Bài học cho người ở lại

Sự ra đi của anh để lại một khoảng trống lớn trong tim của mỗi thành viên trong gia đình...


Ngày sống của chúng ta có bao nhiêu là sự kiện xảy đến. Có những sự kiện sẽ đến và đi vào quên lãng. Nhưng cũng có những sự kiện trong đời mà ta không thể nào quên. Có những sự kiện rất đáng trân trọng, những sự kiện nhắc nhớ cho ta về những con người, những biến cố làm nên cuộc đời của ta hiện tại, và nhất là nhắc nhở cho ta về sự hiện diện sống động đầy yêu thương của Thiên Chúa, “đời sống con người, các lời nói, hành động, các sự vật, các biến cố đều có thể vén mở hay bộc lộ chính sự hiện diện và hoạt động của vị Thiên Chúa vô hình”[1]. Có những sự kiện, biến cố đến với tôi đã trôi vào quên lãng, nhưng có biến cố xảy đến mà tôi sẽ không bao giờ quên, đó là ngày Chúa gọi anh trai về với Ngài.

Đối với tôi, gia đình là điều rất thiêng liêng và quan trọng. Thật hạnh phúc khi tôi được sinh ra trong một gia đình có ba có mẹ và anh chị. Tôi được lớn lên trong tình yêu thương của mọi thành viên trong gia đình. Tôi đã ít khi nghĩ về niềm hạnh phúc đó bởi nghĩ rằng nó là điều bình thường luôn có của mọi gia đình, cho đến khi anh trai tôi qua đời trong một vụ tai nạn. Qua sự kiện đó, tôi đã suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, về gia đình và sự ngắn ngủi của đời người. Nó làm cho tôi quý trọng những người đang sống bên mình nhiều hơn.

Tôi sinh ra trong một gia đình ở miền quê nghèo. Bố mẹ tôi quyết định di cư vào nam để lập nghiệp. Tôi nhớ cảnh nghèo của gia đình khi mới vào nơi kinh tế mới. Dẫu vậy, gia đình tôi vẫn rất hạnh phúc, đầm ấm và trên dưới thuận hòa. Anh chị em chúng tôi rất yêu thương nhau. Với biến cố lớn xảy đến cho gia đình, chúng tôi đã rất khó để đón nhận nó. Sự ra đi của anh để lại một khoảng trống lớn trong tim của mỗi thành viên trong gia đình. Có lúc tôi đã không thể chấp nhận điều đó với những câu hỏi “Tại sao?”. Điều đó như thử thách đức tin của tôi đối với Chúa. Tôi bị cám dỗ nghi ngờ về tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi và gia đình. Thế nhưng, giờ đây khi nhìn lại điều ấy tôi mới nhận ra những bài học quý giá mà mình nhận được. Tôi biết rằng: Sinh - Lão - Bệnh - Tử là điều không thể tránh khỏi và nhận thấy sự mong manh của kiếp người. Cái chết không loại trừ ai, không phân biệt già - trẻ, giàu - nghèo. Mọi sự đều sẽ qua đi, tất cả chỉ là phù vân và chỉ có tình yêu là tồn tại. Sự ra đi của anh là một mất mát lớn cho gia đình. Nhưng qua biến cố ấy, tôi nhận thấy mỗi thành viên trong gia đình gắn kết với nhau hơn. Mỗi người biết quan tâm tới cảm xúc, suy nghĩ của nhau, nâng đỡ và chia sẻ cho nhau nhiều hơn. Vì chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ không thể bên nhau mãi mãi, bởi vậy chúng tôi trân quý khoảng thời gian khi được sống với nhau trên trần gian. Gia đình tôi giờ chỉ còn ba mẹ, hai chị gái và tôi. Bây giờ, dù mỗi người đều có gia đình riêng nhưng tôi nhận thấy họ luôn gắn kết, yêu thương nhau, chân thành giúp đỡ nhau. Với cuộc sống mưu sinh khiến mỗi người phải bon chen để lo cơm áo gạo tiền để xây dựng một gia đình riêng. Nhưng nó không bao giờ vượt trên tình gia đình ruột thịt. Đối với chúng tôi, gia đình là điều tuyệt vời nhất. Trong cuộc sống, tôi nghe không ít những câu chuyện buồn về sự bất hiếu, cãi vã, tranh giành trong gia đình, trong đó có gia đình của bạn tôi. Chỉ vì mảnh đất mà con cái chia rẽ nhau, trở nên bất hiếu với cha mẹ và không còn nhìn mặt nhau. Điều đó làm tôi thấy thật buồn. Nhiều người đã sống như họ không bao giờ phải chết. Họ mải miết theo đuổi: tiền tài, danh vọng, địa vị... mà quên đi ai rồi cũng phải chết. Khi chúng ta biết nhận thức về cái chết, nó sẽ biến đổi chúng ta từ “tồn tại” sang “hiện hữu”. Nó giúp mỗi người sống tốt hơn, hạnh phúc hơn và sống trọn vẹn hơn. Dù chúng tôi không còn được sống chung dưới một mái nhà cách hữu hình nhưng tôi luôn tin rằng anh vẫn luôn dõi theo chúng tôi. Chúng tôi tin rằng, chúng tôi có thể kết nối với nhau qua lời cầu nguyện. Dù anh trai không còn sống trên trần gian nhưng tôi vẫn tin sự hiện diện cách thiêng liêng của anh. Chúng tôi sống trong mầu nhiệm các Thánh thông công. Và với niềm tin sẽ được gặp nhau trên Thiên đàng. Nơi đó sẽ không còn tang tóc, chia ly, sầu khổ nữa. Gia đình là điều gì đó rất linh thiêng mà khi thốt lên cảm xúc ta đã dâng trào.

Qua cái chết của anh trai để tôi cũng nghĩ đến cái chết của chính mình với sự ngắn ngủi của kiếp người. Ai rồi cũng phải bước qua ngưỡng cửa đó. Suy gẫm về cái chết để tôi nhận ra mình nhỏ bé và mong manh thế nào, để tôi đừng sống như không bao giờ phải chết. Nhờ nghĩ về nó để khi sống trong đời sống tu trì tôi bớt bon chen tìm kiếm những gì là phù vân: danh vọng, lợi lộc, địa vị thấp hèn nhưng biết tìm kiếm những giá trị cốt lõi và cao quý. Tôi dễ đón nhận và tha thứ cho những người có lỗi với mình, bớt đi những tính toán nhỏ nhen, ích kỉ trong cuộc sống thường ngày. Mỗi ngày sống đối với tôi là một điều kì diệu, ý nghĩa và hạnh phúc.

Maria (Học viện SG), FMI  

 

[1] Thomas Rausch, Dẫn vào thần học, 2002, tr.210