Chiều kích chiêm niệm

Nhưng thật lòng mà nói, tôi rất dễ để cho bản thân cuốn theo công việc vì sự nhiệt tình, quảng đại của tuổi trẻ, cắt xén thời gian đến với Chúa một cách nhẹ nhàng vì cứ nghĩ rằng “Chúa hiểu con”


Ngay từ tựa đề, mới nhìn qua bạn có thể hiểu rằng tôi đang hướng chiều về thần học, nhưng không - tôi được đánh động nhiều vào điểm này, bởi một đời sống tôi đang chọn, hoạt động mỗi ngày mà không có được chiều kích này thì coi như kể bằng không. Cuộc sống tôi chẳng có ý nghĩa và giá trị nào.

Xét về cơ bản, chiều kích chiêm niệm là một thực tại ân sủng, qua đó Chúa Thánh Thần cho tín hữu nhận biết Chúa Cha (Ga 14,8), cảm nghiệm được chiều sâu của Thiên Chúa (1Cr 2,10), và hiệp thông với Ba Ngôi cực thánh (1Ga 1,1-3).

Về phía con người, chiều kích chiêm niệm là một sự đáp trả mang tính đối thần bằng đức tin, đức cậy, đức mến. Nhờ đó người tín hữu đón nhận mặc khải và sự hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô và Thánh Thần. Hoặc nói cách vắn gọn, theo Chân Phước Giáo hoàng Phaolô VI, đó là “Cố gắng hướng tầm mắt và cõi lòng về Thiên Chúa” (Elevatio mentis ad Deum). Đặc điểm của hoạt động này là được thúc đẩy bởi đức mến, tràn trào từ đền thánh thâm sâu của nhân vị; nơi đó có sự hiệp nhất giữa chiêm niệm và hoạt động. Tu sĩ luôn ý thức rằng khi hoạt động tông đồ và làm việc bác ái, là họ tham dự vào sứ mạng của Đức Kitô và Giáo hội. Sứ mạng ấy bắt nguồn từ Chúa Cha và đòi hỏi triền miên đối thoại với Ngài, tức cầu nguyện. Mối nguy cơ luôn đe dọa người tông đồ là để cho mình bị chi phối bởi các hoạt động vì Chúa tới mức lãng quên cả chính Chúa, nguồn của mọi hoạt động.

Chiều kích này được thể hiện rõ trong đời sống sứ vụ, khi đó người tu sĩ vừa hoạt động và cầu nguyện. Tuy Hội dòng chúng ta là dòng hoạt động, nhưng hoạt động trong chiêm niệm. Đồng thời bản chất của đời tu là cầu nguyện, cầu nguyện và hoạt động đi đôi với nhau. Vì thế, nhiều khi trong cuộc sống bản thân tôi cũng như một số chị em nghiêng chiều về hoạt động mà đánh mất đi đời sống cầu nguyện. Điều mà tôi được ý thức và bắt đầu lại đó chính là nội tâm hoá hoạt động bằng đời sống cầu nguyện: đặt tình yêu, lòng mến vào những việc làm. Sau 2 năm chính thức sống các lời khấn và được tham dự vào sứ mạng của Hội dòng, tôi nhận thấy rất rõ về bản thân khi sống chiều kích này. Dẫu biết rằng, tôi đã nhận được rất nhiều ơn lành của Chúa đến với tôi một cách nhưng không, Chúa đã gìn giữ và mời gọi tôi sống sự thân mật với Ngài để mỗi ngày nên thánh hơn. Nhưng thật lòng mà nói, tôi rất dễ để cho bản thân cuốn theo công việc vì sự nhiệt tình, quảng đại của tuổi trẻ, cắt xén thời gian đến với Chúa một cách nhẹ nhàng vì cứ nghĩ rằng “Chúa hiểu con”. Nhiều lần làm việc theo quán tính và rập khuôn mà quên không đặt tâm tình của mình vào đó để rồi những việc đó trở nên vô ích. Thật uổng nếu như đời tu của tôi chỉ dừng lại ở những điều đó, thì nó cũng chẳng khác gì những việc ngoài đời. Nên những điều thôi thúc tôi nhìn lại bản thân phải sống sao cho ĐỜI TU thật vui, thật hạnh phúc và ý nghĩa nó nằm ở chiều kích này. Mặc dù thời gian Nhà Tập tôi được dạy và suy tư nhiều nhưng ra thực tế thật khó. Giờ này đây, tôi được đánh động nhiều vào điểm này để một lần nữa tôi bắt đầu lại, ý thức và nỗ lực để làm sống lại chiều kích chiêm niệm này trong đời sống thánh hiến của tôi. Luôn ý thức đặt để tâm tình chuyển cầu và sống tình thân mật với Chúa trong bất cứ công việc, hoàn cảnh nào của cuộc sống.

Tôi ước mong bản thân tôi và mỗi chị em chúng ta, luôn ý thức và làm sống lại chiều kích này để đời sống chúng ta luôn có Chúa và cư xử với nhau thấm đượm tình Chúa, tình chị em. Khi sống sự thân mật với Chúa và ý thức Chúa luôn ở trong tôi, chúng ta sẽ cư xử và hành động một cách trọn tình bác ái trong đời sống cộng đoàn và chứng tá cho tha nhân.

Maria Lê Nguyệt (Học viện SG), FMI