Ai chờ đợi ai

Trong khoảng thời gian chờ đợi, ta tưởng mình như phải dừng lại mọi thứ, chẳng còn tâm trí cho một công việc nào khác.


Cuộc sống có biết bao cuộc chờ đợi, có những cuộc đợi chờ chứa đầy hy vọng và niềm vui bên cạnh đó cũng có những cuộc đợi chờ làm tê tái lòng người. Trong khoảng thời gian chờ đợi, ta tưởng mình như phải dừng lại mọi thứ, chẳng còn tâm trí cho một công việc nào khác. Thế nhưng, sự chờ đợi của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác! Mùa Vọng mở ra cho chúng ta một cuộc đợi chờ mang đầy màu sắc của tình yêu. Cuộc đợi chờ này không khởi đi từ con người nhưng là chính Chúa.

Đây đó chúng ta vẫn thường được dạy, hay dạy cho các em nhỏ rằng: Vọng là trông mong. Trong thời gian Mùa Vọng, Giáo hội muốn chúng ta sống mãnh liệt hơn tâm tình khát mong Chúa đến hay Mùa Vọng có mục đích đầu tiên là chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Giáng sinh, tức là kỷ niệm biến cố Ngôi Hai xuống thế làm người tại Bêlem xưa[1]. Như thế đối tượng thực hiện cuộc chờ đợi trông mong ấy là chính con người. Một sự chờ đợi hướng về trời cao, với ước mong Chúa đến.

Tuy vậy, Mùa Vọng không chỉ được hiểu theo nghĩa đơn thuần là con người chờ đón Chúa trong hy vọng. Nhưng sâu xa hơn cả đó chính là việc ngày qua ngày Thiên Chúa chờ đợi chính con người. Chủ thể của việc chờ đợi dường như bị hoán đổi, nỗi khắc khoải đợi trông không còn đến từ con người nhưng từ chính Thiên Chúa. Phải, Thiên Chúa chờ đợi con người.

Điều này thể hiện rõ qua từng đoạn Lời Chúa được Giáo hội đặt trong Mùa Vọng như “các con hãy tỉnh thức” ( x. Mc 13, 33-37) hay “Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?” (x. Mt 9, 27-31) một đoạn khác “Người động lòng xót thương” (x. Mt 9, 35 – 10, 1. 6-8) và nhiều đoạn khác. Vậy Chúa chờ đợi nơi nào? Nếu chỉ tìm kiếm trên mặt chữ để thấy được Thiên Chúa chờ đợi con người thì chưa thể khẳng định được. Nhưng thiết nghĩ để hiểu điều này, mỗi người cần phải chìm sâu trong sự thinh lặng nội tâm mới cảm nghe được tiếng ấy. Chúa chờ đợi con người “tỉnh thức” để nhận ra được đâu là góc khuất của đời mình, đâu là những kiêu căng tự phụ, đâu là những thái độ coi thường người khác...? của con người. Chúa chờ đợi con người nhận ra bản thân với những khả thể sẽ bị lôi kéo vào những hư vinh của cuộc đời, những hố sâu của danh vọng mà xem thường người khác. Chúa chờ đợi con người bước ra khỏi những đam mê của thể xác, ước muốn và tinh thần để sống sự thánh thiện. Chúa chờ đợi con người nói “yes” để Người có thể làm những phép lạ chữa lành họ, có thể dạy dỗ họ trên con đường của tình yêu... Đã hơn 2000 năm nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục chờ đợi con người. Ngài đã không bỏ mặc con người, nhưng Ngài cũng không áp đặt con người, Ngài đã cho con người được tự do rồi trong sự tự do của con người Thiên Chúa vẫn chờ và tìm đợi “ngươi ở đâu?”[2].

Mãi mãi vẫn là Thiên Chúa đợi chờ. Thiên Chúa của tình yêu đi bước trước ngay trong từng biến cố hiện sinh, trước khi con người chờ thì Chúa đã đợi. Chúa đợi cả khi con người làm lơ trước Chúa, tìm gọi con người ngay khi con người chạy trốn Chúa, không dám đối diện với Người.

Chúng ta được mời gọi hãy một lần thật lòng đón chờ Chúa, chờ đợi trong tỉnh thức cầu nguyện, chờ đợi với đèn thắp sáng trên tay. Hãy thắp lên ngọn nến của niềm vui, tình yêu và hy vọng trong chính cuộc đời mỗi người.

Anna Minh Chi (Khấn tạm), FMI


[1] https://ngoiloivn.net/suy-tu/y-nghia-mua-vong/

[2] http://ubdkcgvn.org.vn/vi/van-hoa-nghe-thuat/thien-chua-doi-cho--troi-cao-hay-do-suong-xuong-o81E207AE.html