Dấu ấn Ba Ngôi

Đức tin và lý trí ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý[1]. Đức tin đó cần được trưởng thành...


Đức tin và lý trí ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý[1]. Đức tin đó cần được trưởng thành để có sự hiểu biết sâu xa, hệ thống hơn về Con Người và sứ điệp của Đức Giêsu Kitô, nhờ đó ta hiểu hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống chúng ta và không ngừng khơi dậy đức tin với sự trợ giúp của ân sủng, với tâm hồn cởi mở, với sự hoán cải[2] ta sẽ được cứu độ. Chính sự mặc khải, là Thiên Chúa đã ban chính mình cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô[3], cụ thể qua các kinh nghiệm đức tin. Nhờ đó có thể giúp ta hiểu và bước vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đức tin Kitô giáo đều mang dấu ấn của Ba Ngôi. Nói cách khác, Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong mọi lãnh vực của đời sống Kitô hữu3. Đồng thời, kinh nghiệm nhân bản luôn chất chứa kinh nghiệm đức tin. Qua kinh nghiệm đức tin về Thiên Chúa Ba Ngôi ta được hoán cải và được cứu độ. Đức Giêsu Kitô đã là một con người, đã chỉ cho ta biết về Chúa Cha và Thánh Thần, sự hoạt động của Ba Ngôi trong lịch sử cứu độ. Đức Giêsu mạc khải vinh quang Người qua việc Người làm và các môn đệ đã tin vào Người[4]. Chính vì thế, khả năng con người đón nhận Thiên Chúa trong sự hoán cải: tâm tình, tâm trí, luân lý và tôn giáo. Đức tin trở nên cụ thể khi con người nghe Lời Chúa và nhận ra Lời. Nhờ vào quyền năng Chúa Thánh Thần, khi Lời hoạt động trong tâm hồn ta. Lời này thay đổi ta và làm cho ta phó thác vào Thiên Chúa[5]. Trong bất cứ hoạt động nào của đức tin nội tâm luôn có một khởi điểm tình yêu với chiều kích Thiên Chúa và con người. Vì thế, Đức Kitô trực tiếp nói với ta trong thân thể huyền nhiệm của Người là Giáo hội, trong đó chính Người hiện diện với ta. Từ đó, việc đáp trả cá vị của con người đối với Thiên Chúa tự mạc khải và ban ơn cứu độ[6]. Nhưng con người phải được nâng lên trật tự thần linh nếu muốn gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa bằng việc đáp trả đức tin. Đức tin là khởi điểm của cuộc gặp gỡ cứu độ có tính cách trao ban lẫn nhau giữa Thiên Chúa và con người. Như thế, con người tin và thi hành cách tự do và có trách nhiệm với hành động tin mà Thiên Chúa đòi hỏi con người qua Giáo hội. Kinh nghiệm không phải là những việc lớn lao, những điều kỳ diệu mà chính trong những gì tầm thường nhất của cuộc sống nhưng được thể hiện với con tim tràn đầy yêu thương và với cái nhìn của Chúa Giêsu. Chính lúc này ta thực hiện kinh nghiệm nhân bản với một chiều kích tôn giáo[7], như một sự khám phá về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha xuất hiện như Cha của Đức Giêsu thành Na-da-rét, là Đấng đã chọn các môn đệ cùng với Đức Giêsu (x. Lc 6,12-14), và yêu mến các ông (x. Mc 3 ; Ga 14,16-17; Rm 8,15-16). Chỉ thật sự có Đức Giêsu mới có thể gọi Thiên Chúa là Abba đúng nghĩa. Người đã dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha (Abba) và cầu nguyện với Abba (Rm 8,15; Gl 4,6). Thiên Chúa Cha cũng được ví như người mẹ. Vậy ta tuyên xưng Chúa Cha là ngôi thứ nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu là Ngôi Lời. Người vừa là Thiên Chúa vừa là người. Người nói với chúng ta qua ngôn ngữ nhân loại. Đức Giêsu luôn dạy chúng ta qua lời và hành động của Ngài nhưng luôn quy hướng về Thiên Chúa như một người cha thân yêu (x. Ga 10,30; 14,9.10), trong một mối tương quan tràn đầy thân ái đến độ “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Đức Giêsu luôn làm đẹp ý Cha. Qua đó ta kinh nghiệm Chúa Con chính là Ngôi Thứ Hai trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Thần – Thần Trí của Thiên Chúa. Đó là khả năng của Chúa Cha và Con tác động lên chúng ta, cái gì rất sâu xa tác động trong nội tâm, là sức mạnh, là tình yêu, cội nguồn sự sống…Thần Khí là sự tự thông ban của chính Thiên Chúa dưới dạng sức mạnh, tình yêu, là Parakletos, là Đấng ở với, ở cận kề và ở trong chúng ta. Khi chúng ta có kinh nghiệm về tình yêu, chúng ta có kinh nghiệm về Thánh Linh (St. Augustino). Nhờ Thánh Thần mà mọi sự được thành toàn. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần được con người đón nhận vào chính cuộc sống của họ. Trong mặc khải, Thiên Chúa biểu hiện tình yêu vô điều kiện của Ngài, và kinh nghiệm về tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện này sẽ giúp nhân vị triển nở nhiều hơn biết bao[8]. Thiên Chúa Ba Ngôi trở thành một kinh nghiệm sâu xa về mối tương giao thân tình giữa chúng ta với từng ngôi vị Thiên Chúa, và giữa chúng ta với nhau trong từng hoàn cảnh của cuộc sống.

