Đời sống Cộng Đoàn góp phần xây dựng nhân cách và sự trưởng thành của người tu sĩ

khi những vấn đề của cộng đoàn được giải quyết, người ta sẽ nhìn thấy những kinh nghiệm rất đời thường của đời sống lại là một bài học quý giá cho mình bây giờ và trong tương lai.


Khi chúng ta chào đời, chúng ta được hòa chung với đời sống con người trong một tập thể của một gia đình, gia đình gợi lên một điều gì đó rất thiêng liêng trong lòng người mà không gì có thể so sánh được. Đó là nơi mà những người cùng chung sống trong cùng một niềm hạnh phúc có nhau và thuộc về nhau. Luôn nương tựa, hết lòng tin tưởng và gắn bó với nhau bằng những mối tương quan thân thiết nhất. Thiết tưởng trong trường hợp chúng ta phản tỉnh được với nhau rằng: nhà mình chưa thành cộng đoàn, mà ai cũng chung tay xây dựng cộng đoàn ấy, thì mô hình gia đình chúng ta thật đáng tin cậy. Để khi bước vào đời sống thánh hiến, mỗi thành viên sống đúng với lời tuyên khấn ba lời khuyên phúc âm, sống đúng nhân phẩm nhân cách của mình, sống đúng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban. Ngang qua đó làm sao mỗi thành viên sống với nhau nơi đây như là một gia đình thực sự của mình, dù không cùng dòng máu nhưng cùng một tình yêu, một mục đích, một lý tưởng sống. Không những thế, đây chính là một gia đình của đức tin và là nơi mà đời sống của chúng ta được triển nở về mọi phương diện, nó như một mảnh đất trù phú để ta lớn lên. Nhưng Cộng đoàn có thể là nơi ta tìm thấy nguồn an ủi, hạnh phúc, lớn lên và trưởng thành nhưng cũng có thể là nơi ta chẳng muốn về. Tất cả tùy thuộc vào cách mình sống và đón  nhận nó. Vậy đâu là yếu tố làm nên sự phát triển nhân cách và sự trưởng thành của người tu sĩ trong đời sống Cộng Đoàn? Hay tùy thuộc vào chính cách sống cách đón nhận của mình trong đời sống dâng hiến này?

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói “cộng đoàn tu trì là trường dạy yêu mến, giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em, cộng đoàn cũng là nơi cho con người triển nở”. Vậy làm sao để Cộng đoàn trở nên một già đình lý tưởng, xây dựng nhân cách của mình, trưởng thành về mọi phương diện, ta học gì ở nơi đây? Điều đầu tiên phải hiểu rằng đây không những là một Cộng đoàn của những người thánh hiến sống chung với nhau để thờ phượng và yêu mến Chúa, hay là một gia đình thứ hai trong đức tin mà mỗi thành viên phải gắn bó với nhau, nhưng đây cũng là nhà trường thường huấn để mỗi thành viên được trưởng thành về mọi phương diện. Bằng cách khám phá được căn tính của mình từ tâm-sinh-lý-tình cảm..; đến đời sống huyền nhiệm trong Chúa kitô được thể hiện qua cộng đoàn, ba lời khuyên phúc âm; kế tiếp học lấy mọi phẩm tính, phẩm chất của một tu sĩ.

Ngay từ đầu, khi sáng tạo con ngươi theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, Thiên Chúa đã tạo dựng con người sống hiệp thông. Thiên Chúa mạc khải mình là tình yêu, là Ba Ngôi và hiệp thông, Ngài đã kêu gọi con người đi vào mối tương quan thân tình với Ngài, và mối hiệp thông liên vị, nghĩa là đi đến tình yêu phổ quát(GS 3)[1]. Đây là ơn gọi cao nhất của con người: đi vào mối hiệp thông với Chiên Chúa và với mọi người. Vì lý do này, mà mỗi thành viên ý thức mình được quy tụ lại với nhau trong cộng đoàn tu trì để được bén rễ trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Hiệp thông là để lắng nghe nhau, lắng nghe những người chị em bên cạnh và đón nhận họ như chính họ là vào trong tâm hồn và cuộc sống của mình.[2] Nói cách khác, nhờ lắng nghe mà mối tương quan trở nên khắng khít và hiểu nhau hơn như một người bạn chí cốt của mình. Bằng việc lắng nghe chúng ta đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa và cũng để cho Thiên Chúa yêu thương chúng ta qua người khác, nhờ đó mà chúng ta biết được Thiên Chúa đang nói với mình đang dạy mình ngang qua họ. Nhờ mấu chốt của việc lắng nghe nhau bằng cả con tim sẽ là nguyên động lực đẩy mỗi thành viên mạnh mẽ xây dựng một công đoàn hiệp nhất yêu thương.

