Con người là hình ảnh Thiên Chúa

Con người là hình ảnh Thiên Chúa[1]. Nhưng khi đứng trước vũ trụ rộng lớn và mênh mông, con người vẫn thường tự hỏi: Tôi là ai? Huyền...


Con người là hình ảnh Thiên Chúa[1]. Nhưng khi đứng trước vũ trụ rộng lớn và mênh mông, con người vẫn thường tự hỏi: Tôi là ai? Huyền nhiệm về chính mình trở thành thách đố cho con người bao lâu con người còn hiện hữu trên trái đất này. Quả thế, con người là tạo vật đặc biệt và duy nhất được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Sự thật này đã được nhìn nhận từ trên nền tảng Thánh kinh và Thánh truyền. Tuy nhiên, để hiểu được con người là hình ảnh Thiên Chúa, cần đặt mầu nhiệm con người trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Nhờ đó, con người biết mình là ai và tương quan thế nào với Đấng Tạo Thành để đạt được Ơn Cứu Độ. 

Kinh Thánh cho ta biết sự thật về con người: “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”[2]. Trong tiếng Do thái, “hình ảnh” (tselem) và “giống như” (demut) chỉ về những gì là tương tự mà nó là đại diện. Việc Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài có nghĩa là con người giống Thiên Chúa và đại diện Ngài. Theo Tertulliano: con người được tạo dựng giống như hoặc tương đồng với Thiên Chúa. Còn Augustino thì cho rằng: hình ảnh Thiên Chúa nơi con người cốt yếu hệ tại tri thức và tình yêu[3]. Thánh Ambrosio thì cho rằng Thiên Chúa hiện diện nơi sâu thẳm của con người[4]. Với Irênê, “Vinh quang của Thiên Chúa ở nơi con nguời sống và con người sống là được chiêm ngắm Thiên Chúa” nghĩa là được kết hợp nên một với Thiên Chúa trong bản tính của Ngài, thể hiện rõ qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Như Thánh Tôma Aquino đã xác quyết con người là hình ảnh Thiên Chúa nhờ thông phần vào bản tính của Thiên Chúa.

Dựa trên nền tảng tư tưởng của các Giáo Phụ, Công Đồng Vatican II nhìn nhận con người trong tính tổng thể, toàn diện: lương tâm[5] con người chính là tiếng nói của Thiên Chúa. Vì thế, sự giống Thiên Chúa được biểu thị nơi hành vi đúng đắn của con người. Mặt khác, lý trí của con người cao vượt trên tội lỗi và các đam mê nhưng có thể nghiêng chiều theo sự dữ vì Thiên Chúa ban cho họ có tự do. Tuy vậy, khi con người phạm tội thì hình ảnh Thiên Chúa vẫn không mất đi. Tự do đích thực chính là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người[6]. Như thế, lý trí con người phản ảnh logos của Thiên Chúa. Con người còn là hình ảnh Thiên Chúa ở thân xác và linh hồn. Linh hồn thì bất khả hủy hoại[7] nên không bao giờ ngừng hiện hữu vì linh hồn không ngừng khát khao tìm kiếm và kết hợp với Thiên Chúa (khả năng tự hướng đến Siêu Việt). Như thế, thân xác cần đón nhận cái Chết như là ngưỡng cửa để bước vào sự sống vĩnh cửu. Do vậy, con người là hình ảnh của Thiên Chúa trong bản tính tốt lành, ngay thẳng.

Mỗi một con người dù là nam hay nữ đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Chính Ngài tạo dựng nên con người có nam có nữ và đặt họ trong tương quan với nhau[8]. “Mọi hữu thể sống động là sự gặp gỡ[9] nên khi con người bước vào mối tương quan đặc biệt với Thiên Chúa thì con người cũng bước vào tương quan với tha nhân. Buber và Bonhoeffer đã diễn tả điều này trong mối tương quan I–Thou. Theo Bonhoeffer, bản chất hình ảnh của con người trồi hiện qua chính sự gặp gỡ luân lý với tha nhân. Mỗi Thou nhân bản là hình ảnh của cái Thou Thiên Chúa mà ý chí là yêu thương. Thiên Chúa đến làm cho tha nhân trở thành một Thou cho tôi. Trong tha nhân và qua tha nhân ta nhận ra mình là hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, con người chỉ thật sự là hình ảnh của Thiên Chúa khi liên đới dìu dắt nhau đi trong đường lối của Thiên Chúa để đạt tới Ơn Cứu Độ.

