Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta

Tĩnh tâm tháng 10: Bài 2: "Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta" (Lv...


Tĩnh tâm tháng 10:

Bài 2: "Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta" (Lv 25,23)

"Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta" (Lv 25, 23)

Xin ơn: Nối lại tình Chúa và tình người trong dịp Năm Thánh.

1 - Tri ân cảm tạ và hoàn toàn tin tưởng phó thác: công bình với Chúa

Trước hết, với lệnh truyền: "Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta" (Lv 25,23), Thiên Chúa muốn cho dân nhìn nhận rằng Ngài là Đấng Tạo Hóa có quyền làm chủ tất cả đất đai được giao cho con người canh tác. Vì thế, con người cần có thái độ tri ân cảm tạ và hoàn toàn phó thác cho Ngài: "Đất sẽ sinh hoa trái, các ngươi sẽ được ăn no nê và được sống yên hàn tại đó. " (Lv 25,19).

Trong truyền thống Lê Vi tư tế, tập tục này có một ý nghĩa mang tính giao ước: người ta tin tưởng Thiên Chúa sẽ không để cho Dân của Người chết đói, và nếu ai trung thành tuân giữ giao ước, thì Thiên Chúa hứa phù trợ cho họ sống yên hàn, trở thành sở hữu riêng của Chúa. (Lv 25,18-22).

"Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta" (Xh 19,5)

Để được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa trong Năm thánh, các Kitô hữu phải nhận thức rằng Năm thánh là dịp trọng đại để canh tân đời sống, bằng việc giao hòa và củng cố đức tin đối với Thiên Chúa.

"Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân." (Mt 15,8-9)

Quyền sở hữu tối cao vẫn là Thiên Chúa, Đấng trao cho ai mấy nén bạc tùy Ngài, ai cũng có phần, nhưng trả lẽ về khoản sinh lời thì ai nấy tự chịu trách nhiệm, không đổ hô cho ai được, không đem chôn giấu được, mà cũng không xí phần của ai được. Chỉ có một việc phải làm khi nhận bạc ông chủ giao là: "Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến." (Lc 19,13)

Nên trước hết phải công bình với Chúa, Đấng cho bao nhiêu thì có quyền đòi lại bấy nhiêu. Cho ai nhiều thì có quyền đòi lại nhiều. "Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn" (Lc 12,48)

Chúa có quyền đòi, vì "ngay cả người thánh thiện nhất trong chúng ta cũng không ngừng là người mắc nợ Chúa" (ĐTC Phanxicô).

2 - Hoán cải để được tha thứ

 a- Năm thánh cũng là Năm toàn xá, nhấn mạnh chiều kích tha thứ, hòa giải. Đây là thời gian toàn dân hoán cải để được Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi và mọi hình phạt do tội gây ra.

- Sám hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên của Ngài khi bắt đầu sứ vụ công khai là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). Cái chết của Ngài trên Thập giá không phải là cái chết của nhà cách mạng hay chính trị gia, mà thiết yếu là để đền bù tội lỗi con người.

- Cuộc đời của bất cứ vị thánh nào cũng đều bắt đầu bằng lòng sám hối, nghĩa là ý thức sâu xa về tội lỗi của mình. Nhưng sám hối không chỉ là ý thức về tội lỗi của mình. Có lẽ không ai ý thức được hành động phản bội của mình cho bằng Yuđa, nhưng ý thức ấy chưa hẳn là sám hối, nên ông đi tìm cái chết trong một nỗi tuyệt vọng cực đỉnh.

Ngược lại, Phêrô cũng đã chối Thầy, nhưng nơi ngài lòng sám hối không chỉ dừng lại ở ý thức tội lỗi, nhưng đã biến thành tình yêu thương; Phêrô đã nói lên lòng sám hối bằng ba lần thưa với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa" (Ga 21,17). Sau này, trong thư thư nhất của mình, Phêrô đã viêt lại trải nghiệm sám hối mà được tha của mình bằng câu nói nổi tiếng: “Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4, 8).

- Ngày nay người ta nói nhiều về việc khủng hoảng đức tin vào Chúa. Trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng chính là khủng hoảng về lòng sám hối.

Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người sẽ không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, tình thương của Chúa, và dĩ nhiên cũng đánh mất sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Xét cho cùng, bác ái chính là hoa trái của lòng sám hối: càng cảm thấy mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu thương.

b- ĐTC Phanxicô trong bài giáo lý sáng thứ tư 10.04.2019 mời gọi: Tất cả chúng ta đều là tội nhân và cần sự tha thứ. 

