"Lòng thương xót" hôm nay và ngày mai

Khi nhìn về viễn tượng cánh chung trong sự phán xét của Thiên Chúa với con người, Thánh Gioan Thánh Giá đã nói rằng: “Vào buổi xế chiều...


Khi nhìn về viễn tượng cánh chung trong sự phán xét của Thiên Chúa với con người, Thánh Gioan Thánh Giá đã nói rằng: “Vào buổi xế chiều của cuộc sống, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”. Đó phải chăng là nguồn hi vọng cho thân phận con người không thể không đi qua cái chết. Có thể nói, con người đang từng ngày xây dựng hạnh phúc hay bất hạnh vĩnh cửu trong cuộc sống hiện tại và lời tuyên án cuối cùng được công bố vào cuối cuộc đời. Loài người sẽ được xét xử không phải về những gì đã nghĩ hoặc đã nói, nhưng về những gì đã LÀM[1] cho chính anh em mình bằng tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài sẽ phán xét nhân loại bằng tình yêu và về tình yêu. Cũng như Thánh Gioan Thánh Giá, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã viết trong “Thông Điệp Dives in Misericordia” rằng: “Trong sự hoàn thành cánh chung, lòng thương xót sẽ tỏ ra như tình thương, khi mà bên trong thời gian, bên trong lịch sử loài người cũng là một lịch sử của tội lỗi và chết chóc, tình thương sẽ tỏ ra đặc biệt như lòng thương xót, và được thực hiện dưới hình thức này… Thiên Chúa cũng mạc khải lòng thương xót của Ngài khi Ngài kêu gọi con người thi hành “lòng thương xót” đối với chính con Ngài, đối với Đấng bị đóng đinh vào thập giá…  Rốt cuộc, há chẳng phải là lập trường của Đức Kitô đối với con người hay sao, khi Người tuyên bố“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40 ). Ý kiến này để lại trong tôi nhiều suy nghĩ: Lòng Thương Xót được mạc khải như thế nào? Tại sao tình yêu là nền tảng cho sự phán xét? Tôi phải sống “lòng thương xót” như thế nào trong cuộc sống hôm nay?...

Khi bàn về cánh chung, đối diện với cái chết, con người chúng ta vẫn hay lo sợ phán xét với những hình phạt của Thiên Chúa trong luyện ngục hay hỏa ngục. Tuy nhiên, với “Thông Điệp Dives in Misericordia”, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cho ta một cái nhìn bình an, hạnh phúc và hi vọng trong ngày cánh chung vì chúng ta được Thiên Chúa ôm ấp trong lòng thương xót của Ngài. Đúng như chủ đề của Thông Điệp: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót, và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô…Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô trên cõi trời” (Ep 2,4-6). Để hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa trong sự hoàn thành cánh chung của nhân loại, chúng ta cần tìm hiểu đôi nét về hạn từ lòng thương xót.

Tiếng Hipri, có hai từ chính: “hesed” và “rachamim”. “Hesed” bao hàm tình thương mang theo sự trung tín dựa trên một lời hứa. “Rachamim” là lòng trắc ẩn, cảm thông, dịu dàng, âu yếm, gắn với “rechem” (bụng dạ, lòng ruột), muốn nêu bật tình cảm tự nhiên phát xuất từ liên hệ ruột thịt. Trong tiếng Latinh, “misericordia” được ghép bởi “miserum” và “cor”: trái tim xúc động trước nỗi khổ của người khác. “misericordia” được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ ngữ: thương xót hay chạnh thương[2], huệ ái, từ bi, nhân hậu,...

