Văn hóa hậu hiện đại và việc huấn luyện đức tin Kitô Giáo

Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới thay đổi sâu rộng về cách nhận thức, hiểu biết và cảm nhận về cuộc sống và thế giới. Chuyển...


Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới thay đổi sâu rộng về cách nhận thức, hiểu biết và cảm nhận về cuộc sống và thế giới. Chuyển đổi này thường bắt đầu từ sự xa rời những gì là chắc chắn và xác tín của thời hiện đại đến sự hàm hồ và phức tạp hơn của thời hậu hiện đại. Trong bài viết này tôi sẽ khảo sát sự chuyển đổi sang văn hóa hậu hiện đại và tìm hiểu xem sự chuyển đổi này ảnh hưởng đến Giáo hội thế nào, và xét xem vận hành này có liên quan gì đến việc dạy giáo lý hay giáo dục mang tính giáo lý hiện nay.

Phân tích của tôi ăn khớp với cái nhìn về giáo dục đức tin đã được Thomas Groome và Jane Reagan trình bày trong hai chương đầu của tuyển tập này. Cùng với Groome và Reagan, và theo sách Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý mới (HDTQ), tôi coi việc dạy giáo lý hiện nay như “tân phúc âm hóa” hay tiến trình giáo dục thường xuyên và suốt đời đặt nền trên sự chú tâm đến những dấu chỉ thời đại (nghĩa là những thực tại xã hội, chính trị và hiện sinh của đời sống thường ngày). Việc dạy giáo lý có mục đích tạo cơ hội cho việc giáo dục, đào tạo và biến đổi (informing, forming and transforming) các Kitô hữu, đặc biệt các cộng đoàn/các giáo xứ (như những cộng đoàn học hỏi đức tin) khi họ cố gắng đón nhận và chấp nhận những giá trị của Nước Trời cách đầy đủ hơn.

Tôi tập trung vào văn hóa của thời hậu hiện đại, chứ không tập trung vào triết học của thời kỳ này. Trào lưu triết học hậu hiện đại là một trào lưu trí thức vốn xuất hiện trong sự chuyển đổi văn hóa rộng lớn hơn đang diễn ra. Triết học thường cống hiến những khảo sát có hệ thống về các thực hành và nhận thức văn hóa xuất hiện trong thời hậu hiện đại. Khi rút ra một kết luận nào đó từ triết hậu hiện đại, tôi không trực tiếp bàn đến những vấn đề của triết học đó.

Chuyển đổi sang văn hóa hậu hiện đại

Các nhà thần học đã khám phá những cách thức mà chủng tộc, phái tính và giai cấp góp phần vào những căng thẳng và những ngăn cách ngày càng lớn trong Giáo hội. Cần nghiên cứu và suy tư hơn nữa trong những lãnh vực này. Khi nhìn về tương lai, chúng ta thấy có một trào lưu khác nữa mà các nhà thần học và các thừa tác viên mục vụ chỉ mới bắt đầu nói đến và điều này cũng đáng để mọi người quan tâm. Ở bề mặt, trào lưu này có thể gọi là sự khác biệt giữa các thế hệ. Hai thế hệ gần đây nhất, được gọi là thế hệ X và thế hệ Thiên Niên Kỷ, có những kinh nghiệm sống độc đáo và, vì thế, cũng có những cái nhìn mới về đức tin Kitô giáo. Ở mức độ sâu hơn, thế hệ X và thế hệ thiên niên kỷ là những yếu tố nổi bật của một sự chuyển đổi văn hóa tiệm tiến nhưng ngày càng lớn tác động đến mọi lứa tuổi và mọi giai đoạn của cuộc sống. Sự chuyển đổi này là chuyển động bỏ thời hiện đại để chuyển sang văn hóa hậu hiện đại.

Tính chất thiết yếu của sự chuyển đổi văn hóa này được nắm bắt qua câu chuyện tôi kể lại với một chút thay đổi sau đây của Walter Truett Anderson. Ba vị trọng tài hầu như đã có men bia sau trận bóng chày. Trọng tài thứ nhất nói: “Có những cú ném banh hỏng và cũng có những cú đánh hỏng và tôi quyết định như chúng xảy ra.”Ông thứ hai ghi nhận: “ Có những cú ném banh hỏng và cũng có những cú đánh hỏng, và tôi quyết định theo như tôi thấy.” Ông thứ ba trả lời: “Trong trận bóng chày, tôi là trọng tài và có những cú ném banh hỏng cũng như những cú đánh hỏng, nhưng chúng chẳng là gì cả cho tới khi tôi quyết định.”

Phát biểu của trọng tài thứ nhất là đặc điểm của thế giới quan cổ điển. Từ cái nhìn khách quan, người ta có thể nhận biết sự vật cách rõ ràng và chắc chắn. Ghi nhận của trọng tài thứ hai là đặc điểm của thế giới quan hiện đại. Cái nhìn hiện đại nhấn mạnh đến vai trò của chủ thể nhận thức trong tương quan với thế giới rộng lớn hơn mà họ là thành phần. Việc quay về với chủ thể vốn đánh dấu sự chuyển đổi từ thế giới quan cổ điển sang thế giới quan hiện đại, có liên quan với Thời Đại Khai Sáng trong lịch sử Tây phương, mặc dù trên nhiều bình diện giới Công giáo không đón nhận thế giới quan hiện đại cho tới Công đồng Vaticanô II.

Câu trả lời của trọng tài thứ ba đánh dấu chuyển động hướng về cái nhìn hậu hiện đại. Sự chuyển đổi văn hóa sang hậu hiện đại đã được kích hoạt bởi nhận thức ngày càng phổ biến rằng chính cá nhân và cộng đoàn xác định hay tạo ra sự hiểu biết về thực tại từ trong những bối cảnh đặc thù của cuộc sống (chẳng hạn, bối cảnh của trận bóng chày) khi họ hoàn thành những vai trò xã hội đặc thù (chẳng hạn, vai trò làm trọng tài trong trận bóng chày), rằng nếu không có việc xác định thực tại như thế thì chỉ có sự hàm hồ và lẫn lộn. Trong trường hợp này, nếu không có sự quyết đoán của trọng tài về những cú ném banh hỏng hay cú đánh hỏng trong bối cảnh một trận bóng chày, thì chúng chẳng là gì cả.

Những đặc tính của văn hóa hậu hiện đại

Văn hóa nổi bật thời hậu hiện đại có thể được mô tả đầy đủ hơn qua việc khảo sát sáu yếu tố chung nhất của nó.

Thứ nhất, hậu hiện đại chú trọng đến bối cảnh xã hội, nên không chấp nhận meta-narratives (những hệ thống ý nghĩa và giá trị mang tính phổ quát và bao quát). Chủ thuyết đa nguyên và đa văn hóa hiện đại, tốc độ thay đổi nhanh chóng và ý thức ngày càng phổ cập rằng những thể chế lớn thường không theo kịp tốc độ thay đổi, cho ta cảm thức những hệ thống ý nghĩa và giá trị mang tính phổ quát và bao quát ngày càng kém hiệu quả trong việc hướng dẫn đời sống của chúng ta. Đối với một số người, việc không chấp nhận meta-narratives có nghĩa là chối bỏ những hệ thống phổ quát và bao quát. Đối với những người khác, những mẫu thức phổ quát có thể vẫn còn ý nghĩa, nhưng trở nên thứ yếu. Những người ủng hộ lập trường sau này thừa nhận rằng giả như những khái niệm phổ quát về cuộc sống và thế giới vẫn là mục tiêu, thì cũng không thể có những chân lý phổ quát và hiển nhiên được dùng như những nguyên lý đầu tiên cho hành động và sự tìm kiếm của con người.

