Thoáng suy tư về Mùa Chay và những sứ điệp của mầu nhiệm đau khổ

Hành trình Mùa Chay giống như một cuộc leo núi, chúng ta cần phải khởi hành một lộ trình khó khăn đòi hỏi nỗ lực, hy sinh và tập trung.


Có một con đường mà mỗi Kitô hữu ai cũng phải đi qua trong đời, đó chính là con đường của mầu nhiệm đau khổ. Đó cũng chính là con đường dẫn chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ con người, bởi vì Giáo hội của chúng ta được sinh ra từ Mầu Nhiệm Cứu Chuộc nơi Thập Giá Chúa Kitô[1] nên đau khổ “quả là điều hữu ích để học biết thánh chỉ Ngài”(Tv 118, 71) và để ta được gặp thấy chính mình. Trong sự thinh lặng thánh thiêng của Mùa Chay, chúng ta hãy cùng Chúa Giêsu chiêm ngắm con đường Thập Giá - con đường của Mầu Nhiệm đau khổ, và cảm nghe một tình yêu tuyệt đối mà Người đang khơi lên trong trái tim chúng ta.

Những ngày vừa qua, hàng triệu triệu con tim trên thế giới đang thổn thức cùng những đau khổ mất mát mà hai đất nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang phải gánh chịu, hàng chục ngàn người dường như đang tuyệt vọng và bất lực trong cơn động đất ập xuống trên họ như một cơn lốc vô hình. Và bên cạnh đó, những tiếng rên siết khóc than vì chiến tranh, dịch bệnh, xung đột vẫn đang còn âm ỉ đó đây ở nhiều nơi trên hành tinh của chúng ta. Đứng trước tất cả những nỗi đau khổ này, chúng ta cảm nghe được điều gì, chúng ta đang thao thức những điều gì, chúng ta có thể làm được những điều gì?

Trong tông thư Salvifici Doloris (11.2.1984) về ý nghĩa Kitô giáo của sự đau khổ nơi con người, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng: “Ý nghĩa của đau khổ cũng sâu xa như chính con người, bởi vì, theo cách thức của mình, đau khổ vừa biểu lộ vừa vượt lên trên chiều sâu độc đáo của con người. Đau khổ dường như thuộc về siêu việt tính của con người; đó là một trong những điểm cho thấy con người, theo một nghĩa nào đó, có vận mệnh vượt trên chính mình, và được kêu gọi cách huyền nhiệm để thực hiện điều đó.” Đau khổ quả là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm lớn và khó hiểu nhất của cuộc đời, mầu nhiệm này luôn thách thức đức tin, sự kiên nhẫn và lòng mến của con người. Chiêm ngắm mầu nhiệm đau khổ qua lăng kính Thập Giá Chúa Giêsu trong hành trình Mùa Chay thánh này, chúng ta cùng suy tư về sứ điệp đức tin, tình yêu và hy vọng trong đau khổ của con người ngày hôm nay.

Trong đau khổ, chúng ta nhận ra rằng những mệnh lệnh của đức tin đòi hỏi chúng ta một cách quyết liệt hơn bao giờ hết. “Đau khổ của con người gợi lên mối cảm thông, đồng thời gợi lên lòng kính trọng, và tự nó, đau khổ gây ra sự lo sợ”.[2] Sự lo sợ đó có thể làm chúng ta rụt rè, tự khép kín bản thân trong những vấn đề của chính mình, nỗi lo sợ đó cũng khiến chúng ta dễ buông xuôi và để đức tin của mình lạc lõng trong vô định. Ngước nhìn lên thập giá Đức Kitô, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta hoàn toàn có đủ sức mạnh để thắng vượt những nỗi lo sợ đó, miễn là để cho ánh sáng của đức tin tràn ngập tâm hồn chúng ta. Sức mạnh quyết liệt của đức tin được diễn tả nơi việc đảm nhận những đau khổ của con người, như Đức Giêsu đảm nhận trên thập giá, và rằng làm môn đệ của Đức Giêsu có nghĩa là đồng hoá với Người trong sứ vụ diễn tả sức mạnh của đức tin bằng cách đảm nhận lấy đau khổ của con người.[3]

Trong tiếng La-tinh, Mùa Chay là Quadragesima, từ nầy có nghĩa là “40”. Trong Mùa Chay, chúng ta cùng sống với Đức Kitô 40 ngày trong sa mạc, để trải qua cuộc hành trình 40 năm của dân It-ra-en tiến về Đất hứa. Trong suốt thời gian dài đằng đẳng nầy, đoàn dân ông Mô-sê lãnh đạo thường phải đói khát, đôi khi nản chí và lắm lần quị ngã bất trung. Nhưng đặc biệt, chính trong cuộc “trường hành” nầy, họ đã có được cái kinh nghiệm độc nhất vô nhị về tình yêu tha thiết của Thiên Chúa dành cho họ.[4] Con người chúng ta thời nay cũng vậy, chúng ta đang cảm nhận sự đói khát, sự đau khổ, sự bất lực và nguy cơ quỵ ngã bất trung trên con đường lữ thứ đằng đẵng này. Nhưng đó cũng chính là cơ hội để chúng ta kinh nghiệm về huyền nhiệm tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Qua những đau khổ, chúng ta cảm nghe rằng Thiên Chúa là một Thiên Chúa của Tình Yêu và Người hằng khao khát tình yêu của chúng ta, Người khao khát con tim của chúng ta. Thánh giáo phụ Augustine đã cảm nhận một cách sâu sắc điều này và ngài đã viết nên đoạn đối thoại độc đáo giữa Khôn ngoanTình yêu sau đây:

“Hãy dâng cho Ta trái tim của ngươi!”. Nếu trái tim ngươi thuộc về Ta thì ngươi sẽ không đánh mất nó. Hãy nhìn xem: phải chăng nó đã chẳng muốn để gì lại nơi ngươi, những gì có thể khiến ngươi vẫn còn quý giá đối với ngươi? - “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22, 37). Vậy thì lòng ngươi còn lại gì, dựa vào đâu mà ngươi yêu mến mình? Linh hồn ngươi còn lại gì? Và trí khôn ngươi? Và mọi sự? Người nói. Người - Đấng đã dựng nên ngươi - đòi hỏi trọn cả con người ngươi. Nhưng ngươi đừng sầu buồn, như thể mọi niềm vui đang tắt lịm nơi ngươi. “Hỡi Israel, nào hoan hỷ”, không vì chính ngươi, nhưng vì có Chúa là Đấng tạo thành ngươi” (Tv 149,2)[5]

Trong tình yêu luôn cần một sự hiến dâng trọn vẹn, trọn cả con người, linh hồn và trí khôn. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã chứng minh cho con người thấy rằng Người đã yêu một cách tuyệt vời như thế nào, Người đã hiến dâng tất cả, chẳng giữ bất cứ thứ gì lại cho mình, kể cả hơi thở cuối cùng của sự sống. Giả như có thể làm một điều gì đó đớn đau và khủng khiếp hơn cả cái chết chỉ để minh chứng cho Tình Yêu, có lẽ Người cũng rất sẵn lòng. Đau khổ được gọi là huyền nhiệm phải chăng bởi vì chẳng có tình yêu nào đẹp và gây cho ta nhiều xúc cảm như một tình yêu chất chứa những hy sinh và đau thương vì người mình yêu. Điều làm nên giá trị của một tình yêu chân chính chính là dù trong đau khổ cùng cực vẫn tin và vẫn yêu, “Yêu cho đến cùng” (Ga 13,1).

Nói về sứ điệp hy vọng cho những ai đang đau khổ là cả một nghệ thuật. “Biết nói gì với một người bạn đang hao mòn vì bệnh tật, cơn bệnh mà người ta biết rằng từ từ, nhưng chắc chắn, sẽ cướp đi sự sống của người bạn? Biết nói gì với những người cha, người mẹ đang quỵ ngã vì cái chết của đứa con? Biết nói gì với một người bị tàn tật nặng nề, ngày này sang ngày khác, phải chịu thử thách vì bị những người khác ruồng bỏ và khinh chê?”[6] Đối với một tâm hồn thật sự biết cảm thông, thì hình như thinh lặng vẫn là cách thích hợp nhất để diễn tả mối thiện cảm, tình bằng hữu hoặc cảm tình. Thế nhưng chúng ta sẽ chẳng thể nào thinh lặng khi trong lòng chúng ta đang ấp ủ một niềm hy vọng. Chúng ta cảm thấy được thôi thúc phải nói cho con người rằng: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Độ tôi vẫn sống, và, vào ngày sau hết… Tôi sẽ được trông thấy Thiên Chúa của tôi.” Khi ngước nhìn lên Thập giá Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cảm thấy tràn đầy Niềm Hy Vọng, Niềm Hy Vọng của Thánh Thần Phục Sinh và Tình Yêu. Ngay cả trong cơn cùng cực đớn đau nhất trên khổ giá, Chúa Giêsu vẫn ngước mắt lên trời và cầu xin ơn tha thứ cho những người bắt bớ mình, đó chẳng phải là thái độ và cung cách của một Đấng tràn đầy niềm hy vọng đó sao? Thánh Piô Năm Dấu nói rằng Kinh Tin Kính đẹp nhất là kinh chúng ta đọc lên trong giờ tăm tối. Nói về hy vọng trong hạnh phúc và bình an thì rất dễ dàng, còn nói về hy vọng trong đau khổ và nghịch cảnh thì đòi hỏi tất cả nghị lực của trái tim và lý trí. Đó là một Mầu Nhiệm, mà chỉ những ai yêu mến và say mê Đức Giêsu Kitô mới có thể cảm nhận được.

Chính lúc này đây là thời gian ân phúc, chính lúc này đây là thời gian thuận tiện để chúng ta khám phá ý nghĩa đích thực của đời mình ngang qua những sứ điệp của Mầu nhiệm đau khổ trong dáng hình Thập Giá Chúa Giêsu. Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Mùa Chay 2023 “Khổ chế Mùa Chay và lộ trình hiệp hành”, để hiểu trọn vẹn và đón nhận mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa ngang qua những đau khổ trong đời sống thường nhật, chúng ta phải để Chúa Giêsu dẫn mình đi lối riêng, đưa lên cao và tách ra khỏi sự tầm thường và phù phiếm. Hành trình Mùa Chay giống như một cuộc leo núi, chúng ta cần phải khởi hành một lộ trình khó khăn đòi hỏi nỗ lực, hy sinh và tập trung.[7] Nhưng những quả ngọt mà chúng ta hưởng nếm được từ lộ trình này là hoàn toàn xứng đáng, đó chính là những quả ngọt của bình an, sức mạnh nội tâm, tình yêu quảng đại hiến dâng và hy sinh không mỏi mệt. Ước mong tất cả mọi người chúng ta có một hành trình Mùa Chay thật sốt sắng và tràn đầy tình yêu của Chúa Giêsu bây giờ và mãi mãi.

M. Matta Kim Quyên (Khấn tạm), FMI


[1] Cf.GIOAN PHAOLÔ II.Tông thư Salvifici Doloris(11/02/1984) về ý nghĩa Kitô giáo của sự đau khổ nơi con người. Số 3

[2] Ibid. Số 4

[3] JEFFREY S.SIKER.Dẫn vào tìm hiểu Tân Ước, Phúc Âm Marco

[5] Cf.AUGUSTINE.Bài giảng 34,7, bản dịch của F.Quéré, dans Le Mystère de Pâques, “Ichtus” 10, Grasset, Paris, 1965, p.244-245.

[6] Cf.RAYMOND MICHEL.Lời giới thiệu cho Tông thư Salvifici Doloris.

[7] Cf.PHANXICÔ.Sứ điệp Mùa Chay 2023 “Khổ chế Mùa Chay và lộ trình hiệp hành”(25/01/2023), tải xuống ngày 18/02/2023.