"Lề luật là thầy dạy"

“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Đức Giêsu đáp: ‘Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?...


“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Đức Giêsu đáp: ‘Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình”. Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (Lc 10,25-28)

Người thông luật trong đoạn Tin Mừng Lc 10,25-28 thể hiện lòng khao khát sâu thẳm trong tâm hồn ông về điều quan trọng nhất của đời người là “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Chúa Giêsu đã mời gọi ông trở về với điều đã được ban cho, trở về với Lề Luật và nhận ra điều cốt yếu của Luật, đó là mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận như yêu chính mình.

Quả vậy, ý định của Thiên Chúa luôn muốn cho con người được chia sẻ sự sống của Ngài, được cứu độ. Lề luật được ban cho là để dẫn dắt con người đến hạnh phúc đích thực đó. Chính Chúa đã ban Lề Luật cho ông Môisê. Luật mới được kiện toàn trong Đức chính Giêsu Kitô. Cụ thể hơn nữa, qua Giáo Hội, Chúa tiếp tục thể hiện ý định cứu độ của Ngài qua những chỉ dẫn của Giáo Luật. Mục đích tối hậu của luật Giáo Hội được thể hiện qua điều cuối trong Bộ Giáo Luật 1983: “nhằm ban ơn cứu độ các linh hồn, ơn này luôn phải là luật tối thượng trong Giáo Hội” (đ. 1725).

Cũng trong định hướng đó, Đấng sáng lập Dòng chúng ta, Đức Cha Chabanon mời gọi các con cái của ngài “ăn ở cho xứng người nhà dòng” bằng cách đón nhận Luật Dòng, vì “lề luật là thầy dạy dỗ cho biết phải làm việc gì cho sáng danh Chúa, và phải lánh sự gì cho khỏi mất lòng Người” (LTK XIII, D1). Ngày nay, với định hướng của Công Đồng Vaticanô II, Luật Sống của Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm chúng ta càng thể hiện rõ nét hơn ước muốn làm sáng danh Chúa, và làm đẹp lòng Ngài khi quy hướng đời sống và mọi sinh hoạt tu trì vào Đức Kitô, và để Lời Ngài hướng dẫn. Chúng ta cùng tìm hiểu.

  1. Một vị thầy (lề luật) dẫn môn sinh đến gặp Thầy Giêsu

Theo lời dạy của Đức Cha Chabanon, lề luật không phải là một cuốn sách, một mớ chữ ràng buộc lương tâm, hay một dãy những luật lệ phải tuân giữ. Với ngài, lề luật là một vị thầy, là một nhân vị sống động có khả năng dạy dỗ, hướng dẫn đường ngay nẻo chính cho môn sinh. Hơn nữa, vị thầy lề luật của chúng ta đặt mục tiêu rất rõ ràng, là giúp môn sinh sống thế nào, làm gì cho “sáng danh Chúa”, và luôn tìm làm đẹp lòng Ngài. Thánh Phaolô trong thư Galát cũng đã xác định điều này khi nói, “Lề luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Kitô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin” (Gl 3,24).

Trong văn hóa Việt Nam, thầy là người dẫn đường, là người quyết định sự thành bại của trò, “không thầy đố mày làm nên”. Thầy không những dạy dỗ chữ nghĩa, mà còn dạy điều hay lẽ phải, dạy đạo đức làm người. Hơn nữa, thầy còn là người truyền cảm hứng, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò. Hình ảnh vị thầy thật là đẹp. Khi so sánh lề luật với hình ảnh của một vị thầy, chắc hẳn Đức Cha Chabanon đã muốn lề luật dẫn dắt CĐMVN “làm nên” sự nghiệp, “truyền cảm hứng và chắp cánh ước mơ” cho từng thế hệ con Đức Mẹ Vô Nhiễm để họ biết mơ những giấc mơ đầy sáng tạo của Thiên Chúa.

