Đọc lại văn kiện: “HỒNG ÂN TRUNG TÍN và NIỀM VUI KIÊN TRÌ”

“Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”


​​​​​I. ​Giới thiệu văn kiện:

Đây là một văn kiện “định hướng” của Bộ các Hội dòng Thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ (gọi tắt: Bộ Tu sĩ) được ban hành vào ngày 2 tháng 2 năm 2020. Có lẽ vì ra đời vào giữa mùa Covid cho nên ở Việt Nam ít người để ý. Tại sao có văn kiện này? Thưa đây là đúc kết phiên họp khoáng đại của Bộ Tu sĩ vào tháng 11 năm 2017 để suy nghĩ về một đề tài nhức nhối trong Giáo hội: đó là sự ra đi của nhiều tu sĩ. Theo thống kê, trong vòng 5 năm (2008-2012), Bộ đã cấp 11.805 phép miễn chuẩn lời khấn, như vậy trung bình mỗi năm có 2.361 đơn, đó là chưa tính các Dòng giáo phận thuộc thẩm quyền các giám mục địa phương, và các phép chuẩn nghĩa vụ giáo sĩ (1.188 linh mục, 130 phó tế) thuộc thẩm quyền Bộ giáo sĩ.

Văn kiện phân tích nguyên nhân và hiện trạng của sự rời bỏ. Rời bỏ không có nghĩa là không có ơn gọi; nhưng là một sự bỏ cuộc. Ơn gọi của các dòng tu trong Giáo hội đang gặp khó khăn và giảm sút trầm trọng. Cần xem, xét, làm. Cần phân định và đồng hành giúp người tu sĩ đào sâu ơn gọi.

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thách đố cho đời sống thánh hiến về “lòng trung tín và sự kiên trì”. Làm thế nào để người tu sĩ “ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa?”. Nếu mỗi ngày người tu sĩ không tìm thấy điều gì mới mẻ, hấp dẫn thì họ sẽ dễ buông bỏ ơn gọi. Hôm nay người tu sĩ va chạm với nền văn hóa tương đối và tạm bợ. Thế giới đang rơi vào một “thế giới ảo”, “mong manh và bấp bênh” khiến họ dễ ngã lòng và buông bỏ con đường đã chọn. Vậy phải làm thế nào đây? Phải có phương thế nào đây?  

Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô “Ngày hôm nay sự trung tín trong Giáo hội đang đứng trước một hiện tượng xuất huyết”. Tình trạng mất ơn gọi, rời bỏ đời sống thánh hiến đã làm tê liệt đời sống Thánh hiến làm suy yếu và bào mòn đời sống Giáo hội. Đứng trước hiện tượng này, Giáo hội phải quan tâm và nghiêm túc trong việc biện phân và đồng hành. Đồng thời chất vấn ý nghĩa việc: “Sequela Christi” đạt tới mức nào trong sự trung tín và kiên trì.

II. Nhận diện hiện trạng và lắng nghe:

1. Nguyên nhân của hiện tượng rời bỏ: Đây là một hiện tượng đang chất vấn chúng ta. Sự rời bỏ đời sống thánh hiến là một triệu chứng của cơn khủng hoảng nơi các dòng tu trong Giáo hội. Hiệu quả này đến từ việc các tu sĩ sống theo trào lưu văn hóa hưởng thụ, buông xuôi; dễ dãi trong đời tu, quy hướng về mình. Họ coi việc tu trì như là chuyện bình thường, kể cả sau nhiều năm sống đời thánh hiến. Một khi sống dễ dãi sẽ mất dần ý thức thuộc về Thiên Chúa, khiến đời sống trở nên tẻ nhạt, tầm thường, thiếu chiều kích chiêm niệm. Cuộc sống nửa nạc, nửa mỡ; vâng phục tùy nghi, sự bấp bênh và lạc hướng. Từ dó nảy sinh sự khó khăn trong tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn. Tình huynh đệ xuống dốc sẽ dẫn đến lối sống tầm thường hoặc miễn cưỡng, dẫn đến cảm nghiệm sự cô đơn; cô độc. Họ tìm “một nơi ẩn trú an toàn” thờ ơ với mọi người, dễ bất mãn, bực bội. Ngoài ra còn có một mối nguy hiểm khác cũng rất đáng lo: thế giới công nghệ. Đây là một tình huống cực kỳ nguy hiểm đang xảy ra cho cá nhân và cộng đoàn. Những hình thức bạo lực và những trang mạng khiêu dâm khiến người sử dụng trở thành nô lệ; thiếu trưởng thành đi lạc hướng tách rời xã hội, cộng đoàn, cô lập mình với tha nhân.

Tuy nhiên bên cạnh vẫn còn đại đa số tu sĩ sống trung tín, kiên định và âm thầm phục vụ.

