Thế đứng trên xe bus

Xe bus hiện là một trong những loại phương tiện đi lại khá phổ biến của người dân thành phố Sài Gòn, đặc biệt là của giới...


Xe bus hiện là một trong những loại phương tiện đi lại khá phổ biến của người dân thành phố Sài Gòn, đặc biệt là của giới học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, có không ít người chưa quen hoặc mới sử dụng loại phương tiện di chuyển bình dân này. Cách đây ít lâu, một người bạn đã kể cho tôi nghe về cảm nhận lần đầu đi xe bus.

  • Đi xe bus mệt ghê!
  • Sao lại mệt?
  • Xe chở đông người, không có chỗ ngồi, phải đứng vịn hai tay vào hai móc dây nên mỏi tay và mệt quá sức!
  • Sao? Vịn hai tay…? Như vậy thì mệt là đúng rồi!

Tôi bất chợt phì cười về lời tâm sự ấy. Quả đúng là với nhiều người mới lần đầu đi xe bus, những khó khăn gặp phải là điều không tránh khỏi. Kinh nghiệm của người đi xe bus lâu năm, “chuyên nghiệp” sẽ dạy cho họ biết phải bắt xe bus ở đâu, xe số mấy, lên xe làm sao, xuống xe thế nào… và cả việc khi không có chỗ ngồi thì phải đứng ở thế làm sao cho vững, giữ được cân bằng mà không phí sức và bị mệt?

Thế đứng trên xe bus làm tôi liên tưởng đến đời sống chung trong cộng đoàn tu trì. Đời sống cộng đoàn do Thiên Chúa kêu gọi và qui tụ nhiều chị em sống chung với nhau. Có nhiều khác biệt về văn hoá, nếp sống, nếp suy nghĩ giữa các chị em. Có những người dễ thương, song đồng thời cũng có nhiều người dễ làm cho người khác bị tổn thương. Thực tế luôn là vậy, vì Thiên Chúa muốn qua đó để thanh luyện những ai muốn nên nghĩa thiết với Ngài trong tình yêu mến. Kinh nghiệm trong đời sống cộng đoàn, có lẽ ta đã từng sống với những người thường xuyên gây khó dễ cho ta, hay làm tổn thương tâm hồn ta. Điều đó cũng giống như những chồng chềnh, lắc lư ta gặp phải khi đi xe bus vậy. Nó cứ âm ỉ từng giây, liên tục làm ta khó chịu, mất cân bằng và thậm chí làm ta chán nản, muốn bỏ cuộc. Ta đã xử lý những tình huống đó như thế nào? Mau chóng tìm cách để thoát khỏi nó. Đợi chờ khi có ai sắp xuống xe là ta lập tức ngồi vào chỗ đó, hoặc nếu không thể chịu nổi lâu hơn nữa thì ta xuống xe, đổi phương tiện di chuyển khác… Trước những tình huống như vậy, có lẽ ít khi ta đối diện, tìm cách để thích nghi mà thay vào đó là thái độ muốn trốn tránh, muốn loại trừ. Đó không phải là một giải pháp tốt và hay nhất, ít ra là vậy. Khi ta đổi chỗ của mình vào chỗ của người khác thì đồng thời cũng sẽ có những người khác thế vào chỗ của ta, chịu những sự khó chịu đó thay cho ta. Khi ta xuống xe để đi một loại phương tiện khác thì cũng chưa chắc hành trình của ta sẽ thuận lợi, êm đẹp hơn. Cuộc sống luôn có những khó khăn và cứ mãi như vậy, dù ta có muốn hay không.

Kinh nghiệm của cá nhân tôi, để có thể đứng cân bằng trên xe bus ta cần có thế đứng và thế dựa. Thế đứng là vị trí của hai bàn chân cũng như lực ta phân phối cho toàn cơ thể. Thế dựa là điểm ta tựa vào, chủ yếu ở vị trí tay hoặc phần hông. Cần chú ý hai điểm đó để tạo cho mình một thế cân bằng. Trong đời sống cộng đoàn cũng vậy, trước những sự phiền hà, khó khăn của chị em tác động, lôi kéo, xô đẩy làm ta chao đảo, mất cân bằng; ta cũng cần có một điểm tựa chắc chắn. Đó là đời sống cầu nguyện, đó là mối tương quan với Thiên Chúa. Kinh nghiệm hay sự cảm nghiệm về tình yêu, sự tha thứ, sự nhẫn nại của Thiên Chủa dành cho chúng ta sẽ giúp chúng ta có được những suy nghĩ và hành động bác ái đối với người khác. Điều mà với tâm tính tự nhiên, với sức tự nhiên của con người, chúng ta không thể nào làm nổi. Thiên Chúa không bao giờ thấy mỏi mệt khi tha thứ cho chúng ta, đến nỗi có ai đó đã nói rằng phạm tội là việc của chúng ta còn tha thứ là việc của Thiên Chúa. Trong cuộc đời, ta đã biết bao lần nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Còn chúng ta, đã bao lần ta tha thứ cho anh chị em? Khi Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, Ngài cũng yêu cầu ta phải biết tha thứ cho người khác hay hơn thế, đó cũng là điều kiện để ta đón nhận được sự tha thứ của Ngài. Trong cách nhìn đó, ta có thể nhận ra rằng sự phiền hà, những rắc rối hay thậm chí những sự xấu, sự ác người khác gây ra cho ta lại trở nên như một cơ hội để ta cảm nghiệm tình yêu, sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho ta cũng như một dịp để ta đón nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa- khi ta cũng biết tha thứ cho tha nhân. Đối với Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những tội nhân. Vậy cho nên chúng ta đừng biến mình trở nên vị quan toà trong tương quan đối với những người khác.

Ta xét đến yếu tố thứ hai, đó là thế đứng. Thế đứng ở đây có thể hiểu là vị trí của ta trong tương quan đối với người khác. Tôi nhìn người chị em đang sống chung quanh tôi dưới lăng kính nào: một người chị, một người em, một người thân… hay chỉ là một người dưng, một người xa lạ. Sự xác định vị trí trong tương quan sẽ quy định nơi chúng ta cách nhìn nhận và hành vi cư xử tương ứng. Một lời nói, một thái độ, một hành vi cư xử thiếu bác ái, yêu thương, tế nhị nếu là của một người dưng đối với tôi sẽ rất khác so với của một người thân đối với tôi. Cùng một hành vi nhưng ở các đối tượng khác nhau ta sẽ đón nhận và phản hồi cách khác nhau. Kế đến, nếu như thế đứng xe bus cần ta tác động một lực phân phối hợp lý cho toàn bộ cơ thể để giữ cân bằng thì trong đời sống cộng đoàn cũng vậy. Ta cũng cần tạo cho cơ thể, cho tâm hồn mình một lực yêu thương đủ để giữ được sự bình an, bình tâm trước những bấp bênh, sóng gió. Khi yêu người ta sẽ đẹp hơn lên trong mắt nhau. Tình yêu có sức lan toả và chuyển hoá, vậy ta cũng hãy yêu nhiều hơn nữa đối với những người chưa sống yêu thương đối với ta.

 

Saobang - Fmi, Học Viện Sg