Giáo Dục, nỗi niềm canh cánh

Trên một chuyến xe lửa mới đây, em thật sự đau lòng khi chứng kiến: Một ông bố trạc ngoài bốn mươi tuổi dẫn cậu con trai nhỏ của mình...


Trên một chuyến xe lửa mới đây, em thật sự đau lòng khi chứng kiến: Một ông bố trạc ngoài bốn mươi tuổi dẫn cậu con trai nhỏ của mình về thăm quê ở Nam Định. Ông mua một vé tàu giường nằm và bế cu cậu lên đó, còn ông thì đứng nói chuyện với một người ở toa bên kia. Nhân viên tàu lửa đến soát vé. Họ hỏi người cha: “tại sao chú không mua vé cho con của chú? Theo quy định, trẻ mười tuổi trở lên đã phải trả tiền nửa vé.” Ông bố trả lời: “Cháu mới 8 tuổi thôi ạ!” Nhân viên chẳng nói chẳng rằng đưa tay lay đứa bé dậy và hỏi: “Cháu học lớp mấy?” - “Thưa, cháu học lớp sáu ạ!” đứa bé nói. Hai nhân viên quay sang nhìn người cha: “Chú nghe chưa?” Người hành khách lẳng lặng rút ví ra trả tiền vé và cả tiền phạt. Nhưng khi nhân viên vừa đi khỏi, anh ta liền tát vào mặt thằng nhỏ một cái như trời giáng: “Đồ mày ngu!” Đứa bé ôm mặt khóc nức nở và chắc chắn nó chưa hiểu mình ngu ở chỗ nào. Cũng có thể sau khi “hoàn hồn” với cái bợp tai tức giận của bố nó, thằng bé sẽ suy ra rằng nói đúng sự thật là ngu, theo tiêu chuẩn của người lớn.

     Một sự kiện khác… Báo Thanh Niên Chủ Nhật ngày 30/4/2006 đã đăng ở trang số 6: Bà mẹ có đứa con 4 tuổi học ở trường Mầm Non. Bà mẹ ngạc nhiên thấy những buổi trưa ở nhà với mẹ, khi ngủ bao giờ bé cũng cởi áo gấp lại làm gối để kê đầu. Gặng hỏi, mới biết được đó là điều cháu phải làm hằng ngày trong trường. Bà mẹ nhớ lại những chiếc gối mới tinh hôm phụ huynh đi thăm cơ sở. Và lời thỏ thẻ của cô bé lớp mẫu giáo cho biết: “Gối đẹp cô cất trong tủ, chúng con chỉ được dùng khi có đoàn kiểm tra đến thôi ạ!”... Tác giả bài báo nhắc lại lời của một giáo sư đầu ngành toán học như sau: “Nền giáo dục ở nước ta không giống bất kỳ nền giáo dục nào. Nó không chỉ xa rời thực tế mà còn dạy con người thiếu trung thực ngay ở tuổi Mầm Non.”

     Em chỉ đơn cử hai sự kiện nhỏ trên để chúng ta có thể suy nghĩ về việc giáo dục trong môi trường xã hội hôm nay và đó cũng là sứ mạng mà chị em chúng ta đang tiếp nối từ Đức Cha Sáng Lập Dòng. Trong thực tế còn rất nhiều, rất nhiều nữa những chuyện tương tự nên bây giờ người ta dễ nghi ngờ bất cứ chuyện gì. Đọc một số liệu hay một bản báo cáo của một cơ quan, một tổ chức, một công ty hay một xí nghiệp… nhà nghiên cứu luôn luôn nghi vấn: Có đúng thế không? Cầm một học bạ hay một văn bằng, người ta cũng có thể nghĩ rằng không thật! Uống một viên thuốc, dùng một món đồ, ăn uống một thức gì, người cẩn thận vẫn thường không yên tâm: Chất lượng thật hay giả? Có hóa chất không?... Dù muốn dù không thì chúng ta vẫn đang sống trong một xã hội mà sự giả dối lan tràn trong nhiều lãnh vực: gia đình, kinh tế, thể thao, hành chánh, kể cả nơi “trồng người” là nơi đào tạo những nhân tài tương lai … Hoặc khi phát biểu ý kiến và ngay cả trong tương quan hằng ngày, người ta thường dùng những công thức hay những kiểu nói mà cả người nói lẫn người nghe đều biết rõ là không đúng sự thật hoặc chỉ đúng một nửa sự thật (nói vậy mà không phải vậy!) Vì vậy mà người ta cứ phải e dè nhau, thậm chí nghi ngờ nhau, rồi nhiều khi phải sống hai mặt. Đó phải chăng là do ảnh hưởng từ một nền giáo dục thiếu quan tâm đến sự thật mà theo ông Mao Trạch Đông phát biểu “nền giáo dục bởi chân lý từ họng súng!”

     Sự dối trá dường như đã trở thành “chuyện bình thường” mà nhiều người đã không cảm thấy ngại ngùng, áy náy khi nói và làm nó. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp Hòa Bình năm 1980, số 1: “Người ta tỏ ra hết sức lo ngại khi thấy bạo lực lan tràn trong xã hội, ở cấp độ quốc gia lẫn quốc tế hay khi thấy những sự đe dọa rõ ràng cho nền hòa bình. Nhưng người ta lại chưa nhạy cảm đủ với những hình thức thiếu sự thật, mà thật ra đây chính là nền tảng đưa tới bạo lực và là mảnh đất thuận lợi cho bạo lực phát triển.”           

     Giáo dục – nỗi niềm canh cánh. Thật vậy, đây phải là điều mà người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm luôn thao thức, ưu tư, trăn trở và ôm ấp để làm sao xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn qua việc “trồng người”. Trong những lúc bình tâm, chúng ta suy nghĩ về chính mình và chúng ta là chi để cho người khác? Nếu “giáo dục có nhiệm vụ chống lại những chứng bệnh của xã hội. Nếu thầy thuốc là người điều trị từng bệnh nhân và chính trị gia là người điều chỉnh cơ chế chính trị của xã hội thì nhà giáo dục cũng phải được xem là người thầy thuốc của xã hội. Nhưng trong khi ông bác sĩ và nhà chính khách có nhiệm vụ chữa chạy thì nhà giáo dục lại có nhiệm vụ ngăn ngừa.” (Frere Thái Sơn Minh). Như thế, trong vai trò là một nhà sư phạm, chúng ta có bổn phận xây dựng hòa bình cho quê hương, vun trồng những con người trong tầm tay của chúng ta được lớn lên trong sự thật. Bởi vì sự thật là sức mạnh của hòa bình. Như một người đã cho rằng: “Sự thật, kể cả sự thật đau đớn nhất luôn luôn giải phóng cho con người. Sự thật gắn kết. Sự thật mang lại sự công bằng. Sự thật chỉ ra con đường hòa hợp.” Và như Đức Giêsu đã nói: “Chính sự thật sẽ giải phóng anh em” (x.Ga 8, 32)                                                                                                                                  

Madalena Trần Nữ Thuần Lương, FMI