Hướng dẫn việc đàn hát trong Phụng Vụ

HƯỚNG DẪN VIỆC ĐÀN HÁT TRONG PHỤNG VỤ Lm. Nguyễn Duy ........ E/CÁC BÀI HÁT TRONG THÁNH LỄ: Có thể chia những bài ca trong thánh lễ bằng...


HƯỚNG DẪN VIỆC ĐÀN HÁT TRONG PHỤNG VỤ

Lm. Nguyễn Duy

........

E/CÁC BÀI HÁT TRONG THÁNH LỄ:

Có thể chia những bài ca trong thánh lễ bằng nhiều cách:

  • Những bài ca có tính cách nghi thức và những bài ca đi kèm một nghi thức.
  • Hoặc những bài ca dành cho phần "thường lệ", chung cho bất cứ ngày lễ nào, và "phần riêng", được thay đổi tùy mỗi ngày lễ.

Những cách chia này đều có những ưu điểm của nó.

Tuy nhiên sự phân chia này có lẽ không còn phù hợp mấy với Phụng vụ mới nữa. Bây giờ, mỗi bài hát đều có chức năng và tính chất riêng của nó.

Theo J. Gélineau, chúng ta phải dựa vào sự trình bày của sách lễ Rôma, để hiểu ý nghĩa và chức năng của mỗi bài hát trong thánh lễ, từ đó người ta sẽ có thể nghĩ đến những hình thức âm nhạc, giọng hát và hình thể âm nhạc cho hợp với từng trường hợp. Người ta có thể chiếu theo chức năng và tầm quan trọng của các bài hát đó mà chia ra như sau:

  1. Các bài hát Thánh Kinh có thay đổi: Thánh vịnh và bài hát Alleluia.
  2. Các bài hát không thay đổi: các câu đối thoại và các lời tung hô (gồm cả bài Thánh, Thánh, Thánh: Sanctus).
  3. Các bài hát thường xuyên: bài xin Chúa thương xót (Kyrie eleison) – Kinh Vinh Danh (Gloria) – Lời cầu nguyện phổ quát – Bài Lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) – và Kinh Tin Kính (nếu hát).
  4. Các bài hát tùy mùa hoặc lễ đặc biệt: Tùy mùa Phụng vụ, tùy ngày lễ: Ca nhập lễ, Thánh thi về Lời Chúa, - Bài ca rước lễ (ca hiệp lễ), - và thánh thi cảm tạ, sau cùng là bài ca kết lễ.

F/SẮP XẾP BÀI CA:

Khi đã hiểu được chức năng và tầm quan trọng của mỗi bài ca, chúng ta mới dễ dàng chọn và sắp xếp các bài ca trong Thánh lễ để "tôn vinh Thiên Chúa "và" mưu ích thiêng liêng cho cộng đoàn Phụng vụ". Phải dựa trên những tiêu chuẩn nào để chọn lựa và sắp xếp?

I/Vâng theo huấn quyền:

Giáo Hội hằng quan tâm đến thánh nhạc. Sự quan tâm đó được biểu hiện qua các thông điệp, các hiến chế, các huấn thị về thánh nhạc đã ban hành qua các thời đại. Một số dẫn chứng:

  • Đức URBANO (1624 – 1644) tuyên bố: "Thánh nhạc phải phục vụ thánh lễ chứ không phải thánh lễ phục vụ thánh nhạc".
  • Thông điệp Musicae Sacrae Disciplina (Quy Luật Thánh Nhạc) của Đức Pio XII ban hành ngày 25.12.1955, số 17 viết: "sẽ không ai ngạc nhiên về việc Giáo Hội chăm sóc, giữ gìn cẩn thận Thánh nhạc, không phải để áp đặt, những luật về thẩm mỹ học, hay kỹ thuật trong phạm vi lý thuyết âm nhạc, nhưng để đề phòng không cho bất cứ cái gì làm cho Thánh nhạc mất vẻ cao quí, vì sứ mạng của nó là thi hành một việc rất quan trọng: đó là thờ phượng Thiên Chúa". Hiến Chế Phụng vụ số 112 cũng nhắc lại mục đích cao cả của Thánh nhạc là "tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tâm hồn".
  • Cũng trong số 112, HCPV viết: "Nhạc gắn liền với lời ca thánh trở nên thành phần thiết yếu, vẹn toàn của phụng vụ…. Ca nhạc càng liên kết với hoạt động phụng vụ bao nhiêu, càng thánh thiện hơn bấy nhiêu".
  • Huấn thị thứ 3 (Liturgicae Restaurationes) nói: "Vì Thánh nhạc là để cử hành phụng vụ, phải thánh thiện và có nghệ thuật" (số 3c); Vì thế "Các vị chủ chăn, do sự mau mắn tuân theo luật lệ và chỉ thị của Giáo Hội, và do tinh thần đức tin thúc đẩy, sẽ loại bỏ những khuynh hướng riêng tư, những sở thích cá nhân. Họ phải là những nô bộc của phụng vụ chung bằng gương sáng, bằng tinh thần học hỏi, và bằng công việc huấn luyện thông minh và bền bỉ của mình" (số 13) v.v…

Những nguyên tắc hướng dẫn nêu trên cho phép chúng ta rút ra những nguyên tắc và những điều thực hành.

II.Những nguyên tắc:

  1. Chỉ sử dụng trong phụng vụ những nhạc phẩm đã được sáng tác với mục đích phụng vụ.
  2. Chỉ sử dụng những nhạc phẩm tôn giáo đích thực, nghĩa là những nhạc phẩm gồm được tính thánh thiện
    • Thánh thiện trong lời ca.
    • Thánh thiện đi sát với Phụng vụ.
    • Thánh thiện do việc sử dụng cung điệu trang nghiêm.
  1. Chỉ dùng những nhạc phẩm có hình thức nghệ thuật đích đáng (đảm bảo đúng và hay về nhạc cũng như lời).
  2. Những nhạc phẩm được giáo quyền chuẩn nhận.

III.Những áp dụng:

Thánh nhạc có 4 loại:

  • Bình ca.
  • Các hình thức nhạc đa âm kim cổ được thừa nhận.
  • Thánh nhạc cho đại phong cầm và các nhạc cụ khác.
  • Ca phụng vụ và tôn giáo. Loại này gồm phụng ca (những bài ca dùng trong phụng vụ) và thánh ca, mới được sử dụng. Còn loại giáo ca (dù diễn tả các chân lý trong đạo, nhưng dùng cho các buổi sinh hoạt tôn giáo trong hay ngoài nhà thờ) thì không được phép đưa vào phụng vụ.