Bao giờ ngày phán xét chung cuộc xảy ra? là câu hỏi của con người khi nhìn về viễn tượng tương lai. Chính Đức Giêsu đã trả lời: “Ngày giờ ấy, không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả Người Con cũng không, chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24,36). Ngày kết thúc cánh chung thì không ai biết nhưng ngày khởi đầu cánh chung đã được Kinh Thánh mạc khải cách rõ ràng và cụ thể cho nhân loại (Dt 1,2). Với Mầu Nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm (Ga 1,14) đã thực sự khai mào thời cánh chung[3]. Công cuộc canh tân và đổi mới vũ trụ và nhân loại đã bắt đầu, chỉ còn chờ lúc kết thúc. Đức Kitô là khởi điểm của Cánh Chung, đồng thời Ngài cũng là trung tâm và chung cục vì sự Phục Sinh của nhân loại sẽ diễn ra vào ngày Đức Kitô đến lần thứ hai (Kh 22,20), để đưa nhân loại thông dự vào sự Phục Sinh của Ngài và chia sẻ vinh quang với Ngài mãi mãi. Nhưng tương lai Phục Sinh lại được gieo mầm trong hiện tại khi Đức Giêsu bảo: “Nước Trời đã đến gần” (Mc 1,15) nghĩa là thực tại cánh chung đã đến ngay trong thế giới này nhưng chưa hoàn tất. Trong sự hoàn tất cánh chung đó, tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hiện diện với nhân loại và là cùng đích nhân loại sẽ tiến đến.

Lịch sử nhân loại đã phơi bày một thực tế ngập tràn tội lỗi và chết chóc, nhưng đồng thời cũng phản chiếu tấm lòng trắc ẩn của Thiên Chúa trong lịch sử đen tối ấy. Khởi đầu sách Sáng Thế, con người là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên “giống như” hình ảnh Ngài (St 1,26-27) và con người được Thiên Chúa ban cho sự sống (St 2,7). Trong vườn địa đàng, giữa Thiên Chúa và con người không có khoảng cách (St 3,8). Thế nhưng, chính con người đã phá vỡ tương quan với Thiên Chúa khi phạm tội. Con người từ chối hạnh phúc địa đàng đồng nghĩa với việc nhận bản án phải chết nơi mình (St 2,17) nhưng Thiên Chúa đã hứa ban Ơn Cứu Độ (St 3,15). Với Cain, Aben và các tổ phụ trước Hồng Thủy, tội lỗi và sự chết đã bắt đầu xuất hiện và lan tràn khắp mặt đất (St 7,5). Thiên Chúa tiếp tục khai mở lòng thương xót của Ngài khi Ngài chọn dân Israel (đại diện cho mọi dân tộc trên mặt đất), để rồi từ trong dân ấy, Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện. Lịch sử dân Israel là lịch sử của một dân tộc với nhiều tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa đã tái lập (ban lại sự sống) cho dân ngay trong những tội lỗi ấy. Biểu thị qua việc Thiên Chúa giải thoát dân, kí kết Giao Ước và dẫn dân vào Đất Hứa. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong thời lưu đày khốn khổ nhưng dân tộc Israel vẫn  đi trong tình thương và sự che chở của Thiên Chúa. Dù dân tội lỗi, phản bội Thiên Chúa nhưng Ngài vẫn một lòng trung tín với dân. Các Ngôn sứ là minh chứng hùng hồn cho lòng tín thành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Cựu Ước đã chấm dứt trong tình trạng con người vẫn phải chết đời đời do hậu quả của tội lỗi dù Thiên Chúa đã mạc khải cho Môsê khi ông hỏi đến Danh của Ngài “Ta có sao Ta có vậy” (Xh 3,14), “Yavê! Yavê! Thiên Chúa chạnh thương, huệ ái, bao dung và đầy nhân nghĩa, tín thành” (Xh 34,6).

Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8) nghĩa là nơi Ngài chỉ có tình yêu và Ngài sẽ trao ban tất cả những gì Ngài có một cách trọn vẹn và tận cùng. Đó chính là việc Chúa Cha trao ban Con Một vì nhân loại (Ga 3, 16), để Con Một Ngài hiến mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha và cứu độ nhân loại qua Tử Nạn và sự Phục Sinh vinh hiển. Hầu giải thoát nhân loại khỏi cái chết muôn đời mà đưa con người đi vào sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc trong Thiên Chúa. Đó chính là cứu cánh cho con người khi mang trong mình bản án là cái chết. Do đó, khi đến thời viên mãn, Lòng Thương Xót đã được mạc khải qua biến cố Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người, sống giữa con người và là một con người thực sự. Trong suốt cuộc đời dương thế, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn cho một tình yêu trọn vẹn với Chúa Cha và với con người qua việc Ngài loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, người mù được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,.. (Lc 4,18-19). Đỉnh điểm của sự mạc khải Lòng Thương Xót là mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh[4]. Tình thương trên Thập Giá Đức Kitô luôn chống lại cái làm thành chính cội rễ của sự dữ trong lịch sử là tội lỗi và sự chết. Thập giá là phương thế sâu xa nhất để Thiên Chúa đoái đến con người, là sự chạm đến tình thương vĩnh cửu trên những vết thương đau đớn nhất của cuộc sống con người trên trần gian…Thập giá chính là sự hoàn tất của Thiên Chúa trong việc xét xử tội lỗi, vì Thiên Chúa là tình yêu thì Ngài ghét bỏ tội lỗi. Nơi Thập Giá, Thiên Chúa đã kết án tội nhưng đồng thời Tình Yêu cũng xuất hiện. Thiên Chúa đã ôm trọn con người trong Con Người, xóa bỏ khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa. Chính vì tình yêu mà Ngài đã mang lấy tội của thế gian, phải chết như một tử tội chứ bản thân Ngài không hề phạm tội. Như thế nghĩa là Thiên Chúa đã xét xử tội và trao ban trọn vẹn tình yêu của Ngài. Hay nói cách khác, khi kết án tội cũng là lúc Thiên Chúa trao ban chính Ngài cho con người. Đó chính là điều mà Hans Urs Von Balthasar đã nói: cái chết trên thập giá của Đức Giêsu như là điểm xoay chuyển. Chính trong điểm xoay chuyển này mà điều này đã xảy ra: cơn giận của Thiên Chúa xảy đến không vì tội nhưng chỉ để khước từ tội và thiêu đốt nó, và tình yêu Thiên Chúa bắt đầu mạc khải chính mình cách cụ thể ngay tại điểm không thể xoay chuyển này[5].  Theo Hans Urs Von Balthasar, tình yêu trọn vẹn hơn khi Chúa Giêsu đã đi xuống tận âm phủ. Những đau đớn của Chúa Giêsu trên Thập Giá, Chết vẫn chưa đủ để diễn tả tình thương Thiên Chúa. Ngài đã đi xuống âm phủ nghĩa là đi vào tình trạng chết chóc của con người, nơi mà chỉ những người chết có ở đó. Đức Giêsu đã bước vào địa hạt của sự chết và nên một với con người trong sự chết. Có thể nói, cái bi đát nhất của thân phận con người không là thân xác chết chôn trong mồ nhưng là nơi những kẻ chết ở với nhau. Đức Giêsu đi vào Ngục Tổ Tông chứng tỏ nơi đó có Thiên Chúa hiện diện. Ngài không đi vào trong thân phận của xác chết nhưng là của Đấng Ban Sự Sống và Ngục Tổ Tông trở thành nơi ở của Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, Tin Mừng Phục Sinh được loan báo đầu tiên trong âm phủ và Adam, Eva là người phải chết đầu tiên thì nay là người được sống lại cùng với Đức Giêsu: “Chúa tiến đến với hai ông bà, tay cầm võ khí chiến thắng là Thập Giá. Thoạt trông thấy người, nguyên tổ Adam đấm ngực và lớn tiếng kêu van với mọi người: chúa của tôi ở với mọi người. Đức ki tô trả lời Adam: và ở cùng thần trí ngươi. Người cầm lấy tay, lay ông dậy và nói: Tỉnh giấc đi hỡi người còn đang ngủ, ở chốn tử vong chỗi dậy đi nào. Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi. …nào chỗi dậy, kẻ thù đã kéo ngươi ra khỏi vườn địa đàng thì nay ta đặt ngươi lên ngai trời…kẻ thù đã ngăn chặn ngươi, không cho ngươi đến gần cây ban sự sống thì nay ta ban sự sống cho ngươi..” [6]. Như thế, địa hạt sự chết đã được lấp đầy một cách trọn vẹn bằng ánh vinh quang của Thiên Chúa. Điều này cho ta dễ hiểu tại sao Hội Thánh lại thinh lặng hoàn toàn trong ngày thứ 7 Tuần Thánh. Bởi vì Tình Yêu Thiên Chúa lớn đến nỗi con người không thể thốt nên lời mà chỉ có thể im lặng để chiêm ngắm. Có lẽ vì thế mà Hans Urs Von Balthasar đã xác tín: “Đối với thọ tạo, Thiên Chúa là Đấng cuối cùng của vạn vật. Nếu được Chúa thì đó là Thiên Đàng, nếu mất Chúa là Hoả Ngục…Chính trong Thiên Chúa mà con người chết đi, và nhờ Ngài mà con người được chỗi dậy”. Như thế, tình thương của Thiên Chúa trong sự hoàn thành cánh chung được tỏ ra là Tình Yêu nơi Đức Giêsu Kitô đã vượt trên cả tội lỗi, chết chóc của con người.