Đã là thành viên trong cộng đoàn điều đầu tiên mỗi thành viên cần phải có một “cái nhìn của đức tin và trong sự biết ơn”. Lắm lúc trong cộng đoàn sống với nhau nhận được biết bao nhiêu kinh nghiệm của người đi trước, sự nâng đỡ, dạy dỗ, hướng dẫn, ngay cả những lúc mình nhận được sự giúp đỡ tận tình của nhau mà quên đi lòng biết ơn. Vì thế theo quy luật nhân sinh của con người, ta cần phải biết ơn nhau ngang qua cuộc sống, ngay cả những người đưa đến cho ta những đắng cay trong đời. Sống với lòng biết ơn một mặt nói lên lòng cảm kích, cảm ơn, một mặt nữa cũng là động lực để ta biết sống khiêm tốn, quảng đại và vị tha, biết cởi mở hơn. Sống biết ơn không chỉ biết ơn vì được Chúa quy tụ, được có chị em bên cạnh để chúng ta có cơ hội học hỏi những kinh nghiệm và sự khôn ngoan của họ, của những người đi trước cũng như cùng trang lứa để trau dồi hiểu biết. Bởi giữa con người với nhau luôn có sự tác động qua lại, trao đổi, tương tác với nhau để cuộc sống trở nên phong phú. Vì con người là một huyền nhiệm, kiệt tác tuyệt vời của Thiên Chúa. Chúa dạy trên mỗi người một cách khác nhau tùy vào sức của mình đón nhận. Nhờ tính cách được thể hiện trong từng con người của cuộc sống, nhờ kinh nghiệm của người này mà người kia rút ra bài học cho mình và sống có trách nhiệm. Người sống biết ơn là người vừa biết trả ơn vừa sống có trách nhiệm, không những thế mà còn giúp sống quảng đại vị tha hơn đối với mọi người... Sống với tinh thần ấy sẽ đẩy con người đi đến một hành động thiết thực của tình yêu.

Dù ở đâu hay làm gì, đã là người thánh hiến cho Chúa đều phải “sống kết hiệp nên một với Chúa”.  Đức Thánh Cha đã cho chúng ta một lời khuyên chân thành và đúng đắn: “hãy không ngừng tìm kiếm Đức Kitô, tìm kiếm khuôn mặt của Ngài, đặt Ngài ở trung tâm cuộc sống của anh chị em để được biến đổi thành  một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, trong tương quan với Cha với anh em Người. Giống như tông đồ Phaolô, …hãy để bàn tay Ngài được chạm vào, được dọng nói của Ngài hướng dẫn, được ân sủng của Ngài đỡ nâng”.[3] Một cộng đoàn tu sĩ phải là một cộng đoàn phải có Chúa và lấy Chúa làm trung tâm của đời sống của mình. Bởi vì, chúng ta đến đây không phải vì yêu mến nhau hay tự tìm đến và kết nạp mình vào nơi đây. Và đến đây cũng không phải để đi tìm danh quyền địa vị, đi tìm cái tiện ích gì đó cho mình. Nhưng đến đây là nhờ ơn Chúa ban, Chúa mời gọi ta và ta đã đáp trả để đến đây với Ngài, để sống với Chúa yêu Chúa ngang qua cộng đoàn và từng chị em. Vì thế mỗi một tu sĩ đều được Chúa mời gọi từ mỗi miền khác nhau, mang trong mình những sự khác biệt về tính cách, lối sống, phong tục tập quán… vì thế để sống chung trong một cộng đoàn. Với những khác biệt như vậy ta cần phải có Chúa, lấy Chúa làm trung tâm của đời mình. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói lên những nguyên tắc chỉ đạo cơ bản là: “Đặt Đức Kitô làm trung tâm”; “khởi đi từ Phúc Âm”; “hãy ra khỏi mình và đi đến với những vùng ngoại biên”.[4] Đó là kim chỉ nam để vạch hướng cho ta hành động. Không những thế khi sống có Chúa hay sống trước sự hiện diện của Chúa chúng ta sẽ sống một cách triển nở và trách nhiệm hơn trong đời sống dâng hiến, từ cung cách đến suy nghĩ. Như Mẹ Maria đã đặt Chúa làm trung tâm của đời mình. Nhờ có sự kết hợp với Chúa, sống trong sự hiện diện của Chúa mỗi thành viên mới có thể sống yêu thương anh chị em của mình được. Như lời Chúa Giêsu nói: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu Thương anh em” (Ga 15, 12). Khi đi vào trong một tương quan cá vị hay một tình yêu mật thiết với Chúa sẽ đưa mình đến một cái nhìn tích cực về đời sống dâng hiến từ chị em, công việc hay những khó khăn đang xảy ra, có Chúa thật sẽ giúp cho người tu sĩ sống một cách khiêm tốn biết nhìn nhận rõ chính bản thân của mình và có trái tim quảng đại vị tha với chị em của mình. Hơn ai hết chính Chúa là Đấng duy nhất giúp chúng ta đứng vững trong ơn gọi này nếu chúng ta biết quay về với Chúa luôn luôn và bám chặt vào Chúa.