Qua những định nghĩa và phân loại thánh lễ, chúng ta có một số thực hành cụ thể:

  1. Thánh nhạc không chỉ là phần trang trí cho lễ nghi, hoặc là phương tiện (có cũng được hay không cũng được) gợi lòng sốt sắng của tín hữu, nhưng là chính phụng vụ, một hoạt động loan báo mầu nhiệm Kitô giáo mà Hội Thánh không ngừng cử hành. Nên phải ý thức và tìm hiểu, cầu nguyện trên từng dòng ca của bài hát muốn chọn. (không nên làm cho qua lần chiếu lệ)
  2. Phải được chuẩn bị và lựa chọn cẩn thận vì "không phải bất cứ loại nhạc nào, bài hát hay nhạc khí nào cũng có khả năng nuôi dưỡng lời cầu nguyện và trình bày mầu nhiệm của Đức Kitô như nhau". Khôn ngoan hơn cả cần phải tham khảo ý kiến của qúy vị có trách nhiệm với cộng đoàn hoặc những vị có khả năng chuyên môn.
  3. Tiêu chuẩn phụng vụ là tiêu chuẩn ưu tiên để chọn lựa. "Giá trị ca nhạc trong phụng vụ không được thẩm định hoàn toàn theo kỹ thuật âm nhạc và thẩm mỹ nữa, mà theo tiêu chuẩn liên kết chặt chẽ với phụng vụ".
  4. Phải có sự quân bình giữa các bài ca cộng đồng và những bài ca dành cho ca đoàn. "Vì bản chất việc cử hành thánh lễ là cộng đồng, nên ca nhạc không được cản trở sự tham dự linh động của cộng đồng".

IV.Lên chương trình các bài ca:

Phải hoạch định sẵn một chương trình hát những lúc nào, những bài nào, trong loại cộng đoàn nào tham dự, nhân sự có những ai. Sao cho tất cả hài hòa, ăn khớp và thống nhất, nhịp nhàng với nhau. Ta có thể tiến hành các bước:

  • Chủ đề của thánh lễ sẽ cử hành là gì? Đề tài nổi bật, trọng tâm trong các đề tài mà các bài đọc gợi lên là gì?
  • Những bài hát có phù hợp với ý nghĩa, đặc tính và thực hiện như thế nào trong từng phần của thánh lễ.
  • Cộng đoàn tham dự gồm đa số là những ai (người lớn, giới trẻ hay thiếu nhi…).
  • Nhân sự ca hát có sẵn sàng chưa (người chơi đàn, người lĩnh xướng, trình độ ca đoàn, người ca trưởng ca đoàn).
  • Bài ca này thích hợp cho mỗi giai đoạn của việc cử hành. Chẳng hạn bài "Thánh, Thánh, Thánh" phải do tất cả cộng đoàn cùng hát, được chủ tế mời gọi hãy chúc tụng Thiên Chúa cực thánh sau Kinh Tiền Tụng, mà lại là bài đa âm, chỉ mình ca đoàn hát thì không thể phù hợp được.
  • Chọn trước những tiểu khúc sẽ hát: vì có một số bài ca tác giả viết với 4, 5 hoặc 6 câu tiểu khúc, nên cần phải lưu ý để chỉ chọn hát những tiểu khúc nào phù hợp với ngày lễ, hoặc trong một thời lượng nhất định chỉ có thể hát 1 hay 2 tiểu khúc mà thôi. Chẳng hạn bài "Ca Nhập Lễ Mùa Vọng" của N.D .
  • Phân công các câu hát, phần nào của cộng đoàn, phần nào của ca đoàn.

V.Ý nghĩa, đặc tính và cách thực hiện các bài hát trong thánh lễ Chúa Nhật:

Huấn thị Thánh Nhạc trong Phụng vụ đã nhắn nhủ: "Đối với cử hành thánh lễ có dân chúng tham dự, nhất là các Chúa nhật và lễ trọng, thì trong mức độ có thể, phải chuộng hình thức thánh lễ ca hát hơn, dù nhiều lần trong một ngày" (số 27). Huấn thị này cũng dạy rằng: "Việc phân cấp lễ nghi phụng vụ long trọng hay đơn giản tùy ở chỗ người ta dành cho việc ca hát nhiều hay ít" (số 7)

  1. Những chỉ dẫn:

Huấn thị Thánh nhạc trong Phụng vụ, ngày 5.3.1967, đã đưa ra các chỉ dẫn như sau (trích các số của huấn thị):

số 28… Cách sử dụng những cấp bậc tham dự (vào thánh lễ hát) được quy định như sau đây: bậc nhất có thể sử dụng một mình; bậc hai và bậc ba chỉ được sử dụng hoặc toàn phần hoặc một phần chung với bậc nhất. Như thế các tín hữu sẽ luôn được qui hướng tới khi họ có thể tham dự đầy đủ vào ca hát.

Số 29: Thuộc về bậc nhất có:

  1. Trong nghi thức nhập lễ:
  • Lời chào của linh mục với lời đáp của dân chúng.
  • Lời nguyện.
  1. Trong Phụng vụ Lời Chúa:
  • Các lời tung hô khi đọc Phúc Aâm.
  1. Trong Phụng vụ Thánh Thể:
  • Lời nguyện trên lễ vật – Kinh tiền tụng với lời đối đáp và Kinh Thánh Thánh Thánh.
  • Lời tung hô kết thúc lễ quy.
  • Kinh Lạy Cha cùng với lời kêu gọi và lời quảng diễn.
  • Bình an của Chúa… Lời nguyện sau rước lễ.
  1. Công thức kết lễ.

Số 30: Thuộc về bậc hai có: Phần thường lễ – Lời nguyện chung.

Số 31: Thuộc về bậc ba có: Ca nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ, đáp ca, Alleluia – Các bài đọc Kinh thánh, trừ khi nhận thấy đọc tiện hơn hát..

Số 33: Ngần nào có thể, cộng đoàn tín hữu được tham dự hát bộ Riêng lễ (ca nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ) là một điều hay; họ sẽ hát được nếu có những điệp khúc dễ hát hoặc những hình thức âm nhạc khác thích hợp…

Số 34: Những bài hát của bộ Thường lễ (thương xót, vinh danh…) nếu là những nhạc phẩm nhiều giọng, có thể do ca đoàn hát, theo các quy luật đã quen, hoặc hát buông (a capella), hoặc có nhạc khí phụ họa, miễn là không loại dân chúng ra khỏi việc tham dự ca hát…

Số 36: Trong các lễ thường, tùy nghi có thể, hát một phần của bộ Riêng lễ hay Thường lễ. Hơn nữa có thể hát một bài ca khác (không lấy trong bộ Riêng lễ hay Thường lễ) vào lúc đầu lễ, dâng lễ và hiệp lễ; tuy nhiên, bài ca đó không chỉ có tính cách Thánh Thể là đủ, nhưng còn phải phù hợp với các phần thánh lễ, với ngày lễ, với mùa phụng vụ…

  1. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma(3.4.1969):

Số 313: Hiệu quả của thánh lễ về mặt mục vụ chắc chắn sẽ gia tăng, nếu các bài đọccác lời nguyện và các bài hát đáp ứng đúng, chừng nào có thể, với nhu cầu, với sự chuẩn bị tâm hồn và não trạng của những người tham dự. Đó là điều có thể đạt được nếu biết sử dụng cách thích đáng quyền hạn rộng rãi để lựa chọn, như sẽ trình bày sau đây.

