Các Kitô hữu tiên khởi diễn tả Mầu Nhiệm Ba Ngôi

Sách Giáo lý khẳng định mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về...


Sách Giáo lý khẳng định mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa "cho chúng ta". Mầu nhiệm này còn là nguồn mạch phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Giáo huấn về mầu nhiệm này là giáo huấn cơ bản và trọng yếu nhất theo "phẩm trật các chân lý đức tin"[1]. Tuy nhiên, chúng ta xác định rằng, từ ngữ “Thiên Chúa Ba Ngôi” là từ ngữ của thần học chứ không phải của mạc khải. Từ này chỉ xuất hiện đầu tiên vào khoảng năm 181 bằng tiếng Hy Lạp bởi giáo phụ Theophilus thành Antioch và khoảng năm 213 bằng tiếng Latinh bởi thánh giáo phụ Tertulian[2]. Đây là từ ngữ thần học dùng để diễn tả thực tại Một Thiên Chúa nhưng Ba Ngôi Vị. Với tư cách là một Kitô hữu, chắc ta sẽ dễ dàng tin và biết Một Thiên Chúa Ba Ngôi qua giáo lý và những người đi trước. Và cứ thế đi dần lên thì ta biết những chân lý đức tin của chúng ta hôm nay là do các tông đồ truyền lại. Các ngài là những người trực tiếp sống và đón nhận chân lý từ chính Chúa Giêsu trong quãng đời hoạt động và rao giảng của Ngài. Như thế, đức tin của người Kitô hữu là đức tin tông truyền, nhờ đó chúng ta tin nhận Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi Vị: Cha – Con – Thánh Thần, như lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh: “hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Điều này cũng hàm chứa việc tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, tin Thánh Thần là Thiên Chúa.

I. MẶC KHẢI VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI
  1. Đức Giêsu mặc khải Thiên Chúa là Cha

Đối với một số tôn giáo, Thượng Đế được coi là cha theo một nghĩa rộng, nhưng dân Israel gọi Thiên Chúa là Cha xét như Người là Đấng Tạo Hóa (x. Đnl 32,6; Ml 2,10), vì đã giao ước và ban lề luật cho Israel (Xh 4,22), là Cha của vua Israel, Cha của người nghèo, của cô nhi, quả phụ (x. 2Sm 7,14; Tv 68,5-6). Thiên Chúa trước hết là cội nguồn và là Đấng uy quyền siêu việt. Đồng thời, Người cũng là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái. Lòng trìu mến này của Thiên Chúa được ví như của bậc cha mẹ (x. Is 66,13; Tv 131,2) đã làm rõ nét hơn mối thâm tình giữa Thiên Chúa và thụ tạo.

Các sách Tân Ước cũng đã cho chúng ta nhiều dữ kiện về mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa. Đức Giêsu đã gọi Thiên Chúa của các tổ phụ, Thiên Chúa của Môsê là Cha. Thiên Chúa là Cha của hết mọi người; nhưng Ngài là Cha của Đức Giêsu một cách đặc biệt. Tân Ước không đặt lại vấn đề độc thần giáo của Cựu Ước, trái lại còn củng cố niềm tin vào Thiên Chúa Duy Nhất.

Theo các sách Phúc âm, chính Đức Giêsu cũng tuyên xưng niềm tin độc thần: "Sao anh gọi Ta là tốt lành, không có ai tốt lành ngoài một mình Thiên Chúa" (Mc 10,18). Ngài vâng phục Thiên Chúa trọn vẹn hơn bất cứ ai trước và sau Ngài. Trong mọi quyết định và hành động, Đức Giêsu chỉ nghĩ tới Thiên Chúa. Và trong những giờ đau thương nhất, Ngài chỉ kêu cầu một mình Thiên Chúa: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi, sao Ngài bỏ rơi tôi?" (Mc 15,34). Lòng tôn sùng Thiên Chúa của Đức Giêsu đặc biệt hơn bất cứ ai khác. Ngài có tương quan thắm thiết với Thiên Chúa và phân biệt cách xưng hô của riêng mình với cách xưng hô của các môn đệ: "Thầy lên cùng Cha thầy và cũng là Cha của anh em; cùng Thiên Chúa của thầy cũng là Thiên Chúa của anh em." (Ga 20,17).

