Gương sáng cuộc đời

Con cảm tạ Chúa vô vàn đã ban cho con có một người mẹ hiền như thế. Nếu để tỏ bày tấm lòng của con đối với Mạ thì dùng chữ yêu Mạ cũng chưa đủ, mà phải gọi là thương...


Người Huế gọi mẹ ruột mình là Mạ. Mạ ơi, con muốn kêu lên trăm ngàn lần hai tiếng “Mạ ơi” với trọn cả tấm lòng mến thương tha thiết, đau đáu với nỗi buồn mất Mạ, rưng rức nước mắt giọt ngắn giọt dài những đêm dài trăn trở nhớ Mạ. Mạ ra đi để lại trong tim con, trong lòng Ba và các em một sự hụt hẫng, trống vắng. Dù đã dặn lòng chuẩn bị trước Mạ sẽ mất, nhưng đến bây giờ con vẫn chưa tin là Mạ đã đi rồi, đi thật xa, chúng con không còn gặp thấy, không còn chạm đến Mạ trên cõi đời này nữa. Ngày đưa Mạ ra nghĩa trang, mưa gió rét lạnh buốt, nước mưa hoà nước mắt cay xè của chị em chúng con. Mạ vội vàng rời đi nhanh thế, không cho chúng con có thời gian chăm sóc báo hiếu Mạ thêm hơn, để bày tỏ lòng thương Mạ nhiều hơn, để nói chuyện với Mạ nhiều hơn, để làm cho Mạ vui hơn…

Trong trái tim con, trừ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, Mạ quả thật là người Mạ vĩ đại hơn hẳn tất cả các bậc vĩ nhân con đã từng biết. Tối trước ngày An táng, sau khi hội đoàn gíao xứ đọc kinh cầu hồn xong, Ba và chị em con quây quần đông đủ bên Mạ, cùng sẻ chia cho nhau kỷ niệm về Mạ. Mỗi người kể mỗi câu chuyện, diễn tả mỗi cung cách khác nhau, nhưng tất cả chúng con đều nghe trong từng giọng nói rưng rức nỗi niềm đong đầy lòng biết ơn thương mến vô cùng với Mạ. Bởi quá nhiều điều để kể về Mạ. Mạ không chỉ là người Mạ đã sinh ra, nuôi dưỡng, dạy con nên người mà còn là người Mạ nêu gương sáng cho con về sự quên mình, về đức tin sống động, về lòng bác ái và nhiều điều khác nữa của Mạ mà chị em chúng con không bao giờ đếm xuể hết được.

Mạ luôn quên mình để lo cho người khác, từ người thân trong gia đình ruột thịt đến bà con hai họ, xóm giềng, người gần cũng như người xa lạ. Đời Mạ gian truân nhiều hơn sung sướng. Từ tuổi thiếu niên ở với ông bà ngoại, Mạ đã phải làm việc để góp phần cho hai cậu ăn học làm linh mục. Đến khi lập gia đình, Mạ đảm đang với phận làm dâu, chăm sóc ông bà nội già yếu, đối xử kính trọng yêu thương hết lòng người chị chồng không gia đình, và người anh trai chồng có vợ cũng như không ở cùng nhà. Con còn nhớ ngày bác mất, Mạ tháo nhẫn cưới để mua quan tài cho bác yên nghỉ, Mạ khóc thương Bác như khóc cha mẹ mình mất. Mạ tần tảo nuôi dạy chị em chúng con trong thời cuộc khó khăn. Chẳng màng tấm thân gầy còm, Mạ gánh gồng nặng nề cả 20 km đường đi bộ dốc dác dưới trời nắng gáy gắt đỏ lửa để bới xách cho Ba suốt mười năm trời. Khi ấm no đầy đủ, có lần con hỏi Mạ sợ gì nhất trong đời, vậy mà Mạ bảo: “Sợ nhất là các con đói”. Và Mạ đã làm tất cả để chị em chúng con không phải bị đói: từ việc buôn thúng bán xách nặng nhọc, đến việc nhịn phần cơm của Mạ để chúng con được ăn no hơn. Những năm thời cuộc khó khăn, con từng bắt chợt thấy Mạ nhiều lần ngồi dưới bếp, vét từng hột cơm còn đọng lại dưới đáy nồi để ăn cho đỡ đói, trong khi chúng con vô tình ngồi ăn nhà trên no đủ. Khi con đau yếu, Mạ bước về nhà là lập tức hỏi ngay: “Con có bớt không?” và lặn lội đưa con đi tìm thầy chạy thuốc hết nơi này nơi kia. Mạ không ngần ngại chi hết tiền trong túi để trả chi phí chữa bệnh miễn sao con được lành.