Cuộc sống là chuỗi dài đầy những kinh nghiệm. Là môn đệ Chúa, tôi luôn khát khao tìm kiếm cho mình một kinh nghiệm sống đích thực để hướng về Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ. Bước vào tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự nhảy vọt của niềm tin, tôi khám phá ra một bầu trời kinh nghiệm cá vị, độc đáo với Thiên Chúa. Người mời gọi tôi tận hiến đời mình cho Ngài bằng một sự dấn thân qua cầu nguyện, sống với Ngài trong thẳm sâu tâm hồn giữa cuộc sống đầy thách đố, và là một cuộc hoán cải trường kì, liên lỉ, âm thầm của đời thường để với tình yêu của Ngài, sống một tương quan đối thoại, hiệp nhất và yêu thương với tha nhân. Nhờ thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời tôi.

Nt. Maria Phương Uyên, FMI  


TRÍCH DẪN TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Catechesi Tradendae, Dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, Tông huấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, số 19

http://dongthanhgia.com/giaoly_files/Tong%20huan%20ve%20Day%20Giao%20ly%20trong%20thoi%20dai%20chung%20ta.htm

  1. Dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, Catechesi Tradendae, Tông huấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, số 22

http://dongthanhgia.com/giaoly_files/Tong%20huan%20ve%20Day%20Giao%20ly%20trong%20thoi%20dai%20chung%20ta.htm

  1. GLGHCG số 234.
  2. Thomas Rausch, Dẫn Vào THần Học, Đức Tin Kitô Giáo: Một cái nhìn hiện đại, tr. 148
  3. Thomas Rausch, Dẫn Vào THần Học, Đức Tin Kitô Giáo: Một cái nhìn hiện đại, tr. 184
  4. ĐGH Benedict XVI, huấn từ sau Kinh Truyền Tin, Lễ Thánh Gia 27/12/2009
  5. Đường vào đạo, nguoitinhuu.com

[1] ĐGH Gioan Phaolo II, Thông điệp Đức tin và Lý trí, tr.3

[2] ĐGH Gioan Phaolo II, Dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, s.19

[3] ĐGH Gioan Phaolo II, Dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, s.22

[4] Anphong Vũ Đức Trung, Op, Thần Học căn bản, tr.82

[5] Nguyễn Khoa Luật, Ofm, Thần Học căn bản, tr.86

[6] Anphong Vũ Đức Trung, Op, Thần Học căn bản, tr.86

[7] Thần học căn bản, tr.75

[8]  Đường vào đạo, www.nguoitinhuu.com