Khi Đức Cha mời gọi các con cái ngài đón nhận lề luật như vị thầy, cùng lúc ngài mời gọi con cái định hướng đời sống thánh hiến của mình, qua lời dạy của luật, làm việc gì cho sáng danh Chúa, và tránh sự gì cho khỏi mất lòng Ngài. Định hướng ấy được thể hiện trong từng điều luật, hướng dẫn nếp sống của người CĐMVN theo đặc sủng, linh đạo, tinh thần và sứ mạng của Hội Dòng. Thầy lề luật giúp chúng ta, những người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm bảo vệ và duy trì sự trung thành với ơn gọi và căn cước riêng biệt của mình.

  1. Giáo huấn của Thầy nhuần thấm giáo huấn của thầy

Luật Sống có 7 chương, gồm tóm các khía cạnh thiết yếu của đời sống tu trì CĐMVN. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt Luật Sống chính là Lời Chúa. Con số 163 trích dẫn Lời Chúa (trực tiếp và gián tiếp) trong 255 điều luật diễn tả sự thấm đẫm tinh thần Phúc Âm trong từng điều luật. Đặc biệt hơn nữa là đầu mỗi chương, chính Lời Chúa định hướng nội dung của chương và biểu lộ nét đặc trưng trong ơn gọi CĐMVN.

  • Với Chương I, Ơn Gọi và Chân Tính Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, câu lời Chúa định hướng là“Này tôi là nữ tỳ Chúa” (Lc 1,38). Là con của Đức Maria Vô Nhiễm, và được mời gọi nên giống mẹ của mình, chị em phó mình cho Chúa như một nữ tỳ trung tín và để Ngài toàn quyền hướng dẫn hành trình ơn gọi của Hội Dòng qua Đặc sủng, Linh đạo, Tinh thần và Sứ mạng được trao cho.
  • Chương II, Đời Sống Thánh Hiến: “Chúa đã đoái nhìn phận hèn tớ nữ” (Lc 1,48). Mặc lấy tâm tình của Đức Maria, chị em tri ân Thiên Chúa vì hồng ân nhưng không của ơn gọi thánh hiến được ban cho Hội Dòng và từng thành viên CĐMVN. Đáp lại sự tuyển chọn vô điều kiện này, chị em cam kết sống Ba Lời Khuyên Phúc Âm để chỉ thuộc về một mình Chúa mà thôi.
  • Chương III, Đời Sống Cộng Đoàn Huynh Đệ: “Nhiều chi thể làm nên một thân mình” (1Cr 12,12). Theo tinh thần Phúc Âm, CĐMVN được mời gọi đón nhận mỗi chị em với sự khác biệt và cùng nhau xây dựng cộng đoàn trong yêu thương, hiệp nhất. Gia đình thiêng liêng Hội Dòng họa lại mầu nhiệm thân mình Hội Thánh có Đức Kitô là đầu.
  • Chương IV, Đời Sống Cầu Nguyện: “Lắng nghe Thần Khí” (Rm 8,16). CĐMVN được mời gọi đi vào thinh lặng, vào tận sâu thẳm của cung điện tâm hồn để lắng nghe Chúa, lắng nghe trong Thần Khí. Mọi quy định về đời sống cầu nguyện cốt yếu để chị em gặp gỡ chính Chúa, cảm nhận niềm hạnh phúc có Chúa là gia nghiệp và từ đó, múc lấy nguồn sức mạnh ra đi phục vụ anh chị em.
  • Chương V, Đời Sống Tông Đồ: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2Cr 5,14). Đây cũng là châm ngôn sống của Đức Cha Chabanon Đấng sáng lập Dòng và là một nhà truyền giáo nhiệt thành. CĐMVN hăng hái dấn thân phục vụ anh chị em qua sứ mạng giáo dục và các hoạt động bác ái khác nhờ Tình Yêu Chúa Kitô thúc bách.
  • Chương VI, Huấn Luyện: “Tiến tới sự trưởng thành trong Đức Kitô” (Ep 4,13). Thánh Phaolô mời gọi cộng đoàn Êphêsô ngày xưa cũng như CĐMVN hôm nay không ngừng được huấn luyện để ngày càng trở nên môn đệ của Chúa Giêsu hơn, và như thế, trở nên người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm hơn.
  • Chương V, Linh Hoạt và Điều Hành: “Phục vụ nhau tùy lường ân sủng” (1Pr 4,10). Theo gương Chúa Giêsu Thầy chí thánh, lãnh đạo là phục vụ. CĐMVN được mời gọi yêu mến và xây dựng Hội Dòng theo lường ân lộc được ban cho mỗi người.
  1. CĐMVN bước theo sát Đức Kitô – “Sequela Christi”

