Tiếng gọi nào cho em

Các bạn trẻ có thể tìm thấy vị trí của mình và cống hiến hết sức mình trong kế hoạch vĩ đại yêu thương Thiên Chúa đã ưu ái trao tặng cho nhân loại chúng ta!


Từng bước theo chân Chúa Giê-su lên vùng Cao Nguyên Buôn Mê, nơi đây không khí trong lành, nhịp sống nhẹ nhàng, an bình. Đến với các bạn trẻ, đặc biệt với bạn trẻ nữ đang hoàn thành chương trình Trung học Phổ thông, được thăm, đồng hành, gặp gỡ, lắng nghe và gợi ý những định hướng cho các em, ở từ thành phố hay thôn quê như: Châu Sơn, Buôn Trấp, Buôn Dur Kmăl, Buôn Cuê, Buôn Triết, Quảng Điền, Quảng Đà, Nam Thành, Nam Nung, Tân Lợi, Tân Hòa…

Tôi nhận thấy các em có quá nhiều tiếng gọi trong cuộc sống hiện tại, tiếng gọi nào cũng lớn và mãnh liệt, tuổi trẻ hôm nay không còn đứng giữa ngã ba đường để “đa đường”, đường nào cũng đẹp, cũng hấp dẫn, cũng hứa hẹn, và có một đặc điểm âm lượng, và cường độ của các con đường ấy rất lớn… lớn đến độ các bạn không thể nghe được tiếng gọi của con đường Giê-su, con đường Giê-su là con đường của yêu thương, phục vụ, cho đi không tính toán, đường của hy sinh, của từ bỏ, chấp nhận sự thiệt thòi để được chính Ngài là gia nghiệp, không hứa hẹn công danh, sự nghiệp ở đời này, con đường hẹp, con đường chênh vênh và bấp bênh… Tiếng gọi của đường Giê-su quá nhỏ, và hầu như các bạn trẻ đã không nhận ra con đường này, có bạn cũng thấy đâu đó trong tâm hồn tiếng gọi của Giê-su, nhưng sức mạnh hào nhoáng và sức hút của các con đường hôm nay, công danh, sự nghiệp, dễ dãi, thoải mái cho cuộc sống của bản thân, các bạn đã chần chừ và cuối cùng cũng chọn con đường mà các bạn thấy an toàn cho bản thân và gia đình hiện tại hơn.

Hôm xưa, từng bước chân trên bãi biển, Chúa đã “thấy” Simon và Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan. Ngài đã cất tiếng gọi, và các ông đã bỏ lại phía sau tất cả gia đình, sự nghiệp để theo Chúa, không một điều kiện, không chút do dự, không băn khoăn, thiệt hơn, mất mát. Chúa Giê-su đã không mồi chài các ông bằng những lời hứa hẹn vinh hoa, phú quý, hay công danh sự nghiệp. Ngược lại, Ngài lại giới thiệu con đường của Ngài là con đường hẹp, con đường mà không có chỗ tựa đầu, con đường phải hy sinh, từ bỏ chính mình…v.v… sao các ông lại dám theo Chúa, trong khi con đường các ông đang đi, khá quen thuộc, an toàn hạnh phúc… tôi cầu nguyện lâu giờ, để chiêm ngắm, lắng nghe cách Chúa gọi để học nơi Ngài cung cách này, khi tôi đang hết lòng, hết tâm trí và sức lực để chu toàn sứ vụ Hội dòng trao cho… mở to đôi mắt và mở rộng con tim để lắng nghe, tôi đã nhận ra, trước khi Chúa cất tiếng gọi. Ngài đã sống tương quan yêu thương, gần gũi với dân làng, Ngài len lỏi vào mọi nơi của cuộc sống con người, để trải dài yêu thương và phục vụ. Ngài thấy từng môn đệ, cái “thấy” của tình yêu… nên khi cất tiếng gọi, tiếng gọi ấy có đủ sức thuyết phục, khuất phục trái tim và con người của các môn đệ… các môn đệ đã bị thu hút vào con đường Giê-su qua đời sống của Chúa Giê-su ở giữa cuộc sống của họ… sức hút mãnh liệt này, không dừng lại ở những hào nhoáng của đời thường, nhưng đã nhấc bổng các ông lên trên mọi tiếng gọi của tình yêu gia đình, sự nghiệp, để theo Giê-su… Thật huyền nhiệm Chúa Giê-su ơi… huyền nhiệm tiếp nối huyền nhiệm trong ơn gọi thánh hiến…