Con người là hình ảnh Thiên Chúa được biểu lộ rõ ràng nhất nơi Đức Giêsu Kitô. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa vô hạn đã ở trong hình dạng hữu hạn của con người[10]. Đức Kitô là hình ảnh trọn hảo của Thiên Chúa[11] nên con người là hình ảnh Thiên Chúa khi được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua việc lắng nghe Lời. Vì vậy, con người là một biến cố của sự Tự Thông Ban đạt đến cực điểm trong Đức Giêsu Kitô: Thiên Chúa-Người[12]. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, bằng việc Nhập Thể theo một cách nào đó đã kết hợp chính Ngài với từng con người[13]. Đó chính là cuộc gặp gỡ mà Karl Rahner đã ví như cuộc gặp gỡ của hai người đang lụy vì tình: một bản ngã lắng nghe và gặp gỡ một bản ngã khác trong sự tự hiến. Đúng như Thánh Irênê nói: Thiên Chúa làm người để con người được làm Chúa. Có thể nói, trong tạo thành mới, Thiên Chúa tái tạo con người qua Con Người. Vì thế, theo Rahner, con người phải chiêm ngắm Đức Giêsu vì Ngài là giao điểm duy nhất trong tương quan Thiên Chúa với con người[14]. Tuy nhiên, con người là hình ảnh Thiên Chúa vẫn đang ở trong tiến trình hình thành và hướng về ngày cánh chung của cá nhân cũng như cũng như của toàn bộ lịch sử. Vì thế, con người phải trở thành cái con người Là chứ không phải là cái con người Có.

"Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa, như một bức gương…" (2Cor 3,18). Ý thức điều đó, mỗi ngày tôi dùng tự do để thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Lắng nghe và hành động theo lương tâm dưới ánh sáng của Lời Chúa. Kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày để sống cho đi và chia sẻ niềm vui Ơn Cứu Độ với mọi người[15]. Nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô tôi yêu mến và nên một với Thiên Chúa. Tôi tự hào khi mình được làm người và cần xây dựng một tâm hồn cầu nguyện để từ bỏ tội lỗi và khước từ những xu hướng xấu nơi tâm hồn. Sống triển nở những đức tính của người nữ nơi bản thân và nhìn thấy chị em, mọi người đều là hình ảnh của Chúa. Để trở thành hình ảnh Thiên Chúa, tôi phải "tham dự tích cực vào việc cải hoá mình theo khuôn mẫu hình ảnh Chúa Con" (Col 3,10) bằng cách sống trọn vẹn Linh Đạo và Sứ Mạng của Hội Dòng với con tim yêu thương. Chỉ như thế, tôi mới là hình ảnh sống động của Thiên Chúa và là vương miện của Đấng Tạo Thành[16] để làm chứng cho thế giới hôm nay.

Nt. Maria Phương Uyên, FMI  

[1] Gaudium et Spes, số 12

[2](St1, 26-27) Tv 139, 13; T 127, 3; Is 42,5;

[3] (Tự thú I, 1, 1)

[4] Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLO II , Thông điệp Evangelium vitae, số 35

[5] Gaudium et Spes, số 16

[6] Gaudium et Spes, số 17

[7] Gaudium et Spes, số 14.

   VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Thần  Học, Phổ Thần Học, Addendum I, Tr. 356

[8] St1,2-7.

   Thông điệp Evangelium vitae, số 35: Trong người nam hay người nữ đó, Thiên Chúa giãi tỏa hình ảnh Ngài.

[9] VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Thần  Học, Chương VI, Phổ Thần Học, Martin Buber, I and Thou

[10] Thông điệp Evangelium vitae, số 36. Những suy tư thăng trầm về cuộc sống, tr. 11

[11] 2Cr 4, 4; Cl 1, 15; Dt 1, 3, GS. Số 10

[12] Rm 8, 29; VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Thần Học, Chương III, Phổ Thần Học, KARL RAHNER: con người như “kẻ lắng nghe Lời”.

[13] Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLO II, Thông Điệp Đấng cứu chuộc con người, số 8.

    Lm. MICHAEL AMALADOSS, S.J. Chuyển ngữ Lm. MONTFORT  PHẠM QUỐC HUYÊN, OCIST. Những suy tư thâm trầm về cuộc sống. Tr. 15.

[14] VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Thần Học, Chương III, Phổ Thần Học, KARL RAHNER: con người như là mầu nhiệm được bao bọc bởi ân sủng.

[15] Luật sống Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, điều 93.

16 Lm. MICHAEL AMALADOSS, S.J. Chuyển ngữ Lm. MONTFORT  PHẠM QUỐC HUYÊN, OCIST.  Những suy tư thăng trầm về cuộc sống, tr. 15

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. THÁNH CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến Chế Gaudium et Spes.
  2. Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLO II, Thông Điệp “Đấng cứu chuộc con người”
  3. Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLO II, Thông Điệp “Evangelium vitae”
  4. O’COLLIN, Thần Học Căn Bản, Nguyễn Đức Thông, C.ss.R dịch, NXB Tôn Giáo
  5. VITAL LUKE NGUYỄN HỮU QUANG, Nhân Học Triết Học, Phổ Thần Học.
  6. MICHAEL AMALADOSS, S.J. Chuyển ngữ Lm. MONTFORT PHẠM QUỐC HUYÊN, OCIST. Những suy tư thăng trầm về cuộc sống, Nxb tôn giáo, 2016.
  7. Luật sống Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.
  8. http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:zR8MuPuBd0kJ:conggiao.info/news/2131/25492/thuat-ngu-con-nguoi-la-hinh-anh-thien-chua.aspx+&cd=8&hl=vi&ct=clnk
  9. http://conggiao.info/con-nguoi-la-hinh-anh-thien-chua-d-25493