Sống Năm Thánh: sống hiệp thông với Chúa và anh chị em

Tĩnh tâm tháng 4 Bài 7: Sống Năm Thánh: sống hiệp thông với Chúa và anh chị em Lời Chúa:  “… để họ nên một như chúng ta là một” (Ga...


Tĩnh tâm tháng 4

Bài 7: Sống Năm Thánh: sống hiệp thông với Chúa và anh chị em

Lời Chúa“… để họ nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22)

Năm Thánh là thời gian đặc biệt để sống tình hiệp thông trong Hội Dòng, trong môi trường dâng hiến.

Trong Năm Thánh nầy, chúng ta, tay trong tay, như những viên đá sống động xây dựng Nhà Thiên Chúa là Giáo Hội địa phương mà tảng đá góc là chính Chúa Kitô, cho tương lai. Để thực hiện công việc này, chúng ta hãy thi hành ý niệm cơ bản mà Giáo Hội dạy cho mỗi người: đó là sống hiệp thông.

1 - Thế nào là hiệp thông?

Hiệp thông không phải chỉ là tụ họp bên cạnh nhau, sinh hoạt, ăn uống chung với nhau. Ở chợ người ta tụ họp, buôn bán, trao đổi, ăn uống bên nhau nhưng nào có tinh thần hiệp thông thực sự?

- Hiệp thông cũng không phải chỉ là sự liên kết giữa tôi và anh vì tôi cần đến anh để làm việc, cần dựa vào nhau để mà sống, để phục vụ cho một lý tưởng. Đây có thể là sự đoàn kết mà người ta hay đề cao: “đoàn kết là sức mạnh” nhưng vẫn chưa phải là tình hiệp thông thực sự. Hình ảnh của chiếc xe đạp với các phụ tùng như: căm, niềng, xích, bàn đạp, tay lái…được nối kết với nhau để cho chiếc xe đạp có thể di chuyển về một hướng. Tuy nhiên, nếu cái xích nó đứt, cái căm nó gẫy, cái bánh xe bị bể thì xe dừng lại, nhưng các bộ phận khác cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy, thay thế cái mới và thế là chiếc xe đạp có thể chạy tiếp.

2 - Hiệp thông trên nền tảng Thiên Chúa Ba Ngôi

2.1 Sống Hiệp thông là khi chúng ta sống trong tương quan mật thiết với Chúa Kitô và với nhau. Sự hiệp thông này phát xuất và đặt nền tảng trên sự hiệp thông thần linh của Ba Ngôi. Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp thông trọn vẹn đến nỗi nên một, vì Ba Ngôi yêu thương tuyệt đối: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Ba Ngôi Thiên Chúa là “sự Hiệp thông Tình yêu” sâu xa đến nỗi không còn là Ba, mà là Một. Chúng ta chỉ có một Thiên Chúa, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các ngôi vị hướng về nhau, đến với nhau, gắn bó với nhau, tự hiến cho nhau, ở trong nhau và nên một với nhau.

Giáo Hội được sinh ra bởi “Tình yêu Ba Ngôi”, sống trong Tình yêu ấy, nhờ Tình yêu ấy và cho Tình yêu ấy. Giáo Hội bắt nguồn từ mầu nhiệm “Hiệp thông Ba Ngôi” và hành trình hướng về sự “Hiệp thông Ba Ngôi”.

Như vậy, chúng ta chỉ hiệp thông với nhau như Ba Ngôi khi biết thương yêu nhau.

2.2 Khi còn là Hồng y, Đức Bênêđictô XVI dùng hai từ vắn gọn và dễ hiểu để giúp ta xác định nội dung đích thực của hiệp thông trong đời sống Giáo Hội: Từ bên trên và từ bên trong.

Từ trên xuống (thay vì từ dưới lên), nghĩa là hiệp thông trước hết là hồng ân Thiên Chúa ban chứ không phải do nỗ lực của con người. Trong lịch sử nhân loại, đã nhiều lần con người đề xướng xây dựng một thế giới hiệp thông (đại đồng) bằng chính nỗ lực của con người và loại trừ Thiên Chúa ra bên ngoài; thế nhưng lịch sử làm chứng rằng những nỗ lực đó chỉ đưa đến thất bại.