Thứ hai, theo quan điểm hậu hiện đại, kiến thức là do xã hội tạo ra. Hoạt động, phong trào hay hệ thống quan hệ của một số cộng đoàn đặc thù, truyền thống, hoàn cảnh sống hay một trò chơi luôn cho ta cái khung và chất liệu để phát triển nhận thức về cuộc sống hay thế giới. Thêm vào đó, sự tập chú hiện nay vào bản chất của kiến thức do xã hội tạo nên vừa mở rộng thời hiện đại, vừa nẩy sinh một quan điểm văn hóa mới và khác biệt. Một đàng, sự chú ý của thời hậu hiện đại đến bản chất mang tính chất hoàn cảnh của kiến thức xây dựng trên cảm thức lịch sử và điểm nhấn vào sự chủ quan của con người vốn là đặc trưng của thời hiện đại. Đàng khác, thuyết hậu hiện đại còn biến đổi điểm nhấn của thời hiện đại vào lịch sử và sự chủ quan của con người. Những trào lưu văn hóa hậu hiện đại khuyến khích chúng ta tự ý thức (thậm chí nhậy cảm nữa) về những cách thức mà cuộc sống của chúng ta, đặc biệt cảm thức chủ quan của chúng ta về bản thân, không được thống nhất hay xây dựng quanh một tâm điểm chính. Ngược lại, theo quan điểm hậu hiện đại, bất cứ cảm thức nào về căn tính cá nhân hay xã hội đều được hình thành hay tạo nên trong những bối cảnh đa dạng, thường mơ hồ, và đôi khi xung đột nhau, của đời sống chúng ta.

Đặc tính thứ ba của văn hóa hậu hiện đại là con người ngày càng thấy căn tính cá nhân và xã hội, không như những gì có sẵn, nhưng như những dự phóng hay mục tiêu mà họ phải cố gắng đạt tới. Nói một cách đầy đủ hơn, có một nhận thức ngày càng phổ biến là chúng ta không còn có thể chấp nhận một cách đương nhiên (nếu quả thực chúng ta có thể làm như thế) sự tồn tại của cảm thức thống nhất và bền vững về căn tính cá nhân hay xã hội vốn tồn tại qua thời gian và được coi như một trung tâm từ đó phát sinh mọi ý nghĩ và hành động. Đúng hơn, hậu hiện đại khuyến khích chúng ta chấp nhận (hơn là giảm thiểu) những phức tạp của những vai trò xã hội khác nhau của mình và sự tương tác giữa những vai trò này.

Chẳng hạn, tôi là một người cha. Trong vai trò như một người cha đôi khi tôi là một người biết lắng nghe và đồng cảm, lúc khác tôi lại là một người khắt khe; đôi khi tôi bước tới để săn sóc con cái và đáp ứng những nhu cầu thể lý, tình cảm và tinh thần của chúng, lúc khác tôi lui bước để khích lệ chúng tự lập và tự quản. Từ quan điểm hậu hiện đại, tôi có thể hiểu rõ hơn thế nào là một người cha, thay vì coi việc làm cha như một vai trò trong đời sống thống nhất và ổn định, tôi nhận ra những chiều kích đa dạng, phức tạp và xung đột của việc làm cha, và chấp nhận làm cha như một dự phóng trong đời sống vốn đòi hỏi phải thường xuyên suy tư, thích nghi và quan tâm đến bản chất nhiều khi mơ hồ của những mối tương quan của mình với con cái. Hơn nữa, tôi cũng luôn được mời gọi để khám phá phạm vi mà vai trò làm cha của tôi có liên hệ mật thiết với những vai trò khác mà tôi phải đảm nhận như là chồng, giáo viên, thành viên của cộng đoàn đức tin Kitô giáo, và trong những dự án đời sống khác của tôi nữa.

Cũng vậy, theo quan điểm hậu hiện đại, căn tính Kitô giáo không bao giờ là cái có sẵn. Đúng hơn, nếu chúng ta không muốn lừa dối mình, thì những ai trong chúng ta là Kitô hữu phải luôn luôn cởi mở để hỏi xem làm thế nào hay trong một vài trường hợp làm sao chúng ta có thể liên kết Chúa nhật với thứ Hai. Ở đây, tôi có ý nói làm sao chúng ta có thể, trước hết, diễn tả cảm thức về căn tính Kitô giáo được trải nghiệm rõ ràng khi tham dự phụng vụ ngày Chúa nhật; kế đến, cảm thức hay những cảm thức về căn tính xã hội ứng với những thực tại gia đình thường ngày, công việc và đời sống công dân mà chúng ta nghĩ tới mỗi sáng thứ Hai; sau cùng, tìm hiểu xem làm thế nào cảm thức của chúng ta về căn tính Kitô giáo có thể hòa nhập với hay biến đổi những cảm thức khác nhau về căn tính cá nhân cũng như xã hội mà chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày.

Hơn nữa, những trào lưu của văn hóa hậu hiện đại thôi thúc chúng ta hiểu biết hơn về những cách mà những cảm thức về bản thân và căn tính xã hội luôn luôn chịu ảnh hưởng do những áp lực xã hội và những xu hướng nội tâm mà chúng ta không bao giờ có thể biết đầy đủ được. Theo quan điểm hậu hiện đại, những học thuyết tâm lý về phát triển và nhân cách chỉ có thể hữu ích nếu chúng tìm xem làm thế nào kiến tạo thành công một cảm thức đa diện về căn tính vốn nhận biết những động lực thông thường ít được nhận ra của ảnh hưởng xã hội và những xu hướng nội tâm, và đáp trả những thực tại phức tạp và đôi khi hàm hồ hoặc xung đột của cuộc sống trong thế kỷ hai mươi mốt.

Thứ tư, những trào lưu hậu hiện đại khuyến khích rời xa những khái niệm hiện đại về một kiến thức nền tảng và bao quát để rồi chấp nhận tính đặc thù, ngẫu nhiên và giới hạn trong nhận thức. Theo quan điểm hiện đại, chúng ta nên cố gắng, ít nhất là trên lý thuyết, tiếp cận mọi vấn đề và thao thức khởi đi từ những nguyên lý đầu tiên hay nền tảng. Chẳng hạn, bao lâu còn ở trong trào lưu văn hóa hiện đại, thì hầu như chúng ta đáp trả lại những hoàn cảnh bất công bằng cách chối bỏ tính đặc thù của hoàn cảnh, trong khi cố gắng đạt cho được cái nhìn rõ ràng và đầy đủ ngần nào có thể về những vấn đề luân lý. Gần như chúng ta muốn công thức hóa rồi nại đến tiêu chuẩn công bình bao quát và có thể áp dụng cách phổ quát ngần nào có thể. Ngược lại, một khi chịu ảnh hưởng bởi văn hóa hậu hiện đại, chúng ta hầu như nhận ra rằng mình không bao giờ có thể hoàn toàn chối bỏ được tính đặc thù của quan điểm cá nhân, tập thể và văn hóa xã hội của mình. Theo quan điểm hậu hiện đại, bất cứ hiểu biết hay khôn ngoan nào của chúng ta cũng đặt nền trên quá khứ, trên lịch sử đời sống đặc thù của chúng ta. Thêm vào đó, nếu chúng ta sống trong một thời gian hay không gian khác hay đã chọn một lối sống khác, cái nhìn của chúng ta về đời sống sẽ mang những dấu ấn của sự ngẫu nhiên. Nó có thể khác với cái nhìn của chúng ta bây giờ. Cũng vậy, hậu hiện đại khuyến khích chúng ta thay thế những lý tưởng có vẻ như phổ quát (như những quan niệm hiện đại và phổ quát về công bình và chân lý) bằng cảm nhận giới hạn hơn để rồi hiểu cuộc sống và thế giới từ một cái nhìn hạn hẹp và giới hạn của một quan điểm đặc thù.

Những trào lưu văn hóa hậu hiện đại khuyến khích chúng ta coi nỗ lực hiện đại khám phá những quan niệm phổ quát về công bình, chân lý và những lý tưởng khác như ảo tưởng và sai lầm. Thay vì tạo ra sự hiểu biết và liên đới giữa con người với nhau, suy tư trừu tượng của hiện đại hầu hết gây ra cuộc xung đột không thể kiểm soát được giữa các nhóm cạnh tranh với nhau, nhóm nào cũng giả định rằng mình có những lý tưởng phổ quát. Sự tập chú của hiện đại vào kiến thức nền tảng và bao quát cũng có thể dẫn tới việc lãng quên những tương quan và ràng buộc xã hội vốn cần thiết cho sự hiểu biết và hành động chung.