Qua lời nói, hành động, cách xử sự, Đức Giêsu tỏ mình là Con Thiên Chúa. Sau khi Người chịu chết và sống lại, các môn đệ nhận ra mối liên hệ ấy chặt chẽ hơn nữa: Chúa Cha vì yêu thương nhân loại nên đã trao ban Con một mình, chịu chết cho con người và sống lại để ban sự sống mới cho con người. Đức Giêsu là Con Chúa, đã hiện hữu từ muôn thuở, và đã nhập thể ở với loài người để tỏ ra tình yêu và sự gần gũi của Thiên Chúa với con người. Cũng trong bối cảnh cứu chuộc và tình yêu ấy mà Tân Ước nói lên tác động của Thánh Thần. Như thế, cả cuộc đời trần thế của Đức Giêsu, từ lời rao giảng, các phép lạ đến các hoạt động, và nhất là với biến cố tử nạn và phục sinh, là lời mạc khải trọn vẹn về Chúa Cha và Thánh Thần, đồng thời cũng chứng minh nguồn gốc thần linh của Ngài.

  1. Đức Giêsu là Thiên Chúa

Do chia sẻ niềm tin độc thần của Do thái giáo nên ngay từ ban đầu, các tông đồ đã tin Thiên Chúa là Cha. Còn niềm tin Đức Giêsu là Thiên Chúa thì sao?

Khi Đức Giêsu sống đời tại thế, không ai biết và tin Ngài là Thiên Chúa. Khi Ngài được sinh ra tại Bêlem và lớn lên ở gia đình Nazareth, ngay cả Đức Maria và thánh Giuse cũng không biết. Những năm tháng sống công khai, đi rao giảng và làm nhiều phép lạ, chính Đức Giêsu đã mạc khải Ngài có quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy những điều này bàn bạc trong các trang Tin Mừng:

Khi chữa người bại liệt tại Caphácnaum, Chúa Giêsu cho thấy Ngài có quyền tha tội khi bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5). Mà không ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa (x. Mc 2,7); Trong khi tranh luận với người Do thái, Đức Giêsu đã khẳng định Ngài có trước Abraham: “Trước khi có ông Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,58). Điều này đã khiến người Dothái lấy đá để ném Đức Giêsu vì cho rằng Ngài đã phạm thượng; Ngày lễ cung hiến đền thờ ở Giêrusalem, Chúa Giêsu tuyên bố mình là một với Thiên Chúa: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Và người Dothái lại lấy đá ném Đức Giêsu vì điều này. Trong phiên tòa xét xử, vị thượng tế đã xé áo mình ra và người ta kết án Ngài đáng chết sau khi nghe Ngài tuyên bố Ngài ngang hàng với Chúa Cha (x. Mc 14,62). "Ai thấy Ta là thấy Cha" (Ga 14,9), câu nói này của Đức Giêsu cũng là chìa khóa quan trọng để chúng ta tìm hiểu Thiên Chúa qua con người và cuộc đời của Ngài.

Tuy nhiên, không ai dám tin và cũng không ai có thể tin Ngài là Thiên Chúa. Người Do thái không tin Đức Giêsu và cho rằng Ngài phạm thượng nên đã kết án tử cho Ngài. Kể cả các tông đồ cũng không rõ sự thật về Thầy mình, thế nên khi Đức Giêsu bị bắt, các ông đã hoảng loạn, chạy trốn, chối Thầy và bỏ cuộc về quê khi Thầy chết. Họ chỉ tin khi chính Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với họ.

Nhờ biến cố Phục Sinh và với ơn trợ giúp của Thánh Thần, các tông đồ ngày càng biết hơn về Thầy mình. Các ông nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói và đã làm khi sinh thời là đúng, là thật. Các ông nhận ra Đức Giêsu là Đấng rất đặc biệt, Ngài có quyền tha tội (x. Mc 2,5.7), Ngài có trước Abraham (x. Ga 8,57-58), Ngài và Cha là một (x. Ga 10,30-33), Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa và ngang hàng với Thiên Chúa (x. Mc 14,62). Chính Ngài là Con Thiên Chúa và đích thực là Thiên Chúa. Như vậy, nhớ lại những lời này cùng với biến cố Phục Sinh, tuy các tông đồ không nói rõ nhưng hàm chứa việc tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Mặc dầu các ông ít khi gọi Ngài là Thiên Chúa (từ Thiên Chúa dành cho Thiên Chúa Cha) mà gọi là Con Thiên Chúa nhưng vẫn hàm chứa tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Trong phần cuối tin mừng Gioan, ta thấy có lời tuyên xưng của Tôma khi Chúa Giêsu hiện ra với các ông sau khi Ngài sống lại: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Có thể nói rằng, vào cuối thế kỷ đầu tiên (tin mừng Gioan được viết trong thời gian này), cộng đoàn Kitô hữu bắt đầu tuyên xưng “Chúa Giêsu là Thiên Chúa” trong những nghi thức phụng vụ.

