Khờ khạo lắm, người nữ tu

Ngờ ngợ lại gần trò chuyện đôi câu, tôi hỏi em làm gì? ở đâu? nhìn em ngộ lắm. Em chỉ mỉm cười bảo “em đi tu”.


Tình cờ gặp em trong một chuyến đi thực tế, đôi mắt tôi dán chặt bởi hình ảnh là lạ, khác người nơi em. Người con gái với khuôn mặt của tuổi thanh xuân nhưng trang phục em bận, mái tóc em buộc, đôi dép em mang như muốn nói với thiên hạ rằng: em vừa bước ra từ thời...cổ. Ngờ ngợ lại gần trò chuyện đôi câu, tôi hỏi em làm gì? đâu? nhìn em ngộ lắm. Em chỉ mỉm cười bảo “em đi tu”.

Tôi không hiểu “tu” là gì và tôi cũng không biết đã có ai định nghĩa thế nào là “tu”. Nhưng nhìn em, tôi có thể mường tượng “nghề tu” mà em muốn nói tới. Thế giới hôm nay đã bao lần người ta thay màu đổi kiểu nhưng nhìn em tôi thấy được sự “trung thành” bởi hai màu đen - trắng, hấp dẫn chỗ nào và điều gì nơi bộ đồ “quê mùa” ấy làm em gắn bó vậy? Tôi lại nghĩ, như bao người, nét duyên của người con gái em có quyền được mặc đẹp, ăn diện xứng với danh phận. Nhưng rất khác, em hạnh phúc với chiếc áo đôi khi còn sờn vai sổ chỉ, bằng lòng với chiếc nón thậm chí không đủ mười sáu vành. Sẵn sàng làm những việc mà không giống với tấm bằng cử nhân em cầm ở tay. Ôi, con người tu, sao em khờ khạo thế!

Tôi và em đang cùng sống trong một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân, ưa chuộng trào lưu khoái lạc và chạy theo chủ nghĩa duy vật, dường như ai cũng đam mê với cuộc sống này. Còn em, một mình dừng lại giữa lúc con người đang vội vã, âm thầm và can đảm tuyên hứa khấn giữ đức khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục. Em trao ban cái em là, trao ban nghị lực yêu thương, nhu cầu chiếm hữa và khả năng định đoạt đời mình cho Đấng Vô Hình. Nhìn khuôn mặt háo hức, đôi mắt sáng trong, đôi môi mỉm cười như lộ ra đây là điều em đã đợi chờ từ lâu.

Tôi rất tò mò về suy nghĩ trong em, bởi tôi đã vận dụng tất cả sự hiểu biết của trí óc, logic của lập luận cũng không sao hiểu được lối sống tu em chọn. Thời gian mãi vần xoay, cuộc sống em vẫn quanh đi quẩn lại cùng một thời gian biểu, sáng em vào nhà thờ, tối em bước lên nhà nguyện, em thầm thĩ với một Con Người ở trên cao. Như cây cần nước, như con người tự nhiên cần máu, tôi cảm tưởng cả tâm hồn và thân xác em đều cần nhịp độ này. Tôi không biết ở đó Người Ta nói gì với em, nhưng khi bước ra tôi bất chợt thấy em trở thành một người hoàn toàn khác. Khuôn mặt em tươi sáng, đôi tay em nhẹ nhàng, đôi chân thoăn thoắt và một trái tim rộng mở yêu thương hết mọi người. Tôi trộm nghĩ, hẳn là Người Ấy đã cho em một liều thuốc thần kỳ.

Cuộc sống chung- đụng đã không ít lần cho tôi bắt gặp nước mắt đằng sau nụ cười của em. Những chiến đấu nội tâm và cả những giằng co để đọc được ý muốn của Đấng Vô Hình, có lẽ không dễ đối với một người bình thường. Nhưng với em, trong sự thinh lặng của tâm hồn, để đầu gối chạm đất, em mau mắn buông bỏ sự trần trụi nơi bản thân, chấp nhận những giới hạn của người khác và mạnh dạn bắt đầu lại bằng tình yêu và với tình yêu. Chắc hẳn đây là nghệ thuật sống mà Đấng Vô Hình đã bật mí cho em. Tôi ngưỡng mộ sự an nhiên nơi con người em. Bởi tôi nghĩ cuộc sống cũng giống như thời tiết vậy, có khi nắng sáng nhưng cũng lắm lúc mưa giông tầm tã. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, tôi thấy em vẫn giữ nét hồn nhiên, vui tươi của một con người đầy Chúa. Hạnh phúc khi cuộc sống mỉm cười, bình an khi cuộc đời nghiệt ngã, như một phát minh, quả chanh chấm muối được xếp vào món trái cây tráng miệng thì cũng chỉ có thể là em – người nữ tu.

Tôi hiểu ra rằng sự khờ khạo em có là được “di truyền” từ gen của Người em bước theo “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7) nếu quả thật Người Ấy “thông minh” thì đã chẳng làm thế.

Cầu chúc em luôn giữ được sự khờ khạo mà Đức Giêsu mong muốn, người nữ tu!

Maria Mỹ Hằng (Khấn tạm), FMI