Những tình huống khó khăn trong buổi gặp gỡ Giáo Lý và cách giải quyết

Trong hành trình làm Giáo lý viên, chắc chắn có những tình huống mà chúng ta không thể lường trước được... Có những ngày xem ra luống công...


Trong hành trình làm Giáo lý viên, chắc chắn có những tình huống mà chúng ta không thể lường trước được... Có những ngày xem ra luống công bởi "giáo án" đã soạn đâu vào đấy, nhưng bị gián đoạn bởi những tình huống không chờ mà đến. Làm sao bây giờ??? Hãy bình tĩnh để nhận ra và "gọi đích danh" những tình huống đó và rồi tìm "lời giải đáp".

Đón nhận những điều bất ngờ

Một em đến với GLV khóc nức nở và nói rằng: “Ba em đã mất hôm Chúa Nhật vừa rồi!”. Một em khác bất mãn về biến cố vừa qua tại Nhật Bản: “Nếu có Chúa, tại sao Chúa lại để cho các em thiếu nhi Nhật Bản phải chịu cảnh mồ côi trong trận động đất-sóng thần vừa rồi?”. Có những lần GLV chưa kịp chào các em thì đã có một em loan báo lớn tiếng: “Con mới có một đứa em gái, tên nó là Mai Khanh! Hôm qua ba con đã chở con đến bệnh viện thăm em!”.

Bao nhiêu biến cố vui buồn mà người GLV không thể ngờ được nó đã xảy ra ngay từ phút đầu của buổi gặp gỡ GL. GLV phải ủi an vỗ về những em đau khổ, vui với những em đang có niềm vui và cũng giúp nhóm có chung những cảm xúc đó. Những kinh nghiệm của mỗi người trong nhóm nuôi dưỡng suy tư và đời sống cầu nguyện của nhóm.

Hãy để trẻ nói điều muốn nói

Điều quan trọng là làm cho các em nói lên điều các em suy nghĩ trong thâm tâm, và GLV suy tư với các em giúp nuôi dưỡng đức tin của các em.

Khi trẻ đặt câu hỏi

Trong tiến trình gặp gỡ, cần thiết thúc đẩy những trao đổi trong nhóm. Để thiết lập điều này, cần chú ý những điều kiện trợ giúp sau: thời gian, tự do để diễn tả, ước muốn lắng nghe nhau…

Nhiều khi các em đặt câu hỏi mà không cân nhắc kỹ càng. Những câu mà các em hỏi liên quan đến việc giải thích một bản văn đã soạn cho buổi gặp gỡ thì GLV dễ dàng trả lời. Những câu hỏi chung về văn hóa, lịch sử Giáo Hội, tín điều, vv. GLV có thể trả lời ngay lập tức nếu có khả năng, hoặc có thể hoãn lại (nếu khó tìm ra câu trả lời) để có câu trả lời tốt hơn sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đôi khi trẻ đặt câu hỏi về đức tin như: “Có chắc là CGS đã hiện hữu không?” Tại sao Thiên Chúa không làm gì để ngăn cản chiến tranh?” Cô/Thầy có tin là CGS đã sống lại không?”. Với những câu hỏi khó, GLV sẽ tìm cách trả lời thế này: “Người Kitô hữu tin rằng…”…..

