Lương tâm Công giáo trong tương quan với phân định và đồng hành thiêng liêng

Chúng ta đang sống trong một thế kỷ mà sự phân định chiếm chỗ rất nhiều, những người đồng hành trở nên rất cần thiết để giúp...


Chúng ta đang sống trong một thế kỷ mà sự phân định chiếm chỗ rất nhiều, những người đồng hành trở nên rất cần thiết để giúp người khác hiểu được tiếng nói mà Thần Khí ngỏ với họ trong lòng. Nhưng điều quan trọng, tự mỗi người phải cảm nhận việc Thần Khí Thiên Chúa đang hoạt động nơi bản thân qua việc phân định và đồng hành thiêng liêng (PĐ và ĐHTL). Vậy để thực hiện tốt những điều trên, chúng ta cùng tìm hiểu lương tâm theo quan điểm Kitô giáo là gì? Thế nào là phân định thiêng liêng? Và tương quan giữa lương tâm với việc PĐ và ĐHTL ra sao?

Trước hết, lương tâm theo quan điểm công giáo là con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật, mà chính con người không tự đặt ra cho mình, nhưng con người phải tuân theo lề luật đó, luôn luôn kêu gọi con người yêu mến và làm điều tốt cũng như tránh điều xấu, và lúc cần thiết tiếng nói ấy vang lên trong trái tim con người. Quả thật, con người có một lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong trái tim họ. Lương tâm là hạt nhân bí ẩn nhất và là cung thánh của con người, nơi con người ở một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thẳm sâu lòng họ (GLCG 1776).

Tiếp đến, phân định thiêng liêng là một tiến trình bởi đó chúng ta xem xét dưới ánh sáng của đức tin và trong độ tương hợp của đức ái, bản chất của những tâm trạng thiêng liêng mà chúng ta cảm thấy nơi chính mình và được người khác cảm nhận. Mục đích của việc xem xét ấy là xác định, trong chừng mực có thể được, đâu là những tâm trạng đưa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa để phục vụ Ngài và anh em trong sự toàn thiện lớn hơn, và đâu là những tâm trạng đưa đẩy chúng ta xa mục đích đó (Thomas Green, SJ, sự phân định thiêng liêng: nghệ thuật và thực hành, tr.53)

Qua hai định nghĩa trên, ta thấy lương tâm được Thiên Chúa đặt để trong lòng mỗi con người. Tuy nhiên, lương tâm có thể bị sai lạc, hư hoại do ảnh hưởng của môi trường sống nên hãy sống theo điều mình tin chứ đừng tin điều mình sống. Vì thế, lương tâm cần phải được huấn luyện để có thể phán đoán cách ngay thẳng và chân thật dựa trên 3 yếu tố: nhận biết nguyên tắc luân lý phổ quát, áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể, phán quyết hành vi đã, đang và sẽ làm. Trên hết, chúng ta cần cầu nguyện, xét mình mỗi ngày để được Chúa hướng dẫn vì việc huấn luyện lương tâm là việc suốt cả cuộc đời. Đặc biệt, hãy để cho Lời Chúa huấn luyện bản thân mỗi ngày. Người môn đệ của Chúa phải mở cửa lòng mình để Chúa soi sáng và múc lấy nguồn sức sống trao ban cho người khác. Lương tâm theo quan điểm Kitô giáo là phán đoán hay phán xét đúng, sai lầm, chắc chắn hay hoài nghi nhưng trong việc PĐ và ĐHTL chúng ta cần theo nguyên tắc luôn tuân theo lương tâm chắc chắn và không hành động khi lương tâm hoài nghi. Khi lương tâm có sự hoài nghi thì phải làm sáng tỏ hai câu hỏi về mặt lý thuyết chân lý là gì? Còn về thực hành thì hành vi nào phải làm? Để từ đó theo nguyên tắc ta phân định và mở ngõ cho việc đồng hành thiêng liêng là giải pháp an toàn hơn về mặt luân lý, luật nghi không buộc, luật buộc không nghi. Nói chung, đời sống này ta đừng sống với vẻ đẹp bề ngoài nhưng phải thống nhất đời sống. Ta phải huấn luyện để được nội tâm hóa trước khi hành động. Ta đừng sống theo con người tự nhiên thích thì làm mà không thích thì không làm nhưng phải biết phân định đúng hay sai, nên hay không nên.

Tóm lại, những gì tôi đã được học hỏi, lãnh nhận, tôi đem vào cầu nguyện để thẩm thấu và áp dụng trong cuộc sống hầu mưu ích cho tôi và mọi người. Đồng thời, tôi trở thành người tự do và trưởng thành trong Chúa.

Nt. Maria Phương Uyên, FMI