Suy tư về lời khấn Khó nghèo

“Gắn bó với Đức Giêsu nghèo khó trong niềm vui và lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa Cha, chị em chấp nhận những bấp bênh của cuộc sống, luật lệ chung của lao động.


Đời thánh hiến được xây dựng trên ba trụ cột – khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục. Qua việc khấn dòng người tu sĩ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái để phụng sự và làm vinh danh Người với một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt. (LG 44a)

Giáo hội dạy gì về lời khấn nghèo khó: “sự nghèo khó tuyên xưng rằng Thiên Chúa là kho ràng đích thực duy nhất của con người. Sống theo gương Đức kitô, Đấng “vốn giàu sang phú quý đã tự ý trở nên nghèo khó” (2 Cr 8, 9), (ĐSTH 21). Khó nghèo trong đời tu không chỉ hạn hẹp trong sự lệ thuộc bề trên khi sử dụng của cải, nhưng phải là khó nghèo trong thực tế và trong tinh thần để chỉ thu tích một kho tàng trên trời (Mt 6, 20), (DT 13).

Hiến luật của Hội Dòng dạy gì về tinh thần nghèo khó của Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (HL 23): “Gắn bó với Đức Giêsu nghèo khó trong niềm vui và lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa Cha, chị em chấp nhận những bấp bênh của cuộc sống, luật lệ chung của lao động. Chị em tránh sử dụng của cải theo ý muốn nhất thời hoặc tự tạo cho mình những nhu cầu không cần thiết. Tinh thần nghèo khó phúc âm đòi hỏi chị em luôn giữ một nếp sống đơn sơ giản dị.

Đời sống khó nghèo của cá nhân cũng như cộng đoàn giúp chị em thanh thoát mọi ràng buộc và những quyến luyến của cải vật chất (DT 13). Nhờ đó, chị em quan tâm, chia sẻ và liên đới với những người nghèo khổ (CTPÂ 18) để tiếp tục sứ mạng của Đức kitô, loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó.

Như cộng đoàn Giáo hội Tiên khởi góp mọi sự làm của chung và nhận lại tùy nhu cầu, các Bề trên và các cộng đoàn ân cần lo cho đời sống và việc tông đồ của chị em (GL670), đặc biệt lưu tâm đến chị em già yếu, bệnh tật.

Theo suy nghĩ của riêng tôi, sống nghèo khó đầu tiên là phải chiêm ngắm một Đức kitô nghèo khó –từ khi sinh ra – tại thế - chết trên thánh giá; Ngài là một vị Thiên Chúa uy nghi toàn năng nhưng để cứu nhân loại khỏi bóng tối của tội lỗi mà đã đến và hòa mình trong cuộc sống nghèo như chúng ta. Nhờ vậy, chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài (2 Cr 8,9). Vì thế, trước những thách đố của thời đại chúng ta được mời gọi sống phó thác trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, không ngã lòng trước những “yếu đuối”, không cúi mình trước các thế lực bóng tối nhưng cùng với Đức Kitô “lội ngược dòng” để mang tình yêu của Thiên Chúa đến với mọi người. “Mọi sự được Đức Kitô chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống” (Cv 1).

Thứ hai, biết mình cách rõ ràng? Tôi là người như thế nào? Có xu hướng gì? Tôi có phải là một người thanh thoát và sẵn sàng chia sẻ trong việc sử dụng của cải, phương tiện, tài năng …. những nén bạc Chúa trao để phục vụ tha nhân nhằm làm vinh danh Chúa không? hay tôi luôn tìm cho mình sự an toàn, chiếm hữu, nghĩ cho mình và tìm mình trong các công việc, an phận và không dám dấn thân hết mình vì sợ mệt, sợ tốn giờ,…không dám góp ý, nêu ý kiến xây dựng vì khi ý kiến được chọn thì tôi phải đầu tư, phải thế này thế kia để thực hiện kế hoạch.

Thứ ba, tính liên đới trong bác ái. Trong đời sống chung, mỗi người mang trong mình cá tính riêng và nó được biểu hiện cách rõ nét khi làm việc chung; nếu chúng ta không biết cách tiết chế thì sẽ rất dễ phơi bày cái tôi cá vị. Vậy tôi có phải là con người ôn hòa thích tìm đến sự đối thoại trong khiêm tốn để tìm tiếng nói chung cùng nhau thực hiện kế hoạch cách hiệu quả trong tình hiệp thông. Hay tôi luôn cho rằng ý kiến của mình luôn đúng và tìm mọi cách để bảo vệ cho đến cùng; giả như có một ý kiến hay hơn tôi cũng tìm cách làm lơ, tìm cách để chống chế.

Khi làm xong các bổn phận của mình, chúng ta có đủ sự nhạy bén và tế nhị đối với những người xung quanh không? Đặc biệt những người còn có nhiều hạn chế hơn ta, đối với những người ít được quan tâm chúng ta có lưu tâm để thăm hỏi, giúp đỡ khi họ cần đến không? hay là ta chỉ biết làm cho xong việc của mình rồi vào phòng đóng sầm cánh cửa lại mặc kệ thế giới bên ngoài. Từ những suy nghĩ vừa nêu, có lẽ nhân vật trên đây chưa thật sự biết mình? chưa biết về người khác? chưa biết cách làm việc chung? cánh cửa đóng lại đồng thời cũng đóng lại trong các mối tương quan với tha nhân. Dần dần, cuộc sống của chúng ta có thể trở nên đơn điệu vì thiếu đi sự tương tác trong giao tiếp, thiếu đi sự lắng nghe và chia sẻ, trái tim của chúng ta trở nên co cứng và dửng dưng vì chúng ta luôn quy về mình và rồi nó không còn sự rung động trước nổi đau của tha nhân. Đây chính là “cái nghèo” tình thương và sự liên đới.

Thứ tư, “khó nghèo trong sứ vụ”. Chúng ta phải xác định ai là đối tượng mà tôi cần phục vụ, chúng ta phục vụ họ như thế nào và cách thức ra sao? chúng ta còn có chọn lựa ưu tiên nào khác không? Chúng ta có công bằng đủ với mọi người nghèo? chúng ta có sẵn sàng và tận tụy phục vụ mọi người giống nhau? Tôi có hai câu chuyện muốn chia sẻ với mọi người khi tôi được đi thực tập sứ vụ tại một vùng quê.

Đối với các cháu nhỏ, ai trong chúng ta cũng muốn vuốt ve, nâng nui những cháu dễ thương dễ mến, nhưng trong cầu nguyện Chúa lại mời gọi tôi đến với những đứa trẻ kém may mắn hơn về vật chất cũng như tinh thần; tiếng gọi mẹ ngày các trở nên thân thương từ các cháu tự kỷ - tăng động- chậm phát triển ngôn ngữ. Đây không phải là nghề tay phải của tôi nhưng tình thương và lòng trắc ẩn Chúa gieo trong lòng tôi, thôi thúc tôi đến để yêu thương và phục vụ những đứa trẻ này. Điều này, khiến lòng tôi luôn thao thức trong lời cầu nguyện, tìm kiếm, học hỏi các phương pháp để chăm sóc các cháu được tốt hơn; mặc dù đã có đôi lúc bản thân cảm thấy rất mệt vì phải chạy theo các cháu suốt ngày, tốn thời gian để can thiệp và xử trí kịp thời; cả những lúc thất vọng vì kết quả không như mình mong muốn. Thật sự, họ rất nghèo về kinh tế cũng như cách chăm sóc con cái, cách giao tiếp nhưng những món quà thật ý nghĩa mà các cháu dành cho tôi đó là nụ cười, cái ôm quấn quýt mỗi lần tôi xuất hiện làm cho tôi được tràn đầy hạnh phúc.

Tại lớp giáo lý – các em học văn hóa lớp 7. Ôi! cái tuổi “ngông” thích thể hiện cũng làm tôi đau đầu. Để có thể dạy các em, tôi phải tìm hiểu xem các em thích thú điều gì? cái gì đã biết, cái gì chưa biết và cả hoàn cảnh gia đình, mới có thể dẫn dắt các em. Trong một dịp chiến dịch tháng 10, tôi cùng một người chị dạy cùng lớp vận động các em hy sinh tiền tiêu vặt để đến ngày khánh nhật truyền giáo sẽ lên đường đi thăm người nghèo. Tôi đã giải thích cho các em hiểu ý nghĩa của hành động này là gì? làm công tác tư tưởng cho các em, khi đến thăm các ông mệ neo đơn phải hỏi thăm thế nào, nói điều gì? làm gì?. Bữa cơm trưa đơn sơ tại nhà hai mệ neo đơn đã để lại nhiều kỷ niệm trong các em và hai chị em tôi; tuy chỉ có mấy gói mỳ tôm và ít bánh mỳ nhưng sao đượm niềm vui và tình yêu. Sau khi được phân công nhiệm vụ các em bắt tay vào việc của mình: người dọn nhà, người đi chợ, người chuẩn bị đồ ăn … đây cũng là dịp để các em học cách để yêu thương và quan tâm đến những người nghèo khổ, học cách để lắng nghe và làm việc chung.

Nói tóm lại, sống đức nghèo khó là việc sống lệ thuộc vào Thiên Chúa ngang qua những người hữu trách để tìm sự bình an nội tâm trong nếp sống nghèo; đem hết tất cả lý trí, con tim và năng lực để xây dựng đời sống cộng đoàn, sống sự lệ thuộc trong đức ái và sẵn sàng lên đường phục vụ những ai cần đến mình, để tìm và làm vinh danh Thiên Chúa hơn, để Đức Kitô là kho tàng duy nhất cho ta hằng tìm kiếm. Đồng thời, hãm dẹp những ý kiến riêng gây sự chia rẽ, chiếm hữu và muốn tất cả quy về mình, phục vụ cho lợi ích riêng. Để tránh tình trạng này chúng ta cần luôn phân định và chọn lựa điều nào là đẹp ý Chúa và phục vụ lợi ích của Ngài; bên cạnh đó, chúng ta hãy năng cầu xin Chúa cho chúng ta được ơn nhạy bén trước tội lỗi để dốc lòng trở về với ân sủng của Ngài.

Tập sinh, FMI