Ba lời khuyên Phúc âm, sống thực giữa đời thực

Lời khuyên Phúc âm là những điều dựa trên lời nói và gương sáng của Đức Kitô, để giúp cho các tín hữu trở nên hoàn thiện và qua đó làm...


Lời khuyên Phúc âm là những điều dựa trên lời nói và gương sáng của Đức Kitô, để giúp cho các tín hữu trở nên hoàn thiện và qua đó làm tỏ rạng sự thánh thiện của Hội thánh; mà cụ thể là những gì đã được vạch ra trong Tin mừng để các môn đệ Chúa tuân giữ[1]. Ngoài ra, các lời khuyên Phúc âm thể hiện sự hoàn hảo của đức mến, mà tất cả các Kitô hữu được gọi tới, đối với những ai tự nguyện đảm nhận ơn gọi sống đời thánh hiến, bao hàm nghĩa vụ tuân giữ đức khiết tịnh trong sự độc thân vì nước trời, đức khó nghèo và đức vâng phục[2]. Bên cạnh đó, “việc tuân giữ các lời khuyên Phúc âm là một lối sống bên vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Đức Kitô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Đấng đáng mến yêu tột bậc, ngõ hầu một khi đã hiến thân, với một danh nghĩa mới và đặc biệt cho việc tôn vinh Thiên Chúa cho việc kiến thiết Giáo hội và cho phần rỗi thế giới. Họ nhắm tới đức ái hoàn thiện trong việc phục vụ nước Chúa, và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo hội tiên báo vinh quang trên Trời.”[3]

Còn nếu theo tư tưởng của Thánh Tôma, thì hành vi tuyên khấn tu trì trả lại cho ta sự vô tội của phép Thánh tẩy, tức là đặt chúng ta trong một trạng thái giống như lúc chúng ta vừa lãnh nhận Bí tích Rửa tội vậy. Không những thế, Don Bosco cũng từng cảnh báo: ai thấy mình không đủ sức tuân giữ, thì không nên tuyên khấn …, bằng không, họ sẽ thưa với Chúa lời hứa hão huyền và thất trung, và như thế không thể không phật lòng Ngài. Cũng giống như ý mà tác giả sách Huấn ca đã đề cập: “Lời hứa thất trung và hão huyền làm phật lòng Chúa”[4]; và một khi đã khấn hứa cùng Chúa, thì phải trung thành dù có gặp gian nan thử thách gì, để xứng đáng với lời kêu gọi của Chúa: “Con phải vuông tròn lời khấn hứa cùng Thiên Chúa chí tôn”[5].

Người tu sĩ chọn đời sống độc thân để đi theo Chúa, để khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm và muốn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, ngoài cách đó ra không còn cách nào khác hơn để đáp lại tình yêu ấy. Quyết định dâng hiến vượt xa mọi lý lẽ của con người, nhưng chỉ có thể là lời đáp trả của con tim, của tình yêu đáp lại tình yêu, “hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”[6]. Việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm tượng trung cho việc dâng hiến toàn thân cho Chúa, bởi lẽ ba điều mà người tu sĩ tuyên khấn là ba lợi ích căn bản gắn liền với đời sống của một con người. Qua việc tuyên khấn, người tu sĩ tự do muốn mình được giải thoát khỏi những cản trở có thể làm chậm bước tiến trên con đường của đức ái nồng nàn[7].

Chúng ta đang sống trong thời đại mới - thời đại văn minh, khoa học, nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin; nó đã làm cho cuộc sống con người ngày càng được nâng cao. Nhưng phần nào đó, nó cũng khiến giá trị đạo đức dần bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất, kéo theo đó là cả một hệ lụy. Hơn nữa, giới trẻ ngày nay chạy theo lối sống hưởng thụ, mà họ cho là hợp thời, sành điệu; họ bỏ qua những giá trị đạo đức là nền tảng cốt yếu của con người. Vấn đề này cũng trở nên một thách đố lớn cho người tu sỉ trẻ hôm nay.

1. Vâng lời, từ khủng hoảng đến tin tưởng.

Chúng ta có thể sẽ đặt mình vào câu hỏi, liệu ngày nay có còn sự vâng phục thực sự, một kiểu vâng phục trọn vẹn như cách mà Chúa Giêsu đã tỏ hiện qua sự nhập thể, cái chết và Phục sinh của mình. Liệu rằng có còn hay không?