  • Đôi khi những câu hỏi ẩn chứa những vấn đề khác mà các em không dám nói ra, hoặc nói lòng vòng, khó hiểu. Trường hợp này, GLV khuyến khích và giúp các em đặt câu hỏi đặt trọng tâm vào một vấn đề chính xác.
  • Cần lắng nghe các em đặt câu hỏi bằng cách nhìn vào các em, xem cử điệu, cách diễn tả nơi khuôn mặt các em….
  • Biết rõ người đặt câu hỏi là ai và xem em đó có quan tâm đến câu hỏi em đặt không hay chỉ nói bâng quơ, hoặc “hỏi chỉ để hỏi”.
  • Điều được hỏi có khi gợi lại một ước muốn, một sự tìm hiểu, một điều gì đó có liên quan đến những lần gặp gỡ trước hoặc là tỏ ra một sự thất vọng…
  • Tự hỏi đâu là điều thiết yếu của câu hỏi và tâm trạng thể hiện là tâm trạng nào.
  • Đôi khi câu hỏi cần được lặp lại: “Nếu cô/thầy không hiểu sai, thì ý em muốn nói là…”, hoặc GLV có thể nại đến một chứng từ của chính các em: “Các em nói gì về đức tin của các em?”, hoặc GLV có thể hỏi cả nhóm: “Bạn Minh hỏi tại sao CGS làm nhiều việc tốt mà lại bị kết án tử hình, vậy các bạn khác nghĩ sao?”

Làm thế nào vượt qua những khó khăn thông thường

Trong buổi gặp gỡ giáo lý có thể xuất hiện những khó khăn khác nhau, thường thì những khó khăn do chính các em gây ra.

  • Nhóm giáo lý quá đông: Trong trường hợp này, GLV tìm cách chia nhóm nhỏ. Ví dụ cho các em học một bản văn hoặc thực hiện một hoạt động nào đó.
  • Các em không có động lực, không hứng thú học: GLV hãy giao cho các em một vài trách nhiệm nào đó, ví dụ như chuẩn bị góc cầu nguyện, trang trí cuốn vở học tập của nhóm, sắp xếp đồ dùng, tài liệu giáo lý vào tủ…; thường thì GLV nên chuẩn bị một hoạt động có yếu tố bất ngờ để gây kích thích hoặc đề nghị nhiều hoạt động diễn tả khác nhau.
  • Các em gây ồn ào: GLV cùng với các em soạn một quy định chung và chính các em được xem như là những người có trách nhiệm áp dụng quy định đó; ngoài ra, GLV có thể đề nghị một vài hoạt động khiến các em có thể di chuyển, chuyển động…
  • Các em nhút nhát: GLV cần dự trù một thời gian ngắn cho việc suy tư cá nhân trước khi đem vấn đề ra thảo luận chung trong nhóm; đề nghị mỗi em đến nói nhỏ với GLV câu trả lời/suy nghĩ của mình, cần thiết là tôn trọng “nhịp độ” khác nhau của mỗi em.

Làm thế nào để GLV khắc phục những trường hợp gay go

Các bạn đã chuẩn bị mọi sự tốt đẹp và sẵn sàng cho một buổi gặp gỡ hấp dẫn về dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, các bạn đã nắm rõ sứ điệp để trình bày, nhưng ngay từ giây phút đầu các bạn nhận thấy không thể nào thực hiện nhựng gì các bạn đã chuẩn bị.

Hôm nay, các em rất hiếu động, “mất trật tự”, cười nói luyên thuyên, cãi nhau, nói năng nhảm nhí, nói chuyện riêng, cười nói lớn tiếng, chạy chỗ, chuyền banh, chuyền đồ chơi… dưới gầm bàn, thúc cùi chỏ nhau… Trước tình trạng này, điều quan trọng là GLV phải bình tĩnh và làm cho chúng bình tĩnh lại, bớt đi những nghịch ngợm đó bằng một trong những cách sau:

