cuộc hoán cải trường kì, liên lỉ, âm thầm của đời thường để với tình yêu của Ngài, sống một tương quan đối thoại yêu thương với tha nhân. Hoàn thành bản ngã của chính tôi trong sự tự hướng đến Thiên Chúa, cũng chính là cùng với Ngài hoàn thành bản ngã của tha nhân trong tình yêu thương phục vụ.

Nt. Maria Phương Uyên, FMI  

[1] x. VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Triết Học, Chương VI, Phổ Thần Học, Martin Buber, I and Thou.

[2] x. VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Triết Học, Chương VI, Phổ Thần Học, Con người trong dòng mặc khải, Karl Rahner.

[3] G. O’COLLIN, Thần Học Căn Bản, Nguyễn Đức Thông, C.ss.R dịch, NXB Tôn Giáo, tr.101-102

[4] x. VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Triết Học, Chương V, Phổ Triết Học, Con người trong truyền thống khôn ngoan, Kierkegaard.

[5] x. VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Triết Học, Chương V, Phổ Triết Học, Con người trong truyền thống khôn ngoan, Kierkegaard.

[6]  x. VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Triết Học, Chương VI, Phổ Thần Học, Martin Buber

[7] x. VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Triết Học, Chương V, Phổ Triết Học, Con người trong truyền thống khôn ngoan, Kierkegaard.

[8] G. O’COLLIN, Thần Học Căn Bản, Nguyễn Đức Thông, C.ss.R dịch, NXB Tôn Giáo, tr.95

[9] x. VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Triết Học, Chương VI, Phổ Thần Học, Bernard J.F. Lonergan.

[10] JOSEPH RATZINGER, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, NXB Tôn Giáo, tr. 50

[11] JOSEPH RATZINGER, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, NXB Tôn Giáo, tr. 80

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. JOSEPH RATZINGER, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, NXB Tôn Giáo
  2. O’COLLIN, Thần Học Căn Bản, Nguyễn Đức Thông, C.ss.R dịch, NXB Tôn Giáo
  3. VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Triết Học, Chương V-VI, Phổ Triết Học, Phổ Thần Học.