Khi đề cập đến những vấn đề ý nghĩa và giá trị, hậu hiện đại khyến khích mỗi người trở nên một nhà khảo cổ. Nói một cách đầy đủ hơn, hậu hiện đại hướng chúng ta nhìn về quá khứ để có được hiểu biết thực tế về những khả năng hiện tại và tương lai. Theo quan điểm hậu hiện đại, quá khứ là lịch sử cá nhân và xã hội vốn cần thiết để hiểu làm thế nào mà những cái đang có hiện hữu. Quên những trở ngại đã vượt qua trong quá khứ có thể làm cho chúng ta lạc quan quá lố. Quên những thành tựu trong quá khứ có thể làm mất sự khôn ngoan có được do kinh nghiệm cá nhân và cộng đồng. Vì thế, theo quan điểm hậu hiện đại, nếu chúng ta muốn có một cảm thức về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống, chúng ta phải khởi đi từ việc tìm hiểu xem làm thế nào mà những xác tín nòng cốt đã hình thành trong gia đình chúng ta, trong công việc hay nghề nghiệp chuyên môn, trong các cộng đoàn đức tin, trong các nhóm xã hội và bạn bè, và bất cứ khung cảnh xã hội nào khác mà chúng ta đã trải qua. Chúng ta phải khám phá xem những xác tín chính yếu này đã được sử dụng như thế nào, chúng xung đột với nhau ở chỗ nào, và đâu là tiềm năng sử dụng cũng như những giới hạn của chúng trong hiện tại. Rồi chúng ta phải rút ra từ những khía cạnh khác nhau của đời sống để hình thành một hướng luân lý cho đời sống. Trong quá trình này, chúng ta có thể thiết lập những tương quan và những ràng buộc xã hội (với gia đình, những người trong khu xóm, hay bạn bè trong nước và trên thế giới mà chúng ta có quan hệ qua email hay video chat) dựa trên những xác tín chung và những cam kết hỗ trợ lẫn nhau.

Thứ năm, hậu hiện đại khuyến khích chúng ta đặt vấn đề về vai trò của những thể chế lớn, hay ít nhất xét lại những cam kết của chúng ta đối với những thể chế này. Trong các nền văn hóa hiện đại của Tây phương, những thể chế lớn ủng hộ những khung ý nghĩa và giá trị rộng lớn. Các giáo hội, trường phái, công ty xí nghiệp, đảng phái chính trị, các ngành quân đội và những thể chế lớn khác thường đưa ra những nguyên tắc bao quát về cuộc sống có thể thế này và nên như thế kia. Những thể chế này không những định hình cái nhìn bao quát của ta về cuộc sống, mà còn răn đe nếu ta cố đi chệch hay khước từ những điều chúng phải cống hiến. Tuy nhiên, ngày nay xuất hiện những khó khăn do xã hội ngày càng phân hóa. Với những mức độ khác nhau, ngày nay chúng ta cảm thấy bị giằng xé bởi những quan niệm sống mang tính cạnh tranh và thường xung đột nhau mà chúng ta gặp phải trong đời sống nghề nghiệp, xã hội và cá nhân. Khi những quan niệm sống mà những thể chế lớn trình bày đi tới chỗ cạnh tranh với nhau, chúng ta có cảm giác óc sáng tạo và khả năng của mình mở ra cho những quan niệm mới bị xơ cứng. Khi ý thức được giới hạn của các thể chế lớn, chúng ta có thể tin rằng để theo đuổi mục tiêu trong đời sống, chúng ta cần liên kết với những thể chế lớn trong khi cảnh giác không để những thể chế đó chiếm lĩnh cuộc đời mình.

Cách hậu hiện đại tiếp cận với các thể chế lớn được minh họa bằng câu chuyện của Bill Gates và Microsoft. Không tin tưởng những thể chế lớn, Bill Gates nghĩ ông có thể nuôi dưỡng năng lực sáng tạo của mình bằng cách làm việc ngoài những thể chế đó. Khi công việc đòi hỏi tạo một công ty công, Gates đã tạo ra cái có thể được gọi là “thể chế chống lại thể chế.” Ông qui tụ một lực lượng lao động gồm toàn những sinh viên mới tốt nghiệp, những người mà ông có thể huấn luyện để chia sẻ quan niệm của ông vốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những đáp trả cách sáng tạo trước những vấn đề kỹ thuật có tính cấp bách.

Nhiều thành viên của Microsoft gọi là “Microserfs” (tên do những người khác trong công nghệ thông tin đặt cho họ) dồn tất cả năng lực của họ vào những dự án mà họ được phân công mà không quan tâm nhiều đến những gì ngoài nhiệm vụ trực tiếp được giao. Khi được phỏng vấn trên Đài Phát Thanh Quốc Gia sau khi Microsoft bị đưa ra tòa trong vụ án chống độc quyền, đa số các thành viên của Microsoft không quan tâm gì đến lệnh của tòa án giải thể Microsoft. Phần đông nghĩ rằng những dự án trực tiếp của họ là điều thực sự quan trọng và họ sẽ tiếp tục làm công việc của họ, dù họ là thành viên của Microsoft hay là thành viên của một vài công ty tách ra. Diễn tả một cái nhìn ngày càng trở nên phổ biến khi hậu hiện đại bắt đầu có hiệu quả, họ coi những thể chế lớn là cái thứ yếu, hay như những điều tai hại phải chấp nhận. Đối với họ, công việc thực sự được hoàn thành ở cấp địa phương hơn là ở cấp công ty hay thể chế.

Thứ sáu, hậu hiện đại có thể dẫn đến một ý thức cao hơn về vai trò của quyền lực trong đời sống xã hội. Một khi nhận kiến thức do xã hội mà thành, chúng ta có thể nhận những người tạo ra kiến thức là những người có quyền lực xã hội. Chẳng hạn trong câu chuyện mở đầu, những trọng tài được coi là những người có quyền lực trong trận bóng chày, vì họ có quyền quyết định banh hỏng hay đánh hỏng, nghĩa là họ có quyền cho là banh hỏng hay đánh hỏng bằng cách quan sát mỗi cú ném banh và xếp hạng nó. Chúng ta cũng có thể nhận ra những người thiếu khả năng định rõ thế giới cho chính họ, hay thiếu khả năng đóng góp cho những hệ thống ý nghĩa do xã hội tạo ra, là những người không có quyền lực xã hội. Chẳng hạn, năm 1992, khi mọi người mừng 500 năm khám phá ra châu Mỹ, nhiều người (kể cả những nhóm người Mỹ bản địa) phản đối. Sự phản đối của họ thường dựa trên cảm thức hậu hiện đại cho rằng khái niệm do xã hội tạo ra về việc khám phá những miền châu Mỹ trước đây chưa được biết đến, tước đoạt lịch sử và những truyền thống của những người đã sống trên lục địa này nhiều thế hệ trước khi Columbus đến.

