Lòng yêu mến Thánh Thể trong ơn gọi Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

“Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn,...


“Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa,

tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn,

đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em.

Anh em hãy làm như Thầy vừa làm

để tưởng nhớ đến Thầy’. 

Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói:

‘Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới;

mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”.

Thật vậy, mỗi lần anh em ăn Bánh và uống Chén này,

là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết,

cho tới ngày Chúa đến’” (1Cr 11,23-26).

Trong tâm tình hướng về năm thánh mừng Bách Chu Niên thành lập, mẹ dòng mời gọi mọi thành phần trong Hội dòng canh tân đời sống thiêng liêng. Lời mời gọi này giúp ta hiểu-cảm-thấu được nỗi thao thức của mẹ dòng, là mong muốn cho từng mỗi thành viên ngày càng sống thánh thiện hơn trong Ơn Gọi Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Trở về nơi bắt đầu, nơi mà từ đó, Hội dòng được sinh ra, chúng ta khám phá những nét đẹp nơi gia sản thiêng liêng mà chúng ta đang thừa hưởng. Một trong những nét đẹp cao quý ấy là “lòng yêu mến Thánh Thể và các linh hồn” của Đức Cha Tổ Phụ, được chị em qua các thế hệ gìn giữ và và phát huy với nhiều sáng kiến... Để hôm nay, một trăm năm nhìn lại, chúng ta xác tín rằng lòng yêu mến Thánh Thể là nền tảng vững chắc bảo đảm cho sự tồn tại của ơn gọi CĐMVN suốt một thế kỷ qua. Tạ ơn Chúa, và cùng nhau tiếp tục làm cho nét đẹp này ngày càng đẹp hơn...

  1. Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Cử Hành và Tôn Thờ Thánh Thể: Lc 22,14 – 20

Cuộc sống của người CĐMVN gắn bó mật thiết với bí tích Thánh Thể, bởi lẽ, linh đạo của Hội dòng là bước theo Chúa Kitô trong mầu nhiệm Vượt qua, để được cùng chết và sống lại với Ngài. Chính nơi bí tích Thánh Thể được cử hành hằng ngày trong cộng đoàn mà mầu nhiệm vượt qua ấy được thể hiện và tái diễn. “Thánh lễ là giây phút chị em kết hiệp sâu xa nhất với hy tế thập giá Chúa Kitô trong ngày sống” (LS 78).

Luật sống dạy chị em dành ưu tiên cho việc thờ phượng, đặc biệt là việc cử hành hy tế Thánh Thể, bởi vì đây là nơi chị em gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng tỏ mình qua Lời Hằng Sống và ban trót thân mình qua Người Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Thánh thể. Qua việc tiếp xúc hàng ngày với Thánh thể, chị em được chìm sâu trong tình yêu của Thiên Chúa và Thiên Chúa đổ tràn hồng ân của Ngài trong tâm hồn, nhờ đó chị em có đủ sức đối diện với những thách đố của đời thánh hiến. Việc gặp gỡ và đón nhận Thánh Thể tháp nhập mỗi người với Thiên Chúa, giúp xây dựng mối tương quan giữa mỗi người với Thiên Chúa, và với nhau (x. VK HND 19, tr.42).

Do đó, để cho Thánh lễ - nguồn mạch, trọng tâm và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu - trở thành cuộc gặp gỡ sâu sắc và hạnh phúc nhất giữa chị em chung quanh Ngài, Thánh lễ phải được tổ chức và chuẩn bị chu đáo để chị em có thể hiện diện và cầu nguyện thực sự. Phần mỗi người, cần biết rút lui đúng lúc khỏi các công việc để có thời gian chuẩn bị tâm hồn tham dự thánh lễ cách sốt sắng, chăm chỉ và xứng đáng (x. Ls 73, 77, 78). Trong các cộng đoàn lớn của Hội dòng, chị em tích cực chuẩn bị cho thánh lễ như tập hát, dọn bài đọc, chuẩn bị bàn thờ… Việc chuẩn bị này giúp chị em tham dự thánh lễ trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng. Thánh lễ được cử hành vào mỗi sáng sớm, sau giờ Kinh Phụng vụ là thời gian thích hợp nhất để mỗi chị em đón nhận của ăn thiêng liêng quan trọng nhất của ngày sống và là nguồn sinh lực dồi dào cho ngày mới.

