Bài giảng Thánh Lễ Khấn Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngày 4/8/2018

Dẫn vào thánh lễ: Kính thưa cộng đoàn, Cùng hiệp dâng thánh lễ hôm nay, cộng đoàn chúng ta sốt sắng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và chia sẻ...


Dẫn vào thánh lễ:

Kính thưa cộng đoàn,

Cùng hiệp dâng thánh lễ hôm nay, cộng đoàn chúng ta sốt sắng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và chia sẻ niềm vui với Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, trong dịp mừng Kim khánh, 50 năm khấn dòng của 6 chị em, và Ngân khánh 25 năm khấn dòng của 05 chị em khác.

Ngoài ra Hội Dòng còn hân hoan đón nhận 18 chị em khấn trọn đời, quyết tâm quảng đại sống đời thánh hiến để phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội.

 Đây cũng là một niềm vui chung của Giáo Phận và cách riêng của Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Huế vì luôn có những tâm hồn quảng đại muốn theo sát Đức Kytô để thuộc trọn về Chúa, ngay trong một xã hội trần tục hoá như hôm nay.

Xin cảm ơn quý phụ huynh và gia đình của các khấn sinh đã hy sinh quảng đại hiến dâng con cái mình cho Chúa và Giáo Hội. Xin Chúa thương chúc lành và bù đắp cho anh chị em muôn vàn ân huệ khác. Xin anh chị em tiếp tục đồng hành với con cái mình bằng lời cầu nguyện và hy sinh mỗi ngày, để các chị luôn trung thành sắt son với lời tuyên khấn hôm nay.

Chúng ta sốt sằng cầu nguyện cho quí chị được luôn vui tươi sống tâm tình hiến dâng, mãi mãi ở lại trong tình yêu của Chúa và quảng đại phục vụ mọi người.

Chia sẻ Lời Chúa: (Mt 11,25-30)

Bản chất của Đời Thánh Hiến

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Trong chương trình đời đời của Thiên Chúa, Ngài đã tạo dựng nên con người có nam có nữ. Và theo định luật thông thường, người nam và người nữ sẽ kết hợp với nhau bằng khế ước hôn nhân, thành lập một gia đình, để truyền sinh và giáo dục con cái.

Ngoài luật chung đó, Đức Giêsu, khi đến trần gian nầy, Ngài đã mời gọi một số người chọn lựa  đời sống độc thân tự nguyện vì Nước Trời: nghĩa là không phải vì duyên phận hẩm hiu, không tìm được người bạn đời, nhưng vì tình yêu Đức Kytô và vì Nước Trời, họ tự do và ý thức lựa chọn đời sống độc thân, phục vụ Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn.

Để phục vụ một các hữu hiệu và trọn vẹn, họ còn muốn theo sát Đức Kytô bằng cách tuyên khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh khó nghèo và vâng phục  trong sống đời thánh hiến. Giáo Hội gọi họ là các tu sĩ.

Vậy bản chất của đời thánh hiến là gì?

Để trả lời câu hỏi nầy, chúng ta cần xem lại một tài liệu quan trọng và căn bản, đó là “Tông Huấn đời thánh hiến” của Đức Thánh GH Gioan Phaolô II, ban hành năm 1996.

1- Đời thánh hiến là một quà tặng của Thiên Chúa cho Giáo Hội.

Trong Tông huấn “Đời thánh hiến” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Đời sống thánh hiến là một món quà của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội”(số 1). Ơn gọi sống đời thánh hiến là một sáng kiến phát xuất từ tình thương của Thiên Chúa, chứ không phải là một chọn lựa của con người, như Chúa Giêsu đã nói: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con".

Ngài trao cho Giáo Hội món quà đó để tô điểm cho bộ mặt của Giáo Hội thêm dễ thương hơn, đẹp đẽ hơn, quyến rủ hơn và sinh động hơn. Vì thế, Thượng Hội Đồng tuyên bố: "ĐTH không chỉ đóng một vai trò trợ lực và là cột trụ cho Giáo Hội trong quá khứ, mà còn là một quà tặng quí giá và cần thiết cho hiện tại và tương lai của Dân Chúa...ĐTH không phải là một thực tại lạc lõng ngoài lề mà liên quan đến toàn thể Giáo Hội" (3)

Trước những lời chỉ trích, tấn công và phi bác đời sống thánh hiến, Đức Thánh Cha nói tiếp: "Giáo Hội tuyệt đối không thể từ bỏ ĐTH, bởi vì đời sống nầy diển tả cách hùng hồn bản chất "hiền thê" sâu xa của Giáo Hội"(105).