Từ trong ra (thay vì từ ngoài vào) nghĩa là sự hiệp thông đích thực phải phát xuất từ trái tim con người. Nếu chỉ là sự hiệp thông từ bên ngoài áp đặt, có lẽ nhà tù và trại giam là những địa điểm lý tưởng của hiệp thông vì ở đó, người ta giống nhau từ cơm ăn, áo mặc đến giường nằm! Nhưng thực ra, đó không phải là hiệp thông mà chỉ là sự đồng hoá phi nhân nhất khi mỗi con người chỉ còn là một con số chứ không phải một nhân vị.

2.3 Hiệp thông đích thực chỉ có thể có từ bên trong khi con người đến với nhau bằng tất cả tự do và trách nhiệm, và sự hiệp thông ấy được khơi nguồn từ sự hiệp thông với Thiên Chúa: chính sự hiệp thông với Chúa là nền tảng và điều kiện của mối hiệp thông đích thực giữa các tín hữu với nhau. Để có sự hiệp thông đích thực trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ hay dòng tu cũng như trong Giáo Hội, mỗi người cần củng cố mối hiệp thông với Thiên Chúa; đồng thời mỗi người trong gia đình và cộng đoàn phải hướng về Chúa như tâm điểm và mục đích.

Trong thực tế, nhiều khi ta hô hào sự hiệp thông nhưng lại hàm nghĩa phải lấy tôi làm trung tâm và phải giống như tôi… cho nên mãi mãi chẳng có hiệp thông. Có thể mượn cách diễn tả của Antoine de St-Exupery ở đây: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau nhưng là cùng nhìn về một hướng”. Khi tất cả chúng ta đều có Chúa là tâm điểm và cùng đích, thì ta mới được hiệp thông với nhau cách sâu xa và trọn vẹn.

3 - Người thánh hiến là "những chuyên viên thực sự về hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông, kiến tạo kế hoạch hiệp thông."

Huấn thị XPLTĐK 28 viết: "Toàn thể Giáo Hội mong chờ một đóng góp minh bạch từ phía đời sống thánh hiến bởi vì ơn gọi đặc biệt của bậc sống ấy là sống hiệp thông trong tình yêu."

Trong Tông thư "Ngàn Năm Mới" chúng ta đọc: “Những người thánh hiến được yêu cầu trở thành những chuyên viên thực sự về hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông như những chứng nhân và những người kiến tạo kế hoạch hiệp thông, đỉnh cao của lịch sử nhân loại theo ý muốn của Thiên Chúa” (Apostolic Letter "Novo Millennio Ineunte" (6 January 2001), 43.)

Hơn thế nữa, chúng ta được nhắc nhở rằng một trong các nhiệm vụ của đời sống thánh hiến hôm nay là “khai triển linh đạo hiệp thông", trước tiên trong chính cộng đoàn của họ, kế đến trong cộng đồng Giáo hội, và vượt cả biên giới này nữa, bằng cách kiên trì theo đuổi cuộc đối thoại bác ái, nhất là tại những nơi hiện đang bị xâu xé bởi sự hận thù chủng tộc hay nạn bạo lực điên rồ. Đó là một nhiệm vụ cần đến những con người thiêng liêng được Thiên Chúa nắn đúc bên trong bằng sự hiệp thông tràn đầy tình yêu và lòng thương xót, và những cộng đoàn trưởng thành nơi đó linh đạo hiệp thông là luật sống.

4 - Thực hành linh đạo hiệp thông

4.1 Hiệp thông với Đấng Bản Quyền.

“Bản quyền” được hiểu là Giám mục Giáo phận. Ngài là biểu tượng đầu tiên của mối hiệp thông. Đồng thời, qua ngài, bản chất hiệp thông của Hội Thánh tỏ hiện rõ ở trong Giáo Hội địa phương .

Trong “Xuất phát lại từ Đức Kitô”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi mỗi người hãy định vị mình trong cái tổng thể lớn hơn này, đó là đại gia đình Giáo Hội để nhận ra đoàn sủng đã trở nên đặc sủng của Dòng mình. Những người tận hiến đừng quên quảng đại cộng tác với Hội Thánh địa phương, theo khả năng của họ và tôn trọng đoàn sủng. Họ hoạt động trong tinh thần hiệp thông trọn vẹn với Giám mục ở các lãnh vực loan báo Tin mừng, huấn giáo, sinh hoạt giáo xứ.” (Thánh Gioan Phaolô II, th. Christifideles laici, 30/12/1988, 31-32).