Bên cạnh việc tham dự cử hành hy tế Thánh Thể, chị em còn thể hiện lòng mến yêu phép Thánh Thể qua việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ. Mỗi ngày chị em dành tối thiểu 30 phút cho việc Chầu Thánh Thể để đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu Chúa, xây dựng tình hiệp thông huynh đệ và tăng cường lòng nhiệt thành tông đồ (x. Ls 79). Hằng tuần, “Giờ Thánh” được tổ chức vào ngày thứ năm, nhằm giúp chị em gia tăng lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, cầu nguyện cho sự hiệp nhất, cho các linh mục và ơn gọi thánh hiến trong Giáo Hội (x. NQ 41). Đặc biệt, Năm Thánh Thể (2005) là cơ hội thuận tiện để toàn thể chị em trong Hội dòng nhắc nhở nhau “trở về” với nguồn mạch và trọng tâm của đời sống tu trì. Nhằm để củng cố và canh tân đời sống thánh hiến cũng như các mối tương quan giữa chị em với nhau trong các cộng đoàn, chị em được kêu gọi canh tân đời sống thiêng liêng, khởi đi từ Thánh Thể. Từ đó, việc chị em thay phiên nhau Chầu Mình Thánh Chúa suốt ngày thứ Bảy hằng tuần và những ngày lễ đặc biệt được khởi sự và duy trì cho đến nay (lễ Thánh Tâm, lễ Mình Máu Thánh Chúa và Khánh nhật Truyền Giáo). Hầu hết chị em đều nhận thấy hoa trái thiêng liêng nảy sinh từ việc tôn sùng Thánh Thể, nhất là đức ái huynh đệ trong cộng đoàn, sự bình an nội tâm và tâm tình hiệp thông với Giáo hội. 

  1. Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể trong đời thường

Lòng yêu mến Thánh Thể vừa được thể hiện qua thái độ và tâm tình xứng hợp khi tham dự các cử hành Thánh Thể, vừa được diễn tả cách sống động trong các mối tương quan của đời sống, theo như lời Đức Bênêđictô XVI mời gọi: “Các tu sĩ hãy biểu lộ bằng đời sống mang tính Thánh Thể của mình ánh huy hoàng và vẻ đẹp được thuộc trọn về Chúa”1. Đức Thánh Cha Phanxico, đã nhận định: “Một cuộc cử hành có thể được coi là hoàn hảo và xinh đẹp theo nhãn quan bên ngoài, nhưng nếu không dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, thì không thể đem một chất bổ dưỡng nào đến cho tâm hồn và đời sống chúng ta. Thay vào đó, qua Bí Tích Thánh Thể, Đức Kitô muốn đi vào đời sống của chúng ta và làm cho nó thấm nhuần ân sủng của Người, ngõ hầu trong mọi cộng đồng Kitô hữu có sự liên kết chặt chẽ giữa phụng vụ và đời sống”2.

Vì vậy, cùng với việc cử hành và tôn thờ Thánh Thể, chị em CĐMVN đồng thời được thôi thúc sống mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống thường ngày.

  • Dâng hiến trọn vẹn

Một trong những khía cạnh của mầu nhiệm Thánh Thể là sự dâng hiến trọn vẹn. Nơi Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã thể hiện “tình yêu đến cùng” của Ngài đối với Thiên Chúa và đối với nhân loại khi dâng hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người theo ý muốn của Chúa Cha. Đó là một sự dâng hiến trọn vẹn và hoàn hảo.

Đức Cha Allys -Đấng sáng lập Dòng- là người đã nêu gương cho con cái mình bằng đời sống dâng hiến trọn vẹn. Ngài rời Pháp sang Việt Nam lúc 23 tuổi trong tư cách là linh mục của hội thừa sai Paris. Từ đó, ngài dấn thân phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam suốt cuộc đời, không một lần trở về thăm quê hương. Là vị mục tử nhân lành theo gương Chúa Giêsu, ngài luôn tận tụy với đoàn chiên, sẵn sàng sống chết giữa đoàn chiên và cho đoàn chiên mà ngài được giao phó. Trong thời điểm bắt bớ cấm cách, người ta khuyên ngài nên lánh mặt để bảo đảm mạng sống, nhưng ngài cương quyết ở lại với đoàn chiên, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy đến cho ngài. Sự dâng hiến của người cha khả kính trở nên gương sáng cho con cái mình.

