Ý nghĩa của phận người

Ý nghĩa của phận người là ở đó, chúng ta sẽ đi về đâu, về với ai sau cái chết nếu không phải là về với Đấng là nguồn cội của tình yêu, nguồn gốc của chính sự sống chúng ta.


Cuộc sống không ngừng đổi thay, thời gian trôi qua không đợi chờ ai. Trong dòng thời gian ấy, con người hiện hữu tựa như bông hoa sớm nở đêm tàn. Ai cũng có một cuộc đời để sống, một cuộc đời là khoảng thời gian Thiên Chúa tặng ban để mỗi người hoàn tất sứ mạng của mình trong thế giới này. Nhưng mấy ai hiểu được ý nghĩa cuộc đời để sống tròn đầy từng phút giây. Khắc khoải về sự ngắn ngủi của đời người được tác giả sách Thánh vịnh diễn tả: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, nhưng phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” ( Tv 89,10) 

Tháng 11 lại về mang theo những cơn gió se lạnh của trời đông, những chiếc lá vàng cuối thu thay nhau rơi rụng, làm ta nghĩ đến phận người, nghĩ đến những người đã khuất. Đó là những người thân yêu, bạn bè hay chỉ là người mà ta đã từng quen biết.. nghĩ đến họ trong lòng ta có chút buồn, chút nhớ, chút thương…nhưng cũng đầy hy vọng. Đối với những người Kitô hữu, tháng 11 là một cột mốc đánh dấu sự gợi nhớ đến Mầu nhiệm các Thánh thông công. Đó là mối giây liên kết giữa những người còn sống, cũng như đã qua đời. Đây còn là điểm dừng để mỗi người Kitô hữu nhìn lại bổn phận của mình, những người còn sống đã cầu nguyện và nhớ đến các linh hồn hay chưa? Hay là những tháng ngày bận rộn với quá nhiều công việc, ta để các linh hồn cô đơn, đợi chờ mãi một chút ân điển của ta, đơn giản chỉ là một lời cầu nguyện, một lời kinh.

Tháng kính nhớ các đẳng linh hồn không chỉ cho ta nghĩ về những người đã qua đời. Nhưng còn là cơ hội để ta nhìn lại chính bản thân ta, những người còn cơ hội hiện hữu trên đời phải sống làm sao và sống như thế nào. Vì thế, sách Thánh vịnh cũng dạy ta cách thức để sống sẵn sàng và khôn ngoan “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 89,12). Để khi ta trở về với “nguồn cội tình yêu” cuộc đời ta cũng chan chứa niềm vui và tình yêu vì mình đã sống thật sự căn tính của chính mình là hình ảnh của Thiên Chúa trong thế giới này là bác ái, yêu thương, trách nhiệm, bao dung, tha thứ… với tha nhân là những người ta đã được sống cùng, sống với. 

Niềm tin vào mầu nhiệm Chúa Phục sinh cho người Kitô hữu tin rằng cái chết không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ nhưng nó chỉ là một cuộc biến đổi, một hành trình tiến về một nơi mà chúng ta hằng mong ngóng đợi chờ. Chính Chúa Giêsu đã trải qua kinh nghiệm khổ nạn và Phục sinh để chúng ta có thể xác tín rằng chính Ngài đã chiến thắng sự chết và mời gọi chúng ta: “can đảm lên, Thầy đã thắng thế Gian” (x. Ga 16,33). Như thế, sự chết là cửa ngõ bước vào sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến người, lắng nghe và tuân giữa lời người. “Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ ngươi" ( x. Mt 25,21).

Ý nghĩa của phận người là ở đó, chúng ta sẽ đi về đâu, về với ai sau cái chết nếu không phải là về với Đấng là nguồn cội của tình yêu, nguồn gốc của chính sự sống chúng ta. Đó là điều mà Thánh Augustino đã khắc khoải khi nói: “Chúa dựng nên con cho Chúa và lòng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa (Tự thú, I,1). Nơi đó, chúng ta được nghỉ yên, nơi đó, chúng ta được hạnh phúc và được chiêm ngưỡng dung nhan của Đấng mà chúng ta hằng mong ước, đợi trông.

Bạn và tôi hãy làm điều gì đó trong tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn để cuộc đời ta thêm phần ý nghĩa.

M. Cat. Nguyễn Thị Tâm (Khấn tạm), FMI