Con người - Tiến hóa hay Tạo dựng

Đức Gioan Phaolo II đã nói: “ngày nay nhiều nghiên cứu tinh cầu tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ, còn thần học gia giải thích việc Chúa tạo dựng...


Đức Gioan Phaolo II đã nói: “ngày nay nhiều nghiên cứu tinh cầu tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ, còn thần học gia giải thích việc Chúa tạo dựng vũ trụ như món quà của Ngài dành cho con người”. Nếu xem vườn địa đàng như khung cảnh lịch sử thì trình thuật sáng tạo và quan điểm của thuyết tiến hoá có sự mâu thuẫn nội tại. Theo Kinh Thánh con người đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng đã ở trong tình trạng hoàn hảo hơn hậu duệ. Theo thuyết tiến hoá những hậu duệ về sau càng phát triển hơn so với tổ tiên sơ khai nhờ những điều kiện ngày một tốt hơn. Lý thuyết về tội nguyên tội tổ dường như đã trở thành điều không thể hiểu nổi đối với người Kitô hữu khi nhìn nguồn gốc loài người, theo thuyết tiến hoá.

Theo nhân học, chúng ta có cái nhìn khái quát về tội nguyên tổ. Theo Philippe Bacq, nguyên tội không phải do hoạt động của ý chí cá nhân nhưng là do nguồn gốc phát sinh ra con người, theo di truyền bản tính loài người và lưu chuyển đến mọi thế hệ nhân loại. Thế nhưng nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô đã mang lại cho nhân loại một phương thức cứu độ…vì thế năng động của tội đã lật ngược từ bên trong và vương quyền Thiên Chúa được đặt vào trong cán cân lực lượng và vào giữa các cơ cấu bất công của lịch sử mầm giống của sự sống, của công chính và hoà bình. Các nhà khoa học dùng những thuyết tiến hoá và cả những phương pháp phê bình lịch sử để phủ nhận về tội, nhưng thực tế tội đã len lỏi vào cuộc sống của ta. Chúng ta phải nghiêm túc và xác định cội rễ của nó nơi hành vi tự do của con người. Tóm lại, Thiên Chúa sáng tạo nhắm đến cùng đích được nhìn thấy nơi Đức Kitô, và điều cản trở ta đến với cùng đích là tội. Tội nguyên tổ là một sự đi lệch khỏi con đường của Đức Kitô, ngay khi tội đi vào lịch sử của nhân loại, dòng chảy lịch sử đã lệch khỏi cùng đích Thiên Chúa đã định trước. Là môn đệ, tôi biết tôi được cứu độ là nhờ máu giao ước của Đức Kitô. Nếu tôi phạm tội sẽ chống lại Người. Và tội làm mất hiệu năng của sự hiện diện của ơn cứu độ và lại củng cố thêm cho quyền lực sự dữ. Tôi được mời gọi ý thức trách nhiệm để không giản lược tội lỗi.

Quan điểm của các thần học về tội nguyên tổ nói lên hiểu biết về tội khi lưu tâm tới thuyết tiến hoá. Ngày nay, một thuyết tiến hoá không nhìn nhận sự can thiệp của Thiên Chúa nhưng liệu có thể loại bỏ Thiên Chúa khỏi công trình tạo dựng? Theo Đức Gioan Phaolo II, huấn quyền quan tâm đến tiến hoá thì nó liên quan đến khái niệm của con người, trong khi Kinh Thánh xác nhận con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người là tạo thành duy nhất trên trái đất mà Thiên Chúa dựng nên cho chính họ. Từ đó, ngài giải thích giá trị con người là tự thân vì có khả năng đi vào mối tương quan hiệp thông, liên kết và tự hiến cho đồng loại, hơn nữa đi vào mối tương quan biết và yêu Đấng tạo dựng nên mình, một tương quan vượt thời gian đến vĩnh cữu. Ơn gọi cao cả của con người được mạc khải trong mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh. Nói cách khác, con người không thể bị hy sinh cho vấn đề khác. Ngài nhìn nhận nếu con người do áp lực vật chất tạo nên thì bất tương thích và không trở nên nhân phẩm cho con người. Mặc dù thế, ngài vẫn xác nhận những dấu chỉ đặc thù về con người. Những kinh nghiệm về tri thức siêu nghiệm, về sự tự ý thức và tự tư duy, về lương tâm đạo đức, sự tự do hay kinh nghiệm về tôn giáo hay về cái đẹp tất cả nằm trong lĩnh vực nhận thức và suy tư triết học, nhưng điều gì liên quan đến ý nghĩa cùng đích thì nại đến thần học.

Đức tin công giáo buộc chúng ta tin linh hồn được tạo dựng trực tiếp (Pio XII, Humani Generis 36). Vì thế, dù cơ thể con người có được tạo thành trực tiếp hay do phát triển, chúng ta tin rằng linh hồn được tạo dựng cách đặc biệt, nó không tiến hoá và cũng không do thừa hưởng từ cha mẹ như thân thể của chúng ta. Sự tiến hoá là tuỳ thuộc vào sự hiện diện năng động của Thiên Chúa. Là Kitô hữu và là tu sĩ, tôi tin vào điều Hội thánh dạy và sẽ sống triển nở ơn gọi làm người và làm con Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

Nt. Maria Phương Uyên, FMI