Xin vâng

Đâu là ý Chúa? Tôi phải dừng lại để hồi tâm và tự nhủ. Thánh ý Chúa muốn là tôi chọn thái độ khiêm nhường, tự hạ.


Tiếng xin vâng của Chúa Giêsu (Pl 2, 6-8)

Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, từ bỏ thân phận Thiên Chúa để nhập thể trong thân phận con người. Người đã tự hạ mình đến tận cùng để cùng chung số phận với con người, để hiểu, để thấu, để cảm. Ngài đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết tủi nhục trên cây thập giá. Và từ nơi sâu nhất đó, Chúa nâng con người lên với Chúa. Từ khi Chúa Giêsu vâng lời đến với con người, Ngài đã đi vào con đường thập giá, Ngài đã đi đến tận cùng của mầu nhiệm tự hủy, vì không phải đến lúc chết Ngài mới chịu đau khổ, nhưng ngay từ những ngày đầu tiên Ngài đã sống trong đau khổ, nghèo hèn, và mỗi ngày sống là mỗi ngày thi hành Ý Chúa Cha. Từ khi thụ thai, đến khi sinh nơi hang đá lạnh lẽo, rồi những ngày tháng ở làng quê Nadaret không được đón nhận, cho đến khi đi rao giảng và cuối cùng chết trên thập giá. Những khó khăn, đau khổ, Chúa đã đón nhận bằng lời thưa xin vâng. Tiếng vâng thật trọn vẹn!

Tiếng xin vâng của Thánh Giuse

Thánh Giuse cũng có chương trình, ý định riêng của ngài. Thế nhưng, khi lời mời gọi của Chúa gởi đến cho ngài trong giấc mộng. Ngài đã bỏ hết mọi chương trình, ý định của mình để vâng theo chương trình, ý định của Thiên Chúa. Tiếng xin vâng của Thánh Giuse là một tiếng thưa không lời, ngài thực hiện lời xin vâng bằng chính hành động của mình, không chậm trễ, không trì hoãn và không từ chối. Mỗi lần sứ thần đến với ngài qua giấc mộng, thánh Giuse đều mau mắn thực hiện thánh ý Chúa, mặc cho ngay trong đêm khuya. Ngài luôn sẵn sàng trước lời mời gọi của Chúa. Ngài hy sinh ý riêng mình để thực hiện trọn vẹn ý Chúa. Nhờ lời xin vâng của thánh Giuse mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria luôn được an toàn và thoát khỏi những nguy hiểm luôn rình rập. Thưa tiếng xin vâng, thánh Giuse đã hy sinh cả cuộc đời mình cho chương trình của Thiên Chúa. Ngài đã đón nhận mọi khó khăn bắt đầu từ khi thưa tiếng xin vâng đó.

Tiếng xin vâng của Mẹ Maria

“Này tôi là nữ tỳ Chúa, tôi xin vâng như lời thánh Thiên thần truyền” (Lc 1, 38)

Đó là lời thưa xin vâng của Mẹ Maria trước lời mời gọi của Chúa. Và nhờ lời thưa xin vâng này, Con Thiên Chúa làm người. Mẹ đã có một cuộc đối thoại với sứ thần để được soi sáng và khẳng định niềm tin của mình. Để chương trình của Chúa được thực hiện, Mẹ hoàn toàn tin tưởng phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Khi thưa lời xin vâng Mẹ cũng bắt đầu đón nhận những khó khăn. Mẹ cũng phải hy sinh và kiên nhẫn để sống trọn thánh ý Chúa. Mẹ đi qua khó khăn cả trong sự hiểu biết khi Mẹ không hiểu hết mầu nhiệm của Thiên Chúa. Dầu vậy, Mẹ vẫn luôn để Lời Chúa trong lòng và suy đi nghĩ lại (x. Lc 2, 19. 51). Mẹ luôn xin vâng thánh ý Chúa, bằng thái độ khiêm tốn, kiên cường đón nhận tất cả, hy sinh tất cả để chương trình của Chúa được thực hiện.

Tiếng xin vâng của tôi

Một ngày nọ, Chúa gõ cửa tâm hồn tôi và hỏi: Con đi tu không?

  • Dạ có. Và tôi từ giã gia đình đi vào Dòng.

Và mỗi ngày với lời mời gọi của Chúa qua tiếng lương tâm, qua Lời của Chúa, qua những chất vấn của Lời, qua những biến cố của cuộc sống, qua cơn đau bệnh, qua sự hiểu lầm hay một đòi hỏi đón nhận sự khác biệt của người khác. Tôi được Chúa dẫn vào mầu nhiệm của Thập giá, mầu nhiệm tự hủy. Vì khi thưa xin vâng với Chúa, tôi phải từ bỏ mình, tôi từ bỏ điều mình thích để chọn điều mình cần, để chọn điều Chúa muốn. Tôi bỏ tính tự nhiên là sự nóng giận, cau có, khó chịu để mỉm cười. Tôi cần hiền hòa với người nóng nảy. Tôi cần kiên nhẫn chịu đựng trước những sự hiểu lầm, vô lí, bất công mà người khác vô tình hay cố ý đem đến cho mình để đi ngược lại với con người tự nhiên là muốn biện minh, giải thích hay thậm chí là cãi lại để đòi sự công bằng, hữu lí cho mình. Những lúc như vậy, tôi góp phần để Chúa nhập cuộc, để chương trình tình thương của Chúa được thực hiện là xây dựng cộng đoàn yêu thương. Từ đó, mọi người nhìn thấy hay cảm nhận được sự hiện diện của Chúa nơi người khác hay nơi chính tôi.

Thế nhưng, không phải lúc nào tôi cũng dễ dàng thưa xin vâng với Chúa. Vì đó là một cuộc chiến, tôi phải chiến đấu để bỏ ý riêng mà chọn ý Chúa. Đâu là ý Chúa? Tôi phải dừng lại để hồi tâm và tự nhủ. Thánh ý Chúa muốn là tôi chọn thái độ khiêm nhường, tự hạ. Cái tôi đã khiến tôi nhiều khi chậm chạp thi hành ý Chúa và làm dở dang chương trình của Chúa, thậm chí, có lúc tôi đã từ chối Chúa, không đáp lại lời mời gọi của Ngài. Lúc đó, tôi trở thành tác nhân gây đau khổ cho người khác. Tôi khiến cho chương trình của Chúa đi lệch hướng. Tôi khiến cho Chúa không thể nhập cuộc và tôi trở thành người không có Chúa. Thời gian hồi tâm trước sự chất vấn của Chúa, tôi nhận ra mình đã sai. Tôi xin lỗi Chúa và muốn hối cải. Đây là một ơn đối với tôi. Chúa mời gọi tôi kiên nhẫn vì Chúa đã luôn kiên nhẫn, giàu lòng thương xót đối với tôi.

Lạy Chúa, Chúa đã hạ mình đến tận cùng, từ Thiên Chúa cao quang xuống thân phận thấp hèn của kiếp người và đã vâng lời cho đến chết để cứu độ con. Thánh Giuse, Mẹ Maria và các Thánh đã đi vào con đường thập giá, con đường tự hủy giống như Chúa qua tiếng xin vâng, con nài xin Chúa cũng ban cho con đức tin mạnh mẽ, lòng quảng đại và sự mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa mỗi ngày, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa với tâm hồn bình an. Xin cho con luôn thưa tiếng xin vâng và đón nhận mọi điều xảy đến với ơn Chúa, để chương trình của Chúa được thực hiện, để Chúa nhập cuộc và ban ơn cứu độ cho con. Amen.

Maria Quỳnh Anh (Khấn tạm), FMI