Nhờ luồng gió mới của Chúa Thánh Thần thổi vào Giáo Hội qua Công đồng Vaticano II, đời thánh hiến được làm sáng tỏ trong tương quan với Đức Giêsu. Đời tu được định nghĩa là “Sequela Christi” – bước theo Chúa Kitô. Giáo huấn và gương sống của Chúa Kitô phải là kim chỉ nam của người tu sĩ. Luật Sống của chúng ta phản ánh rất rõ yếu tố căn tính này. Đức Kitô là trung tâm của đời thánh hiến CĐMVN. Yêu mến Đức Kitô và bước theo sát Ngài là nẻo đường của CĐMVN. Nhìn vào Luật Sống, ta nhận ra điều đầu tiên của mỗi chương- ở vị trí quan trọng nhất- nêu cao hình ảnh của Đức Kitô, là gương mẫu, là mục tiêu, là động lực, là cảm hứng của nếp sống CĐMVN. Chúng ta cùng lược qua.

  • Điều 1 (đầu chương I), Ơn Gọi và Mục đích tổng quát của Hội Dòng: “...chị em Dòng CĐMVN tuyên khấn tận hiến đời mình cho Chúa Cha, tiến bước theo Đức Kitô khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời trong một cộng đoàn huynh đệ...”
  • Điều 15 (đầu chương II, mục I), Tận hiến như một hy lễ: “Đáp lại ơn kêu gọi và sự tuyển chọn đó, chúng ta tận hiến bản thân cùng với Đức Kitô như một hy lễ dâng lên Chúa Cha...”
  • Điều 20 (đầu mục II), Đức Kitô, khuôn mẫu đời sống khiết tịnh: “Đức Kitô là khuôn mẫu tuyệt vời của mọi trái tim trong sạch...”
  • Điều 30 (đầu mục III), Tự hạ và hủy mình ra không: “Đức Kitô từ địa vị giàu sang của Thiên Chúa, đã tự nguyện thành người nghèo khó...”
  • Điều 42 (đầu mục IV), Vâng phục như người con hiếu thảo: “Đức Kitô đến trần gian để làm theo ý Chúa Cha...”
  • Điều 55 (đầu chương III), Trọng tâm của cộng đoàn: “Đức Kitô là trọng tâm của gia đình Nazareth, của đoàn tông đồ lưu động và Giáo Hội sơ khai...”
  • Điều 70 (đầu chương IV), Con Người thờ phượng đích thực: “Đức Kitô đã trở thành Đền thờ mới. Chính Ngài là con người thờ phượng đích thực...”
  • Điều 90 (đầu chương V), Mẫu người tông đồ thừa sai: “Được thánh hiến và sai đi vào thế gian, Đức Kitô hoàn toàn phụng sự Chúa Cha...”
  • Điều 108 (đầu chương VI), Bản chất và Mục đích của Huấn luyện: “Mục đích của huấn luyện là làm cho ta ngày càng trở nên môn đệ của Chúa Cứu Thế hơn...”
  • Điều 151 (đầu chương VII), Nguồn gốc và mục đích của quyền bính: “Việc quản trị Hội dòng phản ánh cơ cấu phẩm trật của Giáo hội có Đức Kitô làm đầu, nhm mục đích xây dựng cộng đoàn hợp nhất ...”