Những thái độ hậu hiện đại

Để hiểu thời hậu hiện đại, chúng ta cần biết rằng những trào lưu văn hóa luôn được đánh dấu bằng những mặt không phẳng, những gờ còn thô ráp, những rạn nứt và những khoảng cách, rằng sự nhạy cảm của hậu hiện đại nổi trội khơi dậy không những một nhưng hàng loạt thái độ đối với cuộc sống và thế giới. Từ một góc nhìn, chúng ta thấy cái được gọi là “hậu hiện đại tầm thường” (trivializing postmodernity). Những trào lưu hậu hiện đại tầm thường nhấn mạnh rằng việc tạo ra những lối sống khác nhau không dựa trên kiến thức chắc chắn, nhưng dựa trên cơ may và những quyết định được thực hiện trong những hoàn cảnh bấp bênh. Những trào lưu này làm nổi bật lên sự kiện càng nhận thức mình không bao giờ có thể đạt được một sự hiểu biết phổ quát, thì dường như chúng ta càng buộc phải chấp nhận một cảm thức giới hạn về những gì chúng ta hy vọng trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Những trào lưu này cổ võ cho sự bi quan và đôi khi cho cả lối phê phán tiêu cực đặc biệt đối với những khẳng định khái quát và bao quát về khả năng tư tưởng và hành động của con người. Chúng khuyến khích chối bỏ những khái niệm hiện đại và lạc quan về sự tiến bộ và phát triển. Những khái niệm như thế phải được thay thế bằng cảm nhận về quyền lực xã hội và nhận thức cho rằng đời sống xã hội tất yếu bao gồm những thắng và thua, khi những người với những cái nhìn khác nhau về cuộc sống đấu tranh để kiểm soát tiến trình hình thành kiến thức trong xã hội.

Sự châm biếm hậu hiện đại và thuyết hậu hiện đại bị thương tổn là hai dạng thức của hậu hiện đại tầm thường hiện nay. Jedediah Purdy viết về sự châm biếm hậu hiện đại như sau:

Người châm biếm có kiểu nói và hành xử tránh mọi biểu hiện của sự ngây ngô như lòng sùng mộ ngây ngô, tin tưởng hay hy vọng ngây ngô. Người ấy phản đối một cách tinh tế sự bất cập trong những lời mình nói, trong những cử chỉ mình làm, trong những hành động mình thực hiện. Bằng cung giọng, sắc diện và chuyển động của cơ thể, người ấy cho thấy mình biết tất cả những gì người ta cho mình là khờ khạo hay nhạt nhẽo, và cho thấy mình cũng có thể nghĩ như vậy.

Người châm biếm hậu hiện đại tiếp tục sử dụng những cách nói và hành động thời hiện đại. Đồng thời, người ấy biết những phê phán của hậu hiện đại về những khẳng định lớn của thời hiện đại và chấp nhận cảm nhận của hậu hiện đại cho rằng cuộc sống bị hạn chế và tầm thường hơn điều mà thuyết hiện đại muốn chúng ta tin.

Thuyết- hậu -hiện-đại -bị -tổn- thương, một hiện tượng được Joseph Feeney diễn tả, tương tự như châm biếm hậu hiện đại. Người theo thuyết hậu hiện đại bị tổn thương cũng chấp nhận phê phán hậu hiện đại về hiện đại và chấp nhận cả cảm thức hậu hiện đại cho rằng cuộc sống thực sự giới hạn và mỏng dòn. Tuy nhiên, họ đặt vấn đề liệu có thực sự đáng để cố gắng hiểu ý nghĩa của cuộc sống và thế giới nữa không. Khi đẩy sự phê phán của thuyết hậu hiện đại đến cùng, thuyết hậu hiện đại bị tổn thương “cảm thấy bị cạn kiệt, mất hết cảm xúc và ý nghĩa, không còn mong đợi và hy vọng nào, và chỉ muốn mỉa mai mọi thứ”.

Thuyết-hậu-hiện-đại-tìm-kiếm lại nằm ở phía bên kia bức tranh hậu hiện đại tầm thường. Những người theo thuyết hậu hiện đại tìm kiếm tìm cách thay thế Thời Khai Sáng hiện đại bằng cái gọi là Thời Bộc Trực hay Thời Hành Động Thực Tiễn. Một đàng, hậu hiện đại tìm kiếm thường công nhận sự phê phán của hậu hiện đại đối với thuyết hiện đại. Họ chối bỏ niềm hy vọng khởi đầu với nhận thức phổ quát; chấp nhận tính đặc thù, ngẫu nhiên và giới hạn của kiến thức của con người; có thể thừa nhận các thực tại quyền lực của xã hội. Đàng khác, thay vì coi những trào lưu hậu hiện đại như một gánh nặng làm cho đời sống trở nên tầm thường, những người tìm kiếm (có lúc thì miễn cưỡng, có lúc lại hăng say hết mình) coi hậu hiện đại như một cơ may. Theo quan điểm tìm kiếm, hậu hiện đại cho chúng ta cơ hội trở nên cởi mở, lương thiện và thẳng thắn về bản thân và thế giới hơn trước đây.

Dựa trên phê phán thẳng thắn về cuộc sống và thế giới, những người hậu hiện đại tìm kiếm thường tìm cách cổ võ sự sáng tạo giàu tưởng tượng và việc xây dựng thực tiễn những cách thức mới về căn tính bản thân và liên đới xã hội. Đối với những người tìm kiếm, chương trình hậu hiện đại nhắm đích cùng là tự do tưởng tượng và đón nhận những cách sống mới, có khả năng thông ban và hoàn thiện hơn. Những người tìm kiếm cổ võ niềm hy vọng vào tương lai được bảo vệ và diễn tả một cách thận trọng hơn hy vọng của thuyết hiện đại. Đồng thời, những người tìm kiếm cố gắng vượt lên những giới hạn của thuyết hiện đại bằng cách xây dựng ước nguyện tương lai trên một nhận thức thực tế hơn về cả những thành tựu lẫn giới hạn của quá khứ.

Các chuyển đổi văn hóa luôn gặp những chống đối. Một trình bày bao quát về nền văn hóa hậu hiện đại có thể khám phá những mặt không phẳng của sự chuyển đổi văn hóa này một cách chi tiết hơn và xem xét những cách thức khác nhau mà người ta chống đối và phản ứng. Tuy nhiên, những điều căn bản đã được trình bày ở đây cũng có thể giúp chúng ta bắt đầu nhận ra thuyết hậu hiện đại đang tác động đến Giáo hội như thế nào.

Văn hóa hậu hiện đại và Giáo hội

Những trào lưu văn hóa hậu hiện đại vừa làm giảm bớt vừa làm sống động những cộng đoàn đức tin Kitô giáo hôm nay. Một đàng, những Kitô hữu đón nhận thuyết hậu hiện đại tầm thường có khuynh hướng lìa xa hay ở bên lề Giáo hội. Giáo hội trở thành một trong những thể chế lớn mà họ nghi ngờ hay khinh thị. Đàng khác, những trào lưu của những người tìm kiếm hậu hiện đại đang tràn qua cửa nhà thờ, phòng sinh hoạt giáo xứ, trường học, gia đình và những thể chế khác có trọng tâm là đức tin Kitô giáo. Những trào lưu này phá đổ những nỗ lực tìm sự khai sáng của thế giới hiện đại, thay thế nó bằng sự thẳng thắn và tìm kiếm tâm linh thực tiễn của hậu hiện đại, để tìm ra những cách thức mới và đích thực hơn trong tương quan với Chúa, với bản thân và tha nhân.

Những người tìm kiếm tâm linh hậu hiện đại hiện trong Giáo hội có thể chia làm hai nhóm chính. Nhóm lớn nhất gồm những người được gọi là hậu hiện đại bất đắc dĩ. Bị thúc bách bởi những phức tạp và hàm hồ của cuộc sống hôm nay, những người hậu hiện đại bất đắc dĩ từ bỏ dần những khung ý nghĩa và giá trị phổ quát, bao quát và căn bản để chấp nhận tính đặc thù, ngẫu nhiên và giới hạn của mọi kiến thức của con người. Tuy nhiên, một khi họ đã kinh nghiệm sự chuyển đổi hoàn toàn từ hiện đại sang hậu hiện đại, họ bắt đầu nhận ra những khả thể mới và tự do mà hậu hiện đại phải cống hiến cho họ.

