Vị mặn

Tôi suy nghĩ về cuộc đời của những người sống đời thánh hiến, cũng giống như là những hạt muối để ướp mặn cho cuộc sống này vậy...


Nói đến vị mặn chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến muối. Muối! Nhắc đến nó thì chắc ai trong chúng ta cũng biết và hiểu rất rõ từ bản chất cũng như nguồn gốc, công dụng, đặc điểm, bởi lẽ nó đã quá quen thuộc và luôn có sẵn trong từ điển của mỗi người. Ta có thể gặp muối ở bất kỳ nơi đâu và dưới mọi trạng thái. Thật vậy, muối là loại khoáng chất bình thường nhưng thực ra muối lại đa dụng, có vị trí quan trọng trong đời sống chúng ta, vì hằng ngày chúng ta sử dụng muối không chỉ để chế biến các món ăn làm cho thức ăn thêm đậm đà hương vị mà còn làm nhiều việc khác. Muối được dùng để bón cho cây cối khiến cây cối trổ xanh tươi tốt, muối là một phần không thể thiếu của dinh dưỡng, muối là một phần không thể thiếu của sự sống.

Mỗi hạt muối là một công trình. Để có được một hạt muối, cần đi qua một tiến trình dài. Hạt muối là sản phẩm tinh túy được kết đọng từ nước mặn, dưới tác động của gió biển và nắng trời. Hạt muối nào cũng được tách lọc từ giữa những hỗn tạp của đại dương. Nếu không được rút ra khỏi thế giới quanh mình, muối chỉ là một phần tử vô danh tan biến giữa lòng một đại dương nhiều tạp chất.

Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu cũng đã từng nói: “Anh em là muối cho trần gian” (Mt 5,13). Là Kitô hữu, chúng ta có được hồng ân là nhận biết Thiên Chúa, đồng thời ta cũng được mời gọi trở nên muối để ướp mặn cho đời. Là muối, nghĩa là được mời gọi để trở nên một điều gì đó đặc biệt cho thế giới này; làm muối cho đời, nghĩa là làm cho môi trường sống của mình thêm “mặn mà” tình bác ái và yêu thương. Thế giới hôm nay đang vươn lên một tầm cao mới, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ vượt bậc, đời sống con người được cải thiện và nâng cao, nhưng bên cạnh đó cũng kéo theo những hệ lụy không nhỏ cho từng cá nhân trong xã hội. Những xu hướng sống không lành mạnh, con người sống vô cảm với nhau, chạy theo lợi lộc vật chất, trào lưu hưởng thụ, các tệ nạn xã hội như nghiện ngập, trộm cướp… Giữa một thế giới tầm thường như vậy, chúng ta luôn được mời gọi để sống không tầm thường. Sống trọn vẹn chức năng của người Kitô hữu, mỗi người chúng ta phải trở nên một hạt muối ướp cho cuộc đời không hư hoại.

Tôi suy nghĩ về cuộc đời của những người sống đời thánh hiến, cũng giống như là những hạt muối để ướp mặn cho cuộc sống này vậy, tuy hiện diện âm thầm, nhỏ bé nhưng rất có giá trị. Chúa Giêsu đã đến và sống giữa trần gian như một hạt muối. Chúa Giêsu mời gọi những người môn đệ của mình chia sẻ ơn gọi ấy, để thế giới này luôn được ướp mặn bởi những hạt muối. Tu sĩ là hạt muối yêu thương giữa nhiều đố kỵ ghanh ghét, là hạt muối vị tha giữa nhiều cố chấp hận thù, là hạt muối hiệp nhất giữa nhiều ngăn cách chia rẽ, là hạt muối hiền hòa giữa một cuộc sống dữ tợn hung hăng, là hạt muối trung thực ngay chính trong môi trường còn nhiều giả dối, gian trá… Một ơn gọi đặc biệt, nên vị mặn cũng theo kiểu đặc biệt. Người ta sống cho chính mình, cho người mình thương mến, nhưng “muối tu sĩ” phải sống cho người khác, sống vì người khác, dù là đó là những con người hoàn toàn xa lạ, không quen biết. Muối chỉ còn có giá trị khi biết hòa tan, khi còn vị mặn nên nếu muối ra nhạt thì chẳng đáng gọi là muối, vì chẳng ướp được gì nữa. Cuộc đời của chúng ta cũng vậy để duy trì “chất muối” nơi ta, ta hãy luôn bám chặt vào Chúa là nguồn tình yêu sẽ ướp mặn ta, cho ta ngày càng là hạt muối mặn tình thương có thể ướp mặn tha nhân.

Bạn thân mến! Tôi và bạn, chúng ta đều được mời gọi trở thành “muối” để ướp mặn cho trần gian: “muối mặn làm cho đời mặn mà, muối mặn làm cho đời dễ thương”, đừng để muối nhạt “thì chỉ đem đổ ra ngõ để cho mọi người đưa chân dẫm đạp lên”. Vậy ta hãy sống sao cho ý nghĩa từng giờ từng phút như Chúa mong muốn. Mỗi chúng ta đều phải mang chút muối trong lòng mình, và không dừng lại ở việc chỉ có muối, tôi còn phải đem muối ấy ra ướp mặn nơi tha nhân, ảnh hưởng tốt với chính những người trong gia đình, giáo xứ, cộng đoàn của tôi. Tôi phải luôn sống yêu thương, hòa thuận và không ngừng vun đắp tình yêu nơi mình mỗi ngày, kẻo một ngày kia, muối hết mặn, tâm hồn trở nên chai đá thì: “lấy gì ướp cho mặn lại?”.                                                                                                                       

M. Catarina Bích Thảo (Kinh viện), FMI