2. Nhen nhúm lên ngọn lửa nhận thức: Đứng trước vấn đề, Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi những ai có trách nhiệm: lắng nghe và nhận ra các vấn đề nhờ sức mạnh và ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Biết thực sự quan tâm đến anh chị em để biện phân và khám phá. Nếu chúng ta nhìn vấn đề một cách lơ đãng, thiển cận và kết án dẫn đến hiểu lầm, thành kiến và thiếu bác ái, tạo ra sự rối loạn và nguy hiểm về tâm lý trong mối tương quan. Đứng trước hiện tượng này đòi hỏi các dòng tu phải canh tân liên tục; tái khám phá và khơi lên vẻ hấp dẫn của đời thánh hiến.

3. Trung tín và kiên trì: Trong ánh sáng của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta mới có thể hiểu được 4 sự trung tín kinh điển: “Hãy sẵn sàng luôn, hãy trung tín với Đức Kitô, trung thành với Giáo hội, với Hội dòng của mình và với con người thời đại này” (ĐSTH 110). Sự trung tín được đo lường theo thời gian. Trung tín là thuộc tính của Thiên Chúa, Đấng trung tín. Lòng nhân từ và trung tín là bản chất của Thiên Chúa.

Sự trung tín được đo lường theo thời gian, lịch sử và cuộc sống hằng ngày. Nếu trung tín là một nhân đức cốt yếu trong mọi mối tương quan liên vị giữa cá nhân với nhau thì kiên trì là một nhân đức nói lên nét đặc trưng của thời gian. Thật vậy, sự kiên trì chỉ có thể được giữ vững nhờ “memoria Dei: tưởng nhớ Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn thường khuyên nhủ chúng ta hãy tưởng nhớ, nhớ đến cảm tình riêng tư của Chúa Kitô... Đức Kitô là mẫu mực của sự trung tín, Ngài là Đấng Trung Tín của Chúa Cha, Ngài là Đấng Trung Tín với nhân loại tội lỗi; là chứng nhân lòng trung thành của Thiên Chúa, là chân dung của lòng trung thành. Ngài là Đấng “Amen” trung tín (x. 2Cr 1,20; Kh 3,14). Ngài mời gọi người tu sĩ trung thành với Lời Ngài, sống trung thành với Chúa Cha qua Ngài.

  • Sự trung tín được nuôi dưỡng nhờ sự gặp gỡ Thiên Chúa, Ngài chạm đến toàn thể con người: chúng ta được mời gọi hoàn toàn ký thác chính mình, lý trí và ý chí, tâm trí và trái tim với sự ưng thuận kiên quyết và ngọt ngào của chúng ta, để kiên trì và sống sự trung tín trong hy vọng. Theo gương kiên trì của Đức Kitô, Đấng tự nguyện hiến dâng mạng sống mình cho chúng ta (Ga 13,1).
  • Vì thế người thánh hiến được kêu gọi sống kiên trì hướng về Đức Kitô. Ký ức làm ta nhớ lại những ngày gặp gỡ hạnh phúc với Thiên Chúa, nhớ lại những phút giây yêu thương thuở ban đầu.
  • Điều kiên trì đầu tiên mà người thánh hiến cần phải chú ý đó là liên lỉ nguyện xin hồng ân trung tín: “Họ hãy khiêm nhượng và kiên trì cầu nguyện xin ơn trung thành, vì Chúa không bao giờ từ chối những người thành tâm kêu cầu (PO 16)
  • Người tu sĩ hãy sống niềm vui trong hy vọng, dù khi bị ma quỷ cám dỗ, chấp nhận Thánh giá. Niềm vui trong hy vọng, kiên trì trong đời sống thánh hiến là hồng ân của Thiên Chúa từ giao ước, là tình yêu không hề cạn, là cảm nghiệm sống động về một tình yêu trung tín của Thiên Chúa.
  • Đời sống huynh đệ: địa điểm của sự kiên trì: một nét đặc trưng kiên trì của sequela Christi. Người thánh hiến hạnh phúc hệ tại đời sống huynh đệ trong cộng đoàn và những mối tương quan xây dựng nên trong đó. Đời sống chung cần được kiên trì trong việc cầu nguyện và hiệp thông trong cùng một tình thần, được nuôi dưỡng bằng đạo lý của Tin Mừng, phụng vụ nhất là Bí Tích Thánh Thể. Trong một cộng đoàn huynh đệ chân thật, mỗi thành viên đều có ý thức đồng trách nhiệm đối với sự trung tín của người khác. Mỗi người đóng góp vào bầu khí thanh thản, chia sẻ cuộc sống, thấu hiểu, tương trợ lẫn nhau. Quan tâm tới những giây phút mệt mỏi, đau khổ, cô đơn của người khác. Đời sống cộng đoàn lỏng lẻo, tẻ nhạt là yếu tố đưa tới sự rời bỏ cộng đoàn, Hội dòng.
  • Đức Maria mẫu gương của sự kiên trì: Đức Trinh Nữ Maria được nhắc đến liên tục như là mẫu gương và cột chống cho “sự kiên trì trung tín” của những người thánh hiến. Mẹ kiên trì trong sự trung tín với Đấng Trung Tín. Người tu sĩ học nơi Mẹ cách sống Tin Mừng trong sự trung tín và kiên trì. Ước chi Đức Trinh Nữ trung tín cũng là mẹ của những người thánh hiến giúp họ cảm nghiệm và chứng minh cho thế giới biết sự trung tín vô tận của Thiên Chúa.