Ann và cộng đoàn đức tin của cô cho ta một thí dụ điển hình về sự tìm kiếm tâm linh của những người theo hậu hiện đại bất đắc dĩ. Cô đã làm việc tại một giáo xứ thuộc miền nam Minnesota trong gần mười lăm năm, một giáo xứ mà phần lớn là người nói tiếng Tây Ban Nha. Những trại gà và cây giống đã thu nhận rất nhiều công nhân từ Mexico, Mỹ Latinh và Nam Mỹ. Trong những năm cô phục vụ tại nam Minnesota, cô đã thấy giáo xứ mà cô phục vụ chuyển từ cộng đoàn miền quê và Anglo (phần đông là người Đức) sang cộng đoàn đức tin ngoại thành, đa dạng và đa văn hóa.

Khi Ann suy nghĩ xem giáo xứ cô phục vụ đã thay đổi như thế nào, cô phác họa bốn giai đoạn phát triển. Thái độ chung của giai đoạn thứ nhất được diễn tả trong câuhọ khác với chúng ta. Khi những người nói tiếng Tây Ban Nha và Mỹ Latinh bắt đầu định cư ở trong vùng, họ có khuynh hướng sống khép kín. Còn những người Anglo thì giữ khoảng cách với những nhóm người nói tiếng Tây Ban Nha. Có thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha cho những người nói tiếng Tây Ban Nha và có một thánh lễ gọi là “bình thường” bằng tiếng Anh cho những người Anglo. Trong giai đoạn thứ hai, tình cảm chuyển đổi thành họ giống chúng ta hơn là chúng ta nghĩ lúc đầu. Một nhận thức về những quyền lợi và quan tâm chung bắt đầu. Trong giai đoạn thứ ba, chủ đề chính trở thành tất cả chúng ta cùng sống với nhau ở đây. Sự pha trộn văn văn hóa và trở thành cử hành phụng vụ chung với câu hát này bằng tiếng Tây Ban Nha và câu hát kia bằng tiếng Anh. Trong giai đoạn này, ai cũng nghĩ rằng văn hóa của những người nói tiếng TBN và của những người Anglo cuối cùng sẽ pha trộn với nhau thành một, và viễn tượng thống nhất và phổ quát sẽ xuất hiện từ sự pha trộn này.

Giai đoạn thứ tư đang hình thành mang tất cả những dấu ấn của việc tìm kiếm tâm linh hậu hiện đại. Giai đoạn này bắt đầu khi mọi người nhận ra rằng những khác biệt giữa những người nói tiếng Tây Ban Nha và Anglo vẫn giữ nguyên như vậy. Mọi người bắt đầu nhận ra sự phong phú khi có những cái nhìn tương phản, đôi khi cạnh tranh nhau, về đức tin Kitô giáo trong cộng đoàn. Việc chấp nhận những thực tại khác nhau đôi khi cổ võ một cảm thức thoáng và bớt cứng nhắc hơn về đời sống cộng đoàn. Cuối cùng, khi sống với những thái độ và thực hành đa văn hóa, nhiều thành viên trong cộng đoàn bắt đầu cảm thấy thoải mái với sự kiện có thể có nhiều cách thức khác nhau, cá nhân cũng như xã hội, để đón nhận đời sống của người môn đệ Đức Kitô. Nói chung, cộng đoàn đức tin của Ann minh họa cho cách thích nghi với chủ thuyết đa nguyên ngày càng lớn mạnh, mà theo những nghiên cứu xã hội học gần đây, hiện đang định tính đa số các giáo hội Kitô giáo chủ chốt tại Hoa Kỳ.

Những người hậu hiện đại nhiệt thành, một nhóm khác lớn hơn và ngày càng lớn mạnh của những người tìm kiếm tâm linh trong Giáo hội hiện nay, đối lại với những người hậu hiện đại bất đắc dĩ. Hơn nữa,việc tìm kiếm tâm linh của những người Kitô hữu nhiệt thành này thường được diễn tả qua một số hình thức đồng nhất. Trước hết, nhóm này đôi khi được đánh dấu bởi “chủ nghĩa pha tạp về tôn giáo” kín múc những nguồn tâm linh từ những giáo phái khác nhau, hay phối hợp Kitô giáo với những hiểu biết và thực hành tâm linh của các truyền thống tôn giáo khác. Chẳng hạn, cuộc tìm kiếm đức tin của Jerry. Jerry là một phát thanh viên rất thành công. Trong một cuộc nói chuyện gần đây, Jerry chuyển sang đề tài về đời sống tâm linh. Ông nhận thấy trong suốt cuộc đời mình đã liên hệ với rất nhiều người, nhưng nay ông thực sự muốn liên hệ với Thiên Chúa. Theo kiểu hậu hiện đại, Jerry thẳng thắn phê phán điều ông gọi là tính chất lạnh lùng và trịch thượng của phần lớn phụng vụ Kitô giáo. Ông cũng nhận thấy rằng những câu chuyện lớn về lịch sử cứu độ mà ông nghe tại nhà thờ hay trường học chẳng có ý nghĩa bao nhiêu đối với ông. Jerry nói rằng, đối với ông, sống là để mỗi người cố gắng vượt qua sự phóng thể và phân hóa của thế giới bằng cách liên kết với mọi người và với Chúa. Ông nói thêm, “ Nếu có đủ những liên hệ thì cộng đoàn bắt đầu thành hình.”

Jerry vẫn là tình nguyện viên năng động trong giáo xứ và nói ông dự lễ trong ngày Giáng Sinh và Phục Sinh vì mối liên hệ với giáo xứ giúp ông gặp được nhu cầu tâm linh của mình. Ông cũng nói ông đã đi tìm sự hướng dẫn tâm linh ở nơi khác. Ông thực hành yoga và thiền theo Phật giáo. Ông ở trong một nhóm học hỏi tại trung tâm thiền địa phương để đọc, tranh luận, suy niệm hay cầu nguyện với những bản văn cổ điển của linh đạo Đông phương. Bây giờ Jerry nhận mình là người Công giáo Phật giáo. Ông không biết chắc liệu yoga, thiền Phật giáo và việc tham gia trong một giáo xứ Công giáo có thể hòa hợp với nhau một cách nào đó chăng. Nhưng ông biết (một cách thực tiễn) sự phối hợp này rất tốt đối với ông. Con số những người như Jerry ở trong hay ở bên lề của cộng đoàn đức tin của chúng ta hôm nay ngày một gia tăng.

Thứ hai, sự cởi mở đối với việc thử nghiệm đức tin đôi khi cũng là đặc trưng của hậu hiện đại nhiệt thành tìm kiếm tâm linh Kitô giáo. Một thử nghiệm đức tin như vậy bao hàm thái độ sẵn sàng thích nghi những niềm tin và thực hành Kitô giáo để có thể ứng phó với những tình huống của cuộc sống hiện nay cách đầy đủ hơn. Hãy lấy trường hợp của gia đình Wilsons – Mark và Sally và những đứa con tuổi teen của họ, Ben và Roger làm thí dụ. Trong nhiều năm Ben và Roger lớn tiếng cho biết chúng không thích đi lễ Chúa nhật. Cuối cùng Sally và Mark cũng thừa nhận với các con rằng phụng vụ đôi khi cũng không đem đến cho họ kinh nghiệm cầu nguyện thực sự có ý nghĩa.

Những cuộc bàn luận trong gia đình cuối cùng dẫn gia đình Wilsons đến chỗ tạo ra một thứ mà họ gọi là phụng vụ tại gia. Cứ cách tuần, thay vì đi lễ Chúa nhật, gia đình tổ chức một bữa ăn sáng đặc biệt. Họ bắt đầu và kết thúc bằng cầu nguyện, và đọc các bài Sách thánh theo ngày. Trong khi ăn sáng, họ nói đến cách thức nối kết những ý tưởng có được từ các bài Sách Thánh với cuộc sống thường ngày.

Gia đình Wilson đề nghị rằng các Kitô hữu nên định kỳ làm mới lại phụng vụ Chúa nhật để gặp được nhu cầu tâm linh của mình. Họ đề nghị phụng vụ tại gia là một thực hành sáng tạo được khai triển để gặp được nhu cầu tâm linh của gia đình họ. Họ đã khám phá những truyền thống kinh nguyện Kitô giáo và đã dùng những thực hành phụng vụ trong quá khứ để định hình cách hướng dẫn những cử hành phụng vụ tại gia của họ. Họ muốn đưa những ý tưởng có được về lối phụng vụ tại gia này vào cộng đoàn giáo xứ, nhưng họ không biết phải làm như thế nào, và không biết giáo xứ/giáo hội cơ chế có đón nhận hay không.