Sự dâng hiến của người con Đức Mẹ Vô Nhiễm được biểu lộ qua hành vi tuyên khấn bước theo Chúa Giêsu khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Qua lời khấn, chúng ta được Hội Thánh liên kết cách mật thiết với hy lễ Thánh Thể mà hiến dâng cho Thiên Chúa chính con người chúng ta, với tất cả những gì là cốt yếu nhất làm nên một nhân vị, đó là nghị lực yêu thương, nhu cầu chiếm hữu và sự tự do định đoạt về đời mình (x. LS 50). Sự hiến dâng được tái diễn mỗi ngày, được đổi mới cách cụ thể nhờ sự hiệp thông với Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Qua đó, chúng ta dâng hiến bản thân cùng với Đức Kitô, như một hiến lễ dâng lên Chúa Cha, để tất cả cuộc sống chúng ta trở thành một hành vi thờ phượng liên lỉ. Thật vậy, khi hiệp thông với chính hy tế thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta cũng dâng tất cả vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại, và dâng chính bản thân và ý riêng mình làm của lễ để hiệp cùng Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha hầu đem lại ơn cứu độ cho chính mình và thế giới.

  • Sống đức ái cụ thể

Thánh Thể là nguồn mạch nuôi dưỡng đức ái. Việc cử hành và chiêm ngưỡng Thánh Thể hằng ngày thúc đẩy người CĐMVN thực thi đức ái cụ thể trong đời sống, để ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì người mình yêu.

Với câu châm ngôn “Dilligo omnes”, Đấng sáng lập Dòng đã trở nên “người của mọi người”. Cửa nhà ngài luôn rộng mở đón tiếp mọi hạng người cách hồn nhiên và đầy lòng kính trọng yêu mến, vì ngài mong muốn mọi người được biết Chúa, được cứu rỗi. Đó là động lực đức ái phát xuất từ lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, như chính ngài đã chia sẻ: “ngọn lửa nhiệt thành nhà Chúa đã nung đốt tâm hồn tôi” (Tv 69,19). Đây cũng là động lực thúc đẩy ngài sáng lập Hội dòng CĐMVN. Ngoài ra, đức ái của ngài còn được biểu lộ trong giờ ngài hấp hối, khi ngài lên tiếng xin lỗi các linh mục có mặt cũng như vắng mặt, và giã biệt mọi người bằng câu “Cha mến thương tất cả chúng con biết bao!” (x. TSA)

Sống đức ái cụ thể trong cộng đoàn thánh hiến là biết cúi xuống rửa chân cho nhau (x. Ga 13,12-14). Trong đời tu, chúng ta chắc chắn có nhiều lúc bị cám dỗ sống ích kỷ, chỉ biết lo cho mình, càng không thể tránh khỏi hiểu lầm, nghi ngại, tổn thương... Việc chiêm ngắm Thánh Thể giúp chúng ta cảm nghiệm tình yêu và lòng nhân từ vô biên của Chúa. Cảm nghiệm này thôi thúc chúng ta đáp trả bằng một đời sống bác ái yêu thương như Thánh Thể. Tình yêu thương chúng ta đối với người khác không phải là những lời nói nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải “chân thật và bằng việc làm”: tôn trọng và chấp nhận những khác biệt của nhau, nhìn nhận và thán phục những khả năng riêng của mỗi người, cảm thông và tha thứ cho những giới hạn và thiếu sót vụng về của nhau trong đời sống cộng đoàn, sẵn sàng chia sẻ của cải, cống hiến thì giờ và sức lực cho những ai cần đến…

Khi thực hiện được điều đó, đời tu của chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu Thánh Thể, và đời sống chúng ta được tràn đầy niềm vui.

  • Sống trong niềm vui

Sống mầu nhiệm Thánh Thể là sống trong niềm vui. Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, ĐTC Phanxicô nói đến niềm vui gặp gỡ Chúa là một niềm vui tròn đầy, siêu nhiên và luôn tồn tại: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai đón nhận quà tặng cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, ưu phiền, sự trống rỗng và cô đơn trong tâm hồn. Với Đức Kitô, niềm vui không ngừng được sinh ra”3 .