Qua một số trích dẫn trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra vị thầy lề luật dẫn chúng ta đến gặp Thầy Giêsu, để chúng ta mặc lấy tâm tình của Ngài (x. Pl 2,5) và đồng hóa với Ngài (x. Rm 8,29), mang lấy sứ vụ của Ngài (x. Mt 10,5) và phục vụ như Ngài phục vụ (x. Ga 13,15). Luật Sống thật đã làm rõ nét nguyện vọng của Đấng sáng lập. 

  1. Tạ ơn Hồng ân Luật Sống

Luật Sống của Hội Dòng sau 100 năm nhìn lại, chúng ta vui mừng vì dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội, luật Dòng ngày càng tỏ lộ nét đẹp, vẻ trong sáng của ơn gọi CĐMNV và nhất là làm rõ ngày một hơn hình ảnh của Đức Kitô, vị Thầy duy nhất của người nữ tu CĐMVN.

Tâm nguyện của người viết bài này là tôn vinh Luật Sống, một công trình của Chúa Thánh Thần thực hiện trên Hội Dòng suốt gần một trăm năm qua. Công trình này không phải chỉ bắt đầu từ năm 1969 nhưng khởi đi từ những năm đầu tiên khai sinh Hội Dòng. Từ bản thảo luật đầu tiên mà Đức Cha Chabanon giao cho chị Trưởng tiên khởi (1921), bản luật đã được sống, được rút kinh nghiệm, được cập nhật, được điều chỉnh bằng chính đời sống của các chị. Rồi đến bản Hiến Pháp do Cha Bề trên Đẩu soạn thảo (1956). Và sau cùng, bản Luật Sống ngày nay là kết quả của 11 tổng công nghị canh tân luật và 8 năm thử nghiệm trải dài suốt 28 năm liền cho đến khi hoàn tất (1969-1997). Đến hôm nay, bản luật vẫn tiếp tục được điều chỉnh và cập nhật ít nhiều qua các Hội Nghị Dòng gần đây. Quả thật, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động và hướng dẫn đời sống của CĐMVN. Nhờ Ngài và qua bản văn luật, đời sống thánh hiến của chị em bao thế hệ được định hình và định hướng trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Sự cao quý của Luật Sống còn được thể hiện qua một hành trình cần mẫn làm việc suốt 28 năm của các chị đi trước và một số ân nhân chuyên môn giúp đỡ. Mỗi một nghiên cứu, mỗi một suy tư, mỗi một đặc điểm thể hiện đặc sủng CĐMVN đều được cân nhắc, bàn bạc và cầu nguyện. Các chị kể lại rằng, công việc quan trọng này được quan tâm đến từng dấu phẩy, dấu chấm, chọn lựa từng con chữ với ý nghĩa đặc trưng của nó để đưa vào bản văn luật, tìm kiếm từng câu Lời Chúa hay văn kiện Giáo hội để được hướng dẫn...

Tôn vinh Luật Sống cũng gợi lên tâm tình tri ân mỗi chị em chúng ta, qua đời sống, kinh nghiệm thiêng liêng, những nỗ lực làm sáng danh Chúa cũng như những vấp ngã trên hành trình sống ơn gọi, những trăn trở thực thi sứ mạng cũng như lúc mệt mỏi ở tuổi cao niên... Tất cả chị em chúng ta qua bao thế hệ đều đóng góp phần “sống” của mình để làm cho Luật Sống trở thành luật để sống, và nhờ sống, Luật càng trở nên sống động hơn. Luật quả là người thầy dạy dỗ chị em chúng ta biết làm sáng danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

Kết

Tuy chỉ mới nêu lên một vài nét đẹp và cao quý của Luật Sống, chị em chúng ta chắc hẳn đều dậy lên tâm tình tri ân và hãnh diện. Tri ân Chúa và mẹ Dòng đã “đầu tư” cho con cái một gia sản thiêng liêng cao quý là chính Luật Sống. Hãnh diện vì đây là viên ngọc “của chúng ta”, viên ngọc nằm trong tay mỗi người CĐMVN. Mỗi ngày chúng ta được diễm phúc cầm lấy, mở ra, lắng nghe trong Thánh Thần và sống sự sống phong phú ấy.

Nt. M. Anna Kim Xuân, FMI