Nói chung, ngày càng có nhiều người trong cộng đoàn đức tin Kitô giáo chịu ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa hậu hiện đại, đang thử nghiệm với phụng vụ, cầu nguyện, nghi thức tha thứ và hòa giải, và những thực hành Kitô giáo khác. Trong khi sự thử nghiệm đức tin này đang diễn ra, nó lại không được bàn thảo hoặc công nhận cách công khai trong Giáo hội hôm nay. Những người đang thử nghiệm đức tin có thể cảm thấy họ thiếu quyền lực xã hội để diễn tả việc tìm kiếm tâm linh của mình trong cơ chế tổ chức của Giáo hội, hoặc sợ rằng quyền lực xã hội của Giáo hội có thể được dùng để chống lại mình nếu như mình công khai bày tỏ những nhu cầu tâm linh của mình.

Thứ ba, trong việc tìm kiếm tâm linh, những Kitô hữu nhiệt thành theo hậu hiện đại đôi khi muốn vượt qua những truyền thống và thể chế tôn giáo. Chẳng hạn, tôi gặp Bradley khi ông yêu cầu tôi làm người liên lạc giữa giáo xứ và nhóm mà ông thành lập vốn đang đỡ đầu cho cuộc hội thảo về tâm linh dành cho quý ông. (Lúc đó tôi làm việc cho giáo phận Công giáo địa phương, và Brad muốn liên hệ với tôi chủ yếu là giúp ông tiếp cận các vị chủ chăn trong giáo phận). Không tin vào các thể chế, Brad không muốn nhóm hội thảo của ông được giáo phận địa phương bảo trợ. Ông cảm thấy tiếp cận độc lập, cởi mở, tha hồ thắc mắc sẽ thu hút quý ông nhiều hơn và tạo sự khả tín lớn hơn cho điều mà ông mô tả như là “mọi bấn loạn/khó chịu trong giáo hội phẩm trật.”

Bài nói chuyện mang tính chứng tá của Brad tại cuộc hội thảo dựa trên câu Điều Chúa Giêsu muốn làm. Ông coi hội thảo như cơ hội dành cho quý ông liên hệ với Chúa Giê su. Ông không bao giờ đề cập tới những truyền thống hay cơ cấu có tính thiết định của Giáo hội như những nguồn mạch của sự khôn ngoan vốn có thể hướng dẫn người tín hữu lớn lên trong tương quan với Chúa Giêsu. Giống như những thành viên của Microsoft và nhiều Kitô hữu tôi đã gặp trong hai mươi năm qua, Brad nhìn những thể chế lớn của Giáo hội với những truyền thống và cơ cấu tổ chức của chúng, là những điều có thể hữu ích trong một dịp nào đó. Tuy nhiên, ông vẫn tin rằng công việc thực sự (kể cả công việc tâm linh) được thực hiện tốt hơn ở cấp độ địa phương bởi những cá nhân và những nhóm nhỏ.

Khi trào lưu hậu hiện đại bất đắc dĩ hay nhiệt thành lớn lên trong Giáo hội, những cộng đoàn đức tin Kitô giáo trở nên đa dạng hơn. Sự đa dạng này tạo ra hai cách phản ứng. Một đàng, thường gây ra sự phân hóa lớn hơn. Một số Kitô hữu nghi ngờ những người theo lập trường đức tin của hậu hiện đại tìm kiếm. Những người tìm kiếm tâm linh có thể bị tố cáo vì theo chủ nghĩa tương đối, tôn giáo hỗn tạp, hay tệ hơn nữa. Đến lượt mình, một số người tìm kiếm tâm linh hậu hiện đại có thể nhún vai và quay lưng lại với những vấn đề bao quát về giá trị và ý nghĩa, thay vào đó chọn tập chú vào việc tìm ý nghĩa trong những thực tại đa dạng nơi những cộng đoàn đức tin địa phương. Những người khác có thể phản ứng bằng cách trở nên thẳng thắn hơn và lớn tiếng phê phán đời sống Giáo hội và cởi mở hơn trong sự nhiệt thành đón nhận văn hóa hậu hiện đại.

Đàng khác, sự đa dạng ngày càng lớn trong Giáo hội thúc đẩy việc tìm kiếm những điểm chung. Những nghiên cứu xã hội học gần đây đề nghị, mặc dù có những cách nhìn khác nhau trong Giáo hội ngày nay, vẫn còn nhiều điểm chung trong những điều căn bản phải tin của đức tin Kitô giáo. Vượt trên những khác biệt về cách nhìn, những người tiếp tục gắn bó hay đồng hóa cách nào đó với Giáo hội thường phản đối những khuynh hướng quá khích có tính cách tầm thường của cảm nhận hậu hiện đại, và khẳng định tầm quan trọng liên tục của đức tin và tâm linh Kitô giáo đích thực.

Hậu hiện đại và Giáo dục Kitô giáo

Huấn luyện đức tin Kitô giáo luôn luôn là một công việc đòi hỏi nhưng cũng đầy an ủi. Hiểu biết về những trào lưu văn hóa hậu hiện đại có thể làm cho giáo dục Kitô giáo thêm ngại ngần và khó có khả năng hoàn thành. Tuy nhiên, tôi đề nghị chúng ta nên coi những trào lưu văn hóa hậu hiện đại như một cơ hội để canh tân. Tôi xin đưa ra những hướng dẫn sau đây để tận dụng cơ hội này.

1/ Huấn luyện đức tin Kitô giáo cần nhấn mạnh giá trị của những chiều kích tìm kiếm tích cực của các trào lưu hậu hiện đại.

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ (HĐGMHK) ghi nhận trong cuốn Trái tim đang bừng cháy trong chúng tôi rằng “chúng ta sống trong một xã hội đa văn hóa vốn đem lại cho chúng ta một kinh nghiệm phong phú về cách thức đức tin được sống, diễn tả và cử hành trong thời đại chúng ta.” HĐGMHK còn thêm: “Chúng ta đang bước vào một thời kỳ đầy sức sống mới cho Giáo hội.” Phản ứng đầu tiên của chúng ta trước những hình thức khác nhau của việc tìm kiếm tâm linh trong Giáo hội hôm nay là đón nhận những hình thức đó như dấu chỉ của “kinh nghiệm phong phú” và “sức sống mới”. Chúng có thể trở thành khởi điểm cho việc tân phúc âm hóa.

Thuyết hậu hiện đại tìm kiếm tâm linh phê phán quan niệm hiện đại nhưng không rơi vào chủ nghĩa hoài nghi hay khuyển nho. Hơn nữa, nó cố gắng đặt vấn đề một cách thẳng thắn với những cách suy nghĩ và hành động cố hữu để tạo ra những cơ cấu ý nghĩa và giá trị thích hợp hơn cho thời kỳ vội vã và đa dạng mà chúng ta đang sống. Những nhà giáo dục Kitô giáo có thể đóng góp đáng kể cho những tranh luận hiện nay về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống, nếu chúng ta bắt đầu bằng cách nghiêm túc chấp nhận việc tìm kiếm tâm linh của hậu hiện đại mà chúng ta thấy trong Giáo hội hôm nay. Chúng ta cần phải chấp nhận những hình thức khác nhau của tìm kiếm tâm linh hậu hiện đại trong tính đặc thù và cụ thể của chúng, như những nỗ lực chân thành để nhận ra và đáp lại sáng kiến của Chúa trong thế giới hôm nay.

2/ Thường xuyên giáo dục tôn giáo và huấn luyện đức tin cho người trưởng thành phải trở nên trung tâm cho đời sống của các cộng đoàn đức tin Kitô giáo.

