Nhàn

Sống nhàn là chú trọng đến sự bình an, thanh thản của tâm hồn, sự nhàn hạ của tấm thân để hướng về sự sống đời sau.


Sống “nhàn” là một phong cách sống đã có từ thời xa xưa. Theo tư tưởng Đông Phương, đây là lối sống không màng đến vật chất, là sống sao cho ra con người đích thực. Hơn nữa, sống nhàn là chú trọng đến sự bình an, thanh thản của tâm hồn, sự nhàn hạ của tấm thân để hướng về sự sống đời sau. Vậy đối diện với xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hàng loạt thứ chủ nghĩa đang được đề cao, chọn sống “nhàn” còn cần thiết và phù hợp trong thời đại ngày nay không?

Trở về với hình ảnh quen thuộc biểu trưng cho sự thanh nhàn trong xã hội xưa mà có lẽ ai cũng biết, đó là nhân vật có tên “Thằng bờm”. Thằng bờm ở đây biểu trưng cho một người nông dân cần cù, biết nhìn nhận giá trị của sự thanh nhàn và chiếc mo cau là biểu trưng cho sự thanh nhàn. “Thằng bờm” trong câu chuyện không tha thiết bổng lộc, chỉ mong tìm sự an vui. Anh có tâm hồn đơn sơ nên chỉ chú trọng nắm xôi, là thứ gần gũi nhất với anh. Ta nhận thấy sự thanh nhàn của thằng bờm là không đổi được bởi đó là bản chất của con người có tâm hồn đơn sơ, ít khát vọng. Ai ít khát vọng thì có thanh nhàn, không thể đổi cho ai khác được. Thế nên, chung cuộc, sự đổi chác giữa thằng bờm và phú ông nào có diễn ra. Và đó chính là triết lý sống của người Việt Nam xưa: đề cao sự thư thái tinh thần, đơn sơ chất phác. Nhân vật “Thằng bờm” có thể bị coi là khờ dại vì không tranh thủ vật chất để giàu có, nhưng qua đó, thằng bờm thu được phúc lộc tinh thần mà những người như phú ông không thể kiếm được.

Ngược lại, với nhịp độ phát triển không ngừng trong thời đại số hóa này, con người ngày nay chạy đua với tất cả mọi loại. Cuộc sống cứ như bị cuốn vào một guồng máy văn minh quay mãi không ngưng nghỉ. Có quá nhiều áp lực, căng thẳng, nhiều mối bận tâm lo lắng, nhiều thứ thay đổi đòi con người ta phải thích nghi luôn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều mảnh đời cảm thấy bế tắc, bất lực, chọn lựa tự kết thúc cuộc đời để giải thoát bản thân. Đứng trước tình cảnh như vậy, tôi thiết nghĩ việc trở về với sự thanh bình, yên ắng của tâm hồn, ý thức cùng đích của cuộc đời để chọn lựa lối sống sao cho “nhàn” đúng nghĩa là điều rất cần thiết.

Từng bước trong hành trình sa mạc của mùa Chay, nơi đây tôi được mời gọi bước những bước chân trong sự thanh thản, chậm lại để lắng nghe từng nhịp của bàn chân mình đang bước và của Đấng đang dẫn dắt tôi qua sa mạc đến vùng đất tự do. Nơi đây tôi thoát ra khỏi những ồn áo náo nhiệt của công việc, của những toan tính sắp xếp vụ lợi cho bản thân để cùng đi với Đấng mà niềm tin tôi dạy là Chúa của tôi. Đấng mà tôi cảm sẽ luôn yêu thương và bênh vực tôi, Đấng đang cùng tôi chuẩn bị hiến lễ đời mình. Nơi đây, tôi nhìn ngắm Đấng đồng hành của mình là mẫu gương sống “nhàn” tuyệt vời. Tôi dừng lại nơi những phản ứng rất điềm tĩnh của Ngài trước những lời cáo gian, trước bản án dành cho kẻ vô tội, trước sự phản bội, chối bỏ của đám học trò, những lời nhạo báng sỉ nhục, những roi đòn mà bọn quân lính dữ dằn giáng xuống thân xác của Ngài đến nỗi không còn hình tượng con người. Và tôi nhận thấy đỉnh cao của lối sống “nhàn” nơi Đức Giê-su thể hiện ở sự tự do, tự nguyện treo thân mình trên thập giá để xóa bỏ tội lỗi trần gian… Nơi đây, tôi cũng cảm được sự yếu đuối bất lực trong thân phận mong manh của kiếp người, cái nóng, cái rát của sa mạc, của bãi cát mênh mông làm tôi mệt và rất nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nơi đây Đấng đồng hành cũng đang chất vấn tôi: “Ngươi đang ở đâu?”, “Em ngươi ở đâu?”

Cần lắm một lối sống “nhàn” thật sự để bản thân được nhẹ nhàng, thanh thoát hơn khi sống trong cuộc đời đầy những xô bồ nhưng chóng qua này. Một lần được nhắc nhở là một lần tôi khát khao chính mình được mạnh mẽ đứng lên, khởi đầu lại với sức mạnh của Đấng Toàn Năng, khôn ngoan chọn lấy lối sống của Thầy chí thánh và những bậc thánh hiền xưa để sống ý nghĩa cuộc sống này.

Matta Khánh Linh (Khấn tạm), FMI