Nhưng, nếu suy nghĩ lâu dần, bình tâm trong đời sống nội tâm và tin tưởng trong lời cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận ra vâng phục thật sự không chỉ dừng lại ở việc qui phục một ý muốn cá nhân, tự quyền hay qui phục những giới hạn của một lề luật nào đó, nhưng trọng tâm vẫn là tìm ý Chúa qua những trung gian mà Chúa gửi đến cho chúng ta trong đời sống. Nhưng trên thực tế, dường như chúng ta chẳng có đủ, mà đúng hơn là chúng ta chẳng dành đủ thời gian để phân tích và giải quyết vấn đề theo hướng như thế, tức là  thường loại đi ý hướng ngay lành và thánh ý của Thiên Chúa, mà thay vào đó là ý muốn cá nhân.

Là người tu sĩ, chúng ta vâng phục trong thái độ thẳng thắn, mau lẹ, thi hành với tâm hồn vui vẻ và lòng khiêm cung. Điều ấy được biểu hiện bằng sự sẵn sàng và trọn vẹn, đặc biệt sự vâng phục phải được đặt trong tình yêu, sự trưởng thành đầy trách nhiệm. Qua đó, chúng ta kín múc được hoa trái từ sự vâng phục bén rễ trong đời sống đức tin, bởi lẽ sự vâng phục nếu chỉ được xây dựng trên lý luận con người thì sẽ chẳng thành công trong tự do và lâu dài. Nhưng, chỉ trong sự phó thác và nếm cảm sự hiện diện của Thần Khí Chúa, lúc ấy sự vâng phục của người tu sĩ mới thật sự được phó thác trong bàn tay quan phòng của Chúa.

Kế đến, sự vâng phục phải được thực hiện trong tình bác ái và tinh thần gia đình, chúng ta phải xem bề trên như là người bạn, người anh (chị) và người cha (mẹ), để thấy được tình cha giữa những bề trên và qua đó thể hiện tình con thảo với thái độ vâng phục cha của mình. Điều ấy thật phù hợp khi chính trong Hiến luật, Don Bosco đã viết: “mọi người hãy vâng phục bề trên mình, trong mọi sự hãy coi ngài như một người cha đầy thương mến, vâng phục ngài hoàn toàn mau mắn, vui vẻ và khiêm tốn”[8].

Ngoài ra, sự vâng phục phải là sự tôn trọng, thậm chí đó là người anh (chị) em bằng vai phải lứa, hay thậm chí là người dưới quyền mình, bởi thật sự, tất cả chúng ta phục vụ cho Thiên Chúa và quyền bính của Người mà thôi. Còn chúng ta, đều là những trung gian, là những dụng cụ được Thiên Chúa sử dụng, ngõ hầu chúng ta tìm kiếm và phục vụ thánh ý Chúa.

Cuối cùng, sự vâng phục không phải chỉ là điểm đến, cũng không phải có được một lần là sẽ chiếm được mãi; nhưng đây là một hành trình mà người tu sĩ phải hằng ngày nỗ lực mới mong thực hiện được, sự nỗ lực ấy cũng là cách mà chúng ta vâng phục Thiên Chúa qua lời tuyên khấn.

2. Khó nghèo – đời sống thực tế.

Là người tu sĩ, chúng ta sống theo lý tưởng của Đức Kitô, nhưng chúng ta cũng sống thực giữa đời thường, cũng là một con người. Khuynh hướng thực dụng đang dần lan tràn theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, nó không chừa một ai. Đời sống thực dụng càng phát triển bao nhiêu, thì sự tha hóa nơi đời sống tinh thần càng lớn bấy nhiêu. Đặc biệt, là người tu sĩ trẻ, lối sống thực dụng sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống thiêng liêng và chi phối cả lối suy nghĩ của họ, và đó là sự tục hóa, nếu họ biến đời sống thực dụng thành nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Nếu chúng ta chọn cho mình những thứ tiện nghi vật chất, thì chúng ta gián tiếp phủ nhận gương mặt chân thật của Đức Kitô. Còn nếu chúng ta rũ bỏ hay từ chối sự hưởng thụ trong cuộc sống, thì chẳng khác nào đang tự đi ngược lại với đại đa số con người thời nay; thậm chí, có thể sẽ bị xem như một kẻ lập dị, khác thường. Mà đúng như thế, người tu sĩ đang đi ngược dòng với sự thực dụng, vì đang đi theo Đức Kitô, giản dị và nghèo khó. Tuy vậy, chính sự khác thường ấy làm nên một người tu sĩ chân chính, người chỉ cậy dựa vào sức mạnh của Đức Kitô chứ không phải của cải trần gian; người đi theo ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô chứ không phải hào quang trần gian chóng qua này.