Mạ cho chúng con gương sống đức tin của một người tín hữu đạo đức. Ngay từ nhỏ Mạ luôn dạy chúng con làm dấu Thánh giá, đọc kinh, đi lễ, xưng tội, học giáo lý và siêng năng lãnh nhận các bí tích. Mạ nhớ ngày để nhắc chị em chúng con đến tháng đi xưng tội, không bao giờ quên lịch trình dù chúng con có khi mỗi người xưng ở thời điểm khác nhau. Đến bây giờ con vẫn không hiểu làm sao Mạ nhớ rõ được như thế! Mỗi lần ngồi bên Mạ đi lễ, Mạ nhắc con đứng, ngồi, quỳ cho ngay ngắn, mắt phải chăm chú nhìn bàn thờ, miệng đọc to lời đối đáp. Khi ba vắng nhà mười năm, Mạ tần tảo lo cho chúng con cơm ăn áo mặc, lo cho cả bác trai ở trong nhà, lại còn bị bên nhà nội bắt bẻ đủ điều, Mạ vẫn một mực đón nhận như câu nói trên môi mà con từng nhiều lần nghe Mạ lặp lại như một châm ngôn sống: “Chúa đã vác phần nặng mà để phần nhẹ cho con”. Ôi lòng đạo đức sống động của Mạ theo con suốt cả cuộc đời Mạ ơi!

Mạ để lại trong tâm trí con tấm gương bác ái rộng rãi với những người nghèo. Khi có người ăn xin đến nhà, Mạ luôn dặn chúng con lấy gạo hay tiền cho, dù ít nhiều vẫn phải có, không bao giờ để họ ra đi mà không có chút gì. Đối diện nhà mình có thửa vườn rộng của một người giàu có, họ cho một bà già bệnh tật đơn côi không con cháu ở một góc trong chòi tranh nhỏ. Mạ đi làm suốt tuần, ngày Chúa nhật nghỉ, Mạ tận tình đến chăm sóc bà nầy như chăm cho mẹ ruột của mình: từ tắm rửa, làm vệ sinh, đút cơm cho đến giặt giũ quần áo… Con đi theo Mạ thăm bà nhiều lần, vẫn không thể chịu được mùi hôi khai nơi giường của bà, đến tận bây giờ con vẫn còn nhớ cái mùi khó chịu ấy, thế mà Mạ vẫn bình thản coi như không! Trước nhà mình cũng có bà già bán quán không con cái, dù biết bà bán đồ dùng mắc hơn quán khác, Mạ vẫn bảo con mua cho bà để bà có chút tiền lời nuôi sống bản thân. Đến lúc bà qua đời, Mạ vội vàng xin lễ cho bà, và hằng năm đến tháng các linh hồn Mạ vẫn xin lễ cầu cho bà, bởi sợ không có ai xin.

Mạ con là thế đó, Chúa ơi. Con cảm tạ Chúa vô vàn đã ban cho con có một người mẹ hiền như thế. Nếu để tỏ bày tấm lòng của con đối với Mạ thì dùng chữ yêu Mạ cũng chưa đủ, mà phải gọi là thương. Và bởi thương mà con nhớ mãi trong lòng hình ảnh và gương sáng của Mạ. Mạ ngọt lịm như chuối bà hương của tình mẫu tử, như hương thơm hoa hồng âm thầm lan toả của lòng vị tha bác ái và đời sống đạo đức. Mạ cho chị em con cả cuộc đời Mạ. Bởi được vun bồi những yêu thương ngập đầy tình thương trìu mến của Mạ, mà con cảm nhận được tình Chúa yêu con mặn nồng biết bao! Nhờ Mạ mà con tìm được tình yêu đích thực của đời mình là bước theo Chúa trong ơn gọi của người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Mạ thì cái gì cũng chịu, chịu vì thương, và đã thương là thương hơn cả tấm thân mình. Nhờ Mạ, con học được hai chữ hy sinh thấm thía để thực hành trong đời hiến dâng cho Chúa và tha nhân.

Muondoitaon, FMI