Đức Cha Allys là con người “có nụ cười luôn nở trên môi”. Ngài được con cái gọi bằng một cái tên thân thương là “vị giám mục mỉm cười”, người ngoại giáo thì gọi ngài là “ông tiên bên đạo”. Nét mặt vui tươi của ngài biểu lộ một tâm hồn lạc quan tin tưởng. Ngay cả khi phải đương đầu với những khó khăn hay khi gánh vác trách nhiệm nặng nề của vị chủ chăn, ngài vẫn “không bao giờ để cho tâm hồn mình bị đè nặng bởi những lo âu thái quá”, và “mỗi khi có điều gì khiến cho ngài ưu tư nặng lòng thì ngài hát lên”. Trong những năm tháng cuối đời, ngài bị mù cả hai mắt, ngài đã can đảm chấp nhận thánh giá trong vui tươi nhẹ nhàng vì xác tín đó là thánh ý của Thiên Chúa nhân lành. Chắc hẳn niềm vui mà Đấng Sáng Lập Dòng có được là hoa trái của một đời sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, là biểu hiện của một tâm hồn thuộc về Chúa, biết lấy Chúa là niềm vui đích thực cho cuộc đời mình.

Vui tươi là một trong những nét đặc trưng của người CĐMVN. Niềm vui này là hệ quả của một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là niềm vui của những con người có Chúa ngự trong tâm hồn. Việc gặp gỡ Chúa thường xuyên giúp chúng ta có đủ nội lực thiêng liêng để bảo tồn niềm vui cho tâm hồn giữa những trái ngang và đổi thay trong cuộc sống. Sống trong niềm vui có nghĩa là luôn thấy mình hạnh phúc vì được sống trong sự hiện diện của Chúa và cảm nhận được sự ngọt ngào của Chúa, khiến tâm hồn muốn đánh đổi tất cả để có Chúa mà không cảm thấy thiệt thòi gì, luôn thanh thoát, vui vẻ và an toàn trong Chúa.

Đặc biệt, niềm vui Thánh Thể là niềm vui của sự trao ban. Tấm bánh Thánh Thể được cầm lấy, chúc tụng, bẻ ra và trao ban, đem lại sự sống cho mọi người; cuộc đời mỗi người con Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng phải trở nên tấm bánh được Thiên Chúa cầm lấy và trao cho những ai đang cần đến. Niềm vui trao ban mà chị em có được không đến từ những thành công do tài năng và nỗ lực của bản thân mình, mà đó là niềm vui trong hy sinh, tự hủy, tự hiến, trong khiêm tốn và ân cần phục vụ cách vô vị lợi. Niềm vui ấy được biểu lộ trong cuộc sống bác ái yêu thương, ngày càng lớn lên trong tình huynh đệ, biết vui thích nhường phần hơn cho người khác, khao khát được chia sẻ hạnh phúc của mình cho tha nhân và kiến tạo hạnh phúc cho họ, vui thích khi được dấn thân trong những cộng việc khó khăn... Bởi vì chính Chúa là nguồn suối và là động lực của mọi niềm vui trong đời sống của chị em. Và như thế, một cuộc sống tràn đầy niềm vui sẽ là hương thơm lan tỏa ra chung quanh đến với mọi người.