"Thái độ nguy hiểm nhất trong đời sống Kitô giáo là sự kiêu ngạo. Đó là thái độ của những người đứng trước Thiên Chúa và luôn tin rằng mọi điều mình làm luôn đúng, rằng mình không có sai lỗi nào. Giống như người Pharisêu trong dụ ngôn “hai người cầu nguyện” (Lc 18,9-14), anh đi cầu nguyện, nhưng thực tế là ông ta tự khen ngợi mình trước mặt Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, bởi vì con không như những người khác”.

ĐTC nhận định rằng: Có những thứ tội chúng ta có thể nhìn thấy và có những thứ tội mà chúng ta không nhìn thấy, những tội được ẩn dấu. Có những tội nghiêm trọng, gây ồn ào, nhưng có những thứ tội “tinh tế”, làm tổ trong con tim mà cả chúng ta cũng không nhận ra chúng. Tội xấu nhất trong các thứ tội này đó là sự kiêu căng, thứ tội có thể lây nhiễm cả những người sống một cuộc sống đạo đức sốt sắng.

Ngài đưa ra một ví dụ: Có một nhà dòng nữ kia rất nổi tiếng, vào những năm 1600-1700, thời Jansenism. Họ là những nữ tu vô cùng hoàn hảo và họ nói rằng mình vô cùng trong sạch giống như các thiên thần vậy. Nhưng họ kiêu ngạo như ma quỷ. Đó là một điều xấu. Tội lỗi chia rẽ tình huynh đệ; tội lỗi khiến chúng ta xem mình tốt lành hơn người khác, làm cho chúng ta tin rằng mình giống như Chúa.

Không ai trong chúng ta là người hoàn hảo. Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân, và chúng ta có lý do để đấm ngực, như người thu thuế ở đền thờ. Thánh Gioan viết trong thư thứ nhất của ngài: “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8).

Nếu bạn muốn lừa dối chính mình thì hãy nói rằng bạn không có tội.

c - Không gì sung sướng bằng khi ta mắc lỗi vì vụng dại, mà được tha thứ. Bài ca "xin chừa" đi theo ta…suốt cả tuổi đời lầm lỗi.

Phải! Chúng ta cố gắng sống tốt lành, hòa hợp với những người xung quanh, yêu mến Chúa và tha nhân, không hoang nghịch! Ai cũng thích vậy, mong vậy. Nhưng rồi lầm lỗi cứ chạy theo đời mỗi người, càng già càng thấy mình có tội,  càng cố gắng, ta càng hay lỗi phạm như lời thánh Phaolô nói "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm." (Rm 7,19) Và ngài khẳng định là "do tội vẫn ở trong tôi. May thay, Chúa Giêsu- khuôn mặt của Thiên Chúa lại được nói đến như "Một người đón tiếp phường tội lỗi" (Lc 15,2), người được mệnh danh là giàu lòng thương xót như ba dụ ngôn con chiên bị mất-đồng bạc bị mất- và đứa con bị mất…trong Tin Mừng Lc 15,4-31 diễn tả .

- giàu lòng thương xót nên hết lòng tìm kiếm. Mỗi người chúng ta có một giá trị cao quí trước mặt Chúa.. Chúa yêu chúng ta cách cá nhân và riêng biệt, không chung chung, không đại trà.  Thế nên, chiên lạc mất, Người luôn nghĩ tới, lo lắng, đi tìm...cho bằng được, dù chỉ một con. Chúng ta có một Thiên Chúa yêu thương những đứa con không yêu Ngài.

- giàu lòng thương xót nên hết lòng tha thứ. Thật đáng vui và sung sướng vì được tha thứ. Cả thiên đàng đều vui vì một người ăn năn sám hối (Lc 15,10). Thiên Chúa thích tha thứ vì đó là bản chất của Ngài. Không tha thứ thì không còn là Thiên Chúa nữa. Dẫu cho ta có tội lỗi thế nào thì cũng không ngăn cản được tình yêu của Thiên Chúa. Đúng là một Thiên Chúa có trái tim không ngủ yên khi chưa tha thứ cho con mình  lầm lỡ.