  • Một bài hát để giãn bầu khí. Cho các em hát là một trong những cách tốt nhất để làm cho các em tập trung.Trước hết, GLV cất lên một bài hát vui nhộn, rồi tiếp đến là một bài hát êm đềm, trang nghiêm hơn. Đôi khi chỉ cần hát câu điệp khúc. Sau năm phút hát như vậy, các em có thể chăm chú theo dõi câu chuyện “Người cha nhân hậu” mà chúng ta đã chuẩn bị.
  • Kể một câu chuyện. Nếu như GLV có khả năng kể chuyện thì có thể chinh phục và lôi kéo sự chú ý của các em: “Trong khi Anh/Chị đến đây, Anh/Chị đã thấy có một cái gì đó lạ lắm…”. Các em bắt đầu tập trung và quên đi sự nóng nảy, bực dọc ban đầu.
  • Thư giãn, giải trí. Nếu như người lớn cần thời gian thư giãn trước khi chuyển sang một hoạt động khác thì các em cũng vậy. Các Anh Chị nghĩ thế nào nếu như các em không có những giây phút giải lao sau khi tan học ở trường về rồi bắt đầu ngay buổi gặp gỡ GL? Một linh mục nói rằng: “Tôi có một nhóm các em giáo lý khai mạc lúc 16:30, ngay sau giờ học ở trường. Suốt năm đó, tôi có thói quen là chơi với các em 20 phút trước khi bắt đầu “học giáo lý”. Giải trí chung với nhau như thế nảy sinh mối liên hệ thân tình”.
  • Thay đổi hoạch định ban đầu. Có thể sau một trò chơi, sau bữa ăn lỡ, sau khi hát hò hoặc trò chuyện, các em không còn khả năng tập trung nữa. Lúc bấy giờ, tốt hơn hết là GLV cứ để các em trong tình trạng “sinh động”, rồi hãy kể một câu chuyện, một biến cố của Giáo Hội…còn câu chuyện “Người cha nhân hậu” sẽ để lại một bữa khác, khi mà các em có thể chăm chú, tập trung theo dõi với sự hào hứng.

NB. Vì giáo lý là một buổi gặp gỡ chứ không phải một buổi học tập, nên không có vấn đề “chạy theo chương trình” hoặc “cháy giáo án”.

Một GLV kể lại kinh nghiệm của mình: “Một lần nọ, tôi thấy các em giáo lý của tôi rất mệt mỏi nhưng lại cứ loay hoay, không chịu ngồi yên, tôi hiểu nguyên do đó là vì các em vừa mới tham gia một trận bóng đá. Hôm đó các em không thể ngồi yên, còn tôi thì bực tức khó chịu..và tôi đã nổi nóng với các em, thế nhưng sau đó, tôi lấy lại bình tĩnh, và chiếu cho các em xem một đoạn video clip. Các em ngồi yên và chăm chú theo dõi những hình ảnh lướt qua trên màn hình và bầu khí yên tĩnh trở lại, cơn nóng giận của tôi cũng tan biến và tôi đã hướng dẫn buổi gặp gỡ đó đến giây phút cuối cùng với một cách hoàn toàn khác với những gì đã chuẩn bị”.