Cách đây ba mươi năm trong cuốn Dạy như Chúa Giêsu dạy Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ước đoán:

Ngày nay, có lẽ hơn bao giờ hết, điều quan trọng là nhận thức rằng học hỏi là một kinh nghiệm suốt đời. Những thay đổi nhanh chóng và tận căn trong xã hội hiện nay đòi hỏi những nỗ lực liên tục và được hoạch định tốt để lãnh hội những dữ kiện mới, những ý tưởng mới, những cách suy nghĩ và hành động mới. Điều này cần thiết cho những người trưởng thành hoạt động cách hữu hiệu, nhưng quan trọng hơn, nhận thức đầy đủ về tiềm năng của họ với tư cách là những người mà vận mạng không những bao hàm mà còn vượt trên cuộc sống này.”

Giới trẻ và những người mới trưởng thành hôm nay, thành viên của thế hệ Thiên Niên Kỷ và thế hệ X, chưa bao giờ biết gì ngoài thế giới thay đổi rất nhanh và không ngừng thay đổi của văn hóa hậu hiện đại. Đối với nhiều người thuộc những thế hệ này, Công đồng Vaticanô II và sự chuyển đổi từ thế giới quan cổ điển sang thế giới quan hiện đại có vẻ như là lịch sử cổ đại. Nói chung, họ nhận ra sự cần thiết của những nỗ lực có tổ chức tốt và liên tục để ứng phó với những cách suy nghĩ và hành động luôn luôn mới của thời đại chúng ta. Những cộng đoàn đức tin vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tôn giáo và huấn luyện đức tin thường xuyên cho người trưởng thành (hơn là trình bày một hệ thống giá trị Kitô giáo đã được công thức hóa) thường có tiếm năng lôi cuốn và làm cho những người trẻ thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ X chú ý.

Những người trong chúng ta từ thế hệ thời “bùng nổ sinh con” (Baby Boom – những năm sau Thế Chiến II tại Hoa Kỳ) hay già hơn nữa (những người sinh trước những năm đầu thập niên sáu mươi) lớn lên và trưởng thành trong một thời đại rất khác với thời đại hôm nay. Nhiều người trong chúng ta được dạy suy nghĩ về giáo dục tôn giáo như cái gì kết thúc với bí tích thêm sức hay lớp mười hai trong hệ giáo dục tôn giáo – trừ khi, dĩ nhiên, chúng ta quyết định bước vào đời sống tu trì. Ngày nay, chúng ta cần nhận ra rằng cũng như chúng ta phát triển và thay đổi về tình cảm, tâm lý và xã hội khi đời sống chúng ta mở ra, chúng ta cũng có khả năng lớn lên trong tương quan với Chúa và khả năng liên kết đức tin với đời sống hằng ngày. Khi tốc độ chuyển đổi văn hóa gia tăng, chúng ta cũng phải nhận ra sự cần thiết của việc huấn luyện đức tin thường xuyên vốn làm cho chúng ta có khả năng liên kết đức tin Kitô giáo của ta với những phức tạp và hàm hồ của thế giới hậu hiện đại không ngừng thay đổi của chúng ta.

3/ Các nguồn mạch của truyền thống đức tin Kitô giáo cần được dùng để cổ võ suy tư có tính phê phán và đánh giá những thực hành của thời hậu hiện đại.

Sự tham gia có phê phán những trào lưu của văn hóa hậu hiện đại cần phải là trung tâm của những nỗ lực huấn luyện đức tin Kitô giáo hiện nay. Những khẳng định Kitô giáo về sự thiện hảo của việc Chúa tạo dựng và phẩm giá của con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa có thể tạo cơ sở chống lại những ảnh hưởng của thuyết hậu hiện đại tầm thường. Điều quan trọng không kém là khi khẳng định việc tìm kiếm tâm linh của hậu hiện đại là chính đáng, thì ta cũng phải biết rằng những nguồn mạch của truyền thống Kitô giáo có thể được dùng để mời gọi những người tìm kiếm tâm linh tiến đến một đức tin sâu xa và phong phú hơn. Chẳng hạn, những người đã quay sang các thực hành tôn giáo Đông phương để làm phong phú đức tin của họ đôi khi bị cám dỗ thích nghi cách quá dễ dãi những thực hành Kitô giáo với những thực hành của các tôn giáo Đông phương. Nếu có được cơ hội khám phá những điểm giống và khác nhau giữa truyền thống Kitô giáo và các truyền thống các tôn giáo khác, họ có thể được mời gọi vượt trên thứ “tôn giáo hỗn tạp” không một sắc thái và không thể biện minh.

4/ Trong thời hậu hiện đại của chúng ta, huấn luyện mang tính cộng đoàn cần trở nên trung tâm của nỗ lực giáo dục tôn giáo.

ĐGH Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về Kitô hữu Giáo dân năm 1989 đã viết về nhu cầu “huấn luyện các cộng đoàn giáo hội trưởng thành.” Cũng vậy, Hướng Dẫn Tổng Quát ghi nhận:

Việc huấn luyện liên tục đức tin không chỉ nhắm tới cá nhân Kitô hữu…nhưng còn nhắm tới cộng đoàn Kitô giáo nữa, để cộng đoàn có thể trưởng thành trong đời sống nội tâm yêu mến Chúa và tha nhân cũng như trong sự mở ra thế giới như một cộng đoàn truyền giáo.

Việc huấn luyện các cộng đoàn Kitô giáo nên những cộng đoàn học hỏi phải trở thành trung tâm của việc huấn luyện đức tin Kitô giáo.

Ngày nay, việc huấn luyện cộng đoàn Kitô giáo trở nên khó khăn hơn vì sự phân hóa của hậu hiện đại ảnh hưởng trên đời sống của Giáo hội. Nhìn từ một thái cực, có một số Kitô hữu bị lôi kéo từ hình thức này đến hình thức khác của một giáo phái. Họ rút lui khỏi thế giới rộng hơn, và để thoát khỏi những phức tạp của những trào lưu hậu hiện đại, họ tìm sự an ổn hoặc nơi sự duy nhất của mạc khải thánh kinh cũng như sự không sai lầm của Thánh Kinh, hoặc nơi giáo huấn của Giáo hội phẩm trật xét như cách diễn tả sự khôn ngoan của truyền thống Kitô giáo. Nhìn từ một thái cực khác, có những người không tin tưởng Giáo hội xét như một thể chế và dạt ra bên lề của Giáo hội, đôi khi họ tung ra cách tai hại những phê phán đầy giận dữ về đời sống cũng như những thực hành của Giáo hội. Phần đông trong Giáo hội đứng giữa hai thái cực này, họ cảm thấy bị bắt giữ và tấn công từ hai phía. Trong khi bị những người ngả theo giáo phái tố cáo là không chính thống và thiếu đức tin đích thực, chúng ta cũng có thể bị tố cáo quá bảo thủ hay cứng nhắc bởi những người dấn sâu hơn vào những tư tưởng quá khích của văn hóa hậu hiện đại. Sau khi bảo vệ mình chống lại những tấn công từ bên trong, chúng ta thường không còn nghị lực để sử dụng những nguồn lực của truyền thống đức tin Kitô giáo để ứng phó với những vấn đề cấp bách của hậu hiện đại hôm nay. Thêm vào đó, cuộc chiến đấu từ bên trong vốn đang phá hoại Giáo hội vì ảnh hưởng của những người có cái nhìn quá khích về đức tin Kitô giáo, thường dẫn các cộng đoàn đức tin đến chỗ trở thành nguyên nhân, thay vì thành thuốc giải độc, của những tác hại do hậu hiện đại tầm thường gây ra.

