Tôi có phải là Giu - đa

Qủa thật, tôi đã từng nhiều lần yếu đuối như người môn đệ phản thầy, nhưng, tôi biết rằng Chúa thương tôi


Lần giở từng trang Tin Mừng và suy niệm về cuộc khổ nạn, thương khó của Đức Giêsu, một nhân vật mang đến cho tôi nhiều suy tư chính là Giuda Iscariot – kẻ nộp Chúa. Tôi tự hỏi: Liệu có khi nào tôi cũng là một Giuda Iscariot hay không?

Giuda Iscariot là một trong mười hai môn đệ được Đức Giêsu chọn và đi theo Người trong suốt những năm Người rao giảng. Cũng như khi chọn các môn đệ khác, Đức Giêsu cũng đã cầu nguyện suốt đêm cùng Cha rồi mới chọn gọi Giu-đa (x. Lc 6, 12-19). Như vậy, Giu-đa cũng đã từng chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Quan trọng hơn, có lẽ ông cũng nhiều lần nghe Chúa dạy dỗ, thổ lộ tâm tình… Ấy vậy mà, ông vẫn rắp tâm phản bội thầy của mình.

Cả ba Thánh sử của Tin Mừng nhất lãm đều cho thấy rõ việc Giu-đa lên kế hoạch nộp Chúa và đau đớn hơn cả là nộp bằng một nụ hôn – cử chỉ mà người ta tỏ dấu yêu thương, quý trọng nhau. Mặc dù hiểu thấu lòng Giu-đa nhưng Đức Giêsu vẫn luôn tìm cơ hội để cảnh tỉnh ông. Chính trong bữa ăn sau hết cùng các môn đệ, đang bữa ăn, Người đã tiên báo trước một người trong mười hai ông sẽ nộp Người (x. Mt 26, 21). Các môn đệ có lẽ không hiểu lời này cũng như không biết ai sẽ hành động như vậy nên mới buồn rầu, bàn tán với nhau (x. Mt 26, 22). Thậm chí, Đức Giêsu còn nói rõ dấu chỉ để nhận ra người đó (x. Mt 26, 23-24). Dù vậy, Giu-đa vẫn tỏ ra thản nhiên và tiếp tục đóng một màn kịch trước mặt thầy và các môn đệ khác: “Rappy, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26, 25). Chúa biết chứ! Người biết Giu-đa đang nghĩ gì và toan tính ra sao nhưng Người không vạch mặt ông mà lại cho ông cơ hội lần này đến lần khác.

Khi rửa chân cho các môn đệ người thầy nhân từ tiếp tục nhắc khéo học trò lầm lạc: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”. Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch” (Ga 13, 1-11). Giu-đa vẫn ngoan cố trong tội. Sau khi ăn miếng bánh Chúa đưa, mặc cho thầy tha thiết, xao xuyến cảnh tỉnh: “Anh làm gì thì làm mau đi” (Ga 13,27), ông vẫn quyết định ra đi. Thánh Gioan còn miêu tả rõ: “lúc đó, trời đã tối” (Ga 13, 30). Nhiều thật nhiều, Chúa cho ông cơ hội quay về với ràn chiên, mời gọi ông trở về với ánh sáng nhưng ông lại chuộng bóng tối.

Thay vì theo Chúa để phục vụ và hiến mạng vì Người thì ông lại làm tay sai cho những Thượng tế và bán linh hồn cho quỷ dữ. Ông dùng nụ hôn của tình yêu để đi bán thầy mình, với giá 30 đồng bạc. Giu-đa mang trong mình những tham vọng chính trị, về Đấng Mesia, hiểu sai về Chúa và muốn Người làm theo ý của ông. Theo thầy bấy lâu nhưng Giu-đa đã để những toan tính che mờ đôi mắt. Hết lần này đến lần khác, ông để mình bị cuốn vào vòng xoáy không lối thoát…

Khi suy tư đến đây, tôi dường như thấy mình thấp thoáng trong hình bóng của người môn đệ khốn khổ này. Là một môn đệ được Chúa chọn sống đời dâng hiến, tôi tự hỏi: Tôi có thật sự đang đi tìm kiếm Chúa hay đang tìm kiếm một điều gì khác? Tôi có thật sự hiểu được những điều Chúa dạy và muốn tôi sống hay tôi chỉ muốn sống cho ý riêng mình? Tôi đã tỉnh thức đủ trước nững lời giáo huấn của Chúa hay tôi tìm ra những lí do để viện cớ hoặc trốn tránh vì nó không hợp ý tôi? Tôi có??? Qủa thật, đã hơn một lần, tôi chẳng khác gì Giu-đa đi bán Chúa chỉ vì ý kiến hay vì những danh vọng thấp hèn…

Thánh Phê-rô, trụ cột của Giáo Hội, mặc dù không bán Chúa nhưng cũng đã chối Chúa ba lần. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt giữa Giu-đa và Phê-rô là sự nhạy bén để đọc ra sự tha thứ của Chúa. Sau khi bắt gặp ánh nhìn thương xót của thầy, Phê-rô đã dùng nước mắt để chứng minh cho sự thống hối của mình. Ông có đủ can đảm vực dậy và làm lại từ đầu, lãnh đạo đoàn chiên mà Chúa trao cho ông; còn Giu-đa, ông cũng khóc nhưng ông chỉ khóc cho chính mình mà không phải khóc cho Chúa, ông không nhận ra được sự tha thứ Chúa dành cho ông. Thế là, ông chọn cái chết để kết thúc tất cả...

Còn bản thân tôi thì sao? Qủa thật, tôi đã từng nhiều lần yếu đuối như người môn đệ phản thầy, nhưng, tôi biết rằng Chúa thương tôi và Người luôn cho tôi cơ hội để tôi làm mới lại bản thân. Tôi tin chắc rằng, qua bí tích giao hòa và nhiều những phương thế khác, qua Mẹ giáo hội, Chúa là người Mục Tử nhân hậu sẽ đi tìm tôi trở về mỗi khi tôi đi xa ràn chiên Chúa. Đó chính là hy vọng, là động lực để tôi không thất vọng hay mặc cảm về chính mình vì tội lỗi nhưng mạnh mẽ để đứng lên và đi tiếp đến với Ánh Sáng sau vấp ngã. Điều đó không đồng nghĩa với việc tôi cứ lợi dụng lòng thương xót Chúa để ở lì trong tội nhưng tôi phải dùng những nén bạc Chúa ban để cộng tác và phát triển nó. Sau tất cả, tôi rút ra được rằng: Thiên Chúa rất ghét tội, Người vạch rõ tội nhưng rất mực thương xót và nhẫn nại với tội nhân, với những ai biết chạy đến với lòng thương xót của Người để được Người chữa lành!

M. Anna Thảo Ly (Khấn tạm)