  • “Các em giơ tay lên!”. Khi các em náo động, ồn ào, làm thế nào có được một khoảnh khắc yên lặng để khai mạc buổi gặp gỡ? Một phương thế khá hữu hiệu để áp dụng lúc này đó là phương thế “dân chủ”: sau khi các em đã ngồi vào chỗ của mình GLV hỏi ý kiến các em xem các em có muốn yên lặng không và yêu cầu các em giơ tay lên. Một cánh tay rồi hai cánh tay và cứ thế tiếp tục, bầu khí yên lặng được thiết lập. Lúc này, ngay cả các em hiếu động, cũng như các em khó bảo cũng miễn cưỡng phải im lặng đầu hàng trước ý muốn chung. GLV nhận định xem các em có khả năng làm chủ chính mình không và cho các em biểu quyết xem có tiếp tục làm việc không.
  • Tách các em hay nói chuyện riêng ra. Khi những em “nhiều chuyện” ngồi gần nhau, sẽ làm cản trở những em khác và gây phiền toái cho cả nhóm, bởi vì khi chúng đã bắt đầu nói, thì chúng không dứt được. Kinh nghiệm của một vài GLV cho biết: không chỉ các em nữ nhiều chuyện mà các em nam cũng vậy. có những em đã nói còn chọc cười bạn khác và nói năng nhảm nhí nữa…Một GLV chia sẻ kinh nghiệm: khi bạn trai nói nhiều, ngay lập tức, tôi cho bạn trai đó ngồi gần một bạn nữ rất nhu mì, ít nói, kết quả là bạn trai không dám nói một tiếng nào nữa”.
  • Giao một trách nhiệm. Một cách giải quyết khác là giao trách nhiệm cho bạn nào nói nhiều và hay nói chuyện trong giờ giáo lý đó là: mở và tắt máy ghi âm, viết trên bảng, hoặc phát biểu: “Bạn Phong sẽ phát biểu (hoặc đọc bài) trước mọi người. Các bạn có đồng ý không, giơ tay lên!”. Lúc bấy giờ bạn “nhiều chuyện” này bận rộn lo công việc của mình, và như thế GLV buổi gặp gỡ tiếp tục diễn tiến.
  • Nói nhẹ giọng. Nói nhỏ lại cũng là một cách thế tốt. Nói chuyện nhảm, rồi chạy chỗ khoảng 2, 3 phút, bạn “nhiều chuyện” nhận ra âm lượng của GLV đã giảm xuống, khiến bạn ấy cũng bối rối, ngượng nghịu. Bạn ấy không nói chuyện nữa và hiểu tín hiệu của GLV. Nếu sau một vài phút bạn ấy không hiểu chi cả, GLV nên đổi cách khác.
  • Biểu lộ một sự “tức giận thánh”. GLV giả vờ nổi giận quát lên: “Đủ rồi, tôi không thể chịu đựng hơn nữa! Hãy im lặng ngay lập tức!”. Các em hay nói chuyện trong giờ giáo lý sẽ ngạc nhiên vì sự đe dọa này và giữ yên lặng cho phần còn lại của buổi gặp gỡ. Lưu ý, đây là một phương thế phải dùng đúng mực (tự chủ trong sự kềm chế tức giận) nếu không muốn mất đi tính hữu hiệu của nó hoặc sẽ bị các em phê bình mình là: “Ông/Bà kẹ” hoặc “Bà chằng”, “Sư tử Hà Đông”!
  • Viết thay vì nói. Một cách khác là cho các em viềt điều mà các em muốn nói. Một GLV chia sẻ kinh nghiệm: “Khi các em nói chuyện nhiều, các em không tập trung được, lúc đó tôi cho các em viết thay vì nói. Rồi tôi cho luân phiên từng em phát biểu. Như vậy, mỗi em đều có quyền phát biểu trong giờ GL.
  • Thưa Anh, thưa Chị “Em biết…mọi điều”. Chúng ta biết rằng em nào thông thái, em đó có thể trả lời phần lớn những câu hỏi mà GLV nêu ra. Em đó trả lời ngay cả trước khi giơ tay và không để thời giờ cho các bạn khác diễn đạt ý kiến mình. Sự độc quyền phát biểu này khiến cho các em khác mệt mỏi và không muốn tham gia nữa. Trước tình trạng này GLV phải ứng xử ra sao?
  • Nói bằng dấu hiệu. Mặc dù các em thông minh trả lời xác đáng, nhưng vì nói quá nhiều nên đã ngăn cản các bạn khác. Một biện pháp là có thể thiết lập một thỏa thuận với các em: các em có quyền tham gia trả lời một số câu nhất định nào đó thôi (giới hạn số lần phát biểu). Khi số lần phát biểu đã hết, thì các em phải ngồi yên. Những em “nói nhiều” sẽ phải bấm bụng chịu trận (uốn lưỡi bảy lần) khi biết rằng mình chỉ có quyền phát biểu 3 hoặc 4 lần.
  • “Đồng hồ cát” (Hạn chế thời gian phát biểu bằng đồng hồ cát). Đối với những em mà “cái gì cũng biết” GLV cũng có thể nhờ vào một cái đồng hồ cát bé xíu để giới hạn thời gian nói. Em đó nói cho đến khi đồng hồ cát trống rỗng, rồi chuyển sang em khác. Trong khi các em nói, không em nào được ngắt lời.
  • Những “thần đồng”. Cũng có những em rất thông minh, nhạy bén, giỏi giang, có khả năng trả lời lưu loát câu hỏi của GLV, diễn tả ý tưởng một cách xác đáng, có những lời nhận xét rất hay…Tóm lại đó là một đứa trẻ “hoàn hảo”, “thông thạo giáo lý”.