Vì là một ân huệ nhưng không do Thiên Chúa ban tặng, nên tông huấn mời gọi tất cả chúng ta cùng nhau dâng lời cảm tạ Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã làm: “Lạy Cha, Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không tỏ cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều ấy, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”.(Mt 11,25)

 2- Đời Thánh Hiến là một công trình của Chúa Thánh Thần.

Giáo Hội ý thức mạnh mẽ rằng, Chúa Thánh Thần là tác giả duy nhất của Đời Thánh Hiến Tông huấn viết:" Làm sao không nhắc đến với lòng biết ơn đối với Chúa Thánh Thần, về vô số những hình thức Đời Thánh Hiến mà Ngài đã khơi dậy trong lịch sử và ngày nay còn hiện diện trong cơ cấu của Giáo Hội.(5).

Nói khác đi, nếu không có sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần thì sẽ không có những tâm hồn yêu thích và dấn thân sống Đời Thánh Hiến trong Giáo Hội.

Vào thời đại của chúng ta, người ta thường chỉ trích và bài bác Đời Thánh Hiến. Họ bảo rằng Đời Thánh Hiến đã lỗi thời rồi, lạc hậu rồi, nên hôm nay không còn đủ sức thu hút giới trẻ nữa.

Nhưng không đúng, các nghị phụ vẫn xác tín rằng bản chất của Đời Thánh Hiến không hề thay đổi, do đó không bao giờ lỗi thời. Tông huấn viết: "Mặc dầu thế giới đổi thay và đời sống thánh hiến có nhiều hình thức khác nhau, nhưng không hề có sự thay đổi về bản chất của sự lựa chọn, được biểu lộ trong sự triệt để hiến thân vì tình yêu Chúa Giêsu”  (số 3).

Như vậy, bản chất của Đời Thánh Hiến không lỗi thời vì nó được xây dựng trên các đức tính của Chúa Giêsu, mà vì Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là một, không đổi thay. Có lỗi thời chăng là cách giáo dục, đào tạo, huấn luyện của con người mà thôi.

3- Đời thánh hiến là dấu chỉ Nước Trời

Cũng như Thiên Chúa vô hình, nhưng các tạo vật của Ngài là những thực tại hữu hình, nhờ đó con người nhận ra Ngài hiện diện trong vũ trụ nầy. Cũng thế Đời Thánh Hiến của những con người dâng mình cho Chúa cũng trở thành dấu chỉ Nước Thiên Chúa. Tông huấn viết:" Nhiệm vụ đầu tiên của Đời Thánh Hiến là làm cho thấy được những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện trong bản tính nhân loại yếu đuối của những con người được chọn gọi. Hơn vạn lời nói, các tu sĩ làm chứng về những điều kỳ diệu bằng thứ ngôn ngữ là chính cuộc sống đã được biến đổi, có khả năng làm thế gian ngạc nhiên... Như thế, Đời Thánh Hiến trở nên một trong những dấu chỉ mà Thiên Chúa Ba Ngôi để lại trong lịch sử, hầu cho mọi người có thể nhận ra sức thu hút và vẻ kiều diễm của Thiên Chúa" ( 20)

Dấu chỉ đó được thể hiện một cách cụ thể qua ba lời khấn dòng: trinh khiết, khó nghèo và vâng phục.

Đức trinh khiết của Đời Thánh Hiến biểu lộ sự dâng hiến của một con tim không san sẻ cho Thiên Chúa. Công Đồng Vatican II, trong sắc lệnh dòng tu đã nói: "Đức trinh khiết là dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời, cũng là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên Chúa và làm việc tông đồ" (DT,12)

Với Đức khó nghèo, người tu sĩ tuyên xưng Thiên Chúa là gia nghiệp duy nhất đích thực của đời mình. Tự nguyện sống khó nghèo theo gương Chúa Giêsu là dấu chứng rằng giàu sang tiền bạc không phải là cùng đích của đời người và không thể mang đến hạnh phúc đích thực cho con người.