Dấu chỉ đầu tiên mà người tu sĩ phải có được đó là sự tin tưởng để phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa quan phòng, vì chỉ có thế chúng ta mới thực sự từ bỏ hết mọi của cải và mối bận tâm, lo lắng khác liên quan đến của cải. Qua đó, chúng ta sẽ phó thác mọi sự cho quyết định và định đoạt của bề trên.

Kế đến, người tu sĩ phải thật sự nỗ lực để ly thoát khỏi những dính bén với của cải vật chất, bởi nếu không cảnh giác kỹ lưỡng, rất có thể chúng ta sẽ rơi vào cạm bẫy của sự an nhàn và tiện nghi, vốn là một đe doạ trực tiếp tới lòng quảng đại tông đồ. Chúng ta cũng phải trung thực trong việc hiệp thông của cải với cộng đoàn nơi chúng ta sống, tôn trọng đời sống chung trong tình bác ái và huynh đệ để có được sự liên đới giữa các thành viên trong một cộng đoàn, dòng tu. Điều đặc biệt, chúng ta phải trở nên một chứng tá nghèo khó trong đời thực, đầu tiên là để sống theo tình thần của Đấng tổ phụ, kế đến là để có đủ tâm huyết phục vụ sứ mệnh tông đồ mà chúng ta sẽ đảm nhận, và sau cùng là trở nên gương sáng cho đối tượng mà chúng ta sẽ được sai đến về đời sống nghèo khó.

Sau hết, đời sống nghèo khó của người tu sĩ phải được biểu hiện trong cả việc sử dụng của cải và tất cả phương tiện vật chất xung quanh; cụ thể nơi đời sống đơn giản, tiết kiệm và quân bình. Khi sử dụng của cải, sự tiết kiệm làm triển nở hoa trái của sự thánh thiện nơi gương sáng, làm chứng cho Đức Kitô nghèo khó với đời sống giản đơn, và sống nghèo khó của chúng ta khi làm tông đồ qua việc chỉ sử dụng các phương tiện khi cần thiết hoặc là hoàn toàn phục vụ cho sứ mệnh mà thôi.

3. Thanh khiết – sự đối diện trực tiếp.

Ở khía cạnh dục tính, là người tu sĩ, đặc biệt là người tu sĩ trẻ, chúng ta không thể tìm cách tự biện hộ cho mình, lấy lý do rằng: chính tôi cũng đang là những người trẻ, và tôi có quyền để chiều theo những ham muốn của dục tính. Nhưng không phải thế, sức trẻ đích thực phải là khả năng nhận biết những viễn ảnh của thời đại để đối phó, để tìm giải pháp và để giúp đỡ những người trẻ khác đang rơi vào vòng luẩn quẩn của bản năng ấy.

Đầu tiên, chúng ta không được thỏa hiệp và tạo cơ hội cho tư duy tự do dục tính có cơ hội xâm nhập vào đời sống mình, với tư cách là một người tu sĩ. Nhưng, chúng ta phải luôn cố gắng tìm cho mình những định hướng và không ngừng tập luyện những nhân đức để có thể chiến thắng được những cám dỗ ấy. Hơn thế nữa, Đức Kitô luôn là tình yêu và ân sủng lớn lao nhất mà người tu sĩ có thể nhận được khi bám víu vào Ngài; chỉ có cách ấy, chúng ta mới có thể thoát khỏi những kìm hãm của thế gian và thứ tình yêu tính dục, đặc biệt khi còn là người tu sĩ trẻ.