Vì thế, trong khi tổ chức thánh lễ, linh mục phải lưu ý đến công ích thiêng liêng của cộng đoàn hơn là đến sáng kiến cá nhân của mình…

… nên trước khi cử hành, thầy phó tế, các độc viên, thánh vịnh ca viên, xướng ca viên, người dẫn lễ, ca đoàn, mỗi người trong phạm vi của mình cần biết rõ phải sử dụng bản văn nào; đừng để tình trạng "gặp đâu hay đó". Vì các nghi thức được sắp xếp và diễn tiến cách hài hòa thì giúp rất nhiều cho giáo dân chuẩn bị tâm hồn dâng thánh lễ.

Số 324: Khi phải lựa chọn các bài hát xen vào giữa các bài đọc và các bài ca nhập lễ, ca tiến lễ và ca hiệp lễ, thì hãy tuân theo các quy luật đã ấn định cho các phần đó.

Dựa theo QCTQ Sách lễ Rôma, chúng ta sẽ theo thứ tự diễn tiến trước sau của thánh lễ để tìm hiểu ý nghĩađặc tính, và cách thực hiện của từng bài.

VI.Những bài ca trong Thánh lễ:
  1. Ca Nhập Lễ:

Ý Nghĩa: "Khi dân chúng đã tập họp, thì bắt đầu hát ca nhập lễ, đang khi linh mục và các người giúp lễ tiến vào. Bài ca này có mục đích mở đầu việc cử hành thánh lễ, giúp giáo dân thêm hiệp nhất, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ và đi kèm với cuộc rước của linh mục và các người giúp lễ". Như chúng ta biết ca hát là cách diễn tả thông thường của bất cứ một lễ hội nào. Việc gặp gỡ Thiên Chúa luôn luôn là một lễ hội. Vì thế ngay từ lúc bắt đầu, ca nhập lễ được hát lên sẽ xóa tan sự lạnh lùng của cá nhân và kết hợp mọi người thành một cộng đoàn tình thương và sống động, để diễn tả niềm vui được gặp nhau, được tạ ơn Chúa.

Đặc tính: Kèm theo nghi thức (Rước), giúp tín hữu khám phá ra Đức Kitô hiện diện nơi vị Chủ tế. (Theo J. Gélineau: có khi là chính nghi thức). Do đó bài ca cần có đặc tính vui tươi, phổ thông.

Cách thực hiện: Ca nhập lễ được hát như sau:

  • Hoặc luân phiên giữa ca đoàn và dân chúng;
  • Hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng;
  • Hoặc tất cả do dân chúng hát;
  • Hoặc do một mình ca đoàn hát mà thôi. Có thể dùng điệp ca cùng với thánh vịnh, ghi trong sách Graduale Romanum hay trong sách Graduale Simplex; hoặc dùng bản hát nào khác phù hợp với cử hành phụng vụ, với tính chất của ngày lễ, hay mùa phụng vụ. Bản văn bài hát này phải được Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận.
  1. Kinh "Lạy Chúa, Xin Thương Xót":

Ý Nghĩa: là một lời "Tung hô – kêu cầu", xuất phát từ đáy lòng để kêu cầu ơn trợ lực. Đó là một lời kêu cứu thiết tha (lặp lại nhiều lần), và "sự lặp đi lặp lại này đã mang một hình thức kinh cầu".

Đặc tính: Bài ca nghi thức.

Cách thực hiện: "Trừ khi lời kêu cầu này đã được thực hiện trong phần chuẩn bị sám hối", bài này thường:

  • Được mọi người hát, nghĩa là dân chúng, ca đoàn hay xướng ca viên, đều góp phần vào đó.
  • Được hát hai lần mỗi lời tung hô; nhưng vì đặc tính của ngôn ngữ khác nhau, vì nghệ thuật âm nhạc, hay vì hoàn cảnh, cũng có thể hát nhiều lần hoặc xen vào một câu hát ngắn.
  • Nếu không hát thì đọc.
  1. KINH VINH DANH:

Ý nghĩa: Kinh Vinh danh là một Thánh thi rất cổ kính, mà Hội Thánh, được đoàn tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn Chiên Con.

Đặc tính: Không kèm theo một nghi thức nào hết. Nó tạo nên một chỗ đứng riêng cho mình, nhất là trong Mùa Giáng Sinh. Kinh Vinh danh là chính nghi thức của cử hành Thánh lễ.

Cách thực hiện: Kinh này được hát

  • Hoặc do toàn thể cộng đoàn tín hữu;
  • Hoặc luân phiên giữa dân chúng và ca đoàn;
  • Hoặc do chính ca đoàn. Nếu không hát thì phải đọc. Hát hay đọc trong các Chúa Nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, Lễ Trọng và Lễ Kính.
  1. BÀI HÁT XEN GIỮA BÀI ĐỌC: ĐÁP CA.

Ý nghĩa: Việc cải tổ Phụng vụ của Vaticanô II đã phục hưng lại các "đáp ca". Tiếng Chúa được gửi tới dân chúng qua lời người đọc sách và cộng đoàn lắng nghe, rồi đáp lại bằng "đáp ca". Đây là hình ảnh cuộc đối thoại không ngừng giữa Chúa và dân Ngài. Nhờ các bài hát, dân chúng làm cho Lời Chúa thành của mình nhờ lời tuyên xưng đức tin, họ gắn bó với Lời Chúa.

Đặc tính: Cũng gọi là ca tiến cấp, bài ca này là thành phần trọn vẹn của Phụng vụ Lời Chúa.

Cách thực hiện: Thánh vịnh thường lấy ở sách bài đọc, vì mỗi bản văn thánh vịnh đều liên quan trực tiếp với mỗi bài đọc, nên việc lựa chọn thánh vịnh tùy thuộc các bài đọc. Tuy nhiên, để dân chúng có thể hát thánh vịnh đáp ca cách dễ dàng hơn, một số bản văn đáp ca và thánh vịnh đã được lựa chọn cho từng mùa trong năm, hoặc cho từng loại thánh nhân, để mỗi khi hát thánh vịnh, có thể dùng các bản văn này thay cho bản văn hợp với các bài đọc liên hệ.

