Tình yêu thập giá

...Tôi luôn mang trong mình một lý tưởng sống, một tâm niệm sống của người kitô hữu đó chính là “tình yêu thập giá”, là sống theo gương Chúa Giêsu yêu đến cùng đối với nhân loại vậy.


Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng có quan niệm rằng: “sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...”. Còn đối với bản thân tôi, tôi cũng mang trong mình một tâm niệm sống tương tự như cố nhạc sĩ rằng: “sống trong đời sống không chỉ có một tấm lòng, mà còn phải cần và có trong mình một tình yêu”. Vốn dĩ, bản thân được khai sinh trong lòng Hội Thánh, được chở che và dẫn dắt bởi tình yêu của Chúa Giêsu. Tôi luôn mang trong mình một lý tưởng sống, một tâm niệm sống của người kitô hữu đó chính là “tình yêu thập giá”, là sống theo gương Chúa Giêsu yêu đến cùng đối với nhân loại vậy.

Con người mang bản chất thực của một cá thể, ắt hẳn ai cũng mang trong mình mạch cảm xúc theo một cấu tạo chuẩn chỉnh của con người gồm yêu, ghét, giận, hờn,... Tất cả đều có đủ trong mỗi con người chúng ta. Thế nhưng, ta sẽ đi chậm lại với cụm từ “yêu”.

   Vậy “tình yêu” là gì? Tình yêu có phải chỉ giữa hai người khác giới với nhau không? Thưa tính tới thời điểm hiện nay, chính những nhà tâm lý học cũng chưa thể đưa ra được một định nghĩa rõ ràng về “tình yêu”. Vì đời sống tình cảm con người là một trong ba mặt tâm lý phức tạp nhất. Song chưa có một nhà tâm lý học hay một ai khác có thể định nghĩa chính xác cụm từ “tình yêu”. Con người định nghĩa “tình yêu” chỉ theo suy nghĩ và cảm xúc riêng của họ. Như Xuân Diệu, ông định nghĩa “tình yêu” rằng: “ yêu là chết trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?” Còn đối với bản thân tôi, tôi không nói rằng tôi sẽ định nghĩa cụm từ “tình yêu” nhưng tôi hiểu rằng: tình yêu là tình cảm giữa con người với con người, là sự ghép nối giữa hai trái tim với nhau. Đối với riêng tôi “tình yêu” sẽ được định nghĩa rõ ràng hơn khi tôi nói đến “tình yêu của Chúa Giêsu trên thập giá”. Vì sao bản thân tôi lại nói như vậy? Ta thấy rằng “tình yêu” là một thứ gì đó không ai định nghĩa được, nhưng chính Giêsu đã định nghĩa được nó và diễn tả cho nhân loại hiểu rõ ràng về tình yêu ngang qua cuộc vượt qua, chính Ngài tự nguyện hi sinh trên thập tự. Điều đáng nói rằng chính con người cũng yêu, họ yêu đến chết nhưng họ chỉ chết trong lòng một ít mà thôi. Còn đối với Giêsu, Ngài yêu nhân loại đến nỗi Ngài chịu chết, cái chết của Ngài ở đây không phải chết trong lòng như nhân loại, nhưng Ngài chết là cái chết trên thập giá. Vì đâu Ngài chết? Phải chăng vì tội lỗi nhân loại quá to lớn, quá nặng nề, nặng nề đến nỗi khiến chính con Chúa Trời phải chết trên thập giá không? Nhìn theo nhiều khía cạnh, ta thấy rằng đôi lúc trong tình yêu sẽ và có xảy ra không ít sự hiểu lầm, mâu thuẫn khi đối phương không hiểu và không đón nhận tình yêu của đối phương còn lại. Chúa Giêsu đã yêu nhân loại. Ngài yêu “hết sức, hết linh hồn” vậy mà có mấy ai hiểu được tình yêu cao cả đó của Ngài, mấy ai đón nhận được tình yêu của Ngài. Tình yêu của Ngài còn được thể hiện cao cả hơn, rõ hơn khi chính chúng ta tự mình chiêm niệm, tự mình nhìn nhận ra, đặc biệt khi chúng ta bước vào tuần Thánh là tuần đỉnh điểm, đỉnh cao của niềm tin Kitô giáo. Chính bầu khí thánh thiêng trong tuần thánh này dễ giúp ta thấy rõ được tình yêu của Ngài dành cho con người, dành cho loài thụ tạo mà chính Ngài đã dựng nên.