Khi ý thức sự thanh khiết là quan trọng và tối cần cho đời sống tu sĩ, chúng ta biết mình phải trở thành gương sáng trong điều này, tức là một đời sống trong sạch, và cũng qua đó mà làm chủ được tâm hồn mình và cả tâm hồn những người mà chúng ta đã và đang gặp gỡ. Cụ thể hơn nữa, đó chính là việc làm chủ các giác quan, điều mà dễ được bộc lộ và người khác dễ thấy nhất nơi một con người. Điều ấy đòi hỏi người tu sĩ phải thực sự trưởng thành trong nhân bản và tình cảm, đặc biệt là đời sống thiêng liêng. Khi kết hợp cả ba yếu tố ấy lại, chúng ta tìm thấy cho mình sự hoà hợp trong tâm hồn, được bộc lộ ra lối sống và phần nào cũng có tác động tích cực trên người khác, đặc biệt là người trẻ hôm nay.

Người tu sĩ có thể tìm cho mình những đam mê lành mạnh, vừa đem lại lợi ích cụ thể cho sự phát triển của bản thân, vừa phục vụ hữu hiện cho nhu cầu tông đồ tại nơi mà chúng ta phục vụ. Những đam mê lành mạnh ấy khiến tâm hồn như được nuôi dưỡng hằng ngày, được gột rửa và canh phòng cẩn thận, vì thế mà tránh bao có thể với những dịp tội nơi thân xác yếu hèn này.

Cuối cùng, người tu sĩ phải tìm cách để biến mọi hoạt động lành mạnh luôn gắn liền với cuộc sống của mình, sau đó phải tránh xa những môi trường gây nguy hiểm cho sự thanh khiết, điều ấy phải tự cá nhân thực hiện trước, sau đó mới mong giúp được người khác. Ngoài ra, một đời sống lành mạnh cũng được tạo tiền đề nơi các môn giải trí hữu ích, đặc biệt trong sự tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, giúp giải phóng năng lượng và làm cân bằng cuộc sống cũng như cảm nhận được sự vui tươi nơi cuộc sống. Chính trong sự hài lòng với những gì đang có, người tu sĩ không phải mất công tìm kiếm những thú vui khác, đặc biệt những thú vui không lành mạnh và đe doạ lỗi phạm đến đức thanh khiết.

Là người tu sĩ, chúng ta mặc lấy con người Đức Kitô làm sắc màu cho cuộc sống mình. Đức Kitô trở thành căn cứ để đối chiếu và quy hướng đến Chân – Thiện – Mỹ; hơn thế nữa, Đức Kitô trở nên một trang sức quý giá nhất mà người tu sĩ có được, do chính lời mời gọi của Đức Kitô, người tu sĩ khoác lên mình sứ mạng của chính Đức Kitô là đem Tin Mừng đến với mọi người. Để làm được việc đó, chúng ta phải trở nên mẫu mực như con người Đức Kitô, phải đem hình ảnh Đức Kitô từ trong suy nghĩ vào trong đời sống thực tế, dù đó là hoàn cảnh nào. Nhưng, giữa xã hội năng động và không ngừng biến chuyển như hôm nay, người tu sĩ cũng đang đứng trước những thách đố, những đòi hỏi mà con người đang đặt ra, đặc biệt là người tu sĩ trẻ.

Người tu sĩ cũng là một con người, nhưng là một con người bước theo Đức Kitô, đang làm một cuộc nhập thế giữa dòng đời. Có thể nói người tu sĩ sống giữa đời này, nhưng lại không thuộc về cõi đời này. Họ sống trong xã hội này, nhưng lại làm chứng về một xã hội khác, một vương quốc khác, đó là Nước Thiên Chúa. Chính vì những lý do đó, người tu sĩ hôm nay phải đối diện với muôn vàn thách đố, có cả những sự chống đối, và cả những sự loại trừ. Thế nhưng, đó lại là lối đường thập giá mà Đức Kitô đã đi. Người tu sĩ phải biết rằng mình đang phải đối diện với tất cả những khó khăn ấy, nhưng vẫn bước đi vững vàng trong đời sống này, vì đó là chính đức Kitô đang trợ giúp mỗi ngày.

 Jos. Lưu Hành, SDB  

[1] x. Hiến chế LG số 42, Công đồng Vaticano II, NXB Tôn Giáo 2012, trang 149 - 150

[2] x. GLHTCG, số 915

[3] x. Giáo luật số 573, Bộ Giáo luật 1983

[4] x. Hc 5, 3

[5] x. Tv 49, 14

[6] Thánh Augúttinô

[7] x. Hiến chế LG số 44, Công đồng Vaticanô II, NXB Tôn Giáo 2012

[8] x. Hiến luật 1875, III, 2 (x. F. MOTTO, p. 93)