Ấm áp tình người

Một chuyến ra đi đầy ý nghĩa và ấm áp, chị em tôi đem yêu thương đến với tha nhân để rồi nhận lại nhiều hơn những gì đã cho đi, đặc biệt là những cảm nghiệm rất thiêng liêng "trong người nghèo luôn hiện diện một Đức Kitô chịu đóng đinh".


Được sự mời gọi của Chị Giáo trong ngày Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, tôi cùng với chị em lên đường, ra đi đến vùng ngoại biên để gặp gỡ và đụng chạm tới những phận đời bất hạnh đang cần sẻ chia...

Mặc cho cái nắng gay gắt những ngày đầu của tháng tư, chị em tôi bon bon trên chiếc xe đạp – đi như những người nghèo đến để thăm viếng những người nghèo hơn. Hành trang mang theo không gì nhiều ngoài gương mặt luôn rạng rỡ nụ cười và những món quà nho nhỏ để gửi đến những người mà chúng tôi sẽ gặp gỡ. Khi ra đi đến với người nghèo, bất chợt tôi nhận ra rằng, chỉ cần mở cửa lòng mình, đi thật chậm, quan sát thật sâu sẽ thấy chật cứng quanh mình những phận đời cúi mặt đang cần một bàn tay nắm. Bên lề xã hội có vô vàn những con người đang cần lắm một bàn tay đến để nắm chặt, để ủi an, cảm thông và nâng đỡ. Và thật lạ rằng, người nghèo họ chẳng dám đưa tay ra trước, chỉ khi ta chủ động nắm lấy tay họ thì ta sẽ nhận được những cái siết tay thật chặt và giọt nước mắt lăn dài. Và mỗi khi gặp họ, dường như tôi chẳng còn đóng vai trò là một người đến để sẻ chia nhưng là để nhận lại, tôi nhận được rất nhiều bài học từ người nghèo, nhận ra rằng mình thật may mắn và mình cần trao đi nhiều hơn nữa sự tử tế và tình yêu thương hệt như mẫu gương của người Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu đã yêu cho đến cùng.

Là một Thanh tuyển sinh đang từng ngày tìm hiểu Đức Giêsu để tiếp bước theo Ngài, tôi cũng mong muốn được nên giống như Ngài. Vì thế, động lực đi đến với người nghèo của tôi đó là noi gương Đức Kitô đã hiến mình vì yêu. Dẫu vậy, tôi cũng có những rào cản cần phải vượt qua, liệu tôi có can đảm và mạnh dạn đưa đôi bàn tay của mình ra để nắm lấy tay họ hay không? Bàn tay đầy cáu bẩn và già nua của bà cụ già lượm ve chai, bàn tay chi chít những “bông hoa” của cô bé mắc hội chứng Down hay bàn tay co quắp của một chú trung niên bị tai biến đã 12 năm. Tất cả những đôi bàn tay ấy làm cho tôi có cảm giác ngại ngần khi nắm lấy, có lẽ vì tôi thực sự chưa quen và có cảm giác sờ sợ khi nắm lấy những người có vẻ khác mình. Nhưng việc vượt qua những rào cản ấy không làm tôi cảm thấy quá khó khăn, khi tôi chăm chỉ lắng nghe họ trải lòng, những câu chuyện về đời, về người làm tim tôi thắt lại. Tôi thương cho bà cụ già đã ngoài 70 mà ngày ngày vẫn đi lượm ve chai để nuôi nấng đứa cháu nhỏ tàn tật, thương cho chú trung niên đang hạnh phúc với cuộc sống hiện tại thì bất chợt bệnh tật đến làm chú phải lay lắt suốt quãng đời còn lại. Nhưng điều làm tôi đặc biệt chú ý, đó là dù cho hoàn cảnh có éo le nhưng tôi chẳng thấy họ buông lời trách cứ số phận hay những người đã gây tổn thương đến cho họ. Họ chỉ trải lòng bằng một giọng điệu đều đều, hệt như đang tua lại thước phim của cuộc đời, dù cho người nghe là bản thân tôi cảm thấy rất xót xa. Họ đón nhận những điều khốc liệt ấy với một thái độ hết sức bình thản. Điều đó cho tôi một bài học đắt giá về cách mà tôi đáp trả những điều trái ý trong cuộc sống.

Một chuyến ra đi đầy ý nghĩa và ấm áp, chị em tôi đem yêu thương đến với tha nhân để rồi nhận lại nhiều hơn những gì đã cho đi, đặc biệt là những cảm nghiệm rất thiêng liêng "trong người nghèo luôn hiện diện một Đức Kitô chịu đóng đinh". Hẳn rằng những người mà tôi gặp gỡ hôm nay chỉ là số ít trong vô vàn những phận đời bất hạnh. Ước mong, những con người ấy sẽ gặp được nhiều những tấm lòng biết sẻ chia để họ cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương của tình người trong cuộc đời này.

Thanh tuyển, FMI