Truyền thông bằng vẻ đẹp tự nhiên của người Nữ tu

Họ là những người được diễm phúc ngụp lặn trong vẻ đẹp vĩnh cửu của Thiên Chúa.


Cuộc sống của con người được kết dệt từ muôn ngàn cái đẹp. Có cái đẹp của tạo tác thiên nhiên, cái đẹp của văn hóa nghệ thuật, cái đẹp của tâm hồn cao thượng,…Cái đẹp bất biến trường tồn với đời sống con người. Khi nói đến cái đẹp, chúng ta ai cũng đều yêu thích, muốn ngắm nhìn, sở hữu bởi cái đẹp trên phương diện, ý nghĩa nào cũng đều là nhu cầu, là ngưỡng mà tất cả mọi người đều mong muốn chạm đến. Giữa muôn ngàn cái đẹp ấy, phụ nữ luôn được xem là bông hoa của xã hội và có những nét đẹp say đắm lòng người. Nhu cầu làm đẹp có thể coi là nhu cầu bản năng không thể thiếu cho người nữ ở bất cứ vị trí nào trong xã hội. Đã là người nữ thì ai cũng muốn mình xinh đẹp và duyên dáng trước mặt người khác. Nữ tu cũng là người nữ nên cũng không ngừng nổ lực gia tăng vẻ đẹp của mình mỗi ngày. Thế nhưng cái đẹp mà người nữ tu tìm kiếm không phải là vẻ đẹp của thế gian, mà là vẻ đẹp nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển (x. 1Cr 2,6-7). Đó là cái đẹp của sự thiện tốt đẹp, cái đẹp của tâm hồn, của nhân đức.

Người nữ tu tô điểm cho mình vẻ đẹp của sự đơn sơ, giản dị bề ngoài, vẻ đẹp của nét mặt an vui, không cần cầu kỳ phấn son. Nữ tu chăm chút cho mình nét đẹp của sự dễ mến, dễ thương, dịu dàng, thánh thiện, đơn sơ, khiêm nhường. Đó là vẻ đẹp của những năm tháng tu luyện, sửa đổi, hy sinh, và bỏ mình kết nên. Vẻ đẹp đó phát xuất từ một con tim được Đức Kitô đụng chạm và hân hoan bước đi theo Ngài, với ước mong họa lại nét đẹp của Đức Kitô bằng chính đời sống của mình. Họ được mời gọi làm một cuộc Phục sinh trong đức tin của mình, để mình được lôi cuốn bởi một cơn lốc khiến họ ra khỏi chính mình, quên đi mình, hưởng nếm Cái Đẹp gắn kết với hành động dâng hiến bản thân một cách tự nguyện[1]. Người tu sĩ không tìm kiếm sự tôn vinh và tán thưởng của con người nhưng sẽ được đền đáp bằng niềm vui khi tiếp tục làm việc không mệt mỏi vì Nước Thiên Chúa, được trở nên hạt giống của sự sống đang âm thầm lớn lên, không chờ đợi bất cứ phần thưởng nào khác ngoài phần thưởng Chúa Cha sẽ ban tặng trong ngày sau hết[2]. Họ được giải thoát khỏi vòng cương tỏa của các giá trị giả dối do xã hội tiêu thụ mang lại, khỏi “bị đắm chìm trong thế gian”, và làm nô lệ cho vật chất[3]. Nhờ đó, họ được Đức Kitô chiếm hữu, được bàn tay Đức Kitô chạm đến, được tiếng nói của Người nhắn nhủ, được ân sủng của Người nâng đỡ. Nhờ sống nghèo khó và từ bỏ, tự do trước các quyền lực của thế gian này mà người tu sĩ sẽ có thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Họ truyền thông cho mọi người ở mọi nơi một giá trị cao cả về cái đẹp vượt lên trên những giá trị tầm thường, chóng qua và mau hư nát. Giữa một xã hội đề cao tiền bạc, vật chất, con người đua nhau tích góp của cải để lo cho bản thân của mình thì đời sống tu trì lại mời gọi người nữ tu sống lời khấn khó nghèo triệt để, không dính bén, bon chen hay thu góp cho lợi lộc cá nhân nhưng sống luôn trong tư thế sẵn sàng cho không những gì được lãnh nhận nhưng không. Trong một nền văn hóa hưởng thụ, người nữ tu mang lại nét đẹp của một tâm hồn thanh khiết. Với một tình yêu rộng mở và đời sống phục vụ trong vui tươi hạnh phúc. Đang khi con người đề cao cái tôi cá nhân, thì người tu sĩ lại được mời gọi sống vâng phục tuyệt đối theo gương Đức Ki-tô, từ bỏ ý riêng để lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, tìm kiếm, nhận ra và thực thi ý Ngài. Nét đẹp của họ như một dấu chấm hỏi cho những ai đang điên cuồng tìm kiếm và chạy theo những vẻ đẹp chóng qua nơi thân xác. Họ trả lời cho thế giới rằng có một vẻ đẹp cao quý hơn gấp nhiều lần so với vẻ đẹp bên ngoài mà xã hội ngày nay đang tôn vinh. Vẻ đẹp ấy không phải có được nhờ sự can thiệp của dao kéo, son phấn, trang phục,…nhưng phải dùng chính cuộc sống, con người của mình với những nỗ lực cố gắng kết dệt nên. Vẻ đẹp ấy trường tồn theo năm tháng và không gì có thể làm phai tàn. Một nét đẹp phát xuất từ một tấm lòng vui vẻ, an bình, có Chúa. Người nữ tu biết vui cùng người vui, khóc cùng người đau khổ, biết thao thức cho thế giới, cho Giáo hội, cho Hội dòng làm sao mỗi ngày tốt đẹp hơn, tình yêu của Chúa được lan rộng hơn nơi chính đời sống của mình. Nét đẹp ấy luôn rạng ngời mọi nơi, và cho mọi người mà nữ tu ấy phục vụ, sống với và làm việc cùng. Một vẻ đẹp có sức tác động đến thế giới.