Để chống lại sự phân hóa xã hội ở trong lẫn ngoài Giáo hội, những nỗ lực huấn luyện đức tin cần cổ võ việc huấn luyện những cộng đoàn giáo hội trưởng thành có khả năng ứng phó với những trào lưu của văn hóa hậu hiện đại đang nổi lên. Đặc biệt, trong những cộng đoàn đức tin Kitô giáo hôm nay, cần tạo ra những cơ hội để đối thoại hoặc trao đổi về những cách thức mà văn hóa hậu hiện đại đang định hình hiểu biết của chúng ta về luân lý, cảm thức của chúng ta về căn tính cá nhân và xã hội, và cái nhìn của chúng ta về cuộc sống và thế giới. Các Kitô hữu với những lập trường thần học khác nhau cần có khả năng trình bày quan điểm của mình trong khi vẫn tôn trọng những người mình bất đồng quan điểm. Nhờ những cuộc đối thoại như thế, những người nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thánh kinh và thánh truyền có thể giúp những người nhiệt thành tìm kiếm tâm linh đánh giá lại những nguồn mạch có trong truyền thống đức tin Kitô giáo. Đến lượt mình, những người tìm kiếm tâm linh có thể thách thức những khuynh hướng bè phái bằng cách khẳng định niềm tin căn bản này là Thiên Chúa vẫn đang tích cực hoạt động trong thế giới và tiếp tục tỏ mình ra trong những niềm vui và hy vọng, đấu tranh và lo lắng của chúng ta hôm nay – kể cả những hy vọng và lo lắng của văn hóa hậu hiện đại. Bao lâu còn có những đối thoại chân thành về những vấn đề thời sự quan trọng, bấy lâu các Kitô hữu có thể làm cho đời sống cộng đoàn của mình bén rễ sâu hơn trong việc mở ra với Chúa trong cầu nguyện cũng như trong nhận định những gì Chúa đòi hỏi và cho ta khả năng thực hiện khi chúng ta cố gắng ứng phó với những trào lưu của sự thay đổi văn hóa.

5/ Linh đạo phải là tâm điểm của giáo dục Kitô giáo thời hậu hiện đại.

“ Tôi là người sống đạo chứ không phải người theo đạo” (I’m spiritual but not religious) là điệp khúc chung của hậu hiện đại. Khi nói như vậy, người phát biểu diễn tả ước muốn đào sâu tương quan với Chúa và khẳng định chiều kích siêu việt của nhân cách con người. Phát biểu này đồng thời diễn tả sự xa cách hay không tin vào Giáo hội cơ chế và sự thiếu gắn bó với cộng đoàn đức tin Kitô giáo.

Khi đi sâu hơn vào hậu hiện đại, Giáo hội cần khẳng định kể cả tôn vinh sự tìm kiếm tâm linh của thời đại chúng ta. Chúng ta cần mở ra để nhận biết sáng kiến của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và trong thế giới khi chúng ta tìm hiểu những trào lưu đang lên của văn hóa hậu hiện đại. Các tín điều Kitô giáo, các thực hành phụng vụ và đời sống cộng đoàn cần phải được xem xét lại, xem chúng có đóng góp vào việc nuôi dưỡng cảm thức tâm linh của con người hay không. Giáo dục Kitô giáo, xét như một tổng thể, cần phải được nhìn lại như một hoạt động trong phạm vi lớn hơn của việc nuôi dưỡng tâm linh; nghĩa là, một hoạt động có mục đích chính yếu là đóng góp cho một cảm thức sâu xa hơn về ý nghĩa và giá trị tâm linh ở cả hai mức độ cá nhân và cộng đoàn. Hơn nữa, những cộng đoàn đức tin Kitô giáo cần đến với những người ở bên lề hay ở ngoài cộng đoàn đức tin của mình bằng cách cung cấp những nguồn mạch của truyền thống đức tin Kitô giáo để nuôi dưỡng sự phát triển tâm linh của họ.

Việc giáo dục Kitô giáo cũng phải phê bình một số khía cạnh của linh đạo hậu hiện đại đang nổi lên. Một linh đạo tách rời khỏi cộng đoàn đức tin có thể dễ dàng trở thành cách biểu lộ đức tin mang tính cá nhân hay nhóm nhỏ vốn lãng quên sự khôn ngoan tập thể của truyền thống Kitô giáo hay dửng dưng với sứ mạng Kitô giáo là đón nhận và làm việc để thể hiện đầy đủ hơn các giá trị của Nước Trời, của bình an và công bình của Thiên Chúa trong thế giới. Nói chung, trong khi khuyến khích sự nhiệt thành đối với đời sống tâm linh nổi lên trong thời hậu hiện đại, Giáo hội cũng phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tư cách là thành viên trong cộng đoàn đức tin và vươn ra thế giới rộng lớn xét như là những chiều kích chính yếu của linh đạo Kitô giáo trưởng thành.

6/ Cảm nhận về những trào lưu văn hóa hậu hiện đại có thể giúp các nhà giáo dục tôn giáo nhấn mạnh hơn đến việc huấn luyện luân lý Kitô giáo ngày nay.

Những trào lưu văn hóa hậu hiện đại đã làm cho dòng nước luân lý đục hơn. Hậu hiện đại đã thức tỉnh chúng ta về những cách thức mà các giá trị luân lý chưa được khám phá nhưng được xây dựng bởi những con người và cộng đoàn trong những bối cảnh sống đặc thù và chẳng bao giờ có thể diễn tả đầy đủ một trật tự luân lý khách quan. Khi đi sâu hơn vào văn hóa hậu hiện đại, chúng ta hầu như sẽ gặp những cách nhìn luân lý và những giá trị luân lý đối nghịch và đối kháng nhau trong và giữa các gia đình, các cộng đoàn đức tin, những nơi làm việc, và ở những cấu trúc xã hội khác nhau mà chúng ta là thành phần.

Đồng thời, những chiều kích tích cực của cảm nhận hậu hiện đại thường giúp chúng ta ý thức hơn về những chiều kích luân lý của cuộc sống. Trước hết, một cảm thức lớn hơn về trách nhiệm luân lý cá nhân có thể nảy sinh từ điểm nhấn của hậu hiện đại về vai trò của chúng ta như những tác nhân luân lý trong việc xây dựng sự hiểu biết về thế giới và rồi lãnh trách nhiệm về những gì chúng ta đã làm nên. Thứ hai, việc hậu hiện đại đặt vấn đề với những thể chế lớn và nhậy cảm đối với những động lực của quyền lực xã hội có thể dẫn đến cảm thức mới về luân lý xã hội. Khi người ta đi đến kêt luận rằng những thể chế đang tồn tại không phải lúc nào cũng được coi như những thể chế đáng tin cậy để đối diện với những vấn đề xã hội cách thỏa đáng, thì có lẽ người ta sẽ quyết tâm hơn để đáp ứng những mối quan tâm hiện thời về công bình xã hội.

Những nỗ lực huấn luyện đức tin Kitô giáo có thể rút ra từ những nguồn mạch truyền thống Kitô giáo để đối diện với những thách thức luân lý cũng như những cơ may mà văn hóa hậu hiện đại đem lại. Những truyền thống đức tin Kitô giáo giúp khám phá một cách sâu xa những chiều kích luân lý của đời sống cá nhân và xã hội, phân tích tỉ mỉ những vấn đề đạo đức trong kinh doanh, y khoa và những lãnh vực chuyên môn khác, và suy tư phong phú về bản chất của tính luân lý, sự trung thực và nhân đức. Trong thế giới ngày càng chịu ảnh hưởng của hậu hiện đại, có thể có sự mở ra cho sự khôn ngoan của đức tin Kitô giáo, nếu như những nguồn mạch của truyền thống đức tin Kitô giáo không được trình bày như những phán quyết luân lý chung cuộc gắn với hệ thống giá trị phổ quát, nhưng được trình bày như những đóng góp cho những tranh luận đang diễn ra về cách thức xây dựng những lối sống cá nhân và xã hội có ý nghĩa và có trách nhiệm luân lý hiện nay.

Nguyên tác: Edited by The Thomas H.Groome and Harold Daly Horell, Horizon and Hope: the Future of Religious Education. New Jersey, Paulist Press, 2003.

Chuyển dịch: Lm Giuse Nguyễn Đức Hòa, OP.

Hiệu đính: Lm Pr Nguyễn Văn Hiền

http://www.bangiaoly.org/