Thiên Chúa là ai đối với bạn xét như một Kitô hữu?

Con người không bao giờ thỏa mãn với những cái hiện có (tài, lộc, trí) vì trong cái hiện có, con người luôn thấy nó khiếm khuyết, con người...


Con người không bao giờ thỏa mãn với những cái hiện có (tài, lộc, trí) vì trong cái hiện có, con người luôn thấy nó khiếm khuyết, con người muốn một hạnh phúc tối cao hoàn toàn thỏa mãn, không còn những rầy rà, phiền phức nhưng bền bỉ. Mà thứ hạnh phúc ấy không thể tìm thấy nơi trần gian. Vậy phải có một cuộc sống nào thỏa mãn những khát vọng ấy, phải có một Đấng có khả năng làm thỏa những khát vọng ấy. Đấng ấy chính là Thiên Chúa, Đấng dựng nên những khát vọng vĩnh cửu của nhân loại. Thế nhưng, Thiên Chúa là ai?. Các ngôn sứ ngày xưa đã nói về một Thiên Chúa duy nhất và chỉ tôn thờ một mình Ngài mà thôi. Hơn nữa, các nhà thần học cũng nêu lên rất nhiều quan niệm của mình về Thiên Chúa trong tương quan Cha, Con và Thánh Thần. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu cũng đã hỏi các tông đồ “Người ta nói Con Người là ai?...Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,13-16). Chúa Giêsu muốn nghe câu trả lời từ chính miệng các môn đệ của Người. Và cho tới nay câu hỏi đó vẫn vang vọng, Chúa cũng muốn tự mỗi người Kitô hữu, cách riêng bản thân tôi về câu hỏi đó. Thiết nghĩ rằng, khi tôi trả lời được câu hỏi của Chúa Giêsu thì cũng chính là lúc tôi trả lời được: “Thiên Chúa là ai?”

Có một số tôn giáo khác cũng tin vào một Thiên Chúa duy nhất với niềm tin độc thần như tôi, nhưng là một Kitô hữu, tôi biết và tin vào Thiên Chúa không chỉ là duy nhất nhưng là Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Nghĩa là tôi biết và tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, niềm tin mà tôi nhận được do các tông đồ truyền lại. Các ngài là những người đã được ở với Đức Giêsu và được Ngài mạc khải cho biết về Chúa Cha: “…Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Và về chính Ngài như: Ngài ngang hàng với Chúa Cha: “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,62); Ngài có quyền của Thiên Chúa, đó là quyền tha tội: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5); Ngài còn cho người Dothái biết, Ngài có trước Abraham: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8,58); và Ngài còn là một với Cha: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Cũng vậy, Ngài đã mạc khải Thánh Thần cho các ông: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng bầu chữa khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16); và “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26); Thật vậy, chính Thánh Thần sẽ đỡ đần tình cảnh yếu hèn của ta và giúp ta cầu nguyện (Rm 8,26); và Thánh Thần sẽ dẫn đưa để chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa (Rm 8,14). Sau khi Chúa Phục Sinh hiện ra và Thánh Thần được gửi đến, các tông đồ đã hiểu, đã tin thật là Đức Giêsu ngang hàng với Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật. Và một khi đã tin Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, thì các tông đồ cũng tin Thánh Thần là Thiên Chúa thật vì những lời Đức Giêsu đã mạc khải trước đây. Như vậy, các tông đồ đã tin Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Các Ngài đã rao truyền niềm tin đó cho mọi người, Giáo Hội đã tin và tôi cũng tin.

Hơn nữa, qua các dấu chỉ khả giác, qua đời sống cầu nguyện, qua việc học hỏi tôi càng biết, càng tin và xác tín vào Thiên Chúa Ba Ngôi hơn. Ba ngôi vị Thiên Chúa không lẫn lộn, không hòa tan trong nhau đến mất mình; nhưng trái lại, Cha luôn là Cha, Con luôn là Con, Thánh Thần luôn luôn là Thánh Thần. Mỗi ngôi vị có tương giao khác nhau với hai ngôi vị kia và có sứ mệnh riêng biệt, như sứ mệnh nhập thể của Đức Giêsu và sứ mệnh thánh hóa của Chúa Thánh Thần, nhưng Ba Ngôi không tách rời nhau trong bản tính cũng như trong hành động. Không khi nào Cha ngừng là Cha. Không khi nào con ngừng là Con. Không khi nào Thánh Thần thôi là Thánh Thần. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn kết hợp với nhau, yêu thương nhau và nên một với nhau trong tất cả. Như thánh Gioan tông đồ sau một thời gian dài nghiền ngẫm suy tư, Ngài tuyên xưng: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa là tình yêu, không phải chỉ khi tạo dựng con người Ngài mới là tình yêu, nhưng Ngài đã là tình yêu từ muôn muôn thưở. Thiên Chúa là Đấng yêu thương, đã luôn muốn cho con người được hạnh phúc. Và Thiên Chúa còn là Đấng Tốt Lành, Ngài luôn muốn điều tốt cho con người. Ngay cả khi con người không tin vào Thiên Chúa, phản nghịch với Thiên Chúa thì Thiên Chúa vẫn tiếp tục đối thoại với con người, để giúp con người trở lại với Ngài, để con người có thể được hạnh phúc đích thực. Quả vậy, niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đã dẫn đưa tôi đến sự kết hợp với Thiên Chúa và sống một cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc ngay trong đời sống này. Tôi đã cảm nghiệm được điều này qua những biến cố vui buồn trong cuộc sống. Có những lúc gặp khó khăn hay bị vấp ngã, tôi cứ tưởng Thiên Chúa đã bỏ tôi một mình, nhưng không, Ngài vẫn luôn đồng hành với tôi, yêu thương tôi. Tôi có thể khẳng định rằng Ngài yêu tôi và Ngài biết tôi hơn cả chính tôi, hơn cả bất cứ ai tin tôi. Tôi tin và hạnh phúc vì điều này và tôi ước mong mỗi ngày có nhiều người biết và nhận ra tình yêu của Ngài và tin vào Ngài.   

Tóm lại, tâm điểm của sự mặc khải trong đạo Công Giáo là Thiên Chúa Ba Ngôi. Là một Kitô hữu hơn nữa là một người sống đời thánh hiến, tôi đã nhận lấy sự mặc khải này làm nền tảng đức tin của mình. Vì thế, mỗi khi làm dấu thánh giá, ước gì bạn và tôi, chúng ta cùng sống mãi trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin Ngài cho chúng ta “được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa Cha và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần” (2Cor 13,13) để chúng ta cùng mạnh dạn tuyên xưng: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng… Amen.”

Nt. M. Anna Đan Thùy, FMI