Chúng ta xử sự thế nào với một đứa trẻ “thông minh” như thế? Chắc chắn là không thể cho em “nhảy lớp” bởi vì chương trình đã lên rồi và dầu sao thì vấn đề cũng sẽ trở lại y như vậy trong một nhóm khác.

Vậy thì, GLV có thể mời em đó đem những khả năng mình có để phục vụ những bạn khác. Trong nhóm giáo lý, giá trị trước tiên không hệ tại ở sự thông minh và năng lực, mà là ở khả năng lắng nghe, phục vụ, nhân hậu, và mỗi người đều được mời gọi làm phận vụ của mình. GLV có thể giúp em và giao cho em đảm nhận công việc phân công phát biểu chẳng hạn. Khi nhận trách nhiệm, em sẽ năng động theo cách thế khác, không giành độc quyền phát biểu, nhưng để cho người khác cũng được phát biểu nữa.

  • Những em ít nói hoặc không chịu nói. Nếu có vấn đề với một em nói nhiều thì cũng có vấn đề với một em quá nhút nhát. Một em thì luôn miệng, còn em kia thì không bao giờ nói tiếng nào. Có những em mà GLV vừa nghe giọng cất lên, quay lại nhìn, thì giọng nói ấy lại mất hút ngay. GLV làm gì với những em tương tự như thế? Khuyến khích các em nói hay cứ để các em yên lặng như vậy? Làm thế nào để một trẻ nhút nhát có thể phát biểu?
  • Hãy làm cho chúng cảm thấy thoải mái. GLV phải dùng tất cả mọi phương thế để làm cho chúng thoải mái. Khi các em tới, GLV chào các em một cách thân tình, GLV khen các em mặc quần áo đẹp, gọn gàng; khen tập vở sạch sẽ; quan tâm đến gia đình các em, đến trò chơi các em đang chơi. Trong buổi gặp gỡ, GLV đề nghị các em đọc một đoạn Kinh Thánh hoặc một lời cầu nguyện mà các em đã chuẩn bị. Khen các em sau khi các em đọc, khuyến khích các em, làm các em yên tâm.
  • Những cách diễn tả khác. Trẻ nhút nhát thật khó phát biểu trước người khác, nhưng các em cũng có lối diễn đạt riêng của mình, vì dụ như diễn đạt bằng hình ảnh. Trẻ sẽ dễ dàng nói về điều mà trẻ đã làm hơn là trả lời một câu hỏi trong nhóm. GLV cần khám phá ra những cách diễn đạt của trẻ chứ không thúc giục em phát biểu. Đứa trẻ nhút nhát có thể cầu nguyện rất tốt hoặc có nhận xét rất nhạy và chính xác mặc dù trước đó không hề mở miệng.

Một GLV chia sẻ: “Trong nhóm giáo lý của tôi có em A rất bảo thủ. Thật khó mà làm cho em ấy phát biểu và tôi nghĩ đằng sau sự nhút nhát đó là một sự hiểu biết hơi chậm. Một ngày nọ, chúng tôi nói về lòng tin tưởng và tôi yêu cầu các em viết vào cuốn tập của mình tên của người mà mình tin tưởng nhất. Thông thường, các em viết tên của cha mẹ, ông bà, anh chị em hoặc thầy cô của mình. Em A viết: “Cha mẹ tôi” và bên cạnh đó thêm: “Bởi vì không bao giờ lừa dối tôi”. Thật sự tôi không hề mong đợi một câu trả lời diễn tả sự trưởng thành tinh thần như thế!”.