Là nữ tu sống đời thánh hiến, chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng ước mong tạo nên một nét đẹp cho riêng mình để qua đó thông truyền cho mọi người, đặc biệt là các bạn nữ về một vẻ đẹp vĩnh cửu mà Đấng Tạo Hóa đã đặt để trong mỗi người. Phải tạo cho mình nét quyến rũ riêng trong con mắt Thiên Chúa, để không bị nhấn chìm vào trong những thứ thời thượng thịnh hành[4]. Đối với người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, nét quyến rũ riêng ấy được thể hiện qua việc thấm nhuần bốn nét nhân bản: Vui tươi, chân thật, hiền lành, khiêm tốn theo gương Mẹ Maria Vô Nhiễm.

Chiêm ngắm dung nhan rực rỡ của Chúa Giêsu trong cuộc Hiển Dung mời gọi chị em lan tỏa một tâm hồn vui tươi, bình an qua nét mặt đơn sơ, tươi tắn, dễ mến với những người mình gặp gỡ, tiếp xúc. Bởi nét vui tươi thánh thiện luôn là hoa quả của một tâm hồn biết kết hiệp, cầu nguyện và phó thác. “Có những lúc một cảm giác vui vẻ trong lòng còn đáng giá hơn cả nhân viên thẩm mỹ viện[5]. Dẫu biết rằng cuộc sống thì muôn ngàn vẻ, vui nhiều nhưng cũng lắm nhiêu khê, nhưng chị em luôn cố gắng trau dồi đời sống nội tâm mỗi ngày để can đảm đón nhận thập giá Chúa trong bình an. “Là con Đức Mẹ Vô Nhiễm, chị em hân hoan cũng với Mẹ, tự nguyện bước theo Đức Kitô trên đường Thập Giá[6]. Từ đó, chị em tránh đi những nóng nảy, gắt gỏng, khó chịu trước những khó khăn xảy đến trong đời sứ vụ. Ngược lại, chị em sẽ trở thành những lời chứng đẹp cho Cái đẹp vĩnh cửu, biết đâu sẽ đụng chạm đến tâm hồn của ai đó và giây phút nào họ cũng thầm ước được như ma sơ. Đó là cách truyền thông phi ngôn ngữ.

Kế đến, nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta phải thừa nhận rằng giá trị của việc sống chân thật đang ngày càng bị xem nhẹ. Sự giả dối dường như len lỏi vào hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt trong lãnh vực truyền thông. Một số phương tiện truyền thông bị lôi cuốn vào nền văn hóa hậu sự thật, nơi sự thật ít được coi trọng. Chúng ru ngủ độc giả và người xem, bóp nghẹt sự thật cho phù hợp với định kiến của họ.[7] Giữa một xã hội như vậy, chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm được mời gọi mặc lấy cái tâm trong trẻo của Đức Kitô. Chị em ý thức rằng mình chỉ đẹp khi biết sống thành thật cách ứng xử, tuân thủ chuẩn mực đạo đức trong từng lời nói, có suy nghĩ lành mạnh và hành động đúng đắn. Chân thật đi liền với can đảm để sống và rao giảng Lời Chúa dù cho đôi lúc bị bác bỏ bởi những đôi tai thích ru ngủ trong dối gian, ảo vọng. Điều này sẽ giúp chị em nhận được sự tôn trọng, tin tưởng và quý mến của những người xung quanh. Làm sao để mình có thể trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cho những ai đang gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống.

Một đức tính khác mà chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm hướng đến là sự hiền lành. Người ta thường nói “hiền như ma sơ”. Điều đó cho thấy trong con mắt người đời, nữ tu là một người rất hiền, không tranh chấp, không hơn thua, không lớn tiếng ồn ào, không kiếm tìm tư lợi bản thân mà chà đạp lên nhân phẩm của người khác,…Gắn kép như vậy cũng phần nào đúng bởi người nữ tu mặc lấy tâm tình của Đức Kitô. Qua vẻ đẹp hiền lành của mình, người nữ tu thông truyền cho mọi người dung mạo hiền lành khả ái của Ngài. Người ta sẽ vui mừng và vui lòng cộng tác với một nữ tu hiền lành, độ lượng hơn là một nữ tu thông thái lại thiếu tế nhị với mọi người. Người ta cũng sẽ sống chết cho một nữ tu hiền lành, dễ mến hơn là một nữ tu kênh kiệu, coi mình là cái rốn của vũ trụ.[8] Chính vì thế, chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm phải làm sao để từ lời ăn, tiếng nói đến thái độ và cung cách ứng xử của mình phải mang dáng dấp của một “Kitô khác”. Lời nói của chị em phải dịu dàng, dễ nghe không nuôi dưỡng sự oán giận gây phẫn nộ, không tạo ra sự tức giận dẫn đến đối đầu, nhưng giúp mọi người bình tĩnh suy nghĩ, giải mã thực tế họ đang sống, với tinh thần phê phán mà vẫn luôn tôn trọng nhau. Đôi khi những cuộc trò chuyện thân thiện có thể mở được lối vào trong những trái tim cứng cỏi nhất[9].

Cuối cùng, chị em cần tô điểm cho mình bằng nét đẹp khiêm tốn bởi nét đẹp ấy ngày hôm nay đang bị đánh mất dần trong những khuôn mặt tươi trẻ của một xã hội thực dụng. Đó là nét đẹp của một tâm hồn hy sinh, ầm thầm phục vụ mỗi ngày trong cuộc đời. Chị em luôn biết hy sinh trong âm thầm cho người khác, không kêu ca khoe mẽ, hay ca thán khi gặp thất bại, khó khăn. Đồng thời, chị em không ngại chân nhận những giới hạn của bản thân và không ngừng rèn luyện mỗi ngày để trở nên xinh đẹp hơn trong tình yêu của Đức Kitô. Một tâm hồn khiêm tốn sẽ luôn tạo cho người khác một sự dễ dàng khi tiếp xúc. Người ta chỉ thực sự hạ mình xuống khi tha thiết yêu thương một con người: hạ mình xuống để say mê, để cảm phục, để đi theo, để bám lấy và để dâng hiến tất cả đời mình cho một tình yêu[10].

Vẻ đẹp của người nữ tu mang nét riêng biệt và có thể nói là độc đáo giữa đời bởi nó “không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa” (x.1 Pr 3:3-4). Nhìn bên ngoài là một dáng vẻ rất đơn sơ, giản dị và đôi lúc bị cho là “quê mùa” với những dấu hiệu dễ nhận biết như cái kẹp tóc, đôi giày đen, quần đen, áo sơ mi…nhưng tâm hồn họ luôn trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống do được Đức Kitô chạm đến (x. CV, số 1). Họ là những người được diễm phúc ngụp lặn trong vẻ đẹp vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chính vì vậy họ được mời gọi đem hồng ân mà họ đã nhận lãnh trao ban cho người khác bằng việc sống lan tỏa những phẩm hạnh cao quý của một người nữ tu.

Maria Thái Thanh (Khấn tạm), FMI


[1] CARLO MARTINI VÀ JOHN NAVONE, Cái Đẹp cứu rỗi Thế Giới, Chuyển ngữ Montfort Phạm Quốc Huyên O.Cist. Nxb Hồng Đức. 2021, tr.28

[2] THÁNH BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ HIỆP HỘI TÔNG ĐỒ, Huấn Thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô. 2002, s. 13

[3] x.BONNIE B.THURSTON, Bài giảng trên núi, Đan Viện Thiên An.2006, tr.93-94

[4] TRẦN THỊ THANH HƯƠNG, Tứ Đức Công - Dung - Ngôn - Hạnh Theo Linh Đạo Đức Cha Pierre Lambert De Lamotte,  Nxb Phương Đông. 2009, tr.219

[5] Trích từ “Nhan sắc thực sự” trong Cửa sổ tâm hồn phụ nữ của nhiều tác giả, Nxb Phụ nữ. 1996, tr.92

[6] Hiến Luật Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, điều 3

[7] PHANXICO, Hãy Cùng Ước Mơ, Nxb Phương Nam. Chuyển ngữ YSOF. 2022, tr.33

[8] TRẦN THỊ THANH HƯƠNG, Tứ Đức Công - Dung - Ngôn - Hạnh Theo Linh Đạo Đức Cha Pierre Lambert De Lamotte,  Nxb Phương Đông. 2009, tr.187

[9] PHANXICO, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 năm 2023 - Nói bằng trái tim

[10] THÁI NGUYÊN, Những cánh hoa tâm linh, quyển I.2007, tr.143