Qua Đức vâng phục, theo gương Chúa Giêsu, Đấng lấy việc thi hành thánh ý Chúa Cha làm lương thực cho mình, người tu sĩ biểu lộ vẻ đẹp thanh thoát, từ bỏ ý riêng để đón nhận thánh ý Thiên Chúa, trong tình con thảo, chứ không phải trong tinh thần nô lệ.

Cuối cùng Đời Thánh Hiến còn là dấu chỉ cánh chung của Nước Trời, loan báo cho mọi người Thiên Chúa sắp đến. Trong một xã hội mà đa số con người mãi vùi đầu vào công ăn việc làm, mãi bận rộn với miếng cơm manh áo, chạy theo những nhu cầu vật chất, tìm thoả mản và hưởng thụ, thì sự hiện diện của người tu sĩ là một nhắc nhở cho họ nhớ rằng họ đang là lữ khách, đang đi về nhà Cha trên trời.

4- Các chị mừng Kim khánh và Ngân khánh khấn dòng thân mến,

Năm mươi năm hay hai mươi lăm năm khấn dòng là một hồng ân lớn, là một thời gian dài đủ để quý chị cảm nghiệm một cách sâu sắc tình yêu của Chúa đã dành cho quý chị, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để quý chị nhìn lại những yếu hèn thiếu sót trong cuộc đời dâng hiến, để tạ tội và xin ơn tha thứ. Kính chúc quý chị luôn làm mới lại lời giao ước tình yêu mỗi ngày và luôn sống trong bình an và hạnh phúc, phó thác và tin yêu, trở thành chứng nhân sống động cho đàn em trong Hội Dòng đang nối gót các chị trong  đời sống dâng hiến.

5- Các khấn sinh thân mến,

Chúng con đang đối diện với ơn gọi Đời Thánh Hiến như là một món quà của Thiên Chúa, như là một công trình của Chúa Thánh thần, chúng con đang được mời gọi trở nên dấu chỉ cho mọi người thấy và hiểu nước trời. Nhưng chúng con cũng đừng quên rằng Đời Thánh Hiến sẽ đòi hỏi chúng con rất nhiều hy sinh, từ bỏ, tiết chế, hay nói rỏ hơn chết đi mỗi ngày cho con người củ, để mặc lấy con người mới của Chúa Giêsu. Chúa biết điều đó, nên mới lên tiếng khích lệ, ủi an: “Tất cả những ai đang vất vã mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.(Mt 11,28)

Để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, người tu sĩ được mời gọi :“Anh em hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học với Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29)

Trong những năm tháng ở trong nhà Chúa, chúng con đã tìm hiểu, đã  học hỏi để biết rất rõ những đòi hỏi của ĐTH, một đòi hỏi không khoan nhượng của Đức Kytô: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình đi, vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta". (Lc 9,24). Giờ đây với tất cả tự do và ý thức sáng suốt, chúng con quyết định lựa chọn bước theo sát Đức Kytô sống khó nghèo, luôn tuân phục và hiến dâng cho Ngài một tâm hồn và thân xác trinh trong.

Chọn lựa là hy sinh, là từ bỏ. Chọn lựa nào cũng đòi hỏi phải trả bằng một cái giá thật đắt: Khi chọn đời sống thánh hiến, chúng con phải từ bỏ quyền sở hữu và sử dụng của cải tiền bạc theo ý riêng, đặt tự do của mình dưới ý muốn của Bề trên và sống trinh khiết vì nước trời.

Sức con người xem ra bất lực trước những đòi hỏi đó, lo sợ trước gánh nặng đó, nhưng tình yêu Đức Kytô sẽ giúp chúng con đón nhận trong an bình và trung thành với lựa chọn nầy, vì ách của Chúa thì êm ái và gánh của Chúa thì nhẹ nhàng cho những ai yêu mến Ngài.

Xin Mẹ Maria Vô Nhiễm, mẫu gương tuyệt vời của ĐTH, đồng hành với chúng con và giúp chúng con trung thành với lời giao ước tình yêu mà chúng con sẽ làm hôm nay. Amen.

Bài giảng của ĐTGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng