Chiêm ngắm bản án tình yêu

Những ngày cuối cùng của Mùa Chay Thánh, bản án tình yêu của Đức Kitô một lần nữa được giương cao trên Thập giá, nơi sẽ diễn ra sự giao tranh giữa cái chết và sự sống, giữa tối tăm và ánh sáng.


Trong Thánh lễ sáng của Mùa Sám Hối, tôi vô tình lãng đi lời giảng của Cha mà nhìn chằm chằm vào cây Thánh Giá gỗ màu nâu, được bao phủ bởi lớp màu sơn bóng. Tôi cố nhìn lên tấm bảng nhỏ cùng màu, treo trên đầu Đấng Chịu Đóng Đinh, có khắc kí hiệu bốn chữ cái: “INRI”.

Hồi tưởng lại buổi học giáo lý năm ngoái, tôi đã dõng dạc đứng lên giải thích mặt chữ và ý nghĩa của kí hiệu: I: JESUS - N: NAZAREUS – R: REX - J: JUDEORUM, dịch là: “Giêsu Nazaret, vua của người Do Thái”. Thế mà giờ đây tôi mới kịp suy tưởng về danh xưng này của vị Vua nhân loại. Vua Giêsu thời bấy giờ không nổi danh bởi địa vị giàu sang hay được tôn vinh bởi các giá trị trần thế. Ngài không có nhiều chỗ ở huy hoàng, lộng lẫy hoặc có kẻ hầu người hạ như bao vị Vua khác vẫn thường có. Hơn nữa, Ngài không dành một chút thời gian nhàn rỗi nào cho bản thân để thưởng thức các thú vui hào phóng của cuộc đời.

Chiêm ngắm Ngài, tôi cảm tưởng một Đức Giêsu Kitô, như thánh Phaolô nói “…đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Bản án trên đồi Canvê minh chứng tất cả tình yêu và ước muốn cứu độ nhân loại. Con Người dang tay giữa đất trời để đón lấy tội lỗi nhân loại. Ít ai hiểu được, trong hành trình cuối cùng ở dương thế, Ngài cũng chịu thử thách đến cùng cực, giằng co, xé lòng. Cơn cám dỗ “hãy tự cứu lấy mình đi” khiến Ngài đau đớn và suy yếu tâm lòng. Lúc đó, Ngài hoàn toàn có tự do để buông bỏ thập giá, bảo vệ bản thân, nghĩ đến lợi ích riêng mình. Nhưng chỉ vì hai chữ “vâng” và “yêu” mà Ngài vẫn muốn tín trung đến tột cùng.

Còn nhớ hôm nao, đoàn lũ dân chúng đông đảo, trên tay cầm nhành lá thiên tuế, vừa đi vừa tung hô: “Hoan hô, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa, chúc tụng Vua Israel”. Thế mà giờ đây, cũng chính những người ấy đã cay nghiệt Chúa rằng: “Hãy tự cứu lấy mình, hãy xuống khỏi thập giá”. Những người dân thường ước muốn một vị Vua chính trị, kinh tế hơn là đón nhận một vị Vua Cứu Độ.

Lời giễu cợt tương tự cũng được thốt ra từ nhóm thượng tế và kinh sư: “Nếu ông là vua dân Dothái thì tự cứu lấy mình đi”. Ông phải bị lên án, bị loại bỏ vì ông đã gây ra nguy hiểm cho xã hội. Đấng có thể chữa lành hết mọi người, thế mà việc nhảy xuống đây, ông cũng không thể làm được sao?

Ngay cả tên trộm dữ cùng chịu chung một cực hình với Chúa cũng thách thức chống lại Người. Anh ta thể hiện thái độ khinh bỉ, chỉ trích Chúa xuống khỏi thập giá, chỉ để muốn Ngài tháo bỏ hình phạt trên thân thể mình. Lời khiêu khích “hãy tự cứu lấy mình đi rồi cứu cả chúng tôi nữa” lại vang vọng một lần nữa nơi con người đầy tội lỗi và xấu xa ấy.

Bao nhiêu lời bất công chúng ta gây ra cho anh chị em, những lời nói xúc phạm, những hành động bạo hành, những thái độ dửng dưng, vô cảm. Đó là bấy nhiêu lần bản án bất công của Đức Giêsu Kitô vẫn đang bị tái diễn và lặp đi lặp lại từng giây phút trong cuộc đời. Phải chăng kiểu kết án bất công đó lại không ngừng được biến tấu bởi lối sống tôn thờ bản thân và được bao bọc bởi lớp ngụy trang giả tạo bên ngoài? Phải chăng chúng ta đang liên tục áp đặt lên Chúa mọi vấn đề của bản thân, mà quên mất rằng vấn nạn thực sự của mình là thiếu vắng tình yêu? Và chúng ta cần Ngài cứu chúng ta khỏi vấn nạn đó.

Đã bao lần tôi áp đặt ý Chúa lên trên kế hoạch riêng của mình, mong muốn Chúa thể hiện quyền năng, sức mạnh của Ngài hơn là một Thiên Chúa tỏ ra từ bi và bao dung? Bao lần tôi đã trở thành một chuyên gia trong việc đưa người khác lên thập giá để tự cứu lấy mình, mà quên đi rằng Tin Mừng tình thương đích thực là mang trên mình thập giá của những người khác. Quá dễ dàng khi nhìn thấy toàn là những điều ác nơi tha nhân mà không phải là chính mình. Tại sao tôi không thử đặt gánh nặng đó lên vai của mình để thấy rằng, Thánh giá đổ lỗi, phỉ báng người khác là một sai lầm, một ngụy tạo và vô ích.

Những ngày cuối cùng của Mùa Chay Thánh, bản án tình yêu của Đức Kitô một lần nữa được giương cao trên Thập giá, nơi sẽ diễn ra sự giao tranh giữa cái chết và sự sống, giữa tối tăm và ánh sáng. Bạn và tôi cũng được mời gọi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, Đấng đang thực hiện một tình yêu nhưng không giữa loài người và cho loài người. Để qua việc chiêm ngắm tình yêu của Ngài, chúng ta được thay đổi đời sống, lan tỏa tình yêu cho tha nhân, trong cộng đoàn và nơi chính bản thân mình.

Maria Hà (Thanh tuyển Bêtania), FMI