- Cuối cùng, vì giàu lòng thương xót nên tìm hết cách phục hồi địa vị là con cho kẻ hư thân mất nết. Vì những vết nhơ tội lỗi, ta đã làm hoen ố phẩm giá của mình. Chỉ cần gắng gượng đứng dậy, cất bước lên đường trở về với Chúa thì cho dù ta có xưng thú, Thiên Chúa cũng chẳng để ta nói hết câu, nhưng sẽ phục hồi cho chúng ta phẩm giá là con ngay lập tức. (x. Lc 15,22-24). Bởi vì, không có gì mạnh mẽ hơn lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đúng là một Thiên Chúa có trái tim không ngủ yên khi chưa ôm chúng ta vào lòng và gọi ta là con ơi!

3 -  “Chuộc đất, chuộc nhà, giải phóng nô lệ”: Thời khắc để làm mới lại các mối tương quan với tha nhân

Được hòa giải với Thiên Chúa nhờ sự tha thứ của Ngài thì mỗi người cũng phải trả lại đất đai cho chủ cũ, xoá hết nợ nần, giải phóng người nô lệ và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Truyền thống Năm Thánh của dân Ít-ra-en nhấn mạnh khía cạnh “chuộc đất, chuộc nhà, giải phóng nô lệ”. (Lv 25,23-55)

Trong toàn xứ sẽ thuộc quyền sở hữu của các người, các ngươi phải cho người ta quyền chuộc lại đất" (Lv 25,24)

Năm thánh là cơ hội thuận tiện giúp mọi người thực thi công bình bác ái đối với nhau để được hạnh phúc.

"(Các) ngươi không được thống trị chúng cách hà khắc, nhưng hãy kính sợ Thiên Chúa của (các) ngươi.” (Lv 25,43)

Dịp Năm Thánh nầy là thời gian thích hợp và cần thiết nhất để chúng ta cùng “tính sổ” với chính lương tâm mình, “tính sổ” về các mối tương quan, tính sổ bác ái, sổ yêu thương để can đảm gác lại mọi mối tị hiềm, mọi lòng đố kỵ, mọi cái nhìn khe khắt, hà khắc thiên kiến với đôi kính đen ngòm của tự ái, sĩ diện…

Càng vứt đi cái “bị” hận thù, ganh ghét, thì hành trang Năm Thánh trên đôi vai chúng ta càng nhẹ nhõm, cõi lòng càng thanh thản, và dĩ nhiên, đó là điều kiện thích hợp để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, đón nhận hồng ân.

Hãy thành thật với chính lương tâm mình, con tim mình và soi xét cho thật kỷ: biết đâu trong một ngóc ngách nào đó vẫn còn một ai đó bị khai trừ, bị bỏ rơi, bị xa cách đôi bờ "đầu sông và cuối sông" mà mình chưa bắt lại nhịp cầu, chưa khiêm nhượng đủ để nhận lỗi và không đủ bao dung để thứ tha…!

Kết

"Chúng ta nợ Thiên Chúa về mọi sự chúng ta có, như là quà tặng đến từ Người: sự sống, cha mẹ, bạn hữu, vũ trụ,… Chúng ta biết yêu thương vì chúng ta được yêu thương, biết tha thứ vì chúng ta được tha thứ." (ĐTC Phanxicô 10.04.2019)

ĐTC dùng ý tưởng “mầu nhiệm của mặt trăng” để giải thích rằng chúng ta là người mắc nợ vì ngay cả khi chúng ta có thể yêu thương, chúng ta không thể yêu thương chỉ bằng sức lực của mình, nhưng với ơn Chúa.

Không ai trong chúng ta tỏa sáng bằng chính ánh sáng của mình. Căn tính của Giáo hội hay cả trong lịch sử của mỗi người chúng ta thì cũng giống như mặt trăng. Tự nó không có ánh sáng: nó phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Chúng ta không có ánh sáng của chính mình: ánh sáng chúng ta có là phản chiếu ân sủng của Thiên Chúa, là phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa.

Năm thánh là cơ hội để hấp thu ánh sáng Mặt trời Thiên Chúa, trở thành những "mặt trời bé con": "Để biết mỉm cười, bởi vì có một người, không phải là bạn, đã mỉm cười với bạn khi bạn còn là một đứa trẻ và dạy bạn đáp trả lại bằng một nụ cười. Để biết yêu thương, bởi vì có một ai đó ở bên cạnh bạn đã đánh thức tình yêu ở trong bạn, đã yêu thương bạn, làm cho bạn hiểu ý nghĩa của sự yêu thương là gì" (ĐTC Phanxicô).

Lm. Đaminh Phan Hưng