Biến cố Thập Giá và xuống âm phủ là chuẩn bị cho biến cố Phục Sinh. Sự hiệp nhất giữa Chết và Phục Sinh là không thể tách rời, được biểu thị cụ thể nơi chính thân xác Đấng Phục Sinh. Chính trong sự sống lại từ cái chết mà những vết thương của Tình Yêu vẫn tùng phục và duy trì. Ngài vẫn mãi là Con Chiên Bị Đâm Thâu: Sự sống mới này đã đặt cái chết phía sau nó (Rm 6,10) thì vẫn là sự sống từ cái chết, sự sống được đặc tính hóa bởi vượt qua cái chết[7]. Qua sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cha đã mạc khải chính Ngài cách trọn vẹn. Mạc khải đó cũng chính là mạc khải Thánh Thần vì Thánh Thần chính là kết quả của tình yêu Cha và Con. Hay nói cách khác, Thánh Thần diễn tả tình yêu Cha và Con. Với việc ban Thánh Thần cho nhân loại qua sự Phục Sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã thực sự mở toang chiều sâu thẳm nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa cho nhân loại. Đó chính là đặc tính cánh chung của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người trong cái tận cùng của hành trình con người là chết và sống lại trong Thiên Chúa[8]. Nói theo cách của Karl Rahner: Thiên Chúa Cứu Độ con người không gì khác hơn là Thiên Chúa, Đấng tỏ mình cho chúng ta trong sự gần gũi không thể gần hơn được nữa (unsurpassable nearness).

Qua mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh chúng ta thấy rõ lòng thương xót của Chúa Cha đối với nhân loại và mời gọi nhân loại thực thi lòng thương xót với Con Ngài là Đức Giêsu. Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với những con người bé nhỏ, đau khổ, bị bỏ rơi, …“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 25,40). Con người được mời gọi tỏ lòng thương xót với Thiên Chúa trong mức độ chính mình được cải hóa nội tâm với tình thương dành cho tha nhân. Chính qua việc thực thi lòng thương xót đối với tha nhân mà ta đi tới Lòng Thương Xót là chính Thiên Chúa. Nhà Thần học Buber và Bonhoeffer đã chứng minh điều này trong mối tương quan I–Thou: Phía sau mỗi Thou nhân bản có cái Thou Thiên Chúa mà ý chí là yêu thương nên tha nhân chính là sự qui chiếu về Thiên Chúa[9]. Như thế, Thiên Chúa thực sự hiện diện trong cõi sâu thẳm của tâm hồn con người. Vậy, thực thi lòng thương xót với Đức Kitô qua anh chị em xung quanh chúng ta là thực thi lòng thương xót với Đức Kitô như Ngài đã dạy: “Phúc cho ai biết xót thương người thì sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Điều mà Đức Kitô hỏi ta trong ngày phán xét là ta đã sống tình yêu như thế nào trong cuộc đời. Những người nghèo khổ xung quanh chúng ta đang thực sự là hiện thân của Chúa. Những con người đau khổ vì bệnh tật là hình ảnh của Chúa Giêsu khi một mình Ngài phải đối diện với cái chết trong vườn Ghêtsêmani; những người bị bóc lột, cưỡng bức là hình ảnh của Giêsu với tâm thân chịu đánh đòn rách nát, đội mão gai,…; những con người đang phải đi tị nạn vì chiến tranh là hình ảnh của một Giêsu bị người ta bỏ rơi trên Thập Giá; những con người đang hấp hối là Đức Giêsu trên Thập Giá với cái chết đau đớn và tủi nhục; những người trong lao tù bị mọi người quên lãng là hình ảnh của Chúa trong mồ ngày thứ 7. Chúng ta có sẵn sàng nâng đỡ người tội lỗi như Chúa đã xuống âm phủ mang lại sự sống cho những con người đã chết hay không?...Tất cả những con người đau khổ ấy, chúng ta đã tỏ lòng thương xót như thế nào để ngày mai kia Thiên Chúa dựa vào đó mà phán xét chúng ta[10]. Tất cả những gì chúng ta làm, hoặc không chịu làm, đều có ý nghĩa với Thiên Chúa trong ngày phán xét. Việc làm của chúng ta đem lại những hậu quả, hoặc thấy được hoặc không thấy, và khi chúng ta không chịu làm điều đáng ra phải làm thì cũng đem lại hậu quả trong ngày phán xét. Không phải mọi người đều đã biết Đức Giêsu, nhưng mọi người đều có một nẻo đường để gặp được Người, đó là nẻo đường “các việc từ bi thương xót”. Khi săn sóc những người “nhỏ bé nhất”, những người túng quẫn, những người đói khát, những khách lạ, những người trần truồng, những người ngồi tù (Mt 25,35-36), ta vừa làm giống như Đức Kitô vừa săn sóc chính Đức Kitô. Ta giúp đỡ Đấng “một ngày kia” sẽ là Thẩm Phán. Chúng ta hãy nhìn gương của Mẹ Têrêxa Canculta, một con người yếu ớt nhưng tình yêu Mẹ dành cho Chúa Giêsu trong những con người bé nhỏ thì thật mạnh mẽ và lớn lao. Mẹ đã nói rằng: Chúng ta phải yêu cho đến lúc trái tim chúng ta tan vỡ vì đó là cách Chúa Giêsu đã yêu.

Cuối cùng trong mầu nhiệm Phục Sinh, những gì do sự dữ mà con người phải dự vào trong cuộc sống trần gian đều được vượt qua… Sự kiện ấy đồng thời làm thành dấu chỉ báo trước “trời mới đất mới”, khi Thiên Chúa “lau sạch nước mắt họ; sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc. Thánh Phao lô đã nói: nhờ nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu trong cái chết của Người mà có ngày tôi cũng được sống lại từ trong cõi chết. Đó là lí do để chúng ta nên giống Người trong cái chết qua Bí Tích Rửa Tội. Cùng chết và mai táng trong mồ với Ngài qua việc dìm trong nước[11]. Nhờ phép rửa và ơn Thánh Linh mà chúng ta được Phục Sinh với Chúa Kitô và được biến đổi. Trở nên môn đệ của Ngài, đi rao giảng với tâm hồn hướng về ngày cánh chung. Nhờ Phép Rửa, xác thịt của chúng ta sẽ được biến đổi giống như thân xác của Chúa Kitô Phục Sinh vì thân xác sống lại là sự sáng tạo mới hoàn toàn là tác phẩm của quyền năng Thiên Chúa và giống như một sự sinh sản[12]. Như thế, chúng ta đã nhận lãnh trước những điều tốt lành Chúa đã hứa nơi Người Con Trưởng Tử. Nhờ Người chúng ta được mang lên trời và chia sẻ ngai toà với Đấng đã mang ta lên cao.