Bổn phận là một người con cái của Chúa Giêsu, bản thân chúng ta đã làm gì để tình yêu của Ngài cháy trong chính tâm hồn mình, chính tình yêu trên thập tự của Ngài là kết quả của tình yêu thương vô bờ bến mà Ngài đã ban cho nhân loại. Chính tội lỗi chúng con mà Ngài đã phải chết một cách đau đớn, xót xa trên thập tự. Chính chúng con là người đã nói “đóng đinh nó vào Thập giá” như dân Do Thái ngày xưa. Phải chăng chính trong mỗi người chúng con chưa có một đức tin vững mạnh để có thể thể hiện và đón nhận tình yêu của Ngài? Trước tình yêu vô biên của Ngài, chúng con cảm thấy trân trọng và biết ơn tình yêu của Ngài dành cho chúng con rất nhiều. Chúng con cũng nhận ra những lỗi tội bất xứng nơi chính mình. Tuần thánh là thời điểm và là cơ hội để chúng con sống tâm tình biết ơn, sống chậm lại để cảm nghiệm tình yêu trên thập tự của Ngài cao cả đến nhường nào. Chính Thánh Clare Assisi đã nói rằng “Ta hãy hết lòng yêu mến Đấng đã phó mình trọn vẹn vì mến yêu ta.” Ước chi bước vào tuần thánh chúng con cũng nhận ra và yêu mến Ngài như chính tình yêu của Ngài dành cho toàn thể nhân loại. 

Để minh chính cho tình yêu Ngài đã hi sinh mình trên thập tự, vậy chúng con tự hỏi mình rằng đó có phải là tột cùng của sự ác, của cái ác hay không, chính cây thập giá cây có phải là biểu tượng của sự tàn ác giữa con người với con người hay không? Ngài là Chúa thật và cũng là người thật. Ngài có thể tự mình xuống khỏi thập giá để cứu sống mình nhưng vì Ngài biết rõ, Ngài vâng phục thánh ý của Chúa Cha, nên Ngài chỉ lặng thinh với những người con vô tâm trước mặt mình. Con nhận thấy rằng trên thế gian này không ai có một tình yêu vì người mình yêu như tình Chúa yêu con đã một lần vai mang thập tự, nhận lấy đắng cay khổ đau; chẳng ai có tình yêu nào bằng như tình Chúa thương con đã một lần liều thân chịu chết. Chúa ơi, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã yêu thương con, đã chết trên thập giá vào một chiều Can-vê đượm buồn.

“Hạt lúa gieo vào lòng đất

Phải thối nát để bông hạt sinh nhiều

Để minh chứng cho tình yêu

Giêsu ấy vào một chiều Tuần thánh

Đã hiến chính mình cử hành

Nên tình yêu muôn đời Chúa thánh ban”.

Phải chăng, chính tình yêu của Ngài trên thánh giá nhắc nhở bạn và tôi rằng: hãy mang trong mình một tâm tình biết ơn, một tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì Người yêu chúng ta đến nỗi đã chết, đã hiến mình trao tặng nhưng không cho bạn và tôi chỉ vì tình yêu. Quả vậy, không ai có thể định nghĩa được tình yêu nếu không đi vào cảm nếm sự khổ đau, nhục nhã của tình yêu Giêsu trên thập tự.

Là một người con đang sống trong lòng hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, bước vào tuần thánh đi cùng Giêsu trên con đường khổ nạn, tôi luôn biết ơn Ngài, tôi luôn cố gắng thông phần vào cuộc khổ nạn của Ngài. Ước chi bước vào tuần thánh này, bản thân tôi dám bỏ đi sự ích kỉ của mình, bỏ đi cái tôi của mình, cởi bỏ thói xấu trong mình để cùng bước đi với Giêsu trên con đường đi đến Can-vê, để qua đó tôi cảm nghiệm được tình yêu ngang qua những sự khó khăn, gập ghềnh, sỏi đá. Xin cho tôi có thể thay đổi chính mình trước sự mời gọi của Chúa Giêsu. Ngài mời gọi tôi quay về với Ngài bằng một “tình yêu thập giá”, tình yêu mang lại sự biến đổi thực sự cho đời tôi.

Terexa Thùy Dung (Thanh Tuyển), FMI