Hôm nay, Chúa cũng mời gọi tôi học nơi Ngài cách thức để có thể giúp bạn trẻ nhận ra và quảng đại đáp lại con đường Giê-su. Đó là sống tinh thần hiệp hành vì “mỗi người chúng ta đều có một vị trí riêng và đặc biệt trong ý muốn của Thiên Chúa. Tại mỗi thời điểm của cuộc đời, chúng ta được mời gọi nuôi dưỡng tia sáng thiêng liêng này, hiện diện trong trái tim của mỗi người.”(Sứ điệp ĐTC Phanxico ngày Cầu cho ơn Thiên Triệu 2022)

Thiên Chúa đặt một lời kêu gọi cụ thể cho từng người. Người chạm đến cuộc sống của ta bằng tình yêu của Người và hướng nó đến mục đích tối hậu, đến sự viên mãn vượt trên cả ngưỡng cửa của cái chết. Đó là cách Thiên Chúa đã muốn và đang nhìn cuộc sống của chúng ta. Michelangelo Buonarroti được cho là đã khẳng định rằng: “Mỗi khối đá đều có một bức tượng bên trong và nhiệm vụ của nhà điêu khắc là phải khám phá ra bức tượng đó”. Nếu đây có thể là cái nhìn của người nghệ sĩ, thì Thiên Chúa còn nhìn chúng ta hơn biết dường nào: nơi cô Maria làng Nadarét, Người đã nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa; nơi ngư phủ Simon, Người đã thấy Phêrô, tảng đá để xây dựng Hội Thánh của Người; nơi người thu thuế Lêvi, Người nhận ra vị tông đồ và thánh sử Matthêu; nơi Saulô, Người đã thấy Phaolô, tông đồ của dân ngoại. Ánh mắt yêu thương của Người luôn hướng nhìn chúng ta, chạm vào ta, giải thoát và biến đổi chúng ta, khiến chúng ta trở thành những con người mới. Đây là động lực của mọi ơn gọi: chúng ta gặp được cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta. Ơn gọi, giống như sự thánh thiện, không phải là một kinh nghiệm đặc biệt dành riêng cho một số ít. Cũng như “sự thánh thiện ở kề bên” (x. Tông huấn Gaudete et exsultate, 6-9), ơn gọi cũng dành cho mọi người, vì tất cả đều được Thiên Chúa nhìn và kêu gọi.

Ngạn ngữ Viễn Đông có câu: “Người khôn nhìn trứng biết đại bàng; nhìn hạt giống thoáng thấy một cây to; nhìn một tội nhân thoáng thấy một vị thánh”. Đây là cách Thiên Chúa nhìn chúng ta: trong mỗi chúng ta, Người nhìn thấy những tiềm năng, đôi khi chính chúng ta chưa biết, và trong suốt cuộc đời của chúng ta, Người làm việc không mệt mỏi để chúng ta có thể phục vụ lợi ích chung.

Ơn gọi đã được sinh ra theo cách này, nhờ nghệ thuật của Nhà điêu khắc là Thiên Chúa, với “bàn tay” của mình, Người làm cho chúng ta ra khỏi chính mình để trở nên kiệt tác mà chúng ta được kêu gọi trở thành. Đặc biệt, Lời Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tính tự cao tự đại, có khả năng thanh tẩy, soi sáng và tái tạo ta. Vậy chúng ta hãy lắng nghe Lời, để mở lòng đón nhận ơn gọi mà Thiên Chúa giao phó cho ta! Và chúng ta cũng hãy học cách lắng nghe anh chị em của mình trong đức tin, bởi vì sáng kiến ​​của Thiên Chúa có thể được ẩn giấu nơi lời khuyên và gương sáng của họ, điều này cho chúng ta thấy những con đường luôn luôn mới để bước đi.

Bạn trẻ thân mến! nói về người thanh niên giàu có, thánh sử Máccô ghi nhận: “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (10,21). Ánh mắt tràn đầy tình yêu này của Chúa Giêsu hướng về mỗi người chúng ta. Bạn và tôi hãy để mình được chạm vào ánh mắt này và hãy để mình được Người dẫn dắt ra khỏi chính mình! Và chúng ta cũng học cách nhìn nhau để những người chúng ta cùng sống và gặp gỡ - dù họ là ai - đều có thể cảm thấy được chào đón và khám phá ra rằng có một người nào đó đang nhìn họ bằng tình yêu và mời gọi họ phát huy tất cả tiềm năng của họ.

Cuộc sống của bạn và tôi sẽ thay đổi khi chúng ta đón nhận ánh mắt này. Mọi thứ trở thành một cuộc đối thoại ơn gọi, giữa chúng ta và Chúa, và cũng giữa chúng ta và những người khác. Một cuộc đối thoại và sống chiều sâu làm cho chúng ta ngày càng trở nên chính mình hơn: trong ơn gọi của chức linh mục thừa tác, trở thành khí cụ của ân sủng và lòng thương xót của Chúa Kitô; trong ơn gọi sống đời thánh hiến, là lời ngợi khen Thiên Chúa và ngôn sứ về một nhân loại mới; trong ơn gọi hôn nhân, trở thành một món quà cho nhau và là những người trao ban và giáo dục sự sống. Nói chung, trong mọi ơn gọi và chức vụ trong Giáo hội, điều này kêu gọi chúng ta nhìn người khác và thế giới bằng con mắt của Thiên Chúa, để phục vụ điều thiện và lan tỏa tình yêu, bằng lời nói và việc làm.

Các bạn trẻ rất quí mến! Bạn đang có rất nhiều ước mơ và hoài bão, băn khoăn và do dự giữa nhiều chọn lựa khi chuẩn bị bước qua một “ngưỡng” khác. Bạn hãy thật bình tĩnh cầu nguyện để chọn lựa điều Thiên Chúa muốn, vì mỗi chúng ta được kêu gọi cùng nhau, ghép chung nét riêng của mình, để tạo thành một bức tranh. Vì mỗi người chúng ta tỏa sáng như một ngôi sao trong cung lòng Thiên Chúa và trên bầu trời của vũ trụ, chúng ta được kêu gọi để tạo ra những chòm sao định hướng và soi sáng con đường của nhân loại, bắt đầu từ môi trường chúng ta đang sống, trong sự tươi vui của những khác biệt. Giáo hội là dấu chỉ và khí cụ của điều mà toàn thể nhân loại được mời gọi đến. Vì điều này, Giáo hội phải ngày càng trở nên hiệp hành hơn: có khả năng bước đi cùng nhau trong sự hài hòa của sự đa dạng, trong đó tất cả mọi người đều có đóng góp của riêng mình để thực hiện và có thể tham gia một cách tích cực.

Như vậy “ơn gọi”, không chỉ là vấn đề lựa chọn hình thức sống này hay hình thức sống khác, cống hiến cuộc đời mình cho một sứ vụ nào đó hoặc được lôi cuốn bởi đặc sủng của đời thánh hiến, phong trào hay cộng đoàn Giáo hội. Đó là việc biến ước mơ của Thiên Chúa thành hiện thực, viễn tượng tuyệt vời về tình huynh đệ mà Chúa Giêsu đã ấp ủ khi cầu nguyện với Chúa Cha “xin cho tất cả nên một” (Ga 17:21). Mỗi ơn gọi trong Giáo hội, và theo nghĩa rộng hơn trong xã hội, đều góp phần vào một mục tiêu chung: làm vang lên nơi những người nam nữ sự hài hoà của nhiều ân sủng khác nhau mà chỉ có Chúa Thánh Thần làm được. Các linh mục, nam nữ thánh hiến, giáo dân bước đi và làm việc cùng nhau để làm chứng rằng một đại gia đình nhân loại hiệp nhất trong tình yêu không phải là viễn tượng không tưởng, mà là chính mục đích của Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta.

Các bạn trẻ thân mến, đặt “ơn gọi” dưới cái nhìn và sống tinh thần hiệp hành thì chúng ta không lo sợ, ngần ngại, khi đứng giữa “đa đường”, trong việc định hướng ơn gọi. Chúng ta cùng cầu nguyện để mọi thành phần dân Chúa, giữa những biến cố bi thương của lịch sử, có thể ngày càng đáp lại lời kêu gọi này. Chúng ta hãy cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để mỗi người trong chúng ta đặc biệt các bạn trẻ có thể tìm thấy vị trí của mình và cống hiến hết sức mình trong kế hoạch vĩ đại yêu thương Thiên Chúa đã ưu ái trao tặng cho nhân loại chúng ta!

Để bạn và tôi chúng ta lắng nghe đủ để nhận ra “Tiếng gọi ” nào cho em!

Nt. M. Goretty Kim Tươi, FMI

Ban Mê Thuột 02/12/2022