Đức Kitô đã dùng tình yêu để khai mở sự hoàn thành cánh chung như thế nào thì ngày cánh chung sau cùng Ngài cũng sẽ phán xét bằng tình yêu như vậy. Vậy, phải hiểu thế nào về đức công bình trong ngày phán xét?. Có thực sự Thiên Chúa sẽ phạt con cháu đến ba bốn đời (Xh 34,7) không?. Trong bản chất của tình yêu luôn luôn là một sự sáng tạo mới mẻ. Nó không biểu thị ở một chiều, cho đi hoặc nhận lại nhưng là trong cả hai chiều cho và nhận. Người cho là cho đi một cách trọn vẹn, tận cùng và người nhận sẵn sàng từ bỏ mình để có thể mở lòng và đón nhận tất cả. Khi cho đi chính mình là đã chấp nhận chết đi và khi nhận lại là đã mở rộng cõi lòng để đón nhận một sức sống mới. Đó chính là sự kì diệu của nguồn mạch tình yêu mà chỉ có những người sống và chết cho tình yêu mới cảm nếm thực sự. Ba Ngôi Thiên Chúa là mẫu gương cho sự thông hiệp của tình yêu này. Thưởng hay phạt trong ngày phán xét là  một cách biểu lộ tình yêu ấy. Tình thương của Thiên Chúa luôn lớn hơn tội lỗi của con người. Khi phán xét Đức Kitô là Thẩm Phán Xét Xử nhưng Ngài cũng là Trạng Sư bênh vực cho chúng ta (1Ga 2,1; Dt 7,5). Có hình phạt là vì Ngài làm cho chúng ta nên xứng đáng để hưởng hạnh phúc với Ngài. Nếu Thiên Chúa công bình vô cùng thì Ngài cũng nhân hậu vô cùng nên chúng ta không còn phải sợ hãi trong ngày phán xét. Thiên Đàng hay Hỏa Ngục là hệ tại ở chỗ được hay mất Chúa (Balthasar). Nếu chúng ta luôn hiện diện trong chiều sâu của Lòng Thương Xót thì đó là chúng ta đang ở trong Thiên Đàng. Vào ngày “cuối cùng”, khi Đức Kitô ngự đến, sẽ diễn ra cuộc phán xét chung. Mọi sự được phơi bày. Đó là “giờ của sự thật”. Đối với mỗi người chúng ta, “giờ sự thật” ấy sẽ đến ngay lúc chúng ta lìa đời[13]. Nhìn nhận mình là tội nhân và đặt mình trước sự xét xử của Chúa, đó là cách thực hành tốt nhất giúp ta sống niềm tin vào sự phán xét. Và khi chúng ta chân thành nhìn nhận tội lỗi của mình thì niềm tin vào Thiên Chúa giàu lòng xót thương lại nói với ta: “Thiên Chúa lớn hơn lòng chúng ta” (1Ga 3,20).

Chúng ta biết rõ lập trường của Đức Giêsu là Ngài sẽ phán xét bằng tình yêu. Vậy, chúng ta đã chuẩn bị gì cho giây phút chúng ta ra hầu tòa Chúa?. Hãy nhớ rằng giây phút Chúa gọi ra khỏi đời này chúng ta sẽ không còn thay đổi gì được nữa, chúng ta không thể tự bào chữa cho mình. Hãy luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Nhờ bởi Người đồng hóa tình yêu đối với tha nhân với tình yêu đối với Thiên Chúa nên những việc ta làm cho anh chị em được gọi là “tốt”, ta hãy làm việc ấy cho chính Thiên Chúa.  Ơn Cứu Độ chính là việc mở lòng ra với Đức Kitô và để cho Ngài cứu độ chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy đi đến với Thiên Chúa, mở ra với tình yêu của Chúa Giêsu nghĩa là hoán cải những điều không tốt mà chúng ta đã làm. Hôm nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục trao ban chính mình Ngài cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể, để đổ đầy nơi chúng ta lòng thương xót của Ngài và để chúng ta có thể cảm nếm trước từ lúc này sự ấm áp và vẻ đẹp trọn vẹn của khuôn mặt Thiên Chúa là Lòng Xót Thương trong đời sống vĩnh cửu của mình. Hãy đi về phía trước, bằng niềm tin cuộc phán xét đã bắt đầu từ hôm nay.