III. Rời bỏ Hội dòng:

Phần này đưa ra những quy tắc thuộc Giáo luật và thực hành của thánh Bộ. Hệ thống hóa những nguyên tắc pháp lý và thực hành của Bộ trong những vấn đề liên quan đến sự vắng mặt, ngoại vi, rời khỏi Hội dòng, và sa thải khỏi Hội dòng.

Khi sự trung tín trong kiên trì suy giảm bởi những tình huống khó khăn hoặc có vấn đề – như đã được phác thảo trong phần thứ nhất. Những hậu quả, không luôn luôn có thể lường trước, làm lung lay sự khả tín của chứng tá hoặc biểu lộ một sự thiếu nhất quán đối với những đòi hỏi khắt khe trong ơn gọi đời sống thánh hiến. Tính nhất quán là sự đáp trả tự do được thúc đẩy bởi tình yêu dành cho Đấng đã đặt tin tưởng vào chúng ta (xc. 1Tx 5,2).

Những sự thiếu nhất quán và những phản chứng không chỉ là những chuyện cá nhân, riêng tư mà thôi: những hậu quả tiêu cực làm suy yếu sự khả tín của chứng tá của Giáo hội về đời sống thánh hiến. Hội dòng không thể và không được phép giữ thái độ bàng quan khi đứng trước những tình huống công khai vi phạm các nguyên tắc căn bản của hàng ngũ những người thánh hiến. Tái khám phá lại ý nghĩa và những hệ luận của kỷ luật, một trong những truyền thống của đời sống tận hiến, là điều cấp bách, đặc biệt trong lãnh vực đào tạo sơ khởi. Từ ngữ “kỷ luật” gợi lên thái độ của người đến học trường của Phúc Âm, là Luật tối cao của những người thánh hiến (xc. GL.662).

Trong phần này còn đưa ra những vấn đề:

Những nguyên tắc pháp lý: Sự vắng mặt bất hợp pháp – chuyển dòng - ngoại vi – Rời bỏ dòng – sa thải khỏi Hội dòng.

IV. Kết luận:

Ngày nay, đứng trước việc đánh mất sự trung tín và kiên trì trong ơn gọi của rất nhiều anh chị em, đã từng quảng đại làm môn đệ. Tất cả chúng ta đều đồng trách nhiệm với nhau và là những người trông nom (xc. St 4,9) về những người anh em và chị em của chúng ta. Đặc biệt là những người yếu đuối nhất, bởi vì chúng ta “được quy tụ trong Chúa Kitô như là một gia đình đặc biệt”. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy (Ga 15,9): là lời yêu cầu mà Chúa Giêsu đã đưa ra cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. 

Hãy ở lại: “đây là sức mạnh cho ơn gọi của người thánh hiến” là mệnh lệnh và cũng là một món quà, một lời đề nghị chân lý căn bản, cho phép được “ở lại trong sự hiệp thông sinh động với Chúa Kitô.” Món quà này được trao các môn đệ của hôm qua và hôm nay. Đặc biệt cho những người nam nữ thánh hiến đang đối diện với thách thức của việc sống trong môi trường tục hóa rất cao, hứng chịu nguy cơ đánh mất sự nhiệt thành và vui tươi của việc trao hiến bản thân cho Chúa Kitô và Giáo hội.

Ở lại là kiên trì! Ở lại là ám chỉ đến một ước muốn và quyết tâm liên lỉ đáp trả tình yêu giao ước và gắn bó với mẫu gương Chúa Kitô. Như thế thử thách sẽ trở thành cơ hội giúp chúng ta thể hiện sự kiên trì và lòng trung thành. Nó cũng là cơ hội giúp cho việc học hiến dâng chính mình hơn, để không còn chỉ sống cho chính mình nữa (xc. Rm 14:7), và để thiết lập lại một tình bạn vững bền với Đức Kitô và với những người khác, mang lại hoa trái và niềm vui trọn vẹn (Gn 15:11).

Đức Maria, người phụ nữ trung tín và kiên trì

Cả cuộc đời của Mẹ là: “Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì”. Chúng con ngước nhìn lên Mẹ, xin Mẹ yêu thương và chữa lành sự trung tín bị thương tích của chúng con. Chúng con ký thác đời mình cho Mẹ.

Nt. Mai Liên, FMI