Trong Phụng vụ Lời Chúa, các thánh vịnh đã được biết dưới nhiều hình thức khác nhau trong lịch sử. Người ta thường chú trọng đến ba hình thức chính:

  1. Thánh vịnh bài đọc: Thánh vịnh được đọc, hoặc được ngâm bởi người đọc sách: Mọi người lắng nghe như nghe Lời Chúa.
  2. Thánh vịnh đáp ca: Các câu của thánh vịnh được người đọc sách hát tại giảng đài (hay tại một nơi thuận tiện), rồi sau mỗi câu như thế, cộng đoàn sẽ tham gia bằng câu ĐÁP.
  3. Trong thực hành, chúng ta có nhiều cách để thể hiện bài Thánh vịnh trong các Thánh lễ:
  • Hát Thánh Vịnh đáp ca theo nghĩa chặt:

Trong thể thức đáp ca này, có sự liên kết chặt chẽ giữa câu điệp khúc, rất ngắn (gọi là đáp ca) và các câu thánh vịnh. Câu đáp ca phải gắn liền với câu Thánh vịnh, và không được tách rời nhau, cả về lời văn lẫn về âm điệu theo cách này, sự đối đáp luôn mau lẹ và liên tục. Hát Thánh vịnh trong bài Alleluia là hình thức rõ nhất, trong đó Alleluia đóng vai trò đáp ca.

  • Hát Thánh vịnh có điệp khúc:

Ở đây điệp khúc có thể tách rời và đây là hát đối đáp, hơn là hát đáp ca. Đây là hình thức mà cuốn Sách Bài Đọc gợi ý cho ta: điệp khúc sẽ được lặp lại sau ba hoặc bốn dòng chữ Thánh vịnh.

  • Hát Thánh vịnh tập thể:

Toàn thể cộng đoàn sẽ ngâm bài Thánh vịnh (có thể chia làm hai bè đối đáp hoặc đối đáp giữa cộng đoàn và một ca sĩ). Cái lợi là ở đây cộng đoàn "ăn" Lời Chúa, và như vậy sẽ thưởng thức vị ngon ngọt của Thánh vịnh.

  • Nghe hát Thánh vịnh:

Thánh vịnh được hát bởi một người, có phần nhạc đệm êm nhẹ: cộng đoàn lắng nghe trong tinh thần suy gẫm.

  • Các hình thức cầu kỳ hơn:

Có tác giả còn đề ra nhiều kiểu cách khác nhau cho các năm A, B, C. chẳng hạn cuốn "Thánh vịnh ngày Chúa Nhật" trong Eglise qui chante các số 18, 19, 21 (các năm 1986 -1988).

  1. ALLELUIA hay là TUNG HÔ TIN MỪNG:

Ý nghĩa: Hơn bất cứ lời tung hô nào khác (như Amen, Hosanna), Ha-lê-lui-a là lời tung hô đã có trong tất cả nền Phụng vụ xưa, đó là niềm vui sướng thuần túy, đó là "tiếng nói của niềm vui trong sáng không diễn tã bằng lời nói".

Đặc tính: Khi các người giúp lễ rước sách Tin Mừng, tất cả cộng đoàn cung kính tung hô Đấng ngự đến nhân danh Chúa. Bài ca này đi kèm nghi thức.

Cách thực hiện: Sau bài đọc thứ hai, là bài Ha-lê-lui-a, hay bài hát khác như mùa phụng vụ đòi hỏi:

  1. Ha – lê – lui – a được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay. Hết mọi người, hoặc ca đoàn, hay ca viên, bắt đầu hát, và nếu cần thì lặp lại; còn có lời tung hô thì lấy ở sách bài đọc, hay sách Graduale Simplex.
  2. Còn bài hát khác là lời tung hô Tin Mừng, hoặc một Thánh vịnh khác cũng gọi là ca liên tục (tractus), như có trong sách bài đọc hay trong sách hát Graduale.

Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng thì:

  1. Trong mùa phải hát Ha – lê – lui – a, có thể hát hoặc bài thánh vịnh tung hô Ha – lê – lui – a, hoặc thánh vịnh và Ha – lê – lui – a với lời tung hô, hay chỉ hát thánh vịnh hoặc Ha – lê – lui – a mà thôi.
  2. Trong mùa không phải đọc Ha – lê – lui – a, có thể hát hoặc đọc thánh vịnh, hoặc lời tung hô Tin Mừng.

Thánh vịnh theo sau bài đọc, nếu không hát thì đọc; còn Haleluia hay lời tung hô Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ.

  1. Ca tiếp liên:

ngoài lễ Phục Sinh và Lễ Hiện Xuống thì được tùy ý.

  1. LỜI TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN:

Ý nghĩa: Kinh tin kính cũng gọi là tuyên xưng đức tin, trong khi cử hành thánh lễ, nhằm làm cho giáo dân chấp nhận và đáp lại Lời Chúa, mà họ đã nghe trong các bài đọc và bài diễn giảng; đồng thời nhắc họ nhớ lại luật đức tin trước khi cử hành phần phụng vụ Thánh Thể.

Đặc tính: Bên Tây phương, kinh này được coi là sự kết thúc phần phụng vụ Lời Chúa, tin theo sứ điệp vừa nghe, và là "cửa bước vào phần thánh lễ của các tín hữu" (J. A. Jungmann).

Cách thực hiện: Kinh tin kính phải do linh mục đọc chung với giáo dân vào các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng; cũng có thể đọc trong những lễ đặc biệt khá trọng thể. Nếu hát, thì thường mọi người cùng hát, hoặc hát luân phiên.

  1. CA DÂNG LỄ:

Ý nghĩa: Bắt đầu phụng vụ Thánh Thể, đại diện của cộng đoàn đưa lên bàn thờ các lễ phẩm sẽ trở thành Mình và Máu Đức Kitô. Trong khi rước lễ phẩm hát ca dâng lễ. Bài hát này sẽ đem lại cho cuộc rước một ý nghĩa phong phú. Điều này rất được trân trọng nơi các nền phụng vụ Đông Phương, bài ca dâng lễ này được coi là linh thánh nhất và trọng đại nhất của thánh lễ, vì được so sánh với các bài ca của thiên thần Kêrubim theo hầu Chúa Kitô khi Ngài tự tế lễ chính mình cho Thiên Chúa Cha, cùng với toàn thể Giáo Hội và toàn thể các tạo vật.

Đặc tính: Kèm theo nghi thức.

