“Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15, 9)

“Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15, 9). Hãy cảm nhận Chúa đang thương mình rất nhiều, Chúa luôn ban dồi dào ân sủng.


Đây là lời mời gọi Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Trong đoạn văn ngắn ngủi về trình thuật “Cây nho thật”, từ câu 1-11, có tới 11 từ “ở lại”. Tương tự như vậy trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu cũng đã nói với các môn đệ đầu tiên của Ngài “Đến mà xem. Họ đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1, 39). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, cụ thể là Tin Mừng Matthêu, cũng nhắc đến việc ở lại nhưng là Thiên Chúa ở lại với con người: “Em-ma-nu-en - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23). “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Thiên Chúa mời gọi con người ở lại với Ngài trong tình yêu, để nhờ tình yêu sinh hoa kết trái. Và Thiên Chúa cũng chứng minh Ngài luôn luôn ở lại với con người, ở cùng con người và ở trong con người. Thiên Chúa ban ơn sủng dồi dào cho con người. Các môn đệ đầu tiên nhờ ở lại với Chúa Giêsu đã đánh dấu khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời các ông, trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Các ông được sống cùng với Chúa, được gắn kết với Chúa Giêsu và bước vào một ơn gọi mới, ơn gọi của tình yêu.

Thế nhưng, các môn đệ đã làm gì để đáp lại tình thương của Chúa?

Con người đã có lúc ở với Chúa nhưng lòng thì xa Chúa, ở với Chúa nhưng tình yêu thì cằn cỗi. Nếu làm một phép so sánh giữa linh hồn và thân xác trong việc được nuôi dưỡng, chúng ta sẽ thấy có một sự khập khễnh, không cân bằng. Linh hồn được nuôi dưỡng bằng của ăn thiêng liêng, được kín múc qua Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, đọc kinh thần vụ, nguyện gẫm, lần hạt, xét mình, hồi tâm, quy ra thời gian cụ thể là khoảng hai tiếng rưỡi mỗi ngày. Đó là đối với người tu sĩ, còn với người Kitô thì còn ít hơn nữa. Còn đối với xác thì thời gian nhiều hơn rất nhiều lần. Xác được nuôi dưỡng bằng của ăn vật chất, những thú vui giải trí: mỗi ngày 3 bữa chính (ít nhất là một tiếng rưỡi), sáu tiếng ngủ sâu, còn lại là thời gian làm việc, tán gẫu, tương quan với công việc, với người khác. Như vậy, linh hồn có nguy cơ bị “suy dinh dưỡng” vì thiếu chất nếu không biết sinh hoa trái sau những giờ thiêng liêng, nếu không biết chuyển hóa thành tình yêu để phục vụ tha nhân, để yêu mến đồng loại và thể hiện tình yêu với Chúa qua những hy sinh. Đặc biệt, qua việc đặt để tình yêu vào việc làm, ý thức kết hiệp với Chúa trong mỗi phút giây làm việc xác, trong tương quan với con người vẫn nhớ và quy hướng về Chúa, thì có khả năng linh hồn đó không đồng nhất với xác.

Cũng có tình trạng con người ở với Chúa nhưng một cách hời hợt, chỉ để chu toàn bổn phận. Lúc đó, người đó như lời Thánh Gioan nói “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”. (Kh 3, 15-16).

Đó là tình trạng đáng báo động của người Kitô hữu, đặc biệt là người tu sĩ đã khấn hứa dâng hiến trọn vẹn xác thân cho Chúa nhưng lại thiếu tình yêu, thiếu lửa nhiệt tình, sống như một cái máy chỉ lo chu toàn bổn phận của mình, chẳng yêu Chúa, chẳng yêu ai, không ghét Chúa, cũng không ghét ai nhưng cứ ương ương dở dở như vậy, có lúc sẽ bị Chúa loại ra khỏi môi trường thánh, cất hết mọi ân sủng.

Như vậy, chúng ta cần làm gì?

“Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15, 9). Hãy cảm nhận Chúa đang thương mình rất nhiều, Chúa luôn ban dồi dào ân sủng. Hãy đến và ở lại với Chúa, cầu xin Chúa ban cho hồng ân trung tín, cầu xin Chúa giúp sức cho mình có sự nỗ lực để kiên trì và cảm thấy được niềm vui kiên trì ngay trong những điều rất nhỏ. Con người yếu đuối mỏng dòn luôn cần đến ơn Chúa, nhưng không phải có đầy ơn mà sống ỷ lại nhưng còn cần có sự cộng tác của mỗi người, bằng sự nỗ lực, bằng việc liên lỉ cầu xin ơn Chúa và bằng lòng phó thác, cậy trông, cậy dựa vào ơn Chúa với lòng tin tưởng, mến yêu. Đến với Chúa qua Bí tích Hòa Giải, Bí tích Thánh Thể để được Chúa chữa lành và ban thêm sức mạnh.

Lạy Chúa, con là kẻ yếu đuối, tội lỗi

“Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi, thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét. Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng, nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt (Tv 32, 3-4).

Con không đến với Chúa, con không tin vào lòng thương xót của Chúa, con không thể lãnh nhận Bí tích Hòa Giải để được Chúa thứ tha, chữa lành cho con thì con vẫn mãi nằm liệt trong bùn nhơ. Chỉ khi con đến với Chúa qua Bí tích Hòa Giải con mới được tha thứ, được chữa lành và lại cảm thấy hạnh phúc, bình an trong tâm hồn. Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. (Tv 32, 1).

Con được cứu vớt ra khỏi bùn nhơ, con được Chúa mặc cho tấm áo trắng mới và Chúa cho con cơ hội bắt đầu lại. con cảm nhận con được Chúa thương yêu quá bội. Con cảm thấy mình mạnh mẽ hơn và ước muốn quyết tâm sống đẹp lòng Chúa. Xin Chúa ban ơn giúp sức cho con, gìn giữ tấm áo trắng sạch sẽ, tinh tuyền bằng tình yêu với Chúa thể hiện qua những cố gắng nỗ lực trong cuộc sống hằng ngày, qua những hy sinh, những giây phút bỏ mình, bỏ ý riêng đi để chọn điều Chúa muốn và thi hành. Xin giúp con “nghiêng về Thánh Ý Chúa” (Tv 119, 36a) và xin giúp con yêu thương những người xung quanh con để tình yêu của Chúa được sinh hoa trái và trở thành dấu chỉ để người khác nhận ra tình thương của Chúa chan hòa mặt đất.

Maria Quỳnh Anh (Khấn tạm), FMI