  1. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa

Cũng như trong thực tại nội tại của Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, trong hiện sinh trần thế của Đức Giêsu Kitô - Ngôi Lời Nhập thể, Thần Khí luôn hiện diện và đồng hành với Ngài, hướng dẫn Ngài, trong tư cách là Thần Khí của Cha, ngay từ khoảnh khắc nhập thể (x. Lc 1,35) cho đến “giờ” của thập giá và phục sinh (x. Ga 19,30)[3]. Ngài đã vâng Ý Cha hoàn hảo đến độ Ý Cha cũng đã trở nên là Ý của Con, và đã vâng theo Thần Khí của Cha đến độ Thần Khí của Cha cũng là Thần Khí của Con (x. Ga 4,34; 5,30; 6,38-40). Và, trong tư cách là Thần Khí của Con, sau khi đã “giao nộp” tất cả, Thần Khí chính là “sở hữu” cuối cùng mà Con dâng hiến, giao nộp cho Cha, trong “giờ” của Thập giá. Đó chính là lúc mà Con - trong thân phận nhập thể, hoàn toàn sống sự sống mà Cha và Thần Khí trao ban: sự Sống Tình Yêu vĩnh hằng (x. Ga 6,57), sự Sống Phục Sinh.

Sau biến cố Phục Sinh, các tông đồ tin Thánh Thần là Thiên Chúa bằng việc nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói. Thánh Thần là Đấng Cha sai đến nhân danh Đức Giêsu, sẽ ở với con người luôn mãi: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, chính Người sẽ ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16); để Người dạy bảo các môn đệ mọi điều và làm cho họ nhớ và hiểu những giáo lý Đức Giêsu đã giảng dạy từ trước: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26); chính Thánh Thần là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha sẽ làm chứng về Đức Giêsu: “Người là Thần Khí Sự Thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26).

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa Giêsu đã nói về Thánh Thần như một Ngôi vị: “thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là chính Thánh Thần nói” (Mc 13,11), Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người (x. Lc 11,13), Thánh Thần Chúa ngự trong Ngài và xức dầu tấn phong Ngài (x. Lc 4,18), Thánh Thần soi sáng thúc đẩy (x. Mc 12,35-37), và dựa vào Thần Khí mà trừ quỷ (x. Mt 12,28).

Như thế, Đức Giêsu đã mặc khải Thánh Thần như là một Ngôi vị được Cha sai đến nhân danh Ngài để làm chứng về Ngài và để ở với con người, dạy dỗ và hướng dẫn con người đến sự thật trọn vẹn; dạy con người cầu nguyện (x. Rm 8,26) và dẫn con người trở nên con Thiên Chúa.

Các tông đồ cũng như các tín hữu sơ khai đã tin Thánh Thần cũng là Thiên Chúa ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Con, và được Cha sai gửi nhân danh Đức Giêsu. Tác giả sách Công Vụ Tông đồ đề cập tới nhiều tới Thánh Thần, đến độ đây được xem như là Tin Mừng của Chúa Thánh Thần, trong đó có 18 lần  nói về Thánh Thần như Ngôi Vị: Thánh Thần nói (x. Cv 1,16; 8,29; 10,19; 11,12; 13,2; 28,25), cấm (x. Cv 16,6), nghĩ (x. Cv 15,28), chỉ định (x. Cv 20,28), sai gửi (x. Cv 13,4), làm chứng (x. Cv 5,32; 20,23), đem đi (Cv 8,39), ngăn cản (Cv 16,7), bị lừa dối (Cv 5,3), thử thách (Cv 5,9), chống lại (x. Cv 7, 51)…  Với thánh Phêrô tông đồ, Thánh Thần làm chứng (x. 1Pr 1,10-11)[4]. Còn thánh Phaolô trong thư của gửi các tín hữu Rôma, Ngài nói đến Chúa Thánh Thần là Đấng nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta và giúp chúng ta cầu nguyện (x. Rm 8,26); Thánh Thần dẫn đưa để chúng ta trở nên con Thiên Chúa (x. Rm 8,14).

II. NIỀM TIN THIÊN CHÚA BA NGÔI

Ðức tin Công Giáo hệ tại ở việc thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu[5]. Ba Ngôi Vị nhưng đồng bản thể với nhau, cùng quyền năng như nhau, yêu thương nhau, làm một với nhau đến độ Ba Ngôi chỉ là một duy nhất.

