Tri ân

Tháng 11, người tín hữu ở khắp nơi hướng lòng về những bậc sinh thành đã khuất, để thắp lên nén hương lòng tưởng nhớ, tri ân với niềm biết ơn sâu xa.


Lang thang quanh khuôn viên Dòng một chiều vắng, tôi dừng lại bên những ngôi mộ đã được chăm sóc mỗi ngày. Lòng hướng về linh hồn quý chị tiền bối, nhớ lại câu nói được lưu truyền từ lâu: “Sống ở đây có khi cũng cực, mà chết ở đây thì thật dịu dàng…”

Tháng 11, người tín hữu ở khắp nơi hướng lòng về những bậc sinh thành đã khuất, để thắp lên nén hương lòng tưởng nhớ, tri ân với niềm biết ơn sâu xa. Tháng 11, thời tiết xứ Huế mưa thâm trầm, cái lạnh đầu mùa theo đó tràn vào, len lõi khiến không ít người ngại ngùng đến viếng thăm những nơi lạnh lẽo như thế. Dầu vậy, lòng hiếu kính đối với ông bà cha mẹ và những người thân yêu đã khuất vẫn đậm sâu trong tâm thức của mỗi người con đất Việt.

Vâng, câu nói trên phần nào rất đúng khi nghĩ về cuộc đời của những tu sĩ. Đời tu là gì nếu không phải là bước theo Chúa Kitô vác thập giá? Đời tu bên ngoài, nhìn ai cũng thanh thản, vô tư, bình an. Người tu sĩ không phải bon chen, lo lắng sự đời. Người tu sĩ cũng chẳng phải tranh đấu hơn thua… Thế nhưng, tu sĩ vẫn là con người, còn đó nhiều yếu đuối, mong manh của bản thân, còn đó tâm tư tận sâu kín trong tâm hồn. “Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi không muốn tôi lại làm… Khi tôi muốn làm sự thiện thì sự ác xuất hiện ngay, và hai bên kình địch nhau…”(x Rm 7, 15-21 ). Đó chẳng phải là một sự dằn co nội tâm sao? Một sự chiến đấu ngay nơi chính bản thân mình. Chiến đấu khi chọn lựa giữa ý Chúa và ý riêng mình. Cực lòng khi bản thân trầy lên trượt xuống với những chọn lựa. Và tôi nghĩ đó chính là: “Sống ở đây có khi cũng cực…”

Câu nói trên cũng chất chứa một nỗi khao khát, ước mơ thuộc trọn về Chúa và sống chết trong Hội dòng. Mà đúng thật là thế. Nhìn những ngôi mộ khắc tên Đức Cha Tổ Phụ, Cha Bề trên Tiên khởi cùng các chị tiền bối, tôi biết rằng, một lần cất bước rời xa quê hương, rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, các ngài từ bỏ tất cả để sống và chết cho Thiên Chúa và Hội dòng. Thành kính cúi đầu trước Đấng Tổ Phụ cùng quý chị tiền bối, tôi nhớ về những trang sử của Hội dòng, nơi đó lưu dấu bao kỷ niệm của những ngày đầu tiên.

Một trăm năm không phải là thời gian vô hình. Công trình mà Đấng Sáng lập cùng quý chị tiền bối dựng xây, vẫn sống động, hữu ích và còn tiếp diễn thêm nữa. Nói sao hết, kể sao tường những vất vả, nỗi trăn trở vẫn hằng canh cánh bên lòng của Đức Cha. Những thiếu thốn, lo âu khi quý chị cùng nhau trải qua những năm tháng đầy biến động của chiến tranh, loạn lạc, mất nhà cửa…

Tưởng nhớ về nguồn cội, là thêm một lần tôi được nhắc nhở sống tâm tình biết ơn. Đúng thế, cúi đầu trước các ngôi mộ dường như bất động đấy thôi, nhưng lại gợi lên trong tôi nhiều tâm tư tình cảm không thể diễn tả hết thành lời. Để rồi, “Chết ở đây thì thật dịu dàng” là thế đó. Sau một đời theo Chúa, một đời âm thầm sống hết mình cho Giáo hội, cho Hội dòng, những bậc tiền bối đã an nghỉ thật dịu dàng. Trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

Những bậc tiền bối có lẽ không nhìn thấy được thành quả những công khó mà mình đã gầy dựng năm xưa. Nhưng các ngài tin tưởng, phó thác vào tình yêu ngàn đời của Thiên Chúa, các ngài nối theo nhau qua từng lớp thế hệ. Nhờ vậy, cây hoa Phú Xuân cứ thế trổ sinh cành lá xum xuê, hoa trái lớn dần theo thời gian.

Tôi, người con được sinh ra, lớn lên từ nhựa sống của cây Hoa Phú Xuân ấy, tôi được chắp nếm, thưởng thức bao sự ngọt ngào của thế hệ cha ông để lại. Và như thế, tôi lớn lên trong đặc sủng và linh đạo Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Phía sau tôi là đàn em cũng đang lớn dần, từng ngày tìm kiếm Thiên Chúa trong Hội dòng.

Tháng 11, chúng tôi được cùng nhau lang thang mỗi ngày đến Đất Thánh, điều trước tiên vẫn là cầu nguyện cho tổ tiên, và rồi cùng nhau nghĩ suy về nguồn cội, cùng nhau kiếm tìm để tiếp tục giữ gìn và phát huy những gia sản thiêng liêng mà Đấng Sáng lập cùng quý chị tiền bối để lại.

Cảm tạ Chúa đã thương cho mỗi chúng con được làm môn đệ Chúa. Chúng con được giáo dục và từng ngày lớn lên trong lòng Hội dòng. Là hậu sinh, chúng con tri ân quý chị tiền bối. Chúng con biết ơn và nguyện tiếp tục giữ gìn, làm cho sống lại những công trình thiêng liêng ấy qua các thế hệ.

Nt. M. Cat Nguyễn Thị Nhạn, FMI