  • Đôi khi sự nhút nhát ẩn giấu một sự bất ổn nào đó, sự khó khăn trong gia đình hoặc trong những mối tương quan, GLV phải hết sức thận trọng và dè dặt. Một GLV kể lại: “Một năm nọ, trong nhóm giáo lý của tôi có một em B không bao giờ chịu mở miệng. Tôi đã nhiều lần thúc giục nó, nhưng càng thúc giục nó càng câm nín và khép mình lại như con ốc sên. Để khuyến khích em, tôi quan tâm đặc biệt đến em trước và sau giờ giáo lý nhằm tìm cách tạo cơ hội cho em nói. Tôi cũng tìm đến nhà và nói chuyện với ba mẹ em, thì được biết, chú bé đó rất yếu, em đã phải nhiều lần nằm điều trị ở nhà thương. Tôi xin phép để nói điều này với nhóm và chúng tôi đã cầu nguyện cho chú bé này. Từ lúc đó, thái độ của em đã thay đổi hẳn, không còn như trước nữa.
  • Những trình độ khác nhau. Thông thường năm giáo lý đầu tiên, các em rất khác biệt nhau về văn hóa Kitô giáo. Một số em đến từ những gia đình có truyền thống giữ đạo tốt, và đã biết ý nghĩa của một số lễ lớn trong đạo, các em cũng biết những câu chuyện Cựu ước và Tân Ước, trong khi những em khác không bao giờ được nghe nói về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu Kitô. Với sự khác biệt này thì nhiệm vụ của GLV không phải dễ.

Những em đã được dạy dỗ một chút về đức tin từ trong gia đình có nguy cơ nhàm chán nếu như GLV khởi đi từ những điều vỡ lòng; nhưng nếu giả thiết là bỏ qua những điều sơ khởi đó thì những em chưa bao giờ được nghe nói tới những điều về đức tin sẽ không dám đặt câu hỏi. Nhìn chung thì trong khoảng vài tháng đầu, sự khác biệt này sẽ dần biến mất.

Một mẹo kkhác có thể dùng, đó là: trong những buổi gặp gỡ đầu, GLV sẽ mời các em đã hiểu biết một chút, nói với các bạn về Thiên Chúa hoặc về Chúa Giêsu. Lần đầu tiên các em được mời gọi trả lời về đức tin của mình, các em nhận ra rằng đức tin không là một điều gì đó tự nhiên có được, bởi vì một vài người bạn mình không hề biết nó. Chính vì thế chúng cảm thấy được trân trọng trong việc làm chứng đầu tiên này và không có cảm giác mất thời giờ. Còn những em khác lại cảm thấy việc học ở bạn mình, chứ không chỉ ở GLV, thật là quan trọng và bổ ích.

  • Thiết lập lại trật tự. Các em làm ồn ào trong giờ giáo lý. GLV không giữ được một phút yên lặng, trật tự. Buổi giáo lý trở thành một cơn ác mộng.

Hầu như tất cả GLV, ít nhất là một lần, có cảm giác hoảng sợ, kinh hãi bởi vì không chế ngự được sự ồn ào mỗi lúc một gia tăng, sự vô kỷ luật càng lúc càng bành trướng. Nếu GLV nào ở trong tình trạng này, hãy bình tĩnh, không phải khổ sở vì có những phương thế để khắc phục chúng!

  • Luật vàng. Điều quan trọng là không bỏ qua vấn đề, hay nói khác hơn là để nó qua đi. Nhưng nó không qua đâu và một lúc nào đó GLV sẽ nản chí và bỏ cuộc. GLV nào mà cảm thấy các em vượt qua mặt mình, không kiêng nể gì mình nữa còn mình thì không giữ trật tự được, lúc đó hãy nói ngay với người có trách nhiệm để cùng xem xét điều gì không ổn và tức khắc phải điều chỉnh ngay. Đây là vấn đề quan trọng (vấn đề sống còn) cho chính GLV đó cũng như cho các em.