Khi mình chỉ co cụm lại trong sinh hoạt cộng đoàn mà quên đi nhịp sống mục vụ của Giáo phận nơi mình có cơ sở, thì đó là dấu hiệu thiếu hiệp thông. Ý thức mình là một phần trong Thân Mình của Chúa Kitô, nên thương nhau: thương anh chị em trong nhà, thương môi trường xung quanh, thương đến nhịp sống chung của Giáo phận: ở đó, mình có thể chung vui khi thành công, cảm thông khi thất bại, đi lại khi cần và luôn gần ngay cả trong những khi cùng cực nhất. Chia sẻ với nhau từ trái tim đến trái tim.

4.2 Hiệp thông trong cộng đoàn Dòng tu.

- Trong Tông thư gửi ĐSTH năm 2015, ĐTC Phanxicô viết: "Tình hiệp thông được thể hiện trước tiên ở trong mỗi cộng đoàn của Hội Dòng. Về điều này, Cha mời gọi các con hãy đọc lại các bài phát biểu của Cha, trong đó Cha không mệt mỏi lặp lại rằng, các chỉ trích, các lời tâng bốc, các ghen tương, tị hiềm, các cách chống ngược lại nhau, là các thái độ không có quyền ở lại trong nhà của các con. Nhưng, đem ra tiền đề này, hành trình đức bác ái mở ra trước chúng ta hầu như vô tận, bởi vì đó là việc đi tiếp theo, với sự đón nhận và sự chú ý lẫn nhau, thực hành tình hiệp thông về các của cải vật chất và thiêng liêng, việc sửa lỗi cho nhau, việc kính trọng những người bé nhỏ nhất... Đó là "huyền nhiệm" của việc sống với nhau", đó là điều làm cho cuộc sống của chúng ta "thành một cuộc hành hương thánh thiện" (Evangelii Gaudium - (24 November 2013), 87)

- Một số người, tự nhiên ngay bước đầu gặp gỡ đã có thiện cảm, trong khi một số khác, phải đi từ hai đến ba bước mới hiểu được thiện ý. Do đó, cần khám phá những điểm đẹp nơi nhau để dễ dàng xây dựng hạnh phúc đời tu. "Linh đạo hiệp thông cũng bao hàm khả năng nhìn thấy những gì tích cực nơi người khác, đón nhận và khen ngợi điều đó như là một hồng ân Thiên Chúa ban, và biết dành một chỗ cho người khác, bằng cách mang gánh nặng cho nhau." (XPLTĐK 29) .

- Sống tình hiệp thông như thế đòi hỏi nhiều hy sinh và lòng đại lượng. Cần biết chấp nhận và kính trọng các vai trò và trách nhiệm của nhau. Cộng đồng Taizé có quy luật sau đây cho mọi thành phần của mình: "Con không được so sánh giữa con với những anh chị em khác trong khi thi hành công việc của con. Con phải biết chu toàn vai trò của mình với tinh thần đơn sơ, vì nó luôn cần thiết trong sứ mệnh làm chứng nhân của cả cộng đoàn" (Quy Luật Taizé, Morcelliana, Brescia, 1967, trg 33-35).

Thánh Louis Gonzaga là một tu sĩ dòng Tên sống đời trinh khiết, siêu việt như thiên thần. Tuy nhiên, vì vẫn là con người, nên ngài không thể không cảm thấy thấm thía những thánh giá do đời sống cộng đoàn gây ra. Đó là những xích mích, va chạm không làm sao tránh khỏi, và ngài đã chấp nhận vác lấy cách khiêm tốn, vui tươi, coi đó là một dịp đền tội, như lời ngài nói: “việc đền tội lớn nhất của tôi là đời sống cộng đoàn" (Mea maxima poenitentia, vita communis).