Cách thực hiện: CĐ. Vat. II đã mang lại một đổi mới ở điểm này: trước kia, bài ca dâng lễ (offertorio) do ca đoàn hát, trong khi vị chủ tế nhận các lễ vật, và bài ca này không liên hệ nhiều đến thánh lễ. Nay thì bài ca dâng lễ sẽ do cộng đoàn hát và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ, và bài ca này có liên hệ chặt chẽ với thánh lễ.

Quy luật về cách hát ca tiến lễ cũng giống như cách hát ca nhập lễ. Nếu không có bài hát thờ lạy và chúc tụng này, người ta có thể thay thế bằng một bản nhạc dạo trên đàn, hay một bài khác được chuẩn nhận thay thế, miễn là bài đó phải hợp với ngày lễ hay Mùa Phụng vụ hoặc hợp với phần Thánh lễ; hoặc bài hát có ý: dâng bánh rượu, dâng hồn xác,… lên Chúa. Nên chọn bài có kèm ý: "để bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa"; nếu không hát thì bỏ luôn ca tiến lễ.

  1. BÀI "THÁNH, THÁNH, THÁNH" (SANCTUS):

Ý nghĩa: Phải đặt bài ca này trong toàn bộ Kinh Tạ ơn – một kinh có tính chất tâm tình – thì chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa trang trọng đậm nét trử tình của nó. Thật vậy cùng với giọng "cao rao" của Kinh Tiền Tụng, giọng "ngâm nga" của truyện lập Phép Thánh Thể, khí thế "tung hô" của lời tưởng niệm, lời "đối thoại" ở phần đầu và tiếng tung hô "Amen" ở phần kết thúc, thì những lời "tung hô" của bài Sanctus đã tạo nên lời ngợi khen đa dạng. Tất cả những "bài hát" kế tiếp nhau đó chỉ là một lời. Bài "Thánh" là việc tung hô mà toàn thể cộng đoàn hợp cùng các thần thánh trên trời hát lên.

Đặc tính: Lời tung hô này là phần chính của Kinh Tạ ơn.

Cách thực hiện: Sau khi chủ tế hát (hay đọc) những lời cuối của Kinh Tiền Tụng: "và tung hô rằng: " (hoặc: không ngừng tung hô rằng; lớn tiếng tung hô rằng; phấn khởi … hân hoan… thành khẩn… xưng tụng rằng: v.v…) thì cả giáo dân và linh mục cùng hát (hay đọc) ngay. (đàn chỉ báo cung 1, 2 nốt nhạc thôi).

  1. LỜI TUNG HÔ TƯỞNG NIỆM (Sau Truyền Phép):

Ý nghĩa: Nhờ việc tưởng niệm, khi thi hành mệnh lệnh đã lãnh nhận từ Đức Kitô qua các Tông Đồ, Hội Thánh tưởng niệm chính Đức Kitô, nhất là nhắc lại cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ, sự sống lại vinh hiển và lên trời của Người.

Đặc tính: Lời tung hô sau khi chủ tế công bố "Đây là mầu nhiệm đức tin", mang ý mong Chúa lại đến là quan trọng nhất.

Cách thực hiện: Cộng đoàn cùng tung hô (nét nhạc cần phải trang trọng hân hoan). Sách Lễ Rôma đã dự trù 3 công thức tung hô để thay đổi.

  1. VINH TỤNG CA KẾT THÚC KINH TẠ ƠN:

Ý nghĩa: Đây là lời chúc vinh Thiên Chúa kết thúc và tô đậm nét chính yếu của Kinh Tạ Ơn, với một công thức vững vàng: "Chính nhờ Đức Kitô…". Công thức này cho ta thấy trong Người mà mọi chúc tụng đều qui về Chúa là Cha trong Thánh linh, Thánh Thể của Giáo Hội.

Đặc tính: Long trọng và xác tín trong lời tung hô và thưa lớn tiếng.

Cách thực hiện: Sau khi linh mục hát (hay đọc): "… đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời", thì giáo dân thưa lớn tiếng Amen. Có thể lặp lại tiếng Amen 2 hay 3 lần: cộng đoàn tán đồng với tất cả những điều vừa được đọc trong Kinh Tạ ơn.

  1. KINH LẠY CHA:

Ý nghĩa: Trong kinh này ta xin Chúa ban bánh hằng ngày; bánh này đối với Kitô hữu còn ám chỉ bánh Thánh Thể; lại xin Chúa thanh tẩy tâm hồn cho khỏi mọi tội lỗi, hầu của thánh được thực sự ban cho những người thánh.

Đặc tính: Dù hát hay đọc, Kinh Lạy Cha trước hết là kinh, không phải là học thuộc lòng hay để đọc lại. Đây là phần nghi thức mở đầu cho nghi thức hiệp lễ. Cách thức linh mục mở đầu cộng thêm rất nhiều vào giọng và điệu của cộng đoàn. Khi thực hiện tốt, sự sốt sắng nội tâm mà cộng đoàn có khi cầu nguyện, theo kinh nghiệm, là bằng chứng tốt nhất của sự chặt chẽ và phẩm chất của sự tham gia Phụng vụ Thánh Thể.

Cách thực hiện: Linh mục đọc lời mời cầu nguyện: "Vâng lệnh Chúa Cứu Thế…" rồi:

    • Hết mọi tín hữu cùng đọc hay hát kinh đó với linh mục;
    • Mình linh mục đọc tiếp lời khẩn xin;
    • Khai triển ý cuối cùng của Kinh Lạy Cha;
    • Giáo dân kết thúc bằng lời tung hô: "Vì Chúa là Vua uy quyền…"

Lời mời cầu nguyện, chính Kinh Lạy Cha, kinh khẩn xin và lời chúc vinh mà giáo dân dùng để kết thúc, được hát hay đọc rõ tiếng.

  1. KINH "LẠY CHIÊN THIÊN CHÚA":

Ý nghĩa: Ngôn Sứ I – sa – ia dùng danh từ CHIÊN THIÊN CHÚA để chỉ Chúa Kitô; Thánh Gioan Tẩy Giả cũng gọi Chúa Kitô là Chiên Thiên Chúa (x. Is 53, 7 và Ga 1, 29). Kinh này nhắc nhớ Con Chiên Thiên Chúa đã đổ máu ra trên thánh giá để tẩy xóa mọi tội của nhân loại và trong Thánh lễ chuyển thông công nghiệp máu ấy để tha tội cho từng người rước lễ.

Đặc tính: Bài ca kèm theo nghi thức.

Cách thực hiện: Đang khi bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên thường hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa", và giáo dân đáp lại. Kinh này có thể lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh (cả khi trao phát cho các vị đồng tế). Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: "xin ban bình an cho chúng con".

