Thiên Chúa của sự yếu đuối

Thiên Chúa quyết định dùng con đường yếu đuối để tỏ mình và cứu độ con người. Thiên Chúa tỏ mình ra trong sự yếu đuối chứ không phải mạnh mẽ oai phong như một đấng anh hùng lẫm liệt chiến thắng quân thù.


Một ngày nọ, đi in tấm bạt treo cho ngày sinh hoạt khoá bồi dưỡng của Hiệp hội, tôi xin thợ in luôn khuôn mặt Chúa Giêsu trên Thánh giá. Đem về, tôi treo ngay sau cánh cửa phòng riêng, để có thể nhìn Chúa dễ hơn. Chăm chú nhìn, suy gẫm và cầu nguyện với Nhan Thánh Đức Giêsu khổ nạn của Tuần Thánh, tôi học được bài học: Thiên Chúa tỏ mình trong sự yếu đuối.

Thiên Chúa của sự yếu đuối đó xuất hiện ngay khi mang thân phận con người. Cái yếu đuối khiến Ngài không có một chỗ tươm tất trong quán trọ để sinh ra.

Cái yếu đuối đó trong một Hài Nhi đơn sơ, mỏng manh, không một chút tự vệ, cần được bồng bế trốn chạy Hêrôđê.

Cái yếu đuối khi Ngài lớn lên từng ngày như một người bình thường, không phải là người hùng đáng ngưỡng mộ bởi tài năng xuất chúng như một số vĩ nhân, hay những người siêu trí tuệ vượt bậc.

Cái yếu đuối khiến dân làng Nazaret và ngay cả Nathanael coi thường Ngài: “Tại Nazaret có cái gì hay đâu?”

Thiên Chúa của sự yếu đuối đó xuất hiện rõ ràng nhất vào giờ thập giá:

Yếu đuối khi chịu khổ đau nơi thân xác: đầu với gai nhọn tua tủa, mặt mũi lấm láp sưng bầm với những máu, mồ hôi, bụi bám. Lặng yên cho người ta trói tay dẫn đi như con chiên bị đem đi làm thịt, đi từ chỗ dinh này qua dinh kia.

Cái yếu đuối chẳng có một lời biện minh trước bản án bất công dành cho Ngài, khiến Philatô ngỡ ngàng.

Cái yếu đuối không chống cưỡng cũng chẳng tháo lui khi người ta khạc nhổ, tát vả vào mặt, đánh đòn, đội mão gai, làm trò cười chế giễu.

Cái yếu đuối đến nỗi không đủ sức, phải ngã lên ngã xuống nhiều lần khi vác thập giá trên đường đến Núi Sọ.

Yếu đuối biểu hiện nơi nỗi thống khổ khôn xiết của tâm hồn: tan vỡ, cô đơn, tủi nhục, bị phản bội, chối từ, bị tước đoạt tất cả. Chúa như một kẻ yếu đuối, bất lực, không có gì để tự vệ.

Thiên Chúa đau cái đau của một người! Thiên Chúa của tôi tôn thờ là thế đó!

Chúa Cha dường như cũng thông chia cái yếu đuối ấy! Đấng phán một lời liền có mọi sự giờ đây như bất lực nhìn Con yêu dấu của mình đang đớn đau tột cùng của sự dữ hành hạ mà đành lặng yên, không một dấu hiệu can thiệp? Cha thừa sức cứu thoát Đức Giêsu: Ngài có thể sai mười hai đạo binh thiên thần đến đánh tan tành quân lính. Một lời của Chúa Giêsu: “chính Ta đây” cũng làm họ ngã quỵ xuống đất.

Vậy mà…? Thiên Chúa chọn con đường yếu đuối, lặng thinh trước bản án tử hình của Chúa Con! Ngài đã từng biểu dương sức mạnh bằng nhiều dấu lạ lớn lao khi giải thoát dân Ngài khỏi nô lệ Ai Cập kia mà! Ngài đã từng làm thất đảm bởi hình phạt cho những ai vô ý đụng đến Hòm bia Thánh chứa đựng giao ước Ngài thôi phải chịu chết ngay! Thế mà giờ đây, người ta mặc sức hành hạ thân xác Thánh của Con Một Cha mà Cha chẳng làm gì ư?

Thiên Chúa quyết định dùng con đường yếu đuối để tỏ mình và cứu độ con người. Thiên Chúa tỏ mình ra trong sự yếu đuối chứ không phải mạnh mẽ oai phong như một đấng anh hùng lẫm liệt chiến thắng quân thù. Bởi cái mạnh mẽ, uy phong và quyền năng Ngài đã từng biểu lộ trong lịch sử cũng chẳng làm cho dân trung thành với Ngài. Bởi cái yếu đuối của Thiên Chúa làm cho Ngài gần gũi, liên kết với mọi người mọi tầng lớp thấp hèn. Bởi cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn sự mạnh mẽ của loài người. Ngài chọn cái yếu đuối khiến các môn đệ và Phêrô bị “sốc”, can gián Ngài chọn đi con đường khác.

Đức Giêsu đã la lớn nỗi đau khổ bị bỏ rơi “Ôi lạy Chúa, sao Ngài bỏ rơi con”, Ngài la với tiếng lớn khiến tất cả những người có mặt nghe thấy. Ngài sống tận cùng giới hạn của kiếp người. Ngài chọn cái yếu đuối khiến con rắn kiêu căng Satan kia ngỡ ngàng bẽ mặt, thất bại thảm thương. Quyền năng Ngài thể hiện qua sự mỏng giòn. Nước của Chúa đến nơi trần gian không phô bày quyền uy theo nghĩa thế tục của người đời, nhưng nơi sức mạnh của sự hạ mình, yếu đuối, vâng phục, chết trên thập giá vì yêu mến Thiên Chúa và đồng loại. Ngài đã hiến trao trọn vẹn đến cùng tất cả vinh quang, danh dự của Ngài cho Cha và cho nhân loại.

Còn con, con có yêu cái yếu đuối của chính mình không? Đã bao lần con che giấu cái yếu hèn của mình: không biết cũng không muốn hỏi vì sợ người khác biết mình kém cỏi; gặp thất bại cũng tỏ ra mình anh hùng chịu đựng không sao cả, không muốn để ai phải “xót thương”, an ủi… Khi yếu hèn tội lỗi lại tức tối với bản thân: sao mình lại như thế?

Con đã để tuột mất cơ hội của sự yếu đuối để gần gũi Chúa của con. Con chỉ muốn phô bày cái hay, cái tốt, cái anh hùng phi thường của con thôi! Khi không được người khác trân trọng đúng mức, cảm thấy khó chịu khi chị em đặt cho mình một chỗ ngồi không xứng với địa vị…Con vấp phải sự yếu đuối của chính mình, bất lực của bản thân…tẻ nhạt, thờ ơ, thiếu lửa nhiệt tình, phản bội, hiểu lầm và thậm chí bất công.

Và rồi cái kinh nghiệm gặp Chúa xuất hiện ngay trong tận cùng của sự xấu hổ phạm tội làm con ngỡ ngàng: “Chúa ở đây ư?” Chúa trả lời: “Vâng, khi con yếu, chính là lúc Đấng ban sức mạnh ở với con”. 

Bây giờ, con tập vui với cái yếu của mình!

Bây giờ con dần tập vác lấy và thông chia cái yếu đuối của Chúa nơi anh chị em con mỗi ngày.

Bây giờ khi con không thể bảo vệ mình, khi những ước mơ của con bị tan vỡ mà đành bó tay, khi khao khát điều vượt quá mà khả năng bất lực, và khi con là một nhóm thiểu số bị chế giễu, con sẽ hiểu rằng: lúc đó, con nên giống Chúa con hơn!

Quả thật, Thiên Chúa làm việc của mình cách bất hợp pháp, không theo kiểu của loài người! Mời bạn và tôi cùng suy ngắm và nghiệm ra trong cuộc đời.

                                                                                    Muondoitaon, FMI