Trong đời sống cộng đoàn, nhiều lúc chúng ta cũng gặp phải những con người khó tính như vậy. Nhưng cần phải hiểu rằng, là con người, đầy những yếu đuối và bất toàn, lúc khoẻ lúc đau, lúc mạnh lúc yếu, lúc vui lúc buồn. Cần phải thông cảm, nhún nhường, nhịn nhục, chịu đựng lẫn nhau, thông cảm lẫn nhau.

- Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần 19-6-2013, ĐTC Phanxicô nói: “Sự hiệp nhất cao hơn các xung khắc. Sự hiệp nhất là một ơn mà chúng ta phải xin với Chúa, để Người giải thoát chúng ta khỏi các cám dỗ chia rẽ, các chiến đấu giữa chúng ta và các ích kỷ, bép xép mách lẻo. Các bép xép gây ra biết bao nhiêu đau đớn! Biết bao nhiêu đau đớn phải không? Biết bao sự dữ! Đừng bao giờ bép xép về người khác: đừng bao giờ.

4.3 .Hiệp thông với môi trường dâng hiến.

- Chia rẽ là một gương mù và cản trở lớn nhất, thế nên “hiệp thông” đã trở thành lời gọi cấp bách hơn cả bao giờ. “Như vậy, trong Giáo Hội, có một sự khác biệt, một sự khác nhau về bổn phận và nhiệm vụ; không có sự đồng nhất bằng phẳng, nhưng có sự phong phú các ơn mà Chúa Thánh Thần phân phát.

Tuy nhiên, có sự hiệp thông và hiệp nhất: tất cả đều có tương quan với các người khác và tất cả đều đồng quy về việc làm thành một thân thể sống động duy nhất, gắn liền với Chúa Kitô một cách sâu xa. Chúng ta hãy nhớ rõ điều này: là thành phần của Giáo Hội, có nghĩa là kết hiệp với Chúa Kitô và nhận được từ Người, sự sống thiên linh khiến cho chúng ta sống như Kitô hữu, có nghĩa là hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng và các Giám Muc, là các dụng cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông, và cũng có nghĩa là học hỏi và thắng vượt các khuynh hướng cá nhân và các chia rẽ, hiểu biết nhau nhiều hơn, hòa hợp các khác biệt và các phong phú của từng người; tắt một lời, là yêu mến Thiên Chúa và những người sống gần chúng ta, trong gia đình, trong giáo xứ, trong các hội đoàn. Để có thể sống được thì thân mình và các chi thể phải hiệp nhất." (buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần 19-6-2013)

Kết

Trích thư MỪNG NĂM THÁNH 100 NĂM THÀNH LẬP DÒNG của chị M. Têrêsa Phạm Thị Bích Thủy, Bề trên Dòng CĐMVN:

"Mở rộng hiệp thông. Huấn thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô nhắc nhở rằng ơn gọi đặc biệt của đời sống thánh hiến là sống hiệp thông trong tình yêu (số 28). Quả vậy, chúng ta được định nghĩa là những “chuyên viên hiệp thông” (ĐSTH 46), được mời gọi “khai triển linh đạo hiệp thông” trước tiên trong chính cộng đoàn mình, kế đến là cộng đồng Giáo Hội và vươn xa đến những bến bờ xa lạ khác. Hội Nghị Dòng thứ 20 đã đi đúng hướng của Thánh Thần khi thúc đẩy chúng ta xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn, vun trồng niềm vui thánh hiến, quan tâm cầu nguyện và thăm hỏi nhau, đặc biệt nhắc nhở chúng ta sẵn sàng cộng tác với nhau và với người khác trong khi thi hành sứ mạng.

Ước mong rằng năm thứ 100 của Hội Dòng mở ra cho chúng ta hàng trăm nẻo đường để đến với chị em trong cùng cộng đoàn, cùng Hội Dòng; và trải rộng ra đến các thành phần khác trong Giáo Hội và xã hội.

Chớ gì qua Năm Thánh, chúng ta cộng tác tích cực và hài hòa hơn nữa với các thành phần dân Chúa và xóm làng, địa phương. Đó là dấu chỉ của sự hiệp thông ở tầm mức vi mô đến vĩ mô. Xin Thiên Chúa của sự hiệp thông chúc lành và dẫn bước chúng ta."

Lm. Đaminh Phan Hưng