Phận con người thì ai cũng phải đi qua cái chết một lần rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9,27). Tôi cũng không thể không đi qua cái chết. Nhưng tôi tin, chính nhờ đi qua cái chết mà tôi được bước và hạnh phúc vĩnh cửu chiêm ngắm khuôn mặt của Đấng là Lòng Xót Thương. Cuộc sống hôm nay sẽ là cơ hội để tôi thực thi lòng thương xót với Đức Kitô trong những khuôn mặt đau khổ của tha nhân. Tôi không cần nhiều của cải hoặc những tài năng đặc biệt, nhưng cần một trái tim rộng mở và có lòng thương cảm. Điều đầu tiên tôi cần là phải có con mắt, trái tim và sự nhạy cảm; nhất là phải nhận ra nhu cầu của người anh chị em. Tôi tin sứ mệnh của tôi là làm chứng tá cho những gì Thiên Chúa đã làm và đang làm ; là yêu mến Thiên Chúa và người thân cận như Ngài đã dạy. Đời sống thánh hiến đã và đang cho tôi cảm nếm Tình Yêu Thiên Chúa cách kì diệu. Sống trong Đặc Sủng, Linh Đạo và Sứ Mạng của Hội Dòng, tôi quyết tâm sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và tha nhân. Tôi ý thức rằng: Chính Đức Kitô Phục Sinh thiết lập nền tảng cho hy vọng của tôi, khai mở ra bên kia thế giới những ranh giới của cuộc sống hiện tại[14]. Khoảnh khắc hiện tại không phải là phần mảnh thời gian nhưng là lối vào vĩnh cửu, vì chính trong giây phút hiện tại là thời điểm mà tôi gặp được Chúa, nhận ra ý Chúa và thực thi ý Ngài. Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc nối tiếp nhau như thế là vĩnh cửu hoá giây phút hiện tại đưa ta vào đời sống của Thiên Chúa[15]. Vì thế, tôi phải sống với tất cả chọn lựa, tận tình trong tình yêu Chúa và tha nhân để có thể trở thành dấu chỉ tiên báo nếp sống mai sau trên trời[16]. Tôi sẽ luôn ghi nhớ lời Đấng Sáng Lập Dòng tôi đã “nói” trước khi Ngài qua đời như là phương thế sống cho mình: Khi chết tôi chỉ sợ hai điều, một là chưa yêu mến phép Thánh Thể cho đủ, hai là chưa hết lòng thương giúp người ta phần hồn phần xác[17]. Lòng tôi sẽ mãi cất cao lời kinh: “Lòng chân thật sống những ngày tuyệt hảo. Một cuộc đời không biết sợ tử vong. Một cuộc đời như điệu hát không ngừng, dâng lên Chúa niềm tri ân cảm tạ”[18].

M. Têrêxa Thu Hà (Đại Tập), FMI  

[1] Thánh Phaolô, “Ai gieo thứ gì thì gặt thứ ấy” (Gl 16,6).

[2] Bản dịch Kinh Thánh của Lm. NGUYỄN THẾ THUẤN

[3] Lm. GIUSE PHAN TẤN THÀNH và Nt. MARIA ĐINH THỊ SÁNG, Cánh Chung Học, tr. 52

[4] Thông điệp “Dives in Misericordia”, số 7

[5] The von Balthasar Reader, 149

[6] Bài đọc 2 Kinh Sách, Thứ 7 Tuần Thánh

[7] Life out of Death, 39

[8] LM. GIUSE LƯU QUANG BẢO VINH, Tài liệu học tập môn Cứu Thế Luận, Chương VII.

[9] FRE. VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Thần Học,chương VI, Phổ Thần Học, tr. 240

[10] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ,  Tông Thư Misericordiae Vultus, số 15

[11] Sách của Thánh Baxilio. Gm

[12] Lm AUGUSTINE NGUYỄN HUY TƯỞNG, Quan niệm của Kitô giáo về đời sau, tr.36-42

[13] GLHTCG. Số 1022

[14] Lm. AUGUSTINO NGUYỄN VĂN TRINH, Cánh Chung Học, Đại chủng viện thánh Giuse, năm 2000, tr.2

[15] http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/tuduc/36GiayPhutHienTai.htm

[16] Luật sống Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, điều 23

[17] Tiểu Sử ĐỨC CHA EUGÈNE MARIE JOSEPH ALLYS (Lý). MEP. Đấng Sáng Lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Huế.

[18] Thánh Thi Phụng Vụ Kinh Sáng, Thứ 4 Tuần II, PVGK, Nxb Tôn Giáo Hà Nội, 2010