Thinh lặng trong sự hiệp thông

Chính sự hiệp thông bên trong chúng ta lại là sức mạnh to lớn để chúng ta làm được tất cả mọi việc một các hoàn hảo nhất.


Mọi người thường nghĩ rằng chỉ khi ta nói hay cùng làm chung một công công việc nào đó thì chúng ta mới có sự hiệp thông. Nhưng chính sự hiệp thông bên trong chúng ta lại là sức mạnh to lớn để chúng ta làm được tất cả mọi việc một các hoàn hảo nhất. Sự hiệp thông đó gắn kết chúng ta với chính mình với Chúa và tha nhân.

Sách “Sức mạnh của thinh lặng” có nói rằng: “Nếu ngôn từ dành riêng cho con người, thì sự thinh lặng xác định căn tính của họ, bởi vì ngôn từ chỉ có ý nghĩa tuỳ thuộc vào sự thinh lặng này.” Mỗi người trong chúng ta, khi chúng ta thinh lặng là đi vào trong chính sa mạc của chính tâm hồn mình. Trong thinh lặng, chúng ta được nghĩ ngơi bồi dưỡng về mặt tinh thần. Pascal cũng từng nói rằng: “Mọi bất hạnh của con người đều đến từ một điều duy nhất, đó là không biết dừng lại và nghỉ ngơi trong một căn phòng.” Mọi sự khó khăn và bão tố sẽ xô ta chới với nếu như ta không biết dừng chân ở nơi đâu. Trong thinh lặng của những giờ hồi tâm cuối ngày hay những đợt tĩnh tâm, chúng ta sẽ được kết hợp với chính mình qua ngày sống hay tháng sống đó. Chính sự thinh lặng đó tạo nên sức mạnh to lớn để chúng ta đi trên những con đường phía trước. Mỗi ngày, mỗi ngày, chính lâu đài nội tâm của chúng ta được củng cố thêm một viên gạch mới và sức mạnh này có được khi chúng ta biết sống có điểm dừng và nhìn lại mỗi ngày.

Tiếng nói của Thiên Chúa là thinh lặng. Chúng ta muốn gặp Chúa thì cũng chỉ trong thinh lặng mới gặp được. Trong sự vội vàng của cuộc sống, dường như chúng ta chỉ nghe thấy những tiếng ồn của khát vọng, đam mê, những công việc mà quên đi tiếng Chúa bên trong. Tiếng Chúa hiện ra thật mờ nhạt và cũng hay bị mất đi khi chúng ta chỉ dành để nghe các thứ tiếng khác. Chẳng phải mỗi người chúng ta đều mong tìm kiếm ý Chúa sao? Chính trong sự thinh lặng, tiếng Chúa hiện lên thật rõ ràng, đó là lời đầy yêu thương mà Chúa dành cho chúng ta, là kim chỉ nam để chúng ta bước tiếp những con đường phía trước. Chúa biến đổi và sửa dạy để chúng ta sống tốt mỗi ngày. Chúa luôn nhắc nhở chúng ta rằng phải giữ tâm hồn bình an và hãy thinh lặng. Hãy luôn ý thức chúng ta “là” Maria trước khi “làm” Matta. Trong thinh lặng, Chúa kéo chúng ta ra khỏi tâm hồn duy chỉ nghĩ đến chính mình. Mà mọi sự hành động phải được khởi sự bằng đời sống cầu nguyện, xin ơn Chúa để lắng nghe ý Thiên Chúa mỗi ngày. Từ đó, ta nhìn nhận Thiên Chúa là không phải Đấng uy quyền cao cả, xa vời không ai nhìn thấy được nhưng là một người Cha yêu thương, nhân hậu, luôn bên cạnh bên chúng ta, Ngài đang chờ và gặp con cái của Ngài trong chính tâm hồn họ.

“Đức ái thật sự xuất phát từ một trái tim thinh lặng có khả năng lắng nghe, thấu hiểu và đón nhận” (Đức Hồng Y Robest Sarah). Trong thinh lặng của sự hiệp thông, dường như mọi người cầu nguyện đều cùng chung quy về một mối đó là Thiên Chúa. Mỗi lúc Kinh Lạy Cha vang lên, chúng ta cùng chung tay dâng lên Chúa những lời khẩn nguyện với tâm tình con thảo, chung tâm tình mỗi người là anh chị em với nhau. Chúng ta cùng nhau hướng lòng về Thiên Chúa để cầu nguyện cho mọi thứ tốt đẹp hơn, cho hoà bình thế giới, cầu cho sự gắn kết của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Có lẽ trong thinh lặng, chúng ta cũng nhìn nhận ra những giá trị, những điều tốt đẹp của chị em mà để xoá tan đi những khoảng cách của sự lỗi lầm hay hờn ghét. Trong chính thẳm sâu trong tâm hồn, chúng ta cũng luôn cầu nguyện cho mọi người, đều mong rằng mọi sự đều tốt đẹp.

Chính sự thinh lặng làm nung nấu tâm hồn chúng ta và nó giúp chúng ta hoàn thiện sống tốt hơn mỗi ngày. Hướng về hang đá Bêlem, mỗi người được mời gọi thinh lặng để chiêm ngắm mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người.

Maria Hàn My (Thanh tuyển), FMI