  1. CA HIỆP LỄ:

Ý nghĩa: Nói đến Mầu Nhiệm theo Phụng vụ. Bài ca này có mục đích diễn tả sự đồng tâm hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ, khi họ đồng thánh ca hát, đồng thời biểu lộ niềm vui trong tâm hồn và làm cho việc tiến lên rước Mình Thánh Chúa có tính cách huynh đệ hơn.

Đặc tính: Theo truyền thống rất xa xưa, bài hát này đúng tên của nó, phụ họa cho cuộc đi rước lễ của tín hữu. Vì thế hai bài hát đang khi rước lễ, và sau khi rước lễ, không bắt buộc.

Cách thực hiện: Ca hiệp lễ bắt đầu khi linh mục rước lễ và tùy nghi kéo dài đang khi giáo dân rước lễ. Nếu có hát bài ca nào sau khi rước lễ, thì phải kết thúc bài ca hiệp lễ vào đúng lúc.

Có thể dùng điệp ca trong sách Graduale Romanum cùng với thánh vịnh hay không có thánh vịnh, hoặc dùng điệp ca với thánh vịnh trong sách Graduale Simplex, hoặc bài hát nào thích hợp đã được giáo quyền chuẩn nhận. Một mình ca đoàn hát, hoặc ca đoàn hay ca viên hát với giáo dân.

Sau khi rước lễ, linh mục và giáo dân tùy nghi thinh lặng cầu nguyện trong lòng một khoảng thời gian. Nếu muốn, có thể hát một thánh thi, một thánh vịnh hay một thánh ca ngợi khen nào khác. Thánh ca này khác hẳn bài "đi rước lễ", nó phải có giá trị qui tụ mọi lời cầu nguyện cá nhân.

  1. BÀI CA KẾT LỄ:

Sau công thức giải tán, có thể hát một bài, đề tài tương đối tự do hơn, như:

  • Về ngày lễ (Đức Mẹ, Các thánh,…); hay mùa phụng vụ.
  • Ra đi sống thánh lễ… gieo Tin Mừng; Tạ ơn Chúa…
  • Về lòng sùng kính… hay cầu nguyện cho các giới. Bài hát này nên hát cách tưng bừng phấn khởi, nhưng phải ngắn gọn, có thể vừa ra về vừa hát cho tới khi ra khỏi nhà thờ.

Việc có những bài thánh ca đúng phụng vụ đã là một điều khó. Việc chọn lựa, sắp xếp các bài ấy cho phù hợp với cử hành phụng vụ lại càng khó hơn. Lời ca tiếng hát phải phục vụ và nuôi dưỡng bầu khí cầu nguyện. Bởi vậy những người phụ trách về ca hát phải hiểu biết và theo dõi diễn tiến của thánh lễ. Cho nên, ngoài sở trường về âm nhạc, học phải có những hiểu biết căn bản và tương xứng về phụng vụ, thì mới chu toàn tốt đẹp chức năng của họ trong cộng đoàn.

G/ VAI TRÒ CỦA CA ĐOÀN:

Là thành phần của cộng đoàn phụng vụ, nhưng ca đoàn lại có một vị thế riêng biệt. Bởi vì thánh nhạc gồm hai đặc tính là thánh thiện và nghệ thuật cao, nên ca hát phải là phần việc giầu tính nghệ thuật. Muốn đạt được tính nghệ thuật cần phải có một số người có khả năng hơn đảm nhiệm. Những người này hỗ trợ hoặc hướng dẫn ca hát trong phụng vụ, tức ca đoàn, và luôn được Giáo Hội đề cao, quan tâm săn sóc.

  • Hiến chế Phụng vụ số 114: "Phải nỗ lực đào tạo các ca đoàn".
  • Sách Lễ Rôma: "Giữa các tín hữu, ca đoàn có phần việc của họ trong phụng vụ, họ phải lo chu toàn các phần việc riêng của họ, tùy theo các loại bài hát khác nhau; họ lại phải giúp cho giáo dân tham dự cách linh động vào việc ca hát… Nên có ca viên hay ca trưởng điều khiển và yểm trợ giáo dân khi họ hát. Hơn nữa, nếu không có ca đoàn, ca viên sẽ điều khiển các bài hát, còn giáo dân sẽ tùy vào phần việc của mình mà tham dự".

I.Ca đoàn có một vai trò và nhiệm vụ cao qúy: Điều này đã được chính Đức Phaolô VI nói như sau: "Nếu đọc kỹ các tài liệu về Thánh Nhạc, người ta sẽ thấy rõ là ngay cả bây giờ nhiệm vụ của Giáo Hội giao phó cho âm nhạc, cho những người sáng tác cũng như cho các nhạc công, các ca đoàn và những người hát trong nhà thờ thật là cao qúy và hệ trọng như từ trưới tới nay vẫn thế. Khi cử hành phụng vụ, phải liệu phô diễn những hình thức nghệ thuật cho thật hay, thật đẹp: như kèm theo các nghi thức là những cử điệu khoan thai, đẹp mắt, xứng hợp, sang trọng, cung giọng trong sáng dễ nghe, dễ đáp; như đi đôi với lời cầu nguyện của Hội Thánh là những bài hát vừa hay vừa cảm động có sức nâng tâm hồn người nghe lên cùng Thiên Chúa và giúp người ta dễ cầu nguyện. Âm nhạc tỏa chiếu trên cộng đoàn họp nhau lại nhân danh Chúa Kitô một thứ ánh sáng rực rỡ, như chính gương mặt Chúa Kitô vậy. Nhờ sức mạnh vô hình của nghệ thuật, các ca đoàn dễ bay lên vùng ánh sáng rạng ngời của chân lý, tìm gặp Thiên Chúa là Đấng thanh tẩy và thánh hóa. Như thế họ có thể giúp cộng đoàn cử hành mầu nhiệm cứu độ trong những điều kiện thuận lợi, khi chính họ thông phần mật thiết vào các ơn ích của mầu nhiệm đó".

Đức Thánh Cha nói tiếp: "Nhằm mục đích này, những tài liệu chúng tôi vừa trưng dẫn, cỏ võ các ca đoàn, từ các ca đoàn trong các đại giáo đường, các nhà thờ chính tòa, các đan viện nổi tiếng cho tới các hội hát trong các nhà nguyện, nhà thờ nhỏ, say sưa tập luyện và chuyên cần trau dồi nghệ thuật. Huấn thị về Thánh Nhạc muốn rằng không có một buổi cử hành phụng vụ nào mà không có hát nên đã yêu cầu cầu dù trong trường hợp không có ban hát nhỏ, phải có ít nhất một hai người biết hát và được huấn luyện vừa đủ để có thể giúp giáo dân tham dự Thánh lễ và các nghi lễ bằng những bài đơn sơ, dễ hát, lại biết điều khiển và làm điểm tựa cho các tín hữu dựa vào để hát nữa"

II.Trách nhiệm của ca đoàn:

Ca đoàn phụng vụ chỉ chuyên lo ca hát ở nhà thờ theo các chỉ dẫn cũng như đòi hỏi của phụng vụ, đúng quy luật của Thánh nhạc đề ra. Nên ca đoàn phải liệu sao, từ việc chuẩn bị cho đến việc trình bày lời ca tiếng hát trong phụng vụ với sự ý thức và hết sức chu toàn phần việc mình đảm nhận. Nghĩa là phải tập luyện, chuẩn bị bài một cách chu đáo, đến nơi đến chốn; khi trình bày phải liệu phô diễn hình thức nghệ thuật cho thật hay, bằng cung giọng trong sáng (rõ lời), có sức truyền cảm nhờ tinh thần thấm nhuần Lời Chúa và phát xuất từ tâm tình mến yêu cầu nguyện thực sự, bởi vì ca đoàn thi hành một tác vụ tập thể.

III.Thành phần của ca đoàn:

Vì đòi hỏi của phụng vụ, việc tuyển mộ các tín hữu vào ca đoàn cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn:

  1. Không phân biệt nam nữ, lớn bé, có thể toàn nam giới, hoặc toàn nữ giới, có thể vừa có nam và vừa có cả nữ; hay tổng hợp v.v…. Nhưng hiện nay, tùy theo đối tượng tham dự Thánh lễ, hoặc để phù hợp tâm sinh lý, các giáo xứ thường tổ chức các ca đoàn theo lứa tuổi hay theo nhu cầu đoàn thể.
  2. Tự nguyện tham gia với tinh thần phục vụ nhưng không. Mặc dù hiện nay anh chị em trong ca đoàn phục vụ hết mình với niềm hân hoan, không đòi hỏi gì cả, đa số các vị Bề Trên của cộng đoàn luôn tỏ ra quan tâm chăm sóc bồi dưỡng ca đoàn về tinh thần cũng như vật chất bằng nhiều cách.
  3. Không những phải có khả năng chuyên môn mà còn phải có đời sống đạo hạnh xứng hợp. Những phẩm tính này phải luôn được trau dồi để từng người ngày càng góp phần phục vụ hữu hiệu hơn.

IV.Chỗ của ca đoàn:

Thường ca đoàn được xếp ngồi gần cung thánh (tùy theo mỗi nhà thờ, nhà nguyện), nhưng làm sao để khỏi gây phiền hà cho dân chúng; miễn là giúp ca đoàn tỏ hiện được bản tính của mình, chu toàn cách tốt nhất chức năng phụng vụ của mình và tham dự đầy đủ thánh lễ cách dễ dàng và trọn vẹn. Chỗ của nhạc cụ cũng vậy.

Trong tình hình hiện nay, hầu hết các ca đoàn đều có thành phần nữ chiếm ưu thế về số lượng, nên các vị hữu trách phải sắp xếp sao để tránh mọi sự bất tiện, gây chia trí. Đồng thời cũng cần lưu ý về cách ăn mặc và đi đứng của ca viên trong ca đoàn.

V.Những đặc điểm để nhận biết ca đoàn phụng vụ:

  1. Ca đoàn phụng vụ luôn theo đuổi mục đích chính là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tâm hồn các tín hữu bằng lời ca tiếng hát.
  2. Ca đoàn phụng vụ chỉ hát những bài nhạc đạo (nhạc nhà thờ) đã được chuẩn nhận.
  3. Ca đoàn trong khi hát vừa cầu nguyện, vừa giúp cộng đoàn cầu nguyện, và phải để lại dư âm thánh thiện và sức sống trong mỗi người.
  4. Ca đoàn không phải là đoàn văn nghệ biểu diễn để khoe tài, khoe tiếng, ăn thua với nhóm này nhóm kia, đề cao giọng hát này giọng hát nọ; cũng không coi việc cử hành phụng vụ như một cơ hội để trình diễn âm nhạc.

Như vậy ca đoàn là một bộ phận cần thiết của cộng đoàn, cần được chăm sóc và huấn luyện, đồng thời ca đoàn cũng ý thức về vai trò và vị trí của mình trong cộng đoàn, để góp phần xứng đáng vào công việc phụng tự.

H. SỬ DỤNG NHẠC KHÍ:

Trong phụng vụ Do thái giáo, người ta sử dụng các nhạc khí khi hát Thánh vịnh hay cử hành các nghi lễ.

Trái lại, Giáo Hội Đông phương không bao giờ chấp nhận sử dụng các nhạc khí trong cử hành phụng vụ. Theo truyền thống Đông phương, chỉ ca hát mới được đưa vào phụng vụ, vì ca hát có mang Lời của Chúa. Tiếng nói của con người là thứ nhạc khí duy nhất trong phụng vụ. Bất cứ nhạc khí nào khác đều bị loại bỏ.

Gélineau quan niệm rằng tuy thông cảm và tôn trọng đòi hỏi trên đây, người ta vẫn có một quan niệm uyển chuyển hơn và công nhận rằng: mặc dù không mang một lời nói nào, âm nhạc nhạc cụ vẫn có khả năng chuẩn bị đưa ta vào mầu nhiệm, cũng như các ảnh thánh có khả năng đưa ta vượt qua cái hữu hình để vươn tới cái vô hình. Aâm nhạc có chức năng đưa ta tới ngưỡng cửa của thế giới vô âm thanh, thế giới của trầm lặng. Từ nhận định trên ta có thể thấy:

1/Lợi ích của sử dụng nhạc khí:

  • Các nhạc khí có tác dụng đưa taâm hồn người tham dự phụng vụ vào mầu nhiệm cử hành.
  • Nhạc khí đưa tín hữu tới ngưỡng cửa của thế giới vô âm thanh, thế giới của trầm lặng.
  • Các nhạc khí đệm cho bài hát và giúp cho dễ hát.
  • Giúp các nghi thức không tẻ nhạt, cho không gian bớt vắng lạnh.
  • Tăng thêm phần long trọng của buổi cử hành phụng vụ, nếu có những nhạc phẩm đáng giá.
  • Đôi khi thay tiếng nói của cộng đoàn (như lúc chuẩn bị lễ vật, hiệp lễ, …)
  • Thêm phong phú cho ngôn ngữ mà cộng đoàn không thể dùng lời để diễn đạt được.

2/Sử dụng các nhạc khí:

  1. Hiến chế Phụng vụ, số 120 quy định cách sử dụng các nhạc khí như sau:

"Trong Hội Thánh La – tinh, đại phong cầm phải hết sức qúy trọng vì là một nhạc khí cổ truyền mà âm thanh có thêm vẻ huy hoàng mỹ lệ cho các nghi lễ, lại có hiệu lực nâng cao tâm trí lên cùng Chúa và những sự trên trời.

Còn các nhạc cụ khác, cũng được phép dùng vào việc phụng tự tùy theo phán đoán và phê chuẩn của Thẩm quyền địa phương theo khoản 22,2; 37 và 40, miễn là đã hoặc có thể thích hợp để dùng vào việc thánh, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường, và thực sự giúp cảm hóa các tín hữu".

Như vậy Công Đồng Vat. II công nhận:

  1. Việc ưu tiên sử dụng đàn phong cầm trong phụng vụ Kitô giáo qua dòng lịch sử.
  2. Việc sử dụng các nhạc khí khác, nếu:
  • Chúng có thể phục vụ tốt cho phụng vụ;
  • Chúng phù hợp với "sự trang trọng" của nơi thánh;
  • Chúng giúp các tín hữu cầu nguyện.
  1. Huấn thị vế thánh nhạc trong phụng vụ, số 62 – 67 (năm 1967) lấy lại các điều chủ yếu trong Hến Chế Phụng vụ và nói thêm:
  2. Dựa vào môi trường văn hóa mà quyết định loại nhạc cụ nào hợp và loại nhạc cụ nào không hợp cho Phụng vụ.
  3. Bất cứ nhạc cụ nào được sử dụng trong Phụng vụ cũng phải sử dụng cách nào:
  • Để đáp ứng những đòi hỏi của việc cử hành phụng vụ.
  • Để gia tăng vẻ đẹp của việc phụng tự.
  • Để xây dựng lòng đạo đức cho các tín hữu.
  1. Trong một số nền văn hóa, hễ có hát là có đệm nhạc. Sẽ có thể giữ như thế:
  • Nếu tiếng nhạc cụ hỗ trợ và không át lời ca.
  • Nếu âm nhạc giúp mọi người dễ tham dự phụng vụ và giúp cho tính hiệp nhất của cộng đoàn.

3/Một vài lưu ý khác về sử dụng nhạc khí:

a/Mùa vọng, chỉ được sử dụng phong cầm và các nhạc cụ khác để yểm trợ tiếng hát. Không được dùng phong cầm và các nhạc cụ khi không đi kèm tiếng hát. (độc tấu nhạc cụ).

b/Mùa chay, chỉ được dùng nhạc cụ để đệm hát mà thôi, trừ Chúa Nhật IV và các ngày lễ trọng cùng lễ kính.

c/Tam nhật vượt qua: Trong những ngày này cần phải đọc trước hướng dẫn trong cuốn "Những ngày lễ công giáo" (Lịch công giáo Năm Phụng vụ) và cuốn "Nghi thức tuần thánh" để sử dụng nhạc khí cho trúng cách. Thí dụ: Khi hát Kinh Vinh Danh (thứ Nam Tuần Thánh, thánh lễ chiều: Thánh lễ tiệc ly) thì đánh đàn và rung chuông. Sau đó, không rung chuông nữa cho đến Canh Thức Vượt Qua, trừ khi HĐGM hay giám mục giáo phận đã quy định cách khác. Hoặc nếu vào ngày thứ sáu thánh, nếu có phải cử hành nghi thức an táng thì không hát, không đàn, không chiêng trống.

4/Vấn đề nhạc ghi âm:

Cho đến nay, Phụng vụ chưa chấp nhận những hình thức ca nhạc được ghi âm (cassette, Compact disque…). Những bài hát tạo thành yếu tố cử hành phụng vụ không thể nào được thay thế bằng những loại ghi âm, bởi vì hát là cách biểu lộ xây dựng cộng đoàn. (Đừng quên tinh thần phụng vụ: không gì thay thế được con người bằng xương bằng thịt). Kỹ thuật dù có tinh vi đến mức độ nào đi nữa cũng không được sử dụng thay thế cho tiếng hát cộng đoàn.

Tuy nhiên, trong những bài hát hay bản nhạc chỉ giữ vai trò thứ yếu, nghĩa là không phải là thành phần cấu tạo nên phụng vụ, thì có thể cho nghe một bản nhạc ghi âm. Cả trong trường hợp này người ta chỉ chấp nhận một bản nhạc hơn là một bài hát ghi âm, vì khi nghe một bài hát ghi âm (có nhạc mà không có lời), người ta sẽ thấy thiếu hẳn cộng đoàn. Bản nhạc ghi âm được nghe vào lúc suy niệm một bài đọc, hay sau bài diễn giảng Kinh Thánh. Đôi khi có thể nghe nhạc trước khi chính thức nhập lễ để tạo bầu khí phấn khởi và cầu nguyện, hay sau khi rước lễ lúc cộng đoàn ra về. Hoặc nhạc lúc đi kiệu, đệm khi đọc. Hoặc trong nhà thờ, sau khi cô dâu chú rể kết thúc việc cử hành bí tích hôn nhân, nhà phong cầm chuyên môn, sẽ thay tiếng cộng đoàn để phấn khởi hoan hô chúc tụng.

Ca hát cộng đoàn là một vấn đề lớn cần quan tâm. Vì thế nó đòi hỏi công sức và thời gian để tìm hiểu, học hỏi và áp dụng một cách đều khắp. Trên đây chỉ là mấy điểm chính nêu lên một số nét gợi ý cụ thể hầu giúp cho chúng ta biết tận dụng chức năng ca hát cộng đoàn thêm giá trị thánh hóa tín hữu và xứng đáng tôn vinh Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta biết tích cực hưởng ứng lời kêu gọi tha thiết của Giáo Hội mà cố gắng số xứng đáng đời sống Kitô hữu, biết sống cầu nguyện trước khi hát, đang khi hát và sau khi hát. Bài hát dù được một người diễn xướng, do một ca đoàn trình tấu hay dù cả cộng đoàn đồng thanh chỉ sinh hiệu quả thiêng liêng khi bài hát được hát lên trong tâm tình cầu nguyện. Trong tâm tình cầu nguyện và đạo đức, các người hát thánh ca "nhờ thái độ kiên trung và sốt sắng trong nghi lễ phụng vụ, sẽ tỏ ra xứng đáng với những kinh nguyện thánh thiện mà họ trình tấu". Như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông thư "Ngày của Chúa" đã nói, chúng ta cũng có thể phải luôn nhắc nhở nhau "vẫn phải quan tâm nhiều đến việc ca hát cộng đoàn", đồng thời phải liệu sao "cho các sáng tác đáp ứng được những đòi hỏi của phụng vụ".

LM Nguyễn Duy

Trích trong “catruong.com”