Giữa lòng cộng đoàn Giáo hội và giữa lòng thế giới, các tu sĩ là những chuyên viên về hiệp thông, được mời gọi trở thành những chứng nhân và những tác nhân cho kế hoạch hiệp thông, được xem như đỉnh cao của lịch sử loài người dựa theo kế hoạch của Thiên Chúa[5]. Chính Đức Kitô đã kết hợp mỗi người lại với nhau khi kêu gọi vào cùng một đời sống thánh hiến. Để sự hiệp thông huynh đệ này được xây nền và bén rễ sâu trong đức ái, là dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa Kitô, và mẫu gương cho sự hòa giải đại đồng.[6] Khi có được một đời sống với Chúa, có Chúa rồi ắt con đường của sự hiệp thông sẽ được nới rộng ra. Về phần này Đức Giáo Hoàng cũng nhận xét rằng: “Nếu một người không thể sống tình huynh đệ thì chị ấy không thể sống đời tu trì được”[7]. Đức Giáo Hoàng sáng suốt thu hút sự chú ý của ta đến cuộc xung đột không thể tránh, bởi vì nó là một phần cuộc sống của con người. Do đó phải can đảm đối mặt. Hãy để nơi đây như là “trường thực tế dạy cho chúng ta về đời sống bác ái yêu thương” học nơi, học với những người mà Chúa đặt bên cạnh mình. Đây là cơ hội để mỗi thành viên biết chấp nhận những phẩm chất của mình cũng như của người khác, đồng thời những khác biệt và giới hạn của họ. Đặc biệt, phải học cách chia sẻ những khả năng của mình góp vào công trình chung, vì “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung” (1 Cr 12,7). Thật vậy chính nhờ đời sống cộng đoàn đã giúp mỗi tu sĩ học cách dung hòa giữa mình với người khác. Dù khác biệt nhau nhưng luôn tồn tại song song với nhau và kết hợp với nhau để làm nên vẻ đẹp phong phú của đời sống cộng đoàn. Mọi thành phần đều có nhu cầu gặp gỡ với tha nhân trong mối tương quan ngôi vị. Sự gặp gỡ này không chỉ là những cử chỉ thân thiện bề ngoài, mà nó còn chìm sâu trong những suy tư, trong sự cảm thông của con người. Do đó, một mặt nó diễn tả những khác biệt trong cộng đoàn qua những bộc lộ của tính cách, thói quen của các thành viên khi cùng nhau chung sống, mặt khác nó cũng nói lên sự hiệp nhất trong Cộng đoàn qua tình yêu huynh đệ và đức ái mà mỗi người cùng chung tay xây dựng. Có thể nói đời sống cộng đoàn giống như một mảnh đất để qua đó, con người có thể nhìn thấy chính mình khi đi vào mối tương quan và gặp gỡ với người khác. Tuy nhiên, những con người được quy tụ thành một Cộng Đoàn lại thuộc các thành phần xuất thân khác nhau và mang trong mình những tính cách cũng chẳng giống nhau. Sự khác biệt này sẽ tạo nên những thách đố cho con người khi hòa nhập vào cuộc sống chung, nhưng nếu chiêm ngắm và hỗ trợ cho nhau để cuộc đời được sáng lên ngang qua những thách đố, khó khăn ấy, khi biết mở rộng con tim, dám ra khỏi chính mình để dấn thân, đồng cảm và đồng lòng với người bên cạnh trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nói khác đi, khi những vấn đề của cộng đoàn được giải quyết, người ta sẽ nhìn thấy những kinh nghiệm rất đời thường của đời sống lại là một bài học quý giá cho mình bây giờ và trong tương lai.