Ngắm nhìn trời đất cùng muôn vật muôn loài, con người nhận biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Sáng Tạo và là chủ tể của tất cả. Ngài là Đấng làm cho mọi loài mọi vật tồn tại trong trật tự tốt đẹp và mọi loài đều tùy thuộc vào Ngài. Qua biến cố Phục Sinh, các Kitô hữu nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền như Thiên Chúa, là Một yêu dấu, ngang hàng với Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Các Kitô hữu cũng tin Thánh Thần là Thiên Chúa phát xuất từ Cha, là Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật.

Ba Ngôi Thiên Chúa luôn ở trong nhau trọn vẹn nhưng không lẫn lộn, phân biệt nhưng không tách biệt. Ba Ngôi Thiên Chúa cũng luôn ở với con người, nhưng không lẫn lộn với ngôi vị con người: Thánh Thần luôn hoạt động trong thâm sâu tâm hồn mỗi con người, để mời gọi, soi sáng và ban sức mạnh giúp con người thuộc về Thiên Chúa. Giữa Thiên Chúa và con người có mối tương quan đặc biệt, sự tồn tại của con người luôn tùy thuộc vào Thiên Chúa[6]. Nếu không có Thiên Chúa, con người không thể tồn hữu.

Tuy không dùng thuật ngữ “Thiên Chúa Ba Ngôi” nhưng các tông đồ và các tín hữu sơ khai đã hiểu và đã diễn tả thực tại này qua cụm từ “Cha – Con – Thánh Thần”. Các Kitô hữu thời sơ khai đã lãnh nhận phép rửa “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Ta cũng nhận ra cảm nghiệm của Kitô hữu với mầu nhiệm này khi đọc thấy những lời tuyên xưng đức tin trong đời sống phụng vụ của họ.

Thánh Phaolô viết: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an” (Gl 1,3). Hay: Chỉ có một thân thể, một Thần Khí… một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người.... (x. Ep 4,4-6). Và “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.” (2Cr 13,13).

Người có công đóng góp rất nhiều cho thần học Chúa Ba Ngôi thời sơ khai là Tertullian (150 – 225). Ông là người đầu tiên dùng danh từ Chúa Ba Ngôi (Latin: trinitas), và những danh từ “bản thể -substantia, ngôi vị- persona” khi cắt nghĩa mầu nhiệm này. Và ông nhấn mạnh rằng Ba Ngôi cùng Bản Thể[7]. Những vấn đề xung quanh Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi sau này được các Công đồng chung Nicea (325) và Constantino I (381) định tín để chống lại các lạc thuyết cùng thời và được nhiều Giáo Phụ suy tư sâu rộng hơn như Athanasio, Basilio, Augustino…

KẾT LUẬN

Như vậy, niềm tin vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà ngày nay chúng ta vẫn tuyên xưng đã có một một nền tảng thật vững chắc xuất phát từ mạc khải trong Kinh Thánh để đi vào lòng tin của các tông đồ và các tín hữu sơ khai. Tuy từ ngữ mà các ngài dùng để diễn tả có khác nhưng tất cả đều chỉ một thực tại duy nhất: Chúa Cha là Thiên Chúa, Đức Giêsu là Thiên Chúa và Thánh Thần là Thiên Chúa. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao vời vượt quá tầm hiểu biết của trí khôn con người. Chúng ta có được niềm tin vào mầu nhiệm này nhờ Đức Giêsu Kitô mặc khải và đã được các tông đồ truyền lại. Ba Ngôi Thiên Chúa không là ba nhưng chỉ là một với nhau, phân biệt nhưng không tách biệt, hòa hợp nhưng không trộn lẫn. Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa hạnh phúc tròn đầy, và luôn hướng về nhau một cách trọn vẹn. Nhìn vào khuôn mẫu tuyệt nơi cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa để chúng ta cùng nhau nỗ lực xây dựng cộng đoàn Giáo Hội, cộng đoàn Hội Dòng trong tình yêu thương hiệp nhất.

Maria Đặng Thị Lĩnh (Kinh viện), FMI  

[1] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 234

[2] BRUNO FORTE, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Lịch Sử,  NXB Tôn Giáo, 2010

[3] Phaolô BÙI VĂN ĐỌC, Thiên Chúa Ba Ngôi – Bí Tích Thánh Thể, NXB Tôn Giáo, 1999.

[4] Phaolô BÙI VĂN ĐỌC, Thiên Chúa Ba Ngôi – Bí Tích Thánh Thể, NXB Tôn Giáo, 1999

[5] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 266

[6] Giuse PHẠM THANH LIÊM, Thiên Chúa Ba Ngôi, 2006

[7] BRUNO FORTE, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Lịch Sử,  NXB Tôn Giáo, 2010