Có thể là một lúc mệt mỏi nào đó trong quá khứ mà GLV đánh mất “cái uy” đối với các em và GLV để mặc nó buông xuôi. Một GLV tâm sự: “Trong suốt ba tháng vừa rồi, tôi có nhiều nỗi bận tâm. Tôi ít đến với nhóm, bỏ dạy giáo lý và các em đã nhận ra điều đó. Chúng đã làm cho cuộc sống tôi khó chịu, gây ồn ào, náo động, tóm lại là tôi hoảng sợ và tự buộc mình không được làm gì nữa. Tôi nói điều đó với người có trách nhiệm, và chúng tôi đã quyết định chọn một GLV khác thay thế trong 2 buổi gặp gỡ, còn tôi thì tạm nghỉ ngơi trong 2 tuần. Sự gián đoạn này rất bổ ích cho tôi, và khi tôi trở lại, tôi đã chế ngự được nhóm giáo lý của tôi”.

  • Hiệp lực. Đôi khi GLV không có uy đủ để chế ngự nhóm giáo lý và né tránh sự rối rắm, hỗn loạn. Thường thì có thể hỏi một GLV khác có kinh nghiệm hơn tham gia giúp một vài buổi gặp gỡ để lấy lại tự tin và bắt đầu lại với những bước đúng đắn.
  • “Hãy bình tĩnh rồi trở lại!”. Nếu tình huống quá khó khi phải “đối phó” với một em quá hiếu động, GLV không bắt buộc phải giữ em lại trong suốt buổi giáo lý. Một GLV thuật lại: “Năm ngoái, em C thật là vô kỷ luật. Em không ngừng khiêu khích những em khác để làm mất trật tự. Tôi đã hơn một lần nói với em bằng một giọng thật bình tĩnh: “Nghe đây, C, cô nghĩ rằng em cần ra khỏi đây và đi một vòng chung quanh sân để lấy lại bình tĩnh. Khi nào em cảm thấy dễ chịu thì trở lại đây để tiếp tục buổi giáo lý với các bạn”. Em C rất bình tĩnh khi hiểu rằng em sẽ phải ở ngoài nếu như không chấp hành một thái độ đúng đắn”. Nhưng mà, trong những trường hợp này, chắc chắn là đứa trẻ sẽ không ở làm được nếu như không có sự kiểm soát của một người lớn.

Một GLV khác khẳng định: “Việc trao đổi với người có trách nhiệm giúp người GLV luôn tìm ra giải pháp!. Cách đây 2 năm, có 2 nhóc tì gắn bó với nhau như hình với bóng, ở trường học cũng như ở “lớp” giáo lý và chúng luôn gây ra sự hỗn loạn. Chúng tôi đã phản ứng ngay lập tức bằng cách chia chúng vào 2 nhóm khác nhau”.

  • Cha mẹ hoặc chính các em không thích việc “học giáo lý”. Cha mẹ không thích việc học giáo lý. Có những em rất muốn đi học giáo lý nhưng cha mẹ thì ngược lại. Những tình huống này rất tế nhị và đòi hỏi sự xử sự tinh tế. Điều tốt nhất là gặp cha mẹ chúng và không phán xét (không lên án) quan điểm của họ, cùng với họ tìm cách giải quyết tốt nhất để con cái họ có thể yên ổn hiện diện suốt năm giáo lý.

Một GLV tâm sự: “Tôi nhớ một đơn ghi danh bị một đường gạch chéo xóa bỏ do một bàn tay hung dữ viết vào đó mấy chữ: “Giáo lý làm tôi chán ngấy!”. Mẹ của em H là người căm thù tôn giáo do người chồng cũ của bà muốn cô con gái đi học giáo lý và em H cũng rất vui vì chuyện đó. Vì thế mẹ em đã viết như vậy, nhưng chẳng ích gì cả khi yêu cầu sự cộng tác của bà ta”.

