Đánh thức tâm hồn

Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, bỏ chiếc điện thoại xuống và rời khỏi chiếc “ghế sofa”. Hãy nhìn xung quanh chúng ta để thấy rằng những người sống bên cạnh đang bị tổn thương.


 Sinh-lão-bệnh-tử là quy luật mà mỗi người đều phải trải qua.

Thế nên, ai cũng mong ước mình sẽ sống thật lâu để cùng người thân tận hưởng hạnh phúc ở trần gian này. Họ sợ nhất là cái chết vì chết đưa người ta tới sự buồn thương và chia ly vĩnh viễn. Họ sợ vì nó là một quy luật tất yếu, không miễn trừ ai.

Giật mình trong nghĩ suy, tôi dừng lại ở một chất vấn: liệu rằng sự chia ly của thể lý có thực sự đáng sợ hơn vực thẳm xa cách trong tâm hồn giữa người với người? Quả vậy, cái chết theo lẽ tự nhiên không đáng sợ bằng “cái chết trong tâm hồn”. “Cái chết không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là để tâm hồn lụi tàn khi đang còn sống”. (Nooc-man Ku-sin).

Sống trong một xã hội với sự phát triển vượt bậc của phương tiện kỹ thuật số, mọi thứ có vẻ như được kết nối với nhau nhưng thực tế thì quá cô lập và xa cách. Nó khiến con người dần mất liên lạc với thực tại, cản trở sự phát triển tương quan giữa các cá nhân đích thực. Sống cạnh nhau, ở gần bên mà chẳng biết, chẳng thấy nhau. Sự vô cảm như chiếm lấy tâm hồn con người khiến chúng ta trở nên thờ ơ với những thứ diễn ra xung quanh mình. Người ta sống ích kỉ, giả dối, nghĩ nhiều cho bản thân mà quên đi những người xung quanh. Điều gì có thể đánh thức được tâm hồn đang dần lụi tàn này nếu không phải là ĐỨC ÁI? Đức ái chính là nhịp đập của trái tim. Cuộc sống sẽ thiếu ý nghĩa đích thực khi chúng ta không biết trao - nhận tình yêu cách chân thành. “Lòng bác ái không chỉ để quan sát và nhận xét mọi điều qua màn hình, nhưng là những tấm lòng không quản ngại dấn thân, chấp nhận để đôi tay mình bị vấy bẩn vì chạnh thương trước những đau khổ của tha nhân” (ĐGH Phanxicô). Như người Samari nhân hậu đã chạnh lòng thương mà chăm sóc cho nạn nhân bên vệ đường dù không biết người đó là ai (x. Lc 10, 33-34), hãy học biết cách khóc: Khóc cùng những người bất hạnh; khóc cho những người bị gạt ra bên lề; khóc cho những người bị khinh khi, ruồng bỏ… Thêm nữa, để đánh thức tâm hồn khỏi sự thờ ơ, vô cảm thì nhất thiết phải có sự đối thoại. Đối thoại để biểu lộ bản thân, để lắng nghe nhau, hiểu nhau và giúp đỡ nhau. Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, bỏ chiếc điện thoại xuống và rời khỏi chiếc “ghế sofa”. Hãy nhìn xung quanh chúng ta để thấy rằng những người sống bên cạnh đang bị tổn thương. Họ cần được yêu thương.

Như một món quà vô giá, mỗi ngày, Thiên Chúa ban cho chúng ta một cơ hội mới, một khoảnh khắc mới, một hơi thở mới. Hãy nuôi dưỡng những gì mình đang nhận được! Hãy phục vụ cách vô vị lợi! Hãy là những chiếc cầu nối kết yêu thương!

Như thế, Sự Sống của Đức Kitô sẽ ở mãi trong chúng ta. Sự Sống đó sẽ không khiến ta lo lắng hay sợ hãi trước quy luật sinh tử tự nhiên. Trái lại, Sự Sống dẫn ta đến bình an trong ơn cứu độ đời này và đời sau, nơi mà con người luôn luôn bên nhau.

Maria Phùng Yến (Tiền tập), FMI