Vì thế, để trở thành một thành viên của cộng đoàn và sống với những cá tính riêng của những người bên cạnh, mỗi cá nhân phải chung tay xây dựng cộng đoàn trong một sự liên kết mật thiết với nhau. Tuy nhiên, đối với đời sống chung, người ta thường nói với nhau rằng “ở sao cho vừa lòng người; ở rộng người cười, ở hẹp người chê“. Thế nên, trong quá trình xây dựng và thiết lập mối dây liên kết trong cộng đoàn, chắc chắn sẽ có rất nhiều cái gọi là “vấn đề” nảy sinh, khiến người ta luôn phải tìm cách giải quyết. Tại sao lại như vây? bởi vì trong mỗi người đều có những thói quen tâm lý, phong tục, tập quán và truyền thống khác nhau, nhu cầu khát vọng khác nhau. Dù con người rất cần đến nhau, nhưng sống gần nhau lại phát sinh va chạm, mâu thuẫn dẫn đến những xung đột xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau của công việc và tương quan, … nơi đời sống cộng đoàn, chúng ta thường bắt gặp những trục trặc trong những tương quan giữa các cá nhân với nhau như vậy, có lúc lại trở nên thường xuyên. Nguyên nhân cũng vì đây là nơi quy tụ của nhiều loại tính khí khác nhau. Người có óc tổ chức thì luôn nhanh nhẹn, nguyên tắc và chính xác, khác hẳn với những người mềm mỏng và hạn hẹp về khả năng, còn người hướng ngoại, lạc quan và thích giao tiếp với người khác lại không mấy thiện cảm với người suốt ngày chỉ trầm lắng, ít nói chuyện với mọi người. Trong cộng đoàn, chúng ta cũng có thể nhìn thấy một quy định nào đó có thể là phù hợp với người này, nhưng với người khác lại không thích hợp. Ngoài ra, cũng phải nói đến những “va chạm” không thể tránh được của những tranh luận vì bất đồng quan điểm sống, không cùng ý kiến hay thậm chí là hiểu lầm nhau…. Tất cả những điều này nói lên tính chất giới hạn và yếu đuối, rất “con người” của chúng ta, xem ra chúng rất bình thường nhưng trong đời sống chung, chúng lại trở thành những “vấn đề cộng đoàn” và mỗi thành viên phải đối diện cũng như tìm cách giải quyết để có thể chung sống hòa hợp với nhau trong một sợi dây hiệp nhất. Ngang qua thực tế này của cộng đoàn, Đức Giáo Hoàng cũng cung cấp cho một nền tảng Tin Mừng mà mỗi người thánh hiến cần phải có để sống trong mầu nhiệm Cộng đoàn này: “Tin Mừng mời gọi chúng ta luôn luôn có nguy cơ gặp gỡ khuôn mặt những người khác, với sự hiện diện thể lý của họ, với niềm vui hay lây của họ trong một sự tiếp xúc liên tục giữa người với người. Đức tin chân chính vào Con Thiên Chúa  làm người không thể tách rời việc tự hiến, việc là phần tử của cộng đồng, phục vụ, hòa giải với người khác bằng xương bằng thịt. Trong việc nhập thể của mình, Con Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta vào cuộc cách mạng tình yêu”[8]. Chúng ta cần phải nhận ra rằng cách duy nhất là học tập cách gặp gỡ người khác với thái độ đúng đắn, nghĩa là nhận ra và chấp nhận họ như những người đồng hành trong cuộc hành trình, mà không ấm ức trong lòng. Tốt hơn nữa là học để khám phá ra Chúa Giêsu trong khuôn mặt của những người khác, trong tiếng nói của họ và trong yêu cầu của họ. Chúng ta cũng có thể học chịu đau khổ bằng cách ôm chặt lấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh khi chúng ta bị đã kích một cách bất công hay vô ơn, mà không bao giời mệt mỏi chọn tình huynh đệ[9]. Cái nhìn và cách sống này sẽ giúp ta nhận thấy sự chữa lành thật trong tình huynh đệ có Chúa. Chính tình yêu huynh đệ giúp ta nhìn thấy sự thánh thiện của tha nhân, biết cách tìm thấy Thiên Chúa trong mỗi con người, biết chịu đực sự bất tiện của việc chung sống bằng cách bám chặt vào tình yêu của Thiên Chúa, biết mở rộng tình yêu của Thiên Chúa để tìm kiếm hạnh phúc cho tha nhân như Cha của chúng ta đã làm.[10] Ngang qua cái nhìn và cách sống này mà mỗi thành viên trong cộng đoàn có thể hiểu nhau, sống thật với nhau hơn, chứ không phải đóng kịch, phát triển về nhận thức và cách sống của mình, tăng cường sự gắn kết mối tương quan, … Điều quan trọng hơn là mỗi người phải luôn ý thức rằng những cọ xát trong cộng đoàn cũng giúp cho mình tăng trưởng và tân tiến hơn. Những đụng độ giúp tôi luyện mình hơn. Nếu có ai gây khó dễ cho mình, đó cũng là thời cơ để mình lập công trước mặt Chúa. Cộng đoàn có những khó khăn vất vả chính là để giúp thanh luyện ta mỗi ngày nên khiêm nhường, hạ mình, nên thánh hơn. Một cộng đoàn lý tưởng nơi mà ai cũng yêu thương, khiêm tốn, lắng nghe nhau, thấu cảm và sống vị tha.