  1. Chiêm ngắm Đức Maria Vô Nhiễm - Người Nữ Thánh Thể

Trong Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, Thánh GH Gioan Phaolô II dạy chúng ta học yêu mến Thánh Thể nơi trường học của Đức Maria, vì ngài tin tưởng rằng “Đức Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến Bí tích cực thánh này, vì giữa Mẹ và bí tích này có một mối liên hệ sâu xa”4. Thật thế, Đức Maria là người đầu tiên và người duy nhất của Tin Mừng, đã tham dự vào các biến cố chính yếu của ơn Cứu độ. Khởi đi từ biến cố truyền tin, qua lời thưa xin vâng, “Mẹ hiến dâng cõi lòng trong sạch cho Con Thiên Chúa ngự vào” (LS 22). Việc đón nhận Đức Giêsu trong cung lòng mình qua biến cố nhập thể được sánh ví như việc Mẹ đón nhận Mình và Máu hữu hình của Chúa Giêsu, cũng giống như việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể của các Kitô hữu. Như vậy, ngay từ ban đầu, Mẹ đã cưu mang Thánh Thể trong cung lòng mình và kết hợp với Thánh Thể ấy một cách sâu xa nhất. Chắc chắn rằng Thánh Thể Mẹ cưu mang mỗi ngày ấy cũng trở thành nguồn sự sống nuôi dưỡng Mẹ. Cũng chính từ giây phút ấy, cung lòng Mẹ trở thành Nhà tạm đầu tiên của Thánh Thể, và cùng với Thánh Thể, Mẹ vội vã ra đi chia sẻ niềm vui Ơn Cứu Độ cho người chị họ Êlisabeth. Những ngày sống với Chúa Giêsu tại thế, Mẹ đã sống bằng thái độ “lắng nghe tất cả và suy gẫm ở trong lòng” (x. Lc 2,19.51). Và tinh thần hiến dâng thánh thể của Mẹ được thể hiện cách tuyệt vời khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, chứng kiến cái chết đau thương của Con mình. Và cùng với Con, Mẹ cũng hiến dâng tất cả những hy sinh và đau đớn của mình như là của lễ vì ơn cứu rỗi của nhân loại. Mẹ là người đã tham dự một cách sâu thẳm nhất vào mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Quả thật, “trong tất cả cuộc sống của Mẹ, Đức Maria là một phụ nữ Thánh Thể”5.

Là CĐMVN, mỗi chị em đã được tận hiến cho Mẹ để thực sự trở nên con của Mẹ, nhận Mẹ làm mẫu mực và làm mẹ riêng mình với tất cả tình con thảo (x. LS 5). Lòng yêu mến Mẹ thôi thúc chúng ta trở nên họa ảnh của Mẹ trong đời sống. Nhờ Mẹ, với Mẹ và như Mẹ, chị em luôn khắng khít với Chúa Giêsu trong mọi biến cố của đời sống. Việc cử hành và tôn thờ Thánh Thể, đặc biệt việc rước lễ mỗi ngày phải thúc đẩy chị em gìn giữ tâm hồn trong sạch hầu xứng đáng là nơi Thánh Thể cư ngụ, đồng thời giúp chị em ý thức luôn sống trong ân sủng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự hiện diện thường hằng của Thánh Thể phải làm cho chị em yêu mến, gắn bó và nên một với Ngài hơn, làm cho chị em ngày càng mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, đến độ “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là chính Đức Kitô đang sống trong tôi” (Gl 2,20). Ngoài ra, Thánh Thể chúng ta cưu mang trong lòng luôn thôi thúc chị em lên đường gặp gỡ người khác, để chia sẻ chính Đấng mà mình cưu mang. Được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể và được Đấng là Tình Yêu chiếm hữu, chị em trở nên chứng tá sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa trong môi trường sống. Bằng sự dấn thân, bằng cung cách phục vụ, bằng tình yêu thương đối với mọi người và với niềm vui luôn rạng ngời trên gương mặt, chị em giúp người khác nhận ra gương mặt trìu mến của Thiên Chúa Tình Yêu.

Là con Đức Mẹ Vô Nhiễm, chị em luôn ngước nhìn lên Đức Maria là Mẹ, là Thầy, là mẫu mực và trung gian của mỗi người trong tương quan với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đến với Mẹ Maria và nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu là sáng kiến tuyệt vời của thánh Grignon de Monfort và thánh Gioan Phaolo II. Đó cũng chính là “lộ trình” của mỗi người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Nguyện xin Thánh Thể trở nên nguồn sống và là lẽ sống của mỗi người chúng ta, để khởi đi từ Thánh Thể, chúng ta tiếp tục góp phần xây dựng Giáo Hội ngày càng xinh đẹp, phản chiếu gương mặt của Đức Kitô, Đấng đã tự nguyện hiến dâng mạng sống hầu thế gian được sống và sống dồi dào. Ước mong Thánh Thể luôn là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình ơn gọi của mỗi người CĐMVN bước vào trăm năm thứ hai...

Nt. M. Catarina Tâm Anh, FMI

1 Tông Huấn Sacramentum Caritatis, số 94.

2 Bài Giáo lý về Bí Tích Thánh Thể 2014.

3 Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 1.

4 Thông Điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, số 53.

5 Sđd, số 53.