  • Sự ưng thuận của cha mẹ. Bình thường, việc ghi danh học giáo lý cần có sự ưng thuận của cha mẹ hoặc người có trách nhiệm: một mình em không thể làm điều đó.
  • Các trẻ thù nghịch với nhau. Có thể xảy ra là một em đến lớp giáo lý vì bị ép buộc và thái độ tiêu cực đó ảnh hưởng đến những người khác. Cần tìm hiểu xem sự thù nghịch đó đến từ đâu, từ cha mẹ hay từ chính các em. Cũng thế, việc này cần phải nói ra. Không được lên án đứa trẻ mà cần để chúng biểu lộ những phản ứng phẫn nộ hoặc sự bất đồng của chúng, nếu không, những phản ứng tiêu cực sẽ xảy ra không lúc này thì lúc khác.

Một GLV thuật lại: “Tôi có một học sinh giáo lý mà cha của em là người vô thần, mẹ em là người công giáo. Đơn ghi danh học giáo lý phải có sự thỏa thuận giữa cha và mẹ, và đứa trẻ đã nghiêng về người cha và chống lại sáng kiến của người mẹ. Ngay từ buổi giáo lý đầu tiên, em đã tuyên bố rõ ràng: “Tôi đến đây bởi vì mẹ tôi muốn tôi đi học giáo lý. Nhưng tôi không muốn biết những câu chuyện nhảm nhí!”. Mới 8 tuổi mà em đã có khả năng từ chối triệt để như vậy. Tôi đã để cho em bày tỏ sự phẫn uất này, tôi nói với em là tôi hiểu em không vui khi đến với chúng tôi, nhưng chúng tôi muốn tiến bộ trong việc khám phá Thiên Chúa. Một vài buổi gặp gỡ sau đó, em có thái độ trịch thượng, còn tôi thì bị ném trứng thối chỉ vì lý do thù ghét trong nhóm khiến nó không dễ dàng gắn bó được. Nhưng rồi nó đã bắt đầu suy nghĩ lại vì sự kiên nhẫn của tôi và cuối cùng nó đã vui vẻ tham gia vào các sinh hoạt giáo lý”.

  • Các em thường xuyên vắng mặt. Những sự vắng mặt chính đáng và không chính đáng. Bình thường, cha mẹ phải thông báo trước cho GLV về sự vắng mặt của con em mình, điều này trong bản ghi danh có ghi rõ, mục đích của việc này vừa để tôn trọng GLV, vừa là lý do bảo đảm sự an toàn của con em mình. Tuy nhiên có những phụ huynh quên quy định này và không thông báo về sự vắng mặt của con em mình. Sau buổi giáo lý, nếu em nào vắng mặt không có lý do chính đáng, GLV phải gọi điện thoại cho phụ huynh và nói cho họ hiểu là họ có trách nhiệm về sự vắng mặt này.
  • Sự vắng mặt lặp đi lặp lại. Một GLV kể lại: “Em G đã vắng mặt 1/3 số buổi giáo lý, mẹ của em đã để lại tin nhắn trong điện thoại cho tôi ngày hôm trước, báo là con gái bà không thể đi học giáo lý ngày mai, mà không giải thích gì thêm. Tôi hơi khó chịu vì cách làm việc như thế này, thế rồi một ngày kia, tôi gọi điện thoại cho mẹ của em, bấy giờ tôi mới hiểu là bà đã lấy hẹn cho em đi nha sĩ chữa răng mà không để ý đến thời khóa biểu giáo lý đã ấn định! Với cuộc gọi này, đơn giản là tôi chỉ muốn cho bà ta biết rằng giáo lý không phải là một hoạt động tùy tiện mà là điều phải chọn lựa (giữa 2 điều: giáo lý – nha sĩ)”.

Md. Phạm Thúy

(bangiaoly.org)