Cộng đoàn không những là gia đình, là nơi để làm việc, sinh hoạt mà nó còn là một trường học thường huấn. Đây là nơi đem lại nhiều bài học đôi lúc thấy nó nhàm chán, tầm thường, nhưng lại là những bài học vô cùng quý giá, ở nơi đây giúp mỗi thành viên trưởng thành về mọi mặt. Như lời của Đức Thánh Cha vạch ra bốn cột trụ để đào tạo một tu sĩ: “Thiêng liêng, tri thức, cộng đoàn và tông đồ. Ngài mời gọi hãy hội nhập và hãy sống có ảnh hưởng lẫn nhau.”[11] Bốn cột trụ này nó không nằm riêng lẽ nhưng có sự liên kết chặt chẽ bổ túc cho nhau. Nó phải hòa quyện lẫn nhau để đi đến một con người trưởng thành toàn diện. Đời sống thánh hiến là một cuộc đời phải hòa quyện tất cả các phẩm chất, nhân đức và thực hành ấy một cách tròn đầy và trọn vẹn trong Chúa. Để rồi nó sẽ là một giá trị vô cùng cao đẹp và quý giá khi mỗi thành viên luôn ôm lấy tất cả bài học mà mình đón nhận được bằng tình yêu Chúa thì nó sẽ sinh ra hoa trái ngon ngọt mà Thiên Chúa yêu thích.

Matta Nguyễn Thị Tâm (Khấn tạm), FMI


[1] Đời tu hiệp thông cộng đoàn: .(CICL-SAL, đời sống thánh hiến)

[2] The love that is mission_Lm Quirico T. Pedregosa, jr.,op

[3] VC, số 22_Ibid, số 18.

[4] Phanxicô, thông điệp đêm canh thức khai mạc năm đời sống thánh hiến.

[5] Ibid., số 24.

[6] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae caritatis (về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Tu Trì), số 15.

[7] Ibild.

[8] Ibild _ số 88.

[9] Ibild_số 